Triển vọng nền kinh tế Nga: Cái khó không bó được cái khôn

Thứ Năm, 28/01/2016, 11:20
Ngày 24-1-2016, Nga thông báo mức độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 giảm 3,7% so với năm trước. Trong khi chính quyền Moscow cho đây là do giá dầu giảm mạnh thì các nước phương Tây lại cho đó là sự “thấm đòn” trừng phạt của họ. Đâu là nguyên nhân chính và triển vọng kinh tế Nga trong năm nay ra sao?


Thanh khoản vững vàng, không lạm phát

Cơ quan Thống kê Nga dẫn các số liệu sơ bộ ngày 24-1 cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 3,7% trong năm 2015, trong bối cảnh nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng của Nga bị chao đảo bởi giá dầu xuống thấp, các lệnh trừng phạt của phương Tây và đồng nội tệ rớt giá. Con số này phù hợp với ước tính trước đó của Bộ Kinh tế Nga, được nêu trong phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin tại buổi họp báo thường niên vào tháng 12-2015.

Trước tình hình này, Điện Kremlin đã lập kế hoạch chống khủng hoảng. Theo kế hoạch, Moscow sẽ chi 135 tỷ rúp để hỗ trợ các ngành đường sắt, sản xuất máy móc nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và xây dựng. Riêng ngành công nghiệp ôtô Nga sẽ được nhận ít nhất 50 tỷ rúp, tương đương 640 triệu USD.

Hiện Điện Kremlin còn đang tính toán xem sẽ hỗ trợ thêm các ngành nào và bao nhiêu tiền. Ngoài ra, có khả năng chính quyền sẽ chi thêm 340 tỷ rúp, tương đương 4,35 tỷ USD, cho các chương trình tạo công ăn việc làm và giữ giá các mặt hàng trọng yếu như thuốc men.

Việc giảm tăng trưởng của kinh tế Nga trong năm qua là điều khó tránh khỏi. 55% nguồn thu ngân sách của Nga phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Từ hơn một năm qua, giá dầu từ hơn 1.000USD/thùng giờ xuống quanh mức 30 USD, thậm chí 28 USD.

Cũng từ hơn một năm qua, Nga bị châu Âu và Mỹ bao vây cấm vận kinh tế khiến đồng tiền Nga mất giá thê thảm. Từ đầu tháng 1-2016, đồng tiền này đã mất giá 20%, thậm chí có lúc tiến sát ngưỡng tâm lý quan trọng 100 rúp đổi 1 USD. Vài ngày gần đây, đồng rúp có hồi phục phần nào, nhưng vẫn yếu hơn khoảng 2,5 lần so với thời điểm 2 năm trước đây.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron (phải) và người đồng cấp Nga Elexei Ulyukayev trong cuộc gặp tại Moscow.

Không chỉ có các nước Âu-Mỹ, các đồng minh của họ cũng tham gia vào cuộc chơi "bóp nghẹt" kinh tế Nga như Nhật Bản, Ukraine... Gần đây, leo thang căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến kinh tế Nga thêm phần ảnh hưởng. Truyền thông phương Tây bắt đầu nói rằng, "ngày càng có nhiều người Nga sống trong cảnh nghèo đói".

CNN ngày 24-1 đưa tin "các thống kê chính thức cho biết 20 triệu người Nga, tương đương 14% dân số, đang sống trong nghèo đói, tăng 4 triệu người so với năm 2014".

Quả đúng có chuyện kinh tế Nga gặp khó khăn nhưng chính khách nước này khẳng định điều đó không bắt nguồn từ các biện pháp bao vây cấm vận của phương Tây mà vì giá dầu giảm. Đây là điều được nhiều quan chức Nga khẳng định trong thời gian qua.

Để đảm bảo nguồn thu do giá dầu giảm, trong năm 2015, Nga tăng số lượng dầu xuất khẩu. Ví dụ, trong quý 1-2015, xuất khẩu dầu thô của Nga đã tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất trong ít nhất 9 năm qua. Tháng 11-2015, sản lượng dầu thô của Nga tiếp tục đạt mức kỷ lục thời hậu Xôviết. Sản lượng dầu thô và khí đốt trong tháng 11-2015 bình quân đạt 10,779 triệu thùng/ngày, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Văn phòng CDU-TEK thuộc Bộ Năng lượng Nga. Đây không phải là cách hay nhưng là cách chống chế hữu hiệu trong bối cảnh nước Nga đang phải đối mặt với nhiều thử thách về kinh tế và sức ép quốc tế.

Sức bền của nền kinh tế Nga đã được thử thách trong hơn một năm qua theo cách trên và đang tiếp tục thể hiện một cách đáng kinh ngạc. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Finanz und Wirtschaft (Đức) mới đây, chuyên gia phân tích của Ngân hàng Barrins, Matthias Ziller nhận định sự bình tĩnh của Nga là hoàn toàn có cơ sở.

Thứ nhất, không có mối đe dọa nào về khả năng thanh toán của nhà nước. Trong bối cảnh tất cả những bất đồng chính trị với phương Tây và những biện pháp trừng phạt chống Nga, đất nước này đã chứng minh rằng kinh tế của họ không thể bị đánh chìm.

Thứ hai, bất chấp sự mất giá của đồng rúp, ở Nga  không quan sát thấy tình trạng bùng nổ lạm phát. Bên cạnh đó, đất nước này trên thực tế đang được hưởng lợi từ giá dầu thấp vì mức độ tự cung tự cấp trong nước đã tăng lên đáng kể. Ngoài ra, theo nhận định của ông Ziller, ở thời điểm này Nga không có nhu cầu cấp thiết đối với các khoản đầu tư nước ngoài do nguồn vốn chính của đất nước đã đạt đến mức độ cao khá đủ.

"Tiền không phải là vấn đề quan trọng nhất đối với người dân chúng tôi, đất nước quan trọng hơn"

Trong phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Phó Thủ tướng Nga Yury Trutnev cho biết, giới lãnh đạo Nga kỳ vọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2016 bất chấp khủng hoảng. Phó Thủ tướng Trutnev tuyên bố: "Chúng tôi mong đợi sự tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm nay, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế. Chúng tôi đang trong cuộc đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp, thảo luận các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế".

Theo ông, 10 năm vừa qua là những năm rất thành công đối với kinh tế Nga và cho phép tích lũy những khoản dự trữ trong nền kinh tế. Còn bây giờ nhiều điều kiện đã thay đổi: giá dầu thấp, đồng rúp suy yếu so với các ngoại tệ thế giới trong khi lãi suất, ngược lại, lại tăng cao. "Chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ có thể vượt qua thành công giai đoạn khó khăn này" - ông Trutnev nhấn mạnh.

Ông chỉ ra rằng sự suy yếu của đồng rúp một phần sẽ tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu của Nga, chẳng hạn như trong việc cung cấp các mặt hàng công nghiệp và thực phẩm đến Trung Quốc.

Đồng nội tệ Nga đã mất giá thảm hại hồi cuối năm qua.

Tín hiệu lạc quan về kinh tế Nga trong năm tới vừa được trang mạng chuyên về tài chính của Mỹ, Bloomberg, đánh giá trong bảng xếp hạng các nước có nền kinh tế ứng nghiệm sáng tạo nhất. Trong công bố ngày 20-1, Bloomberg cho biết Nga đứng ở vị trí 12, vượt hơn các nước như Áo, Anh, Trung Quốc, Bỉ và Hà Lan.

Có 7 tiêu chí đánh giá theo bảng xếp hạng này.  Các nước đua tranh với nhau trong công suất, hiệu quả hoạt động nghiên cứu-khoa học của các trung tâm, độ kết tinh của công trình nghiên cứu, số lượng phát minh-sáng chế được đăng ký, kinh phí cho ứng nghiệm, mật độ các công ty công nghệ cao và giá trị gia tăng sản xuất.

Nga đã bước vào Top 15 của bảng xếp hạng nhờ kết quả dẫn đầu trong kết tinh nghiên cứu, đạt 27 điểm. Thủ lĩnh bảng xếp hạng theo tổng số điểm là Hàn Quốc, đứng thứ hai về hiệu quả hoạt động khoa học, mật độ các công ty công nghệ cao và số bằng sáng chế, thứ sáu về kết tinh các nghiên cứu. Tuy nhiên, những truyền thống phương Đông của xã hội của Hàn Quốc có thể ngăn cản nước này trụ vững ở đỉnh cao của bảng xếp hạng, các chuyên viên phân tích của Bloomberg nhận xét.

Một đánh giá khác về nước Nga. Ngày 20-1, tạp chí US News & World Report (UNWR) của Mỹ xếp hạng Nga đứng thứ 2, sau Mỹ và đứng trên Trung Quốc trong danh sách Các quốc gia mạnh nhất thế giới. Tiêu chí đánh giá sức mạnh quốc gia là ảnh hưởng về mặt kinh tế, ảnh hưởng về chính trị, liên minh quốc tế và liên minh quân sự mạnh mẽ.

Cần phải nhắc lại lời tuyên bố của Phó Thủ tướng Yury Trutnev tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos mới thấy được vì sao người dân Nga lại có những thước đo giá trị khác. "Tiền không phải là vấn đề quan trọng nhất đối với người dân chúng tôi, đất nước quan trọng hơn. Đó là lý do tại sao Chính phủ Nga luôn nhận được sự ủng hộ cao nhất. Mọi người dân đều hiểu điều đó" - ông Trutnev nhấn mạnh.

Trong một diễn biến liên quan. Phát biểu trước giới doanh nghiệp Pháp trước khi sang thăm Nga, ngày 24-1, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron cam đoan rằng "mục tiêu của chúng tôi là có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận Nga vào mùa hè tới vì thỏa thuận hòa bình đang được tôn trọng".

Thỏa thuận mà ông Macron nói tới là những cam kết giữa chính quyền Kiev với các phe ở miền Đông Ukraine được ký hồi đầu năm 2015 tại Minsk nhằm chấm dứt xung đột tại miền Đông nước này. Bộ trưởng Pháp không nói rõ liệu việc dỡ bỏ lệnh cấm vận với Nga là riêng về phần châu Âu hay có cả Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết Mỹ cũng đang muốn thôi trừng phạt Nga.

Phát biểu tại Diễn dàn Davos hôm 22-1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Washington có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận Nga trong "những tháng tới" với điều kiện là các bên liên quan cùng nỗ lực và thiện chí thực thi Thỏa thuận Minsk. Ngày 25-1, ông Rerry cho biết thêm Pháp sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với Nga bất chấp những trừng phạt EU đang áp lên Moscow.

Sau khi đối thoại với người đồng cấp Nga Alexei Ulyukayev, ông Macron khẳng định: "Sẽ rất quan trọng để hai nền kinh tế chúng ta tăng cường quan hệ hợp tác và tiến về phía trước một cách thực tiễn".

Kể từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine đến nay, EU đã hai lần gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga, trong đó lần gia hạn mới nhất hồi cuối năm 2015, EU đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga thêm 6 tháng (đến 31-6 tới) khi cho rằng Thỏa thuận hòa bình Minsk chưa được thực thi một cách toàn diện. Đáp lại, Nga cũng đã gia hạn các lệnh cấm nhập khẩu lương thực - thực phẩm và nhiều mặt hàng khác từ các nước thành viên EU đến giữa năm 2016.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.