Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa: Khe cửa hẹp liệu có đóng lại?

Thứ Năm, 04/05/2017, 10:50
Tình hình Bán đảo Triều Tiên tiếp tục phức tạp theo xu thế tăng nhiệt nguy hiểm. Đã le lói những hy vọng, nhưng các bên chưa thể vượt qua nghi kỵ. Tiến trình hòa bình sở dĩ vẫn “giậm chân tại chỗ” bởi thay vì “tiếng nói” đối thoại thì đó là tiếng súng, tiếng pháo từ các cuộc tập trận bắn đạn thật, thử tên lửa đan xen với những tuyên bố cứng rắn... liên miên không dứt. Khe cửa đã mở hé, nó sẵn sàng đóng lại bất cứ lúc nào.

Thử tên lửa và giới hạn “sự kiên nhẫn”

Rạng sáng 29-4, các nguồn tin quân sự Mỹ và Hàn Quốc cho biết Triều Tiên tiến hành thử một tên lửa đạn đạo từ một địa điểm ở phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng, song vụ thử đã thất bại. Vụ thử tên lửa trên của Triều Tiên diễn ra chỉ 4 ngày sau khi Mỹ cũng có 2 cuộc tập trận bắn đạn thật với Hàn Quốc và tập trận không quân với Nhật Bản.

Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, tên lửa Triều Tiên dường như đã nổ tung chỉ vài giây sau khi rời bệ phóng. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) hiện vẫn đang phân tích tình hình, đồng thời khẳng định quân đội Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ về khả năng Triều Tiên tiếp tục có hành động khiêu khích và Seoul sẽ duy trì thế phòng thủ.

Giới chức quốc phòng Mỹ cho rằng nhiều khả năng tên lửa đạn đạo Triều Tiên vừa sử dụng là tên lửa tầm trung KN-17, được phóng đi từ bãi thử Bukchang, bay khoảng 30-40 km trước khi rơi xuống vùng biển ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên. Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của quân đội Mỹ xác nhận Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo, nhưng tên lửa này không vượt ra ngoài lãnh thổ Triều Tiên và không gây ra mối đe dọa tới Bắc Mỹ.

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: GMA Network.

Trong một tuyên bố mới nhất, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đẩy nhanh kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng. Trao đổi với hãng tin Anh Reuters ngày 29-4, một quan chức Mỹ giấu tên nhận định với việc Triều Tiên có những động thái mang tính thách thức bất chấp sức ép từ phía Mỹ và Trung Quốc, cũng như cộng đồng quốc tế, Washington có thể sẽ tiến hành các cuộc diễn tập hải quân mới và triển khai thêm tàu và máy bay tại khu vực xung quanh Bán đảo Triều Tiên nhằm phô diễn sức mạnh.

Ngoài ra, quan chức trên cũng để ngỏ khả năng Mỹ sẽ xúc tiến việc đưa ra một gói các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên trong những ngày tới, trong đó có thể nhằm vào các thể chế tài chính và các công ty “bình phong” ở nhiều quốc gia.

Đáp lại tuyên bố từ Mỹ, Triều Tiên cũng đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ. Một quan chức Chính phủ Triều Tiên đã đưa ra tuyên bố rằng các cuộc thử nghiệm hạt nhân ở Triều Tiên sẽ “không bao giờ ngừng lại” chừng nào Mỹ tiếp tục có “động thái gây hấn”. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm có với CNN, ông Sok Chol-won không tiết lộ thời điểm Triều Tiên sẽ tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 song ông khẳng định hoạt động này sẽ không phụ thuộc vào những sự kiện bên ngoài.

Lời tuyên bố trên diễn ra sau cuộc tập trận pháo binh lớn chưa từng có tại Triều Tiên và việc Mỹ tập kết hàng loạt vũ khí chiến lược, bao gồm cả tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân tối tân với hàng trăm quả tên lửa hành trình Tomahawk và hệ thống THAAD xung quanh Bán đảo Triều Tiên.

Các chuyên gia nhận định, cho dù khả năng tấn công Triều Tiên của Mỹ và đồng minh ở thời điểm hiện tại là thấp, do không thể lường hết hậu quả, song, không gì là không thể xảy ra một khi những lằn ranh “đỏ” bị một bên “bước qua”. The New York Times đăng bài phân tích của Mark Landler nhận định, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên giữa Washington và Bình Nhưỡng khó có thể diễn biến thành chiến tranh trong bối cảnh hiện nay.

Những hành động quân sự của Mỹ gần đây trên Bán đảo Triều Tiên như điều tàu ngầm USS Michigan, cụm tàu sân bay USS Carl Vinson tới gần bán đảo tập trận, cũng chỉ để “nắn gân” phía Triều Tiên là chính, không phải để tấn công phủ đầu. Hơn nữa, cả hai phía đều không cho thấy sự chuẩn bị nào cho chiến tranh.

Theo phân tích của nguồn tin trên, thời điểm bắn thử quả tên lửa hôm 29/4 là tròn 100 ngày ông Donald Trump lên cầm quyền cũng là ý đồ từ Triều Tiên. Nếu đã thử tên lửa thì chưa chắc Tiều Tiên đã thử hạt nhân lần thứ 6 trong thời gian tới. Việc “vô tình”, hoặc “hữu ý” 2 lần bắn tên lửa “xịt” vào ngày 16-4 và 29/4 cho thấy có những “bí ẩn” do Triều Tiên cố tình tạo ra. Các chuyên gia nhận định, 2 quả tên lửa “nổ có chủ định” của Triều Tiên hôm 16-4 và 29-4 rất có thể là đòn thăm dò, là cách Triều Tiên thử phản ứng thực sự của Trung Quốc và Mỹ.

Theo các chuyên gia, nếu không cho nổ 2 quả tên lửa đạn đạo ngay khi rời bệ phóng hôm 16-4, 29-4 và 2 quả tên lửa này bắn trúng mục tiêu giả định, cục diện Bán đảo Triều Tiên sẽ đi đâu về đâu? Triều Tiên cũng quá hiểu giới hạn khi họ dồn Trung - Mỹ vào chỗ không đánh không được.

Tàu USS E.Meyer của Mỹ tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật với Hàn Quốc. Ảnh: The Virginian-Pilot.

Vũ khí ngoại giao

Ngay sau vụ thử tên lửa ngày 29-4 của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều quan chức Hàn Quốc, Nhật Bản đã lên tiếng phản ứng. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc lên án “hành động khiêu khích” từ phía Triều Tiên, nhấn mạnh đây là một sự vi phạm “rõ ràng” các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ). Liên quan tới vụ việc Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên tiếng hối thúc Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong việc kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Về phần mình, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng, sự tiếp cận từ cả hai phía là nhằm thúc đẩy tiến bộ song song trong việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cũng như thiết lập một cơ chế hòa bình theo cách đồng bộ, có đi có lại, cuối cùng sẽ đạt được cả hai mục tiêu. Ngoại trưởng Trung Quốc đã tái khẳng định sự cần thiết phải giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua đối thoại, theo đó ông kêu gọi nối lại đàm phán 6 bên.

Trong một sách lược mới, Tổng thống Mỹ đã bước đi bất ngờ trên chiến trường ngoại giao. Một mặt tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc, mặt khác, ông Trump đã sử dụng chính “sách lược” của chính Triều Tiên một vài ngày trước khi Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi sự ủng hộ của ASEAN, thì nay ông Trump cũng tiếp cận với một số nước ASEAN khi gọi điện thoại cho một số lãnh đạo của ASEAN để thảo luận về vấn đề Triều Tiên.

Theo Strait Times, Nhà Trắng khẳng định rằng, sau khi nói chuyện với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về Triều Tiên hôm qua, ông Trump đã nói chuyện với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và sau đó dự kiến gọi cho Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha để tìm kiếm sự hợp tác của họ trong nỗ lực kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Các cuộc gọi cho các nhà lãnh đạo khu vực nhằm mục đích tìm kiếm “sự ủng hộ của mọi người cho một kế hoạch hành động” nếu tình hình tại Triều Tiên suy giảm, ABC News dẫn lời Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus cho biết. Về vấn đề Bán đảo Triều Tiên, Hội nghị ASEAN vừa ra tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo, trong đó bày tỏ quan ngại về tình hình ở Bán đảo Triều Tiên.

Một nhóm người dân Hàn Quốc phản đối triển khai THAAD tại nước này. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, trong một nỗ lực mong muốn “tháo ngòi nổ” cho khu vực Bán đảo Triều Tiên, ngày 30-4, Đức Giáo hoàng Francis kêu gọi các bên đàm phán nhằm giải quyết căng thẳng ở Bán đảo Triều Tiên. Phát biểu trên máy bay trở về Vatican sau chuyến thăm Ai Cập hai ngày, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh tầm quan trọng của “đàm phán nhằm tìm ra giải pháp ngoại giao” về tình hình Triều Tiên. Cùng ngày, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết ngày 30-4, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Han Sung-ryol đã có cuộc gặp với Đại sứ Alexander Matsegola của Nga tại Bình Nhưỡng để cùng trao đổi về tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay.

Theo KCNA, Đại sứ Alexander Matsegola đã bày tỏ sự chia sẻ lập trường của Triều Tiên và mong muốn tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sớm giảm nhiệt. Trong động thái liên quan, Nga đã ủng hộ đề xuất của Trung Quốc, theo đó Bình Nhưỡng ngừng các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung quy mô lớn.

Những tín hiệu tích cực

Trước đó, để “hạ nhiệt” Bán đảo Triều Tiên, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đích thân mời phái đoàn của các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) tới Nhà Trắng để thảo luận vấn đề Triều Tiên. Ngoài ra, một cuộc thảo luận kín về chính sách mới đối với Triều Tiên đã diễn ra tại Nhà Trắng với sự hiện diện của các quan chức cấp cao, bao gồm Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng cùng các thượng nghị sĩ Mỹ.

Hầu hết các chuyên gia quân sự đều khuyên ông Trump chớp lấy cơ hội để đàm phán ngoại giao với Triều Tiên. Quan điểm của Mỹ dường như là dấu hiệu cho thấy sự sẵn sàng tận dụng tất cả các biện pháp phi quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Ở phía bên kia, trong một diễn biển mới nhất, Triều Tiên gửi thư đến Tổng Thư ký ASEAN đề xuất giải pháp hòa hoãn. Động thái này của Triều Tiên đã nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc. Phó Ban tham mưu liên hợp thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Thiếu tướng Thiệu Nguyên Minh cho biết Bắc Kinh đang đề xuất hoãn đồng thời chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và các cuộc tập trận chung quy mô lớn Mỹ-Hàn.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN ngày 27-4, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nhận định, tình hình hiện nay tại khu vực này là một thách thức đối với tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc, Nga và Mỹ, đồng thời hối thúc các nước hợp tác cùng nhau để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao thỏa đáng.

Khu vực triển khai THAAD tại Hàn Quốc. Ảnh: The Business. Times.

Theo Đại sứ Thôi Thiên Khải, Bắc Kinh đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, chủ yếu trên hai mặt trận. Một mặt, Trung Quốc đang thực thi “rất hiệu quả và nghiêm ngặt” tất cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) về vấn đề trên cũng như các biện pháp trừng phạt. Mặt khác, Trung Quốc cũng đang theo đuổi những nỗ lực ngoại giao với hy vọng tất cả các bên sẽ cùng Bắc Kinh nghiêm túc tìm ra một giải pháp thực sự, hiệu quả và hòa bình cho vấn đề này.

Quan chức này nhấn mạnh mục tiêu của Trung Quốc là thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên trong khi vẫn duy trì hòa bình và sự ổn định trong khu vực này, cho rằng đây cũng là mục tiêu chung của các bên liên quan và chắc chắn cũng sẽ đáp ứng những lợi ích của cả Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc cũng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hành động khiến tình hình thêm căng thẳng.

Trước đó, trong cuộc điện đàm thảo luận tình hình Bán đảo Triều Tiên lần thứ 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết giữ liên lạc chặt chẽ để nhanh chóng trao đổi quan điểm về các vấn đề lo ngại chung.

Về quan điểm của Hàn Quốc, trong bài trả lời phỏng vấn với hãng tin Reuters, ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc Ahn Cheol-soo cho biết, nếu đắc cử trong cuộc bẩu cử vào ngày 9-5 tới, ông sẽ thu xếp để tái khởi động vòng đàm phán 6 bên về vấn đề phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, vốn đã đổ vỡ từ năm 2008 sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ông Ahn được xem là ứng cử viên nặng ký thứ hai trong cuộc bầu cử sắp tới tại Hàn Quốc.

Ông khẳng định: “Trong khi duy trì chính sách hai hướng, vừa trừng phạt, vừa đối thoại và tăng cường hợp tác với các quốc gia láng giềng, tôi sẽ thu xếp vòng đàm phán 6 bên. Tuy nhiên, ông Ahn cũng cho biết thêm sẽ tìm kiếm cơ chế đàm phán 4 bên gồm Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc nhằm thiết lập nền hòa bình và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Nguyễn Hòa
.
.