Trung Đông vẫn náo loạn với kế hoạch hòa bình của Mỹ

Thứ Tư, 05/02/2020, 15:10
Tại phiên họp bất thường cấp bộ trưởng của Liên đoàn Arab ngày 1-2, lãnh đạo Nhà nước Palestine, ông Mahmoud Abbas tuyên bố cắt đứt quan hệ với Mỹ và Israel.

Cuộc họp được tổ chức theo đề nghị của Palestine sau khi Mỹ công bố Kế hoạch hòa bình gây tranh cãi. Đối với ông Abbas, Kế hoạch hòa bình của Mỹ làm cho các thỏa thuận được ký kết trước đây trở nên vô hiệu lực.

Với các bộ trưởng của những nước Arab, ông Abbas nói rằng: “Tôi không đòi hỏi quý vị phải chống đối Hoa Kỳ mà chỉ cần quý vị ủng hộ người dân Palestine”. Và ông đã có được sự ủng hộ bằng lời từ tất cả các bộ trưởng. Bản thông cáo chung của phiên họp bất thường cấp bộ trưởng của Liên đoàn Arab còn bác bỏ sáng kiến của Mỹ.

Trong khi đó, trên đường phố Israel, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra, xem sáng kiến của Mỹ không phải là một kế hoạch hòa bình mà Washington bật đèn xanh cho phép tiếp tục hành động chiếm đóng của Israel.

“Quá rõ ràng các điều khoản của kế hoạch hòa bình của Mỹ không phù hợp với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc” - ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-1 ngày 2-2.

Ông Peskov nói Nga nghi ngờ về khả năng thành công của kế hoạch này, dựa vào thực tế các quốc gia Arab và người dân Palestine đoàn kết phản đối kế hoạch của ông Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra sáng kiến Hòa bình Trung Đông cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Washington, ngày 28-1.

Trước đó, cùng ngày, hãng Thông tấn chính thức IRNA của Iran đưa tin, các ngoại trưởng của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi một lập trường “vững chắc” của thế giới Hồi giáo chống lại Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ. Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã bày tỏ phản đối cái mà họ gọi là “vụ bán đứng Palestine”.

Ngày 28-1, bên cạnh Thủ tướng Israel, Benyamin Netanyahou, nhưng vắng các lãnh đạo Palestine, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố bản Kế hoạch hòa bình nổi tiếng của ông cho vùng Trung Đông. Bản kế hoạch chi tiết trong một tập tài liệu dài 181 trang dành một phần lớn cho Israel và phá vỡ mọi tham chiếu quốc tế để giải quyết xung đột Israel - Palestine.

Bản kế hoạch 5 điểm có đề nghị rõ một thủ đô cho Palestine nhưng phải nằm sau bức tường hay rào chắn an ninh hiện nay, nghĩa là ở ngoại ô của Jerusalem. Liên quan đến những thánh địa, kế hoạch của Mỹ đề xuất việc giữ nguyên trạng. Tuy nhiên, một sự thay đổi có quy mô lớn được đề cập đến bởi ông Donald Trump muốn có một quyền cầu nguyện cho tất cả mọi người tại Khu thành các đền thờ Hồi Giáo, mà người Do Thái xem đấy như là ngọn Núi Đền của họ. Hiện tại, duy chỉ có người Hồi giáo là được đến đấy cầu nguyện. Người Do Thái, thì có Bức tường than khóc. Đây là cội nguồn của mọi căng thẳng và bạo lực trong quá khứ.

Cuối cùng, hơn 700.000 người dân Palestine buộc phải chạy trốn khi nhà nước Israel được thành lập năm 1948. Ngày nay, Liên Hiệp Quốc thống kê có hơn 5 triệu người tị nạn trên toàn thế giới. Israel luôn từ chối cho phép người Palestine trở về. Kế hoạch của Mỹ củng cố quan điểm này của Israel: Không thể trở về lãnh thổ Israel.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas với bản đồ cho thấy diện tích lãnh thổ Palestine qua từng thời kỳ trong phiên họp tại Cairo ngày 1-2.

Người tị nạn sẽ phải chọn giữa việc đến với nhà nước Palestine tương lai, ở lại nơi họ đang sinh sống (chủ yếu ở Liban, Jordani, Syria và tại những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng) hay chọn một nước thứ ba. Hoa Kỳ, sau khi đã ngưng đóng góp tài chính cho UNRWA, cơ chế của Liên Hiệp Quốc vì người tị nạn Palestine, cam kết vận động quốc tế hỗ trợ tài chính.

Phần lớn các nhà quan sát có cái nhìn hoài nghi về triển vọng thành công của bản Kế hoạch hòa bình của Mỹ. Bởi nó cho thấy sự ủng hộ rõ ràng đối với Israel, trong khi lại áp đặt những điều kiện hà khắc đối với việc thành lập nhà nước Palestine trong tương lai.

Theo chuyên gia Steven Cook, thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Mỹ, người Palestine đã thẳng tay bác bỏ bản kế hoạch hòa bình của Tổng thống Donald Trump, bởi nó không khác gì cách mà người Israel đang làm nhằm ngăn cản mọi yêu cầu chủ quyền của Palestine. Còn đối với chuyên gia Michel Dunne, thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, không gì cho thấy bản kế hoạch này có thể dẫn các bên đi tới bàn đàm phán.

Theo ông Dunne, đây dường như là bản kế hoạch hòa bình của một bên duy nhất và chỉ nhằm đạt một mục tiêu chính trị, đó là giúp Thủ tướng Netanyahu trong cuộc chiến tư pháp - chính trị ở trong nước và gửi thông điệp tới cử tri Israel về một sự ủng hộ chắc chắn của nhà lãnh đạo Mỹ.

Theo chuyên gia Robert Statloff thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Cận Đông ở Washington, những nguyên tắc mang tính hiện thực đang bị chính quyền Tổng thống Trump cố tình hiểu sai để đáp ứng mọi đòi hỏi của Israel. Thung lũng Jordan không chỉ đơn giản là vấn đề an ninh mà là vấn đề chủ quyền và mọi khu định cư của Israel ở Bờ Tây đều có thể bị sáp nhập vào lãnh thổ nước này. Có quá nhiều điểm mà người Palestine không thể chấp nhận.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.