Trung Quốc đã thất bại khi tìm cách chia rẽ ASEAN(?!)

Thứ Bảy, 30/04/2016, 10:00
Lâu nay người ta nói nhiều đến tình trạng Trung Quốc tìm cách “chia để trị” các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Hành động này được bộc lộ rõ ràng nhất trong những ngày gần đây, đặc biệt là gần tới thời điểm Tòa quốc tế ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Sau những ồn ào ở Campuchia, Lào và Brunei, Hội nghị về việc thực thi Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông (DOC) tại Singapore phần nào cho thấy Bắc Kinh đã thất bại trong việc mua chuộc các thành viên ASEAN.

Những tranh cãi về việc Bắc Kinh tìm cách chia rẽ các nước ASEAN bắt đầu bằng tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 22-4. Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Prak Sokhon ở Phnom Penh ngày 22-4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khen ngợi sự ủng hộ của Campuchia đối với lập trường của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.

Hai ngày sau đó, Bắc Kinh tiếp tục rêu rao cả Brunei và Lào cũng đã “nhất trí với Trung Quốc” rằng, Biển Ðông là chuyện riêng giữa Trung Quốc và những quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc chứ không phải là vấn đề chung của ASEAN. Chưa kể ba quốc gia này còn bày tỏ sự tán thành quan điểm của Trung Quốc là không chấp nhận bất kỳ sự áp đặt nào từ bất cứ bên nào không có liên quan trực tiếp tới Biển Ðông.

Ðồng thời, Brunei, Campuchia, Lào còn tin rằng, Trung Quốc và ASEAN có thể hợp tác chặt chẽ với nhau để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Ðông, thành ra các quốc gia khác không nên can dự vào tiến trình đó.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và đồng nhiệm Campuchia Prak Sokhonn trước cuộc họp tại Bộ Ngoại giao ở Phnom Penh ngày 22-4.

Những thông tin trên lập tức bị báo giới và các quan chức ASEAN lên tiếng chỉ trích. Phát biểu tại Diễn đàn Cộng đồng ASEAN ở Jakarta hôm 25-4, ông Ong Keng Yong, cựu Tổng thư ký ASEAN, nói rằng, Campuchia và Lào - hai thành viên của ASEAN - vốn không có bất kỳ tranh chấp nào với Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông, không thể đơn phương thỏa thuận với Trung Quốc về đường hướng giải quyết vấn đề Biển Ðông, bởi đó là một kiểu can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN.

Cựu Tổng thư ký ASEAN nhận định, hành động của Campuchia và Lào không khác gì nhân danh khối quốc gia Ðông Nam Á nên “rất đáng ngạc nhiên”, kể cả khi Lào đang đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN. Ông Ong nhấn mạnh, Biển Ðông luôn là vấn đề thuộc phạm vi của Tuyên bố chung giữa toàn ASEAN với Trung Quốc về cách hành xử ở Biển Ðông (DOC).

Ngoài ông Ong, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Indonesia cũng đã lên tiếng khẳng định, các bên có liên quan đến vấn đề Biển Ðông phải tôn trọng DOC và phải xúc tiến để đạt cho bằng được Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Ðông (COC). Ðây là quyền hạn và trách nhiệm của cả khu vực vì sự ổn định ở Biển Ðông là chuyện chung của cả Trung Quốc lẫn ASEAN.

Trước sự chỉ trích nặng nề trên, ngày 26-4, Campuchia phản pháo và dội ngay một gáo nước lạnh vào Trung Quốc. “Campuchia không có thỏa thuận nào với Trung Quốc”. Ðó là tuyên bố của ông Phay Siphan, phát ngôn viên chính phủ Campuchia về thông tin Pnom Penh đạt thỏa thuận với Trung Quốc về cách giải quyết cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Ông Phay Siphan giải thích thêm rằng, tuần trước, “chỉ có ngoại trưởng Trung Quốc đến thăm Campuchia chứ không có thảo luận hay thỏa thuận nào”.

Ðiều khiến người ta bất ngờ là phản ứng của Campuchia. Trong tuyên bố hôm 26-4, Campuchia khẳng định chỉ “tìm cách giảm thiểu rạn nứt hiện có trong nội bộ ASEAN về các tranh chấp chủ quyền tại Biển Ðông” chứ không thảo luận để đạt được sự đồng thuận riêng rẽ nào với Trung Quốc. Nói cách khác, ít nhất thì Ngoại trưởng Trung Quốc cũng đã dối trá về chuyện Campuchia ủng hộ Trung Quốc về phương thức giải quyết vấn đề Biển Ðông.

Brunei - một trong những quốc gia đang có tranh chấp về chủ quyền tại Biển Ðông và Lào - quốc gia đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, chưa lên tiếng nên chưa thể khẳng định Ngoại trưởng Trung Quốc đã dối trá đến mức nào.

Các nhà lãnh đạo ngoại giao ASEAN và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tại hội nghị về việc thực thi Tuyên bố DOC tại Singapore, ngày 27-4.

Trung Quốc đã tìm đủ cách, kể cả tác động đến một số thành viên của ASEAN nhằm trì hoãn việc xác lập COC. Nếu có COC, những hành động đơn phương của Trung Quốc tại Biển Ðông có thể bị ASEAN kiện trước hệ thống tòa án quốc tế. Trong một hội nghị mới diễn ra tại Indonesia, nhiều viên chức hoặc cựu viên chức ngoại giao của ASEAN cảnh báo, Trung Quốc đang gia tăng nỗ lực phân hóa nội bộ ASEAN trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS ở Biển Đông, có thể trong tháng 5 này.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng bất kỳ nỗ lực nào của Bắc Kinh nhằm chia rẽ đoàn kết trong khối ASEAN về Biển Đông sẽ chỉ là hành vi thiển cận, vì một ASEAN chia rẽ chẳng mang lại lợi lộc gì cho Trung Quốc. Các nhà quan sát cho hay, thủ đoạn và động thái này của Ngoại trưởng Trung Quốc chỉ nhằm hai mục đích, một là gạt cộng đồng quốc tế mà cụ thể là Mỹ, Nhật, Ấn, Úc khỏi vấn đề Biển Đông. Hai là phủ nhận vai trò và phán quyết của Tòa PCA trong vụ kiện của Philippines.

Tuy nhiên chắc chắn Bắc Kinh sẽ không đạt được mục đích này. Phát biểu của ông Phay Siphan cho thấy, Campuchia cần tiền Trung Quốc nhưng không có nghĩa là Phnom Penh sẽ lên tiếng phản đối vai trò và phán quyết của PCA trong vụ kiện của Philippines.

Hành động phá rối ASEAN của Trung Quốc tiếp tục bị chỉ trích tại Hội nghị về việc thực thi Tuyên bố DOC tại Singapore diễn ra ngày 27 và 28-4. Trưởng đoàn Trung Quốc tuyên bố “bị sốc” sau khi nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu của ASEAN lên án Bắc Kinh gây chia rẽ nội bộ các quốc gia Đông Nam Á.

Báo mạng Straites Times cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố bị “choáng váng” và yêu cầu Singapore giải thích về tuyên bố của cựu Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Kong tại Jakarta hôm 24-4.

Trước những lời đả kích, ngày 27-4, tại Singapore, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân biện minh là Trung Quốc “không bao giờ có ý định chia rẽ ASEAN” và luôn “ủng hộ ASEAN phát triển”. Tuy nhiên, lời nói của chính quyền Bắc Kinh luôn bị nghi ngờ vì từ trước đến giờ họ không chứng tỏ được mình là “nam tử Hán”.

M.Thạch (tổng hợp)
.
.