Trung Quốc: Phóng tàu vũ trụ Thần Châu 7

Thứ Tư, 01/10/2008, 16:30

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã có bài phát biểu ngay sau khi Thần Châu 7 được phóng lên quỹ đạo. Sự có mặt của ông Hồ Cẩm Đào cùng các nhà lãnh đạo cấp cao khác cho thấy Trung Quốc đặc biệt coi trọng lần phóng Thần Châu này.

Cuộc đi bộ lịch sử ngoài không gian

Sau khi được tên lửa đẩy Trường Chinh 2F phóng lên không trung vào tối 25/9, tàu vũ trụ Thần Châu 7 đã bay vào quỹ đạo và dự kiến sẽ ở trên không gian khoảng 68 giờ đồng hồ. Không chỉ Trung Quốc, mà cả nhiều nước trên thế giới đều hướng sự chú ý của mình vào Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, cũng như 3 phi hành gia bay cùng Thần Châu 7 hôm 25/9.

Tâm điểm chú ý của dư luận trong và ngoài Trung Quốc lần này không chỉ Thần Châu 7, mà là 3 phi hành gia Trác Chí Cương, Lưu Bá Minh và Cảnh Hải Bằng bởi họ không những bằng tuổi nhau - đều sinh năm 1966, trong đó có 2 người sinh tháng 10, thậm chí 2 người cùng quê, mà một người trong số họ (Trác Chí Cương) sẽ thực hiện chuyến đi bộ lịch sử ngoài không gian.

Dự kiến, Trác Chí Cương sẽ đi bộ ra ngoài không gian khoảng 40 phút. Cuộc đi bộ này được truyền hình trực tiếp. Được biết, Trác Chí Cương sẽ bước ra không gian với 2 hệ thống dây - một cung cấp ôxy và một để liên lạc, đây là loại dây thừng đặc chế. Máy quay và máy ảnh không gian ba chiều CCD lắp trên vệ tinh được thả ra cũng như gắn trong Thần Châu 7 sẽ cung cấp những bức ảnh về Thần Châu 7, cũng như những hình ảnh tức thời về khoảnh khắc đi bộ ngoài không gian của phi hành gia Trác Chí Cương.

Với sự kiện này, Trung Quốc là quốc gia thứ 3 trên thế giới (sau Nga và Mỹ), đưa phi hành gia vào không gian và thực hiện chuyến đi bộ ra ngoài không gian. Đây là bước ngoặt trong công tác chinh phục vũ trụ của Trung Quốc bởi nó đặt cơ sở cho việc xây dựng Trạm không gian trong vũ trụ. Trung Quốc sẽ phóng Thần Châu 8 không mang theo phi hành gia để xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc sau khi Thần Châu 9 được phóng lên sau đó.

Theo người phát ngôn của Công trình Hàng không vũ trụ có người lái Trung Quốc Vương Triệu Diệu, Trác Chí Cương sẽ lần lượt sử dụng 2 bộ quần áo do Trung Quốc và Nga sản xuất để thực hiện cuộc đi bộ ra ngoài khoảng không. Bộ quần áo của phi hành gia “Phi Thiên” được giới chuyên môn Trung Quốc tự thiết kế, chế tạo với giá lên tới 15 triệu USD và nặng 120 kg.

Giới chuyên môn coi chuyến đi bộ ngoài không gian của Trác Chí Cương là một bước tiến quan trọng nhất trong chương trình vũ trụ 3 giai đoạn mà Trung Quốc đang theo đuổi. Sau khi thành công trong việc đưa người vào quỹ đạo, Trung Quốc sẽ xây dựng một phòng thí nghiệm nhỏ tại đây và cuối cùng là xây dựng một trạm vũ trụ riêng. Các nhà khoa học cho rằng, có một lượng khí helium-3 rất lớn ở trên mặt trăng và đây là nguồn năng lượng sạch đủ dùng cho cả thế giới trong hàng nghìn năm tới.

Trung Quốc nhấn mạnh, việc phóng Thần Châu 7 là nhằm thăm dò và sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình, đồng thời sử dụng những thành quả nghiên cứu khoa học phục vụ công cuộc xây dựng kinh tế của quốc gia.

Sự chuẩn bị cần thiết

Theo tiết lộ của Phó Tổng công trình sư Hoàng Vỹ Phần, những phi hành gia được chọn bay cùng Thần Châu 7 buộc phải thực hiện theo chế độ “cách ly y học 3 cấp”. Đầu tiên là tiến hành khử trùng, tiêu độc, thông gió hàng ngày tại phòng nghỉ, làm việc và huấn luyện của họ. Tiếp đến là không được phép tự ý ra ngoài khi chưa có lệnh. Cuối cùng là không bắt tay nhân viên phục vụ, luôn tiếp xúc ở cự ly nhất định. Những nhân viên phục vụ đều phải đeo khẩu trang, mặc áo choàng trắng và được khử trùng, tiêu độc trước khi vào làm việc cùng với phi hành gia.

Tổng chỉ huy bộ phận mặt đất Thôi Cát Tuấn cho biết, tất cả 6.000 nhân viên của họ đã nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiểm tra hoạt động của các máy tính cùng phần mềm trong mấy tháng qua để phục vụ cho lần phóng Thần Châu 7. Để đưa thành công 3 phi hành gia lên vũ trụ, Thần Châu 7 và tên lửa đẩy Trường Chinh 2F đã được chuyển lên bệ phóng an toàn từ chiều 20-9. Khối thiết bị cao 58,3 mét đã được chuyển trên một đường ray dài khoảng 1.500 mét dưới sự giám sát cẩn trọng của hơn 20 nhà khí tượng học. Được biết, các chuyên gia đã tiến hành thử nghiệm đối với hơn 5.000 thiết bị được lắp đặt bên trong Thần Châu 7 cũng như xung quanh bệ phóng.

Sau sự cố nhà vệ sinh trên trạm ISS, giới chuyên môn rất quan tâm tới việc lắp đặt “công trình phụ” trên Thần Châu 7. Được biết, “công trình phụ” được thiết kế nhỏ, gọn và khi không sử dụng có thể gấp lại. Thành công lớn nhất trong việc nghiên cứu, chế tạo “công trình phụ” của các nhà khoa học Nam Kinh chính là biến chất thải thành nước có thể sử dụng được. Nước trên không gian vô cùng quý hiếm, do đó không thể để nước tiểu của phi hành gia bị bỏ phí. Do đó, các nhà khoa học Nam Kinh đã chế tạo ra “công trình phụ” có thể lọc để biến nước tiểu thành nước sử dụng được. “Phần thừa” được thả ngoài không gian sau khi xử lý bằng hóa chất.

Quá trình hoàn thiện tên lửa đẩy Trường Chinh 2F và Thần Châu

Đây là lần phóng thứ 109 của các loại tên lửa đẩy Trường Chinh sau khi đã thành công trong 108 lần trước đó kể từ khi chính thức đưa vào sử dụng cách đây 12 năm (tháng 10-1996). Giới chuyên môn đánh giá rất cao tên lửa đẩy Trường Chinh, nhất là Trường Chinh 2F bởi đó là loại tên lửa thành công nhất trong lịch sử ngành hàng không-vũ trụ của Trung Quốc. Tên lửa đẩy Trường Chinh 2F (Long March II F) được coi là công nghệ riêng của Trung Quốc. Đây là loại tên lửa dài nhất (58,3 mét), nặng 479,8 tấn, có công nghệ tinh vi, phức tạp nhất và đẩy được khối lượng nặng nhất hiện nay.

Ngoài hạn chế độ rung khi xuất phát,  tàu Thần Châu 7 còn có tới 30 chi tiết khác (về cấu trúc) so với Thần Châu 6. Thần Châu 7 có nhiều cải tiến so với Thần Châu 6 như phi hành gia có thể lái giống như điều khiển máy bay chiến đấu, chở được 3 người, mang theo một khối thiết bị nặng tới 300 kg... Khoang trở về của Thần Châu 7 có đường kính 2,5 mét. Thần Châu được thiết kế dựa trên mẫu tàu vũ trụ Soyuz gồm 3 khoang của Nga.

Được biết, Mỹ theo dõi chặt chẽ việc Trung Quốc phóng Thần Châu 7. Chuyên gia nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ Andrew Eriksson nói, kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực vũ trụ của Trung Quốc rất đang quan tâm. Giới chuyên môn cho rằng, trong một thời gian không xa, kỹ thuật vũ trụ của Trung Quốc sẽ đuổi kịp và vượt Nga và Mỹ

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.