Trò chơi tình báo quanh chương trình hạt nhân Iran
Trong khi chính quyền Mỹ, Israel và các đồng minh châu Âu không ngừng gây sức ép đối với Iran quanh chương trình hạt nhân của nước này, với luận điệu và bộ máy tuyên truyền hướng dư luận vào suy nghĩ rằng, Iran đang hướng đến việc chế tạo bom hạt nhân, thì cộng đồng tình báo Mỹ lại bất ngờ tung ra báo cáo "Không phát hiện Iran có ý định chế tạo bom hạt nhân". Vì sao?
Cuộc tranh luận về thông tin tình báo xoay quanh chương trình hạt nhân của Iran lại được xới lên sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tung ra báo cáo mới nhất hôm 24/2 sau chuyến công tác không thành công tại Iran trong 2 ngày 20 và 21/2. Báo cáo của IAEA không nêu ra được thông tin, dữ liệu cụ thể về tình hình nghiên cứu hạt nhân hiện tại của Iran, đặc biệt là bên trong cơ sở hạt nhân mới trong lòng đất được báo chí tiết lộ gần đây, mà chỉ có kết luận về việc "Iran đã tăng tốc chương trình làm giàu uranium".
IAEA cũng cho biết, trong chuyến công tác vừa rồi, đoàn thanh sát viên của tổ chức này đã không tiếp cận được căn cứ quân sự Parchin, miền Trung Iran, như ý định ban đầu. Phía Iran thông báo, việc tham quan căn cứ Parchin phải theo đúng thủ tục và những điều khoản thỏa thuận riêng.
Trong khi đó, các báo cáo mới nhất của cộng đồng tình báo Mỹ về chương trình hạt nhân Iran cũng không thể cung cấp thêm thông tin gì mới hơn IAEA. Vấn đề trọng tâm của hoạt động tình báo Mỹ đối với Iran là nhằm làm sáng tỏ "những tham vọng của giới lãnh đạo ở Tehran" trong chương trình hạt nhân của nước này. Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và 15 cơ quan khác trong cộng đồng tình báo Mỹ đều tin rằng "Iran chưa quyết định khôi phục một chương trình song hành nhằm thiết kế chế tạo bom hạt nhân".
Giới chức Mỹ tin rằng "Iran đang để ngỏ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân", tuy nhiên, trong báo cáo giải trình mới nhất trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) James R. Clapper lại nói rằng: "Không có bằng chứng nào cho thấy Iran đã quyết định xúc tiến các hoạt động sản xuất một quả bom hạt nhân". "Họ chắc chắn đang đi theo hướng đó, nhưng chúng tôi không tin là họ đã thật sự quyết định chế tạo một quả bom" - Giám đốc DNI Clapper nói. Trong phần giải trình của mình, Giám đốc CIA David H. Petraeus cũng có quan điểm tương tự.
Đồng quan điểm với 2 ông Clapper và Petraeus còn có Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và tướng Martin E. Dempsey - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS).
Tại Iran, lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei cũng đã lên tiếng khẳng định quan điểm của Iran trong chương trình hạt nhân. Phát biểu trước các nhà khoa học hạt nhân Iran hôm 23/2, ông Khamenei nói: "Cộng hòa Hồi giáo Iran, với sự tiếp cận có suy nghĩ, thận trọng và chín chắn, tin rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân là một tội ác. Đất nước này cũng tin rằng việc sở hữu một vũ khí như thế là vô nghĩa, nguy hiểm, có hại và nguy hiểm". Trên tinh thần quan điểm đó, Đại giáo chủ Khamenei khẳng định: Iran cũng như nhiều quốc gia khác chỉ mong muốn đạt được sự tiến bộ về công nghệ hạt nhân, chứ không có ý định chế tạo bom hạt nhân.
Theo giới chức phân tích tình báo phương Tây, việc tình báo Mỹ tung ra báo cáo nói rằng Iran "chưa quyết định chế tạo bom hạt nhân" là một hành động có ý nghĩa nhất định. Trước hết, vào năm 2002, tình báo Mỹ từng bị hố nặng khi tung thông tin giả về chương trình chế tạo vũ khí giết người hàng loạt của Iraq dẫn đến việc Mỹ và một số nước đồng minh đã tấn công Iraq, gây ra hậu quả nghiêm trọng. CIA và các cơ quan tình báo Mỹ khi đó chỉ dựa vào nguồn thông tin bịa đặt của một gã Iraq lưu vong, căm ghét chế độ Saddam Hussein. Đến khi gã này sau đó "tự thú" đã tung thông tin và bằng chứng giả mạo, CIA mới té ngửa nhận ra sai lầm nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Vì thế, CIA và cộng đồng tình báo Mỹ đang tỏ ra "rất thận trọng" trong việc đưa ra các kết luận về chương trình hạt nhân của Iran.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tham quan một cơ sở hạt nhân. |
Vào năm 2007, giữa lúc chính quyền của Tổng thống George W. Bush đang làm quyết liệt về việc "Iran che giấu một chương trình hạt nhân bí mật" song song với chương trình công khai được IAEA giám sát, nhằm mục đích "chế tạo bom hạt nhân", thì cũng chính CIA và cộng đồng tình báo Mỹ tung ra báo cáo kết luận rằng "Iran đã từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân" từ trước đó rất lâu. Sau đó, Mỹ không đi theo hướng "nghi ngờ" Iran có chương trình hạt nhân bí mật nữa mà chuyển sang "nghi ngờ" Iran phát triển vũ khí hạt nhân và buộc Iran ngưng toàn bộ các chương trình hạt nhân, kể cả các chương trình nghiên cứu phục vụ điều trị y khoa.
Bây giờ, trong khi Mỹ, Israel và các đồng minh châu Âu quyết liệt ép buộc Iran ngưng chương trình hạt nhân thì CIA cùng cộng đồng tình báo Mỹ lại "báo cáo" trái ngược như đã nêu trên. Nhiều thủ đô ở phương Tây không tin Iran không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân.
Mỹ, Israel và châu Âu cùng chung quan điểm rằng Iran đã làm giàu nhiên liệu hạt nhân và đang xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết để trở thành một cường quốc hạt nhân. Tehran chỉ đang tạm thời "không quan tâm" đến việc phát triển vũ khí hạt nhân, chủ yếu tập trung vào việc mở rộng tầm ảnh hưởng và quyền lực chính trị trong khu vực nhằm tạo cho mình một tư thế an ninh vững chắc trước các mối đe dọa từ phương Tây và các đồng minh. Kenneth C. Brill - cựu Đại sứ Mỹ tại IAEA, một chuyên gia hàng đầu về chống phổ biến vũ khí hạt nhân, phân tích rằng trong thời điểm hiện tại, Iran không muốn có vũ khí hạt nhân ngay mà chỉ mong muốn đạt được khả năng làm chủ công nghệ hạt nhân.
Brill so sánh: Ấn Độ và Pakistan trước đây cũng có một thời gian dài không quan tâm đến việc phát triển vũ khí hạt nhân trước khi bất ngờ tiến hành hàng loạt vụ thử bom hạt nhân. Kết luận: Iran không vội vàng gì trong việc chế tạo bom hạt nhân vào thời điểm hiện nay, mà đợi đến một lúc thích hợp sẽ thực hiện!?
Những luận điểm như thế càng làm cho phái diều hâu ở Mỹ và Israel quyết tâm phải "ngăn chặn" Iran cho bằng được, và kế hoạch dùng không quân tấn công vào các mục tiêu hạt nhân của Iran cần phải được xúc tiến nhanh. Ngày 27/2, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak đã bay sang Washington để tham khảo ý kiến với giới chức lãnh đạo Mỹ về vấn đề Iran.
Sau đó, Thủ tướng Benjamin Netahyahu cũng sẽ đến Mỹ vào ngày 1/3, còn Tổng thống Simon Peres sẽ có chuyến thăm vào cuối tuần. Mục đích của cả 3 chuyến công du quan trọng này đều nhằm thảo luận về việc Israel hay phương Tây sẽ dẫn đầu cuộc chiến chống Iran. Tuy nhiên, trong bài báo đăng trên tờ Moskovskiye Novosti hôm 27/2, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã cảnh báo Israel nên từ bỏ ý định tấn công Iran, vì một cuộc tấn công như thế sẽ gây ra hậu quả rất lớn, bất ổn sẽ lan rộng khắp khu vực Trung Đông, và bản thân Israel cũng sẽ không có lợi