Trung Quốc đưa vũ khí ra đảo nhân tạo ở Biển Đông
Tình huống dẫn đến xung đột
Ngày 28/5, báo Sydney Morning Heralds của Australia cho biết, Trung Quốc đã chính thức di chuyển vũ khí đến đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tờ báo trích dẫn lời các quan chức Australia nói rằng, các loại vũ khí có thể là radar, súng phòng không và cả máy bay trinh sát.
Trả lời về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc đưa vũ khí lên một số đảo nhân tạo ở Biển Đông, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao diễn ra chiều 28/5 tại Hà Nội, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho hay, Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát sao hoạt động của các bên liên quan tại Biển Đông.
Biển Đông cũng là tuyến hàng hải cũng như hành lang hàng không quốc tế hết sức quan trọng. “Chúng tôi yêu cầu cũng như mong muốn tất cả các bên liên quan duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC)”- ông Bình nói.
Trong một bài viết trên tờ The Commentator (Mỹ), giáo sư Michael Auslin, từng giảng dạy môn Lịch sử tại Trường đại học Yale, nêu ra 3 tình huống mà ông nói có thể dẫn tới xung đột Mỹ-Trung trên Biển Đông. Thứ nhất, là một tai nạn máy bay đâm va vào nhau trên không phận Biển Đông, tương tự như vụ một chiến đấu cơ Trung Quốc và một máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ đụng nhau ngoài khơi đảo Hải Nam năm 2001, gây ra một vụ tranh cãi quốc tế.
Giáo sư Auslin nói rằng trong bối cảnh Hải quân Mỹ đang xem xét tới việc điều tàu chiến tới phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp trong Biển Đông, và như thế tiến vào vùng biển mà giờ Trung Quốc tuyên bố là “thuộc lãnh thổ có chủ quyền của họ”, thì khó có thể tránh khỏi những hành động quấy nhiễu của các tàu Trung Quốc đối với các tàu Mỹ, có nguy cơ dẫn tới một tai nạn tàu va vào nhau, kéo theo phản ứng của cả hai bên.
Ông Auslin nói đó là điều mà Trung Quốc đã làm với tàu bè của các nước khác, và một tai nạn có thể dẫn hai nước tới chỗ đối đầu với nhau. Theo giáo sư Auslin, tình huống này rất dễ xảy ra, một khi Trung Quốc hoàn tất việc xây các đường băng trên các quần đảo trong Biển Đông, tạo điều kiện cho các chiến đấu cơ tuần tra trong không phận của các đảo này.
Tình huống thứ hai, theo giáo sư Auslin, là Trung Quốc có thể cố tình tạo điều kiện cho một vụ đối đầu bằng cách chỉ thị cho máy bay của họ đeo sát máy bay của Mỹ, với hy vọng sẽ tăng nguy cơ xảy ra xung đột để buộc Chính phủ của Tổng thống Obama nhượng bộ, trong bối cảnh Mỹ còn đang phải ứng phó với nhiều thách thức ở Trung Đông và với Nga ở châu Âu.
Ngòi nổ thứ ba là nếu Trung Quốc chặn đầu các máy bay của các nước đồng minh của Mỹ như Philippines chẳng hạn. Washington lúc đó có thể can thiệp một cách chính đáng, viện lý do Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ luật pháp quốc tế. Giáo sư Auslin nhận định, trong khi không có một cơ chế nào để giải tỏa căng thẳng, trong bối cảnh giữa hai nước hiện thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, và khả năng quân sự của Trung Quốc đang được tăng cường, thì càng ngày càng có nhiều rủi ro hơn đối với Mỹ trong việc đối đầu với tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Tàu chiến Trung Quốc phóng tên lửa trong một cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông. |
Ông Auslin kết luận: Trong 20 năm qua, chưa có lúc nào mà nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai nước lớn này lại cao đến mức này.
Trung Quốc “coi trời bằng vung”
Việc xây dựng và bồi đắp những bãi đá và đảo mà Trung Quốc chiếm của các nước láng giềng ở Biển Đông đã bị cả thế giới lên án. Từ các nước đơn lẻ cho đến những tổ chức như ASEAN, Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, NATO, thậm chí cả Tòa Thánh Vatican cũng lên tiếng báo động về những hành vi gây mất an ninh của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong một phản ứng mới nhất, ngày 27/5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho rằng, các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ "làm phức tạp nỗ lực giải quyết tranh chấp".
Phát biểu với báo giới trước thềm Hội nghị cấp cao Nhật Bản-Liên minh châu Âu (EU) tại thủ đô Tokyo, ông Tusk khẳng định "lập trường của EU là các bên liên quan phải kiềm chế việc đe dọa hay sử dụng vũ lực".
Ngoài phản ứng mang tính ngoại giao, các nước như Mỹ, Nhật Bản và Philippines thậm chí còn thách thức cả Trung Quốc trong hành động. Sự kiện Mỹ gửi máy bay do thám hồi tuần trước bay sát khu vực mà Trung Quốc đang bồi đắp ở Biển Đông hay việc Philippines tuyên bố vẫn cho máy bay bay vào khu vực mà Trung Quốc tự vẽ ra ở vùng biển này cho thấy điều này.
Mới nhất, ngày 28/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không loại trừ khả năng coi Biển Đông là một khu vực tiềm năng để các binh sĩ Nhật Bản cung cấp sự hỗ trợ hậu cần cho binh sĩ của Mỹ và các nước khác theo một khuôn khổ pháp lý mới.
Bất chấp tất cả, ngày 26/5, Trung Quốc nói rằng hoạt động xây đảo nhân tạo quy mô lớn mà họ thực hiện tại các bãi cạn và đảo san hô ở Biển Đông đang có tranh chấp không khác gì những dự án công chính như sửa chữa đường sá hay xây dựng cầu cống, chung cư!
Cùng ngày, Bắc Kinh công báo chính sách quốc phòng mới, trong đó khẳng định chiến lược quân sự trong thời gian tới là chú trọng phát triển sức mạnh hải quân bên ngoài phạm vi lãnh hải, đặc biệt nhắc tới khả năng tấn công của Bắc Kinh một khi bị “khiêu khích” trên Biển Đông.
Sách trắng quân sự Trung Quốc đã nhiều lần nhắc đến “Giấc mơ Trung Quốc” – một khẩu hiệu đầy khát vọng và được cụ thể hóa bằng các hoạt động hiện đại hóa và nhanh chóng mở rộng sức mạnh quân sự của nước này.
Bên cạnh đó, Sách trắng quốc phòng Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo trước những đe dọa về quyền và lợi ích mà nước này phải đối mặt. Theo đó, Bắc Kinh “sẽ chỉ tấn công khi bị tấn công, nhưng sẽ phản công”, đồng thời nhắc tới “những hành động khiêu khích của các láng giềng ngoài biển” và “các phe bên ngoài tự liên hệ vào vấn đề biển Biển Đông”.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân trong buổi họp báo công bố Sách trắng "Chiến lược quân sự của Trung Quốc” ngày 26/5. |
Chính sách quân sự mới cũng khẳng định quân đội Trung Quốc sẽ gia tăng khả năng cơ động và hỏa lực “tấn công tầm xa và tầm trung”. Theo Tân Hoa xã, Sách trắng chiến lược quân sự của Trung Quốc là một điều chỉnh chiến lược quân sự của nước này, nhấn mạnh đến việc “giành chiến thắng trong các xung đột được tin học hóa ở quy mô địa phương” trong bối cảnh các phương tiện quân sự được sử dụng ngày càng hiện đại, chiến tranh có thể diễn ra trên biển, trên không, trên mạng và trong lĩnh vực hạt nhân.
Ngay sau đó, Bắc Kinh còn tiếp tục thách thức dư luận thế giới. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc vào hôm 26-5 đã làm lễ động thổ xây dựng hai ngọn hải đăng trên Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma mà Bắc Kinh đã chiếm của Việt Nam vào năm 1988. Theo Tân Hoa xã, hai ngọn hải đăng đó sẽ cao 50m, có đèn chiếu cỡ lớn với đường kính 4,5 m, có thể rọi xa đến 22 hải lý.
Cùng với những hành động của chính quyền Bắc Kinh, báo chí Trung Quốc cũng liên tục đưa ra những lời tuyên bố hiếu chiến chưa từng có. Chiến tranh là "không thể tránh khỏi” giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông trừ phi Washington chấm dứt việc đòi hỏi Bắc Kinh ngưng xây đảo nhân tạo trong vùng biển này - Đó là tuyên bố của Hoàn Cầu thời báo, số ra ngày 25/5/2015. Bài xã luận nhấn mạnh: Bắc Kinh quyết tâm hoàn tất các công trình xây dựng trong những khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Thế giới cần phải làm gì để ngăn Trung Quốc?
The Washington Post, một tờ báo có uy tín hàng đầu tại Mỹ, đã công khai biểu lộ thái độ bất bình, và lên tiếng kêu gọi chính quyền Mỹ phải có phản ứng đáp trả cụ thể trước các hành vi của Bắc Kinh bị tờ báo gọi là “khiêu khích nguy hiểm”. Điểm nguy hại được nhấn mạnh là nguy cơ Trung Quốc tìm cách giới hạn lưu thông trên không và trên biển qua khu vực gần các cơ sở mà họ đang hoàn tất ở Biển Đông.
Đối với The Washington Post, có thể là không thể nào ngăn chặn được các công việc mà Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông, nhưng điều quan trọng là cần phải dứt khoát tố cáo và bác bỏ mưu toan của Trung Quốc muốn hạn chế tự do lưu thông, tại một vùng biển mà họ đòi chủ quyền đến 80% diện tích, dựa theo một tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mơ hồ có từ thập niên 40 thế kỷ trước.
Ở một khu vực là đường qua lại của tàu bè quốc tế, Trung Quốc lại muốn loại tàu thuyền và máy bay quốc tế ra khỏi một vùng rộng 200 hải lý chung quanh các vùng tranh chấp, rộng hơn gấp bội so với 12 hải lý mà Mỹ công nhận. Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông thiếu cơ sở chính đáng, nhưng Bắc Kinh lại từ chối sự trung gian hòa giải của quốc tế, hay tích cực đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử với các láng giềng.
Tàu nạo vét của Trung Quốc ráo riết lấy đất lấp biển trong vùng biển quanh đảo Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa Việt Nam. |
Theo The Washington Post, thái độ cứng rắn của Mỹ sẽ động viên các quốc gia châu Á còn ngần ngại trong việc đoàn kết chống lại các yêu sách chủ quyền và hành vi áp đặt thô bạo của Trung Quốc. Một trong những lợi thế mà Washington có thể khai thác là cho dù rất muốn thiết lập quyền bá chủ trong khu vực, nhưng Trung Quốc vẫn tránh gây xung đột lớn với các nước láng giềng và với Mỹ. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã từng phải rút lui chiến thuật khi hành vi hung hăng trên biển của họ đã gặp phải sự kháng cự.
Trong một bài viết có tựa đề “Đã tới lúc Mỹ nên cứng rắn với Trung Quốc”, báo The National Interests của Mỹ viết rằng các nhà làm chính sách ở Mỹ đang cân nhắc làm thế nào để khẳng định quyền tự do đi lại trên biển, và quyền sử dụng không phận trên các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, dựa trên Công ước Quốc tế về Luật Biển mà Mỹ tuân thủ, nhưng không ký kết, trong khi ngược lại, Trung Quốc ký kết nhưng lại không tuân thủ.
Tờ báo nói Washington dường như bị tê liệt tạm thời trong khi đang cân nhắc những sự rủi ro nếu Washington thách thức Bắc Kinh bằng cách đưa tàu vào vùng biển tranh chấp để thực thi quyền tự do hàng hải.
Tờ báo nhắc lại rằng, khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố một khu nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013, Washington lập tức phản ứng bằng cách phái hai chiếc máy bay ném bom B-52 bay ngang qua không phận mà Trung Quốc tuyên bố là khu nhận dạng phòng không của họ, tuy rằng các máy bay thương mại của Mỹ được lệnh tạm lánh khu không phận này.
Bài viết trên tờ The National Interests cho rằng Washington lẽ ra nên có phản ứng tương tự như hồi tháng 1-2008, khi Bắc Kinh phản đối Hàng không mẫu hạm Kitty Hawk đi ngang qua eo biển Đài Loan, Đô đốc Timothy Keating đã trả lời rằng: “Chúng tôi không cần Bắc Kinh cho phép đi ngang qua eo biển Đài Loan. Chúng tôi thực thi quyền tự do đi lại eo biển này bất cứ khi nào chúng tôi cần, xin nói lại, bất cứ khi nào chúng tôi muốn”.
Theo Giáo sư Carl Thayer chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia, để chặn đứng các bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông, không chỉ Mỹ mà cả các cường quốc khác tiếp giáp với Biển Đông cần vào cuộc. Một vấn đề đang được thảo luận là vì Mỹ không phải là một bên đã ký kết vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cho nên một số thách thức đối với các tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông có thể được thực hiện bởi các nước như Australia chẳng hạn, quốc gia đã ký công ước này.
Ngoài ra, theo ông Thayer, phải có chiến thuật đối phó với Trung Quốc. Thứ nhất là về vấn đề từ ngữ, nhiều người mô tả các hoạt động Trung Quốc là cải tạo đất, bị kẹt chỗ đó. Không phải vậy, những gì đang diễn ra là Bắc Kinh đang lấy đất cát từ dưới đáy biển lên, không phải là từ các vùng đất nổi mà từ các vùng đất chìm dưới mặt biển mà theo luật gọi là bãi nổi khi thủy triều xuống. Do vậy, bất kể những gì Trung Quốc xây dựng trên đó cho dù là đảo nhân tạo đi nữa, theo luật quốc tế, họ cũng không đủ tư cách pháp lý đối với một vùng phòng không mà chỉ đủ tư cách pháp lý với vùng an toàn riêng của họ mà thôi. Mà Trung Quốc thì đang tìm cách nhận chủ quyền vượt hơn những thứ đó nữa.
Trung Quốc hành xử vô trách nhiệm và vô luật lệ. Cho nên, một trong những cách phản ứng là phải đương đầu với họ bằng các thách thức, cho tàu bè qua lại đó và tìm cách chấm dứt các cuộc tuần tra của họ.
Trong lúc căng thẳng đang xảy ra giữa Mỹ, Trung Quốc và một số nước liên quan đến vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Bắc Kinh quyết định cử một đô đốc tham dự Diễn đàn An ninh châu Á - Thái Bình Dương Shangri-La. Tờ South China Morning Post cho hay: Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Trung Quốc sẽ cùng với 29 thành viên sang tham dự Diễn đàn An ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Singapore từ ngày 29 đến 31/5. Một số nhà quan sát xem đây là dấu hiệu Bắc Kinh đã sẵn sàng đối đầu với tất cả những phản đối của thế giới về kế hoạch xâm chiếm Biển Đông.