Trung Đông trước nguy cơ chiến tranh lan rộng
Đạo luật làm dấy lên nhiều chỉ trích
Ngày 18-7, Quốc hội Israel đã thông qua đạo luật Quốc gia dân tộc, khẳng định tính chất Do Thái của Nhà nước Israel. Đạo luật làm dấy lên nhiều chỉ trích, phê phán. Luật này quy định rằng “Israel là quê hương lịch sử của người Do Thái và họ có độc quyền tự quyết quốc gia ở đó”.
Luật cũng bãi bỏ tư cách ngôn ngữ chính thức của tiếng Arập ngang bằng tiếng Hebrew, hạ nó xuống “tư cách đặc biệt” mà vẫn cho phép nó tiếp tục được sử dụng bên trong các tổ chức của Israel.
Nhiều chính trị gia, kể cả các chính trị gia Israel cho rằng đây là một bộ luật mang tính chất phân biệt chủng tộc, dành nhiều quyền lợi cho người Do Thái và coi người Arập là công dân hạng hai. Ngay sau khi Quốc hội Israel thông qua đạo luật, Ban Tổng thư ký Liên đoàn Arập đã họp phiên khẩn cấp tại Ai Cập và ra tuyên bố phản đối, coi đạo luật này là hết sức nguy hiểm bởi vì nó phủ định toàn bộ các quyền dân tộc của nhân dân Palestine trên các vùng đất lịch sử của họ.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abass tuyên bố bộ luật này chứng tỏ tính chất phân biệt chủng tộc của chính quyền Israel và Jerusalem - thủ đô của Palestine bị chiếm đóng là một thực tế lịch sử không bộ luật nào có thể thay đổi được. Tổng thống Abbas cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng và thực thi trách nhiệm để ngăn chặn các điều luật mang tính phân biệt chủng tộc này bằng cách gây áp lực cho Israel.
Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Israel đang cố gắng thành lập “một nhà nước Apartheid”, đồng thời chỉ trích Luật Quốc gia dân tộc Do Thái của Israel phân biệt chủng tộc khi tuyên bố chỉ có người Do Thái mới có quyền tự quyết tại quốc gia này. Các cuộc biểu tình chung giữa người Arập và Do Thái đã bùng nổ tại Tel Aviv giương cao biểu ngữ “Hãy dừng ngay Luật Quốc gia dân tộc, đây là ngôi nhà chung của tất cả chúng ta”.
Ngày 19-7, Liên minh châu Âu bày tỏ lo ngại rằng luật mới của Israel sẽ làm phức tạp hơn giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine. “Chúng tôi đã rất rõ ràng khi nói đến giải pháp hai nhà nước, chúng tôi tin rằng đó là con đường duy nhất tiến về phía trước và nên tránh bất kì bước đi nào làm phức tạp hơn hoặc ngăn chặn giải pháp này trở thành hiện thực”, bà Federica Mogherini, đặc trách chính sách đối ngoại EU, nói.
Cờ Israel trên Mái vòm Đá trong Cổ Thành ở Jerusalem. |
Nguy cơ Trung Đông chìm trong khói lửa
Trong khi đó, các cuộc tấn công của Israel vào Syria vẫn liên tiếp diễn ra trong mấy tuần qua. Ngày 22-7, không quân Israel đã oanh kích một vị trí quân sự của quân đội Syria. Theo truyền thông Syria, máy bay Israel đã bắn tên lửa từ không phận Liban. Vị trí bị máy bay - được cho là của Israel - nhắm bắn nằm ở Misyaf, một thị trấn thuộc tỉnh Hama ở miền trung Syra, rất xa chiến tuyến Quneitra đang sôi sục ở miền nam Syria.
Một nguồn tin Syria do đài truyền hình Arập al- Mayadeen trích dẫn, khẳng định là cuộc oanh kích nhắm vào một trung tâm nghiên cứu nhưng không cho biết cụ thể hoạt động của trung tâm này là gì. Tổ chức Đài quan sát nhân quyền Syria cho biết là tại địa điểm này có những cơ sở do chuyên gia Iran phụ trách và sản xuất pháo tầm trung. Nguồn tin Syria còn cho biết thêm là máy bay Israel đã bắn 4 tên lửa từ không phận Liban, ở phía bắc thung lũng Bekaa.
Đây không phải lần đầu tiên cơ sở ở Misyaf bị máy bay Israel tấn công. Lần trước là vào tháng 9-2017. Căng thẳng giữa Syria và Israel đang ngày càng trở nên lớn hơn kể từ ngày 16-7, khi quân đội Syria tuyên bố đã chiếm được một ngọn đồi chiến lược gần Cao nguyên Golan với mục đích tiêu diệt những tàn dư còn sót lại của các tổ chức khủng bố. Động thái này đã khiến quân đội Israel đề cao cảnh giác.
Không quân Israel trước đó cũng tăng cường các cuộc tấn công xuống Syria với lý do họ muốn ngăn chặn sự hiện diện quân sự của Iran tại quốc gia này. Tehran và Damas đã nhiều lần phủ nhận tuyên bố của Israel, nói rằng chỉ có các cố vấn quân sự của Iran đang có mặt tại Syria để giúp tiến hành chiến dịch chống khủng bố.
Vào tháng 5-2018, quân đội Israel cũng đã bắn tên lửa vào toàn bộ các vị trí của lực lượng Iran al-Qods tại Syria, lấy lý do là lực lượng Iran đã pháo kích vào khu vực Israel chiếm đóng ở Cao nguyên Golan, vùng biên giới với Israel.
Cuộc oanh kích ngày 22-7 diễn ra vào lúc quân đội Syria đang nhanh chóng tiến đến sát Cao nguyên Golan. Ngày 23-7, Israel đã kích hoạt hệ thống phòng không mới nhất của mình ở biên giới với Syria sau khi người phát ngôn chính thức cho Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) tuyên bố trên Twitter rằng, các tên lửa từ Syria đã tấn công vùng phía bắc Israel.
Hiện chưa rõ lực lượng nào sẽ chịu trách nhiệm việc bắn những tên lửa này vì hầu hết các cuộc chiến diễn ra ở phía tây nam Syria là giữa Quân đội Syria (SAA) và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng liên kết với Jaysh Khaled bin Walid - nhóm khủng bố hiện đang nắm quyền kiểm soát khu vực Yarmouk, một phần giáp với Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát.
Không chỉ truy đuổi các “mục tiêu Iran” ở Syria, ngày 23-7, trang web tiếng Arập Al-Jarida cho biết không quân Israel đã lên danh sách các mục tiêu cần diệt của Iran tại Iraq, cho các cuộc tấn công tiềm năng trong tương lai. Theo đó, các nguồn tin tình báo và trinh sát đã giúp Tel Aviv nắm trong tay “danh sách các cơ sở quân sự và hành lang vận tải mà Tehran sử dụng để vận chuyển vũ khí, thiết bị, cùng với các cố vấn quân sự Iran và các tay súng dân quân Shiite được họ hậu thuẫn tới Syria”.
Tuy có sự thù nghịch lẫn nhau nhưng Israel và Iran chưa bao giờ đi đến đối đầu trực diện. Tuy nhiên, với đà tấn công của Israel vào các cơ sở của Iran như hiện nay, các chuyên gia cho rằng cuộc chiến Israel-Iran nhiều khả năng sẽ diễn ra và khi đó cả khu vực Trung Đông sẽ chìm trong biển lửa.