Trung Quốc: Mua danh ba vạn…

Thứ Ba, 02/08/2016, 11:35
Chiến dịch truyền thông quảng bá “quyền” ở Biển Đông của Trung Quốc tiếp tục được đẩy mạnh ngay cả sau khi Tòa Trọng tài ở La Haye ra phán quyết bác bỏ. Sau khi đã mất hết uy tín trên trường quốc tế khi dùng sức mạnh chiếm đoạt các hòn đảo và bãi đá của các nước láng giềng ở Biển Đông, rồi chà đạp lên luật pháp quốc tế khi ném phán quyết của Tòa án Trọng tài vào sọt rác, Trung Quốc đang đi mua lại danh dự và uy tín bằng những đoạn video... mông má.

Nghệ thuật cắt ghép trên đoạn video dài hơn 3 phút

Ngày 28-7, Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc, loan tin: một video nói về Biển Đông đang được chiếu trên một bảng quảng cáo lớn ở Times Square, quảng trường lớn và quan trọng nhất ở thành phố New York, Mỹ. Trang mạng ChannelNewsAsia cùng ngày trích nguồn tin của Tân Hoa Xã nói rằng, chiến dịch này được tung ra từ hôm 23-7 và sẽ kéo dài đến ngày 3-8.

Theo The New York Times, Tân Hoa Xã thuê lại không gian quảng cáo cao 18 mét, rộng 14 mét và chiếu sáng bằng đèn LED này từ năm 2011. Trong nội dung quảng cáo, Tân Hoa Xã giải thích “căn bản về lịch sử và pháp lý nhằm hậu thuẫn chủ quyền lãnh hải không thể chối cãi của Trung Quốc” ở Biển Đông. Tân Hoa Xã nói, video này được chiếu “khoảng 120 lần mỗi ngày” và đã “tạo được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cư dân người Hoa ở New York”. Với đoạn video dài 3 phút 12 giây được chiếu khoảng 120 lần mỗi ngày, tức lâu tổng cộng 384 phút.

Tân Hoa Xã thuê lại màn hình quảng cáo cao 18 mét, rộng 14 mét và chiếu sáng bằng đèn LED tại Quảng trường Thời Đại ở New York từ năm 2011.

Đoạn video được đưa ra sau khi Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye, Hà Lan, cách đây hai tuần, đưa ra phán quyết bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết vùng biển, sau khi xét đơn của Philippines kiện Trung Quốc. Trung Quốc thẳng thừng bác bỏ phán quyết của tòa án quốc tế.

Tân Hoa Xã cũng khoe khoang: Đoạn video chiếu ở Times Square “thu hút sự chú ý của nhiều người, với một số du khách người Hoa nói rằng đây là việc cần thiết để thế giới hiểu rõ được sự thật của vấn đề”, nhưng lại không màng gì đến việc người dân New York nghĩ gì. Phát bằng tiếng Anh, đoạn video đưa ra “những minh chứng lịch sử” nhằm xác minh chủ quyền của Trung Quốc.

Tân Hoa Xã thêm rằng, đoạn video “làm rõ sự thật đằng sau những trò hề của thủ tục trọng tài quốc tế về tranh chấp Biển Đông”. Quảng cáo của Trung Quốc đồng thời cũng “cài cắm” sự ủng hộ của những phân tích gia và chính trị gia ngoại quốc, gồm nữ dân biểu đảng Lao động Anh, Catherine West; và ông Masood Khalid, đại sứ Pakistan ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngay sau khi Trung Quốc phát đoạn băng trên ở quảng trường Thời Đại, bà Catherine West đã lên tiếng phản đối. Theo Quartz, bà West đã tỏ ra hết sức bất ngờ và bối rối khi biết một trong những nội dung trả lời phỏng vấn đài Trung Quốc của bà đã bị cắt xén khỏi ngữ cảnh, biến thành một ý hoàn toàn xa lạ trong đoạn video tuyên truyền của Trung Quốc về Biển Đông.

Dân biểu Anh Catherine West tỏ ra bất bình vì dụng ý lắp ghép bà vào đoạn video quảng cáo của Trung Quốc ở Quảng trường Thời Đại.

Thư ký báo chí của bà West, ông Matthew Whitty, cho biết trong thời gian tham dự diễn đàn các đảng phái chính trị cấp cao Trung Quốc - châu Âu lần thứ 5 tại Bắc Kinh hồi tháng 5 năm nay, bà West đã trả lời phỏng vấn nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc. Đoạn video trích dẫn ý kiến của bà West bị cắt xén từ một trong những cuộc phỏng vấn đó.

Trong đoạn này, phần ý kiến của bà West được giữ lại là: “Tôi nghĩ rằng các cuộc đàm phán là rất quan trọng. Và đó là lý do vì sao chúng ta phải thận trọng rằng chúng ta cần giải quyết một vấn đề một cách cục bộ và có cách tiếp cận trách nhiệm trong đối thoại” (bắt đầu từ phút 2’25 trong video tuyên truyền của Trung Quốc).

Phía Trung Quốc đã tách phát biểu này ra khỏi ngữ cảnh liên quan để minh họa cho điều họ mong muốn, đó là các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết thông qua các đối thoại song phương giữa nước này và các nước có liên quan trực tiếp trong các tranh chấp. Tuy nhiên trong email gửi tới Quartz, bà West giải thích rõ rằng phát biểu của bà đã bị tách ra khỏi ngữ cảnh của nó.

Hình chụp lại đoạn video của Tân Hoa Xã chiếu tuyên truyền về Biển Đông ở quảng trường Times Square, thành phố New York.

Xua binh tướng trên mặt trận truyền thông

Với chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc trên báo chí nước ngoài, ai cũng thấy đây không phải là lần đầu Trung Quốc tung tiền làm mấy chiêu trò này. Trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông trong vụ kiện với Philippines, guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh vận hành hết công suất để biện minh cho việc nước này phủ nhận thẩm quyền của Tòa án tại La Haye và tố cáo Philippines.

Không chỉ có hệ thống truyền thông đối ngoại Trung Quốc, mà hầu hết các nhà ngoại giao Trung Quốc ở các nước đều đã tung bài viết bênh vực cho lập trường Biển Đông của Bắc Kinh lên trang ý kiến của báo chí khắp nơi, không chỉ tại các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp…, mà cả tại các nước nhỏ, không liên quan gì đến Biển Đông như Jamaica chẳng hạn.

Các đại sứ quán Trung Quốc còn mua nhiều trang quảng cáo trên các tờ báo lớn để tuyên truyền về “chính nghĩa” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ngày 27-5-2016, nhật báo lớn thứ hai Le Figaro của Pháp đã phát hành nguyên một phụ trang với nội dung do tờ báo Trung Quốc China Daily chịu trách nhiệm, mà bài viết ở trang đầu mang tên “Biển Đông, vấn đề nguyên tắc của Bắc Kinh”.

Bài quảng cáo này nêu bật - bằng tiếng Pháp - quan điểm chính thống của Trung Quốc về Biển Đông, kết tội Philippines là đã có hành động vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, và thỏa thuận song phương với Bắc Kinh khi kiện Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài quốc tế. Bài viết cũng không quên thi triển “võ mồm” rằng Bắc Kinh đã nhận được “sự ủng hộ quan trọng” của “cộng đồng quốc tế” gồm 40 nước, đồng thời tự nhận mình là nạn nhân bị Manila “bắt bí”...

Theo giới quan sát, nội dung trên đây chẳng khác gì loạt bài được tờ China Daily công bố trong liên tiếp 4 ngày trước đó, với những nội dung như: “Mưu toan của Manila để bôi nhọ (Bắc Kinh) không thể thay đổi thực tế lịch sử” (26-5); “Thủ tục trọng tài do Philippines khởi xướng được xây dựng trên lý do sai trái” (25-5); “Trò chia cắt (Biển Đông) của Philippines là một sự khiêu khích dưới vỏ bọc pháp lý” (24-5); “Manila giả mù trước thực tế lịch sử” (23-5).

Chưa dừng lại, hôm 13-6 trên mục ý kiến của nhật báo kinh tế Les Echos (cũng của Pháp) xuất hiện bài viết của Địch Tuyển, đại sứ Trung Quốc tại Pháp, mang tựa đề “Tranh chấp Biển Đông: Bắc Kinh muốn những gì”. Cũng vẫn luận điệu cũ rích, Địch Tuyển viết: Trung Quốc hiện diện tại Biển Đông kể từ thời xa xưa, và Bắc Kinh đã quản lý hành chính rất sớm các đảo và quần đảo tại vùng này, các tên đảo đã có trên bản đồ chính thức của triều nhà Minh (1368-1644). Sau Thế chiến thứ hai, Trung Quốc tiếp thu các đảo từ quân Nhật và đặt lại tên cho 159 hòn đảo, bãi đá ngầm ở Biển Đông, công bố bản đồ lãnh thổ mà không thấy nước nào phản đối...

Nhìn chung, nội dung lập trường được Trung Quốc rầm rộ quảng bá ở báo chí nước ngoài là trước đây khu vực Biển Đông rất yên tĩnh và Trung Quốc đã giúp bảo vệ an ninh trong khu vực cho đến khi Mỹ, một nước ngoài khu vực, cố tình khuấy động để viện cớ xoay trục lại châu Á và bao vây Trung Quốc.

Thoạt nhìn thấy “có lý” chỉ đối với những ai không biết gì quá trình đã xảy ra tại khu vực Biển Đông trong 10 năm qua, hay lịch sử của sự bành trướng của Trung Quốc trước đó. Những ai có chút hiểu biết thì thấy ngay thực chất tuyên truyền của Trung Quốc là quá thô thiển vì những bài báo, những tuyên bố phần lớn lật lọng và nguỵ tạo, để tự cho phía mình bao giờ cũng theo lẽ phải, cũng đúng, còn mọi nước khác, trong đó có Philippines, đều sai và có ý không tốt với Trung Quốc.

Ví dụ như Trung Quốc nói Philippines “đem Trung Quốc ra kiện mà không có lý do gì hết”. Nhưng thật ra thì Philippines đã rất nhẫn nại với Trung Quốc, đã nói chuyện song phương với Trung Quốc trong 20 năm, nhưng vô hiệu. Cuối cùng Philippines mới nói là bí quá, không nói chuyện với Trung Quốc được, cho nên phải đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế để cho tòa án có thể phân giải.

Chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh không đánh lừa được giới quan sát. Sau khi được phát tại quảng trường Thời đại hôm 28-7, đoạn video nói trên đã nhận được một số phản hồi không tốt từ giới truyền thông. Hãng tin BuzzFeed gọi đó là “một đoạn video nhàm chán” và “phí mất 3 phút 12 giây trong cuộc đời của bạn”. Trang Shanghaiist gọi video này là “công cụ tuyên truyền mới nhất” của Trung Quốc.

Trong một bài phân tích đăng trên báo mạng Asia Times tại Hồng Kông hồi cuối tháng 5 vừa qua, Bill Gertz cho rằng chiến dịch mà Bắc Kinh đang tung ra chỉ nhằm “lấp liếm” sự thật về những hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, và tìm cớ biện hộ cho việc chống lại một phán quyết quốc tế.

Ông Gertz nói rằng ý đồ của Trung Quốc khi tiến hành một chiến dịch tuyên truyền, vừa “rầm rộ”, vừa “thô thiển”, cố tình “lấp liếm sự thật” và “sắp xếp lại sự kiện” để chứng minh rằng Bắc Kinh hoàn toàn có lý khi không chấp nhận sự can thiệp của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye vào vấn đề Biển Đông, bị Philippines khuấy động một cách phi pháp khi nộp đơn kiện Trung Quốc.

Rõ ràng dù Bắc Kinh có vung tiền nhiều đến mấy đi chăng nữa thì họ không thể mua lại danh dự đã bị mất khi nuốt trọn Biển Đông bằng vũ lực và coi thường luật pháp quốc tế.

Theo Foreign Policy, Viện Nghiên cứu Mỹ - Trung (ICAS) là cơ quan nghiên cứu duy nhất của Trung Quốc có trụ sở tại Washington. ICAS trực thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia (NISCSS), có trụ sở tại đảo Hải Nam. Ngân sách hằng năm dành cho ICAS đến 800.000 USD.

Giám đốc điều hành ICAS là bà Hong Nong. Làm việc trong ICAS có 5 thành viên và tổ chức này gần như không được biết đến, ngoại trừ số ít những người theo dõi sát tình hình Trung Quốc tại các cơ quan nghiên cứu của Mỹ. Trên trang Twitter, ICAS chỉ có chưa đầy... 100 người theo dõi.

Bonnie Glaser, học giả về Biển Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) nhận xét: “ICAS hoạt động rất lặng lẽ”. Hiện không rõ Trung Quốc có bao nhiêu cơ quan nghiên cứu tại Mỹ, với con số ước tính dao động từ 2 cho tới 12 cơ quan.

Giới chức Bắc Kinh tin rằng việc “giáo dục” cho người Mỹ về Trung Quốc bằng các hình thức khác nhau sẽ giúp cải thiện nhận thức của họ về nước mình. Và từ đó, Bắc Kinh tin rằng mình sẽ có được ảnh hưởng quốc tế lớn hơn. Đó là tiền đề để những cơ quan như ICAS ra đời trên đất Mỹ.

ICAS đi vào hoạt động tháng 4-2015 với một cuộc họp báo, trong đó công bố đoạn video được thu hình trước phần phỏng vấn cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Tuy nhiên, Bắc Kinh hầu như không thể thu hút được sự ủng hộ của dư luận quốc tế cho những tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình trên Biển Đông.

Địch Tuyển, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp và bài viết về Biển Đông trên tờ Les Echos ra ngày 13-6-2016.

Trong khi Bắc Kinh chỉ trích Washington không hiểu về Trung Quốc, thì nhiều cơ quan trong hệ thống của Trung Quốc lại rất mơ hồ về các định chế tại Mỹ, cũng như hệ thống cơ quan truyền thông liên quan. Trong bối cảnh đó, ICAS - một tổ chức với nhiệm vụ chính là thu hút sự chú ý của dư luận, tác động tới các nhà lập pháp, và tham gia vào các cuộc thảo luận tại Washington - với cách thức tiếp cận với giới học giả và các nhà hoạch định chính sách Mỹ như trên thì tầm ảnh hưởng này “thu được” rất hạn chế.

Tổ chức này không thực hiện đúng những gì một cơ quan nghiên cứu nên làm, như tổ chức các sự kiện thảo luận lớn có sự tham gia của các học giả và chính trị gia tên tuổi, công bố những nghiên cứu có ảnh hưởng, và phản biện, cải thiện các chính sách của chính quyền. Các học giả cho rằng các nghiên cứu của ICAS hiếm khi được phát hành, và họ chưa tổ chức một sự kiện lớn nào kể từ sau cuộc họp báo ra mắt.

Q.H.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.