Trung Quốc- Iran bắt tay trên thị trường dầu mỏ

Thứ Năm, 01/04/2021, 20:16
Một thỏa thuận hợp tác kéo dài 25 năm được Trung Quốc và Iran ký hôm 27-3 nhằm tăng cường liên minh kinh tế và chính trị lâu đời có thể làm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Trung Đông và cắt giảm nỗ lực của Mỹ nhằm giữ Tehran bị cô lập.

Chưa hết, sự hợp tác được nêu chi tiết trong một thỏa thuận dài 18 trang sẽ mở rộng đáng kể sự hiện diện của Trung Quốc trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, cảng, đường sắt và hàng chục dự án khác tại Trung Đông. Đổi lại, Trung Quốc sẽ nhận được nguồn cung dầu từ Iran thường xuyên và được chiết khấu rất nhiều.

Một phần của Sáng kiến “Vành đai và Con đường”

Theo The New York Times, hiện vẫn chưa rõ thỏa thuận có thể được thực hiện ở mức độ nào trong khi tranh chấp của Mỹ với Iran về chương trình hạt nhân của nước này vẫn chưa được giải quyết. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị nối lại các cuộc đàm phán với Iran về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà người tiền nhiệm Donald Trump đã bãi bỏ 3 năm sau khi ký kết.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif sau lễ ký thỏa thuận tại thủ đô Tehran hôm 27-3.

Các quan chức Mỹ cho biết cả hai nước có thể thực hiện các bước đồng bộ để đưa Iran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận trong khi Washington dần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Nhưng, Iran đã từ chối làm như vậy và Trung Quốc ủng hộ điều này, yêu cầu Mỹ phải hành động trước để khôi phục thỏa thuận mà họ phá vỡ bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương khiến nền kinh tế Iran “ngột ngạt”.

Theo các nhà phân tích, thỏa thuận mới đã đưa Iran vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc, một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD nhằm kéo dài từ Đông Á sang châu Âu. Iran và Trung Quốc đã không công khai các chi tiết của thỏa thuận nhưng các chuyên gia cho biết nó hầu như không thay đổi so với bản thảo 18 trang do tờ The New York Times có được vào năm ngoái. Cụ thể, Trung Quốc đồng ý đầu tư 400 tỷ USD vào Iran trong vòng 25 năm với hàng chục lĩnh vực, bao gồm ngân hàng, viễn thông, cảng, đường sắt, chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin... 

Đổi lại, Bắc Kinh sẽ nhận được nguồn cung dầu Iran thường xuyên. Trung Quốc mua rất nhiều dầu từ nhiều nguồn khác nhau để đáp ứng nhu cầu của mình. Điều khiến việc mua dầu của Iran trở nên đặc biệt hấp dẫn là việc Tehran đã áp dụng chiết khấu đối với hàng hóa, trong thời điểm giá dầu đang tăng chóng mặt. Bài báo của Bloomberg lưu ý rằng giá dầu từ Iran có giá thấp hơn 3-5 USD/thùng so với các mức giá tiêu chuẩn điển hình như Brent. Khi mua số lượng lớn như Bắc Kinh đang làm thì số tiền này sẽ gia tăng nhanh chóng.

Nhưng, có những tác động sâu xa hơn trong việc tiêu thụ dầu với số lượng lớn này. Trung Quốc đang xây dựng các bể chứa với tốc độ chóng mặt. Vì Trung Quốc nhập khẩu khoảng 75% lượng dầu mà nước này sử dụng nên việc xây dựng hàng tồn kho cũng có ý nghĩa. 

Điều này đặc biệt đúng với lập trường của Trung Quốc đối với Mỹ hiện nay. Năm 2019, Mỹ đã trừng phạt Cosco Shipping, công ty khai thác dầu chính của Trung Quốc vì vận chuyển dầu Iran. Nhưng, các lệnh trừng phạt này đã được đảo ngược một phần không lâu sau khi đàm phán thương mại với Trung Quốc. Việc có một kho dự trữ dầu thô khổng lồ mang lại cho Trung Quốc một vùng đệm nếu các tuyến vận chuyển dầu bị đóng cửa trong bất kỳ khoảng thời gian dài nào.

Lấp đầy khoảng trống quyền lực

Năm 2013, Trung Quốc tuyên bố với thế giới rằng họ bắt tay vào một kế hoạch đầy tham vọng, được gọi là Sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình trên hàng chục quốc gia Trung Đông và châu Á. BRI được sử dụng ngôn ngữ gợi nhớ đến các tuyến đường thương mại "Con đường tơ lụa" của những năm trước. Trong cuộc đàm phán Mỹ-Trung hồi trung tuần tháng 3-2021, Washington đến để thuyết trình Bắc Kinh về các vấn đề nhân quyền, Đài Loan, Hong Kong hay các cuộc tấn công mạng.

Theo thỏa thuận hợp tác kéo dài 25 năm, giá dầu Iran bán cho Trung Quốc thấp hơn 3-5 USD/thùng so với các mức giá tiêu chuẩn điển hình như giá dầu Brent.

Điều tối quan trọng trong mối quan tâm của Mỹ là lời lẽ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc đối với Đài Loan. Hiện Mỹ và và Đài Loan có các thỏa thuận phòng thủ chung nhằm kêu gọi một bên hỗ trợ bên kia trong trường hợp bị tấn công. Chính vì lý do này, Trung Quốc đã chủ trì việc mở rộng quy mô lớn các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không bao gồm cả tên lửa DF-21D trên đất liền có thể đánh chìm tàu sân bay. Các nhà phân tích cho rằng việc Mỹ liên tục nâng cấp vũ khí phòng thủ Đài Loan có thể khiến Trung Quốc phải hành động ngay lập tức để đạt được mục tiêu của mình. Trong trường hợp đó, chiến lược dự trữ dầu của Trung Quốc để đối phó với sự ngăn cản không thể tránh khỏi của các tàu chở dầu đối với các cảng của họ là hoàn toàn hợp lý.

Vậy điều này có thể có ý nghĩa gì đối với thị trường dầu mỏ đang thắt chặt vào năm 2021? Một trong những điều mà chúng ta nhận ra là dầu mỏ là một mặt hàng được giao dịch toàn cầu. Đường cung cấp vận chuyển dầu đi khắp thế giới bao gồm các tàu lớn có thể chở nhiều thùng dầu một lúc. Những con tàu này dễ bị cướp biển và quân đội can thiệp. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong các chuyến hàng toàn cầu đều có thể ảnh hưởng xấu đến các quốc gia nhập khẩu, trong đó có Mỹ. Và nếu chuyện này xảy ra, Trung Quốc sẽ là nước hưởng lợi chính từ sản lượng dầu của Iran.

Huyền Chi
.
.