Triều Tiên dựa vào đâu để đương đầu cấm vận?

Thứ Hai, 07/08/2017, 10:15
Trong bối cảnh Mỹ và Liên Hiệp Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp siết chặt trừng phạt kinh tế, CHDCND Triều Tiên vẫn thản nhiên như không, vẫn có nguồn lực để theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo và nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng dựa vào đâu để có thể ung dung đương đầu với cấm vận như thế?

Cuối tháng 7-2017 vừa qua, hãng tin AP trích nguồn báo cáo của LHQ và Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, bất chấp các biện pháp cấm vận của LHQ và Mỹ, trên thế giới hiện vẫn có đến 16 quốc gia trải từ Trung Đông cho đến Trung và Nam châu Phi thường xuyên tạo điều kiện để người Triều Tiên đến lao động, làm ăn buôn bán, hoạt động dịch vụ, từ đó tạo nguồn ngoại hối gửi về nước phục vụ cho các mục tiêu quốc gia.

Trong số này, Nga và Trung Quốc được xem là hai thị trường lao động chính, có nguồn việc làm dồi dào cung cấp cho người Triều Tiên. Tại Nga, người Triều Tiên chủ yếu đến để làm việc trong các công trình xây dựng và ngành khai thác gỗ ở vùng Siberia và Viễn Đông.

Còn Trung Quốc, dù dân số đông, nguồn lao động dồi dào, nhưng nước này vẫn là trung tâm đầu mối việc làm lớn nhất của lao động Triều Tiên. Hàng ngàn người Triều Tiên đã đến đây để làm việc trong nhiều ngành khác nhau. Trung Quốc cũng là nơi có nhiều nhà hàng của người Triều Tiên ở nước ngoài vốn được xem là nguồn cung cấp tài chính “cứng” cho Bình Nhưỡng.

Ngoài Nga và Trung Quốc, các quốc gia Vùng Vịnh, đặc biệt là các nước hiện đang là đồng minh của Mỹ, đang nổi lên như những thiên đường mới cho lao động Triều Tiên đến làm làm việc và hoạt động kinh doanh, kiếm tiền.

Theo LHQ và các chuyên gia quốc tế, các quốc gia Vùng Vịnh ưa chuộng lao động Triều Tiên bởi vì họ đến với số lượng vừa đủ, không quá nhiều và ồ ạt, và mặc dù làm việc trong điều kiện nguy hiểm, thường xuyên bị ngược đãi, bóc lột nặng nề, nhưng họ không có xu hướng bỏ trốn như công nhân nhiều nước khác.

Theo thống kê của LHQ, các quốc gia Vùng Vịnh hiện đang chứa khoảng 6.000 lao động Triều Tiên, trong đó khoảng 2.500 người ở Kuwait, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) chứa khoảng 1.500 và 2.000 người làm việc trong các dự án World Cup 2022 ở Qatar. Sắp tới, khoảng 1.000 công nhân Triều Tiên nữa dự kiến sẽ được đưa đến làm việc tại các quốc gia Vùng Vịnh.

Đa số lao động Triều Tiên làm việc với mức lương khá thấp, khoảng 1.000 USD/tháng, một nửa số đó chuyển về cho Chính phủ CHDCND Triều Tiên, 300 USD đi vào túi các quản lý của công ty xây dựng, còn lại chỉ 200 USD để người lao động Triều Tiên sống trọn cả tháng làm việc. Một báo cáo năm 2015 của LHQ cho biết, khoảng 50.000 lao động Triều Tiên làm việc thường xuyên ở nước ngoài mang về cho Bình Nhưỡng nguồn thu ngoại hối mỗi năm từ 1,2 tỉ đến 2,3 tỉ USD.

Các chuyên gia cho biết, một bộ phận lao động Triều Tiên làm việc cho các công ty do quân đội Triều Tiên kiểm soát, vì thế họ chỉ làm việc vào ban đêm để tránh tiếp xúc với thế giới bên ngoài, đặc biệt là các công nhân Hàn Quốc, vì sợ rằng việc tiếp xúc với công nhân Hàn Quốc có thể dẫn đến dao động tư tưởng và công nhân Triều Tiên bị kích động đào tẩu. Trong quá khứ đã từng xảy ra một số trường hợp đào tẩu như thế cho nên chính quyền Triều Tiên rất quan tâm giám sát các công nhân làm việc ở nước ngoài.

Người lao động Triều Tiên làm việc tại một công trình xây dựng ở Mesaieed, phía Nam Doha, Qatar.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho lao động Triều Tiên đến làm việc, các quốc gia Vùng Vịnh còn giao dịch buôn bán với CHDCND Triều Tiên nhiều lĩnh vực mặt hàng khác nhau. Chẳng hạn, một công ty của Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) vừa bị chính quyền Mỹ cáo buộc tìm cách thương lượng mua vũ khí của CHDCND Triều Tiên trị giá khoảng 100 triệu USD; quốc gia này trước đây từng là khách hàng mua tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Lao động Triều Tiên hiện cũng tham gia làm việc trong công trình mở rộng Căn cứ không quân Al-Dhafra, một trong những căn cứ quân sự lớn của UAE và là nơi đóng quân của 5.000 quân Mỹ tại nước này. Đồng thời, UAE hiện cũng đang có tham vọng xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 20 tỉ USD theo công nghệ Hàn Quốc, vì thế quốc gia này có thể rơi vào thế khó xử vì “bắt cá hai tay”.

Đã từng có một lịch sử quan hệ hợp tác phức tạp giữa các quốc gia Vùng Vịnh với CHDCND Triều Tiên. Mối quan hệ đó đã có từ cách đây khoảng 50 năm, với việc CHDCND Triều Tiên hỗ trợ huấn luyện cho các du kích quân cánh tả ở vùng Dhobar của Oman trong thập niên 60 thế kỷ XX. Tiếp sau đó là những hoạt động hỗ trợ quân sự bí mật.

Năm 2009, chính quyền UAE đã chặn bắt được một chuyến tàu chở trái pháo và nhiều loại vũ khí khác trên đường đến Iran. Vào cuối thập niên 80, Bình Nhưỡng bắt đầu bán các tên lửa đạn đạo Scud do Liên Xô thiết kế. Khách hàng của Bình Nhưỡng trong các thương vụ này bao gồm Iran và Yemen và nhiều quốc gia khác.

Không chỉ có lao động làm việc trên các công trình xây dựng hay trong các khu nhà xưởng, người Triều Tiên còn hiện diện ở Vùng Vịnh với các dịch vụ vui chơi, giải trí, phục vụ cho giới giàu có hưởng thụ cuộc sống về đêm. Về khoản này, UAE có đến 3 nhà hàng Triều Tiên (trong tổng số 130 nhà hàng Triều Tiên khắp thế giới của Bình Nhưỡng).

Tuy nhiên, những nhà hàng này hiện đang rất vắng khách. Lý do, khách hàng của các nhà hàng Triều Tiên chủ yếu là người Hàn Quốc, nhưng từ khi CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân hồi tháng 1-2016 và những vụ thử tiếp theo trong năm 2017, Seoul đã khuyến cáo công dân mình không đến “ủng hộ” các nhà hàng Triều Tiên như một cách để “trừng phạt” Bình Nhưỡng.

Mỹ không phải không biết đến tình hình người Triều Tiên có mặt tại các quốc gia đồng minh trong Vùng Vịnh. Nước này hiện đang thúc giục các đối tác Vùng Vịnh hạn chế việc tiếp nhận người Triều Tiên đến vì bất cứ lý do gì. Và Quốc hội Mỹ cũng vừa thông qua một đạo luật, trong đó quy định hạn chế sử dụng lao động người Triều Tiên ở nước ngoài.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.