Hậu Đối thoại Shangri-La:

Trung Quốc nên có hành động để các nước khác tin tưởng

Thứ Sáu, 05/06/2015, 21:00
Tại Diễn đàn An ninh Quốc phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, người Trung Quốc đã nghe được những quan điểm của các quốc gia khác, và họ nên có hành động để những quốc gia khác thấy họ có thiện chí thật sự, từ đó mới giữ được sự ổn định và hòa bình khu vực.

Không thể biến một tảng đá ngầm dưới đại dương thành một sân bay rồi sau đó giành chủ quyền

Diễn ra từ ngày 29 đến ngày 31/5, sự tham dự của gần 500 đại biểu đến từ 38 quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó bao gồm nhiều quan chức cấp cao về quốc phòng, đã cho thấy tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 ở Singapore. Vấn đề Biển Đông và những hành động gây mất ổn định của Trung Quốc chiếm gần như toàn bộ chương trình nghị sự của Đối thoại này. Hầu hết tất cả các nước tham gia diễn đàn đều lên tiếng tố cáo, cảnh báo Trung Quốc.

Mở đầu phiên toàn thể Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thẳng thừng chỉ đích danh Trung Quốc là nước đã đi “xa nhất và nhanh nhất” hơn bất kỳ quốc gia nào trong việc cải tạo ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh: “Trung Quốc đã cải tạo lấn biển trên phạm vi hơn 800 hecta đất, nhiều hơn tất cả các nước liên quan cộng lại và hơn tổng tất cả các hoạt động lấn đất trong lịch sử. Và Trung Quốc đã làm điều này chỉ trong 18 tháng qua”.

Vấn đề an ninh Biển Đông thành chủ đề chính trên diễn đàn An ninh Quốc phòng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong Đối thoại Shangri-La.

"Với những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, Trung Quốc vượt qua hàng rào chuẩn mực và quy ước quốc tế, vi phạm giao ước về an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trước sự đồng thuận của các nước trong khu vực là ủng hộ hình thức ngoại giao chống lại sự cưỡng bức", ông Carter tuyên bố. “Đến giờ vẫn chưa rõ là Trung Quốc sẽ còn đi đến đâu và đó là nguyên nhân vùng biển này đang trở thành nguồn cơn căng thẳng ở khu vực”.

“Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải, tự do hàng không – các nguyên tắc đã đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho khu vực trong suốt mấy thập kỷ qua… Mỹ sẽ đến, bằng máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”, ông Carter nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng tái khẳng định là Mỹ không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với những đảo nhân tạo mà nước này đang ra sức bồi đắp ở Biển Đông. “Điều sau cùng tôi muốn nói, là bạn không thể biến một tảng đá ngầm dưới đại dương để thành một sân bay rồi sau đó giành chủ quyền. Nó không có khả năng như vậy và bạn cũng không có quyền hạn gì để cấm người khác phải hạn chế hàng không và hàng hải trong khu vực quốc tế này”, ông Carter nói.

Để đối phó với tình hình mới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho hay, Washington sẽ đẩy mạnh các hoạt động tăng cường xây dựng năng lực ở khu vực. Ông nhấn mạnh: Mỹ sẽ đem các hệ thống do thám mới như máy bay do thám P8-Poseidon, máy bay cảnh báo E-2D Hawkeye tới khu vực, đồng thời tái khẳng định cam kết sát cánh cùng các đồng minh và đối tác ở châu Á – Thái Bình Dương để duy trì hòa bình và ổn định của khu vực.

Ngoài ra, ông Carter cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ thiết lập Sáng kiến An ninh biển Đông Nam Á. Theo ông Carter, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn 425 triệu USD cho các nỗ lực xây dựng năng lực trên biển ở Đông Nam Á.

Đến lượt mình, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự sự kiện thường niên này lại ra sức biện bạch cho hành vi phi pháp nói trên của nước mình. Trong bài phát biểu của mình, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc bác bỏ việc Mỹ yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như quan ngại của Washington về nguy cơ “tính toán sai lầm” và “xung đột” trên vùng biển này.

Ông Tôn cho rằng các hoạt động của Trung Quốc là “hòa bình và hợp pháp”, thậm chí còn có lợi cho thế giới. “Trung Quốc tiến hành hoạt động xây dựng trên một số đảo và bãi đá ngầm trên Biển Đông chủ yếu nhằm tăng cường chức năng của chúng và cải thiện điều kiện sống và làm việc của đội ngũ đồn trú tại đó”, ông Tôn biện bạch.

Ông ta còn nói thêm rằng ngoài việc đáp ứng những yêu cầu quốc phòng cần thiết, các đảo nhân tạo còn giúp Trung Quốc tăng cường thực hiện những trách nhiệm và cam kết quốc tế liên quan đến tìm kiếm cứu hộ trên biển, phòng chống thảm họa, nghiên cứu hàng hải, theo dõi khí tượng, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn tàu bè qua lại, hoạt động đánh bắt thủy sản. Ông Tôn Kiến Quốc kêu gọi các nước khác ngừng các hành động “gây mất đoàn kết” về vấn đề này!

Việc Trung Quốc tăng cường hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp khiến các quốc gia láng giềng lo ngại Bắc Kinh sẽ đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, như những gì họ đã từng làm ở biển Hoa Đông hồi cuối năm 2014. Về vấn đề này, ông Tôn cho hay Trung Quốc có quyết định thiết lập ADIZ trên Biển Đông hay không là tùy thuộc vào việc có mối đe dọa nào đối với an ninh hàng không và hàng hải của nước này trong khu vực hay không.

Giới quan sát nhận thấy, so với năm 2014, đại diện của Trung Quốc năm nay không sa đà vào chỉ trích Mỹ hay khơi gợi quá khứ quân phiệt của Nhật, mà chủ yếu nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc về việc bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực, cũng như tuyên truyền về những mục đích “dân sự”, cùng “trách nhiệm quốc tế” của Bắc Kinh khi xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa.

Trong bài phát biểu tại Shangri-La hôm 31/5, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews đã cùng với Mỹ và các nước khác phản đối hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Andrews nhấn mạnh: “Australia đã xác định rõ lập trường của mình, là chống đối bất cứ hành động trấn áp, đơn phương nào để thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Australia tin rằng tất cả các nước đối tác khu vực hiện diện tại đây đều có lợi ích lâu bền gắn liền với các hoạt động giao thương an toàn và ổn định trên biển và trên không”.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã bày tỏ quan ngại về tranh chấp liên quan tới chủ quyền các đảo và bãi đá ở Biển Đông. Phát biểu bên lề Diễn đàn Shangri-La, bà Leyen cho biết một nửa số lượng hàng hóa trên thế giới vận tải bằng đường biển đi qua khu vực châu Á - Thái Bình Dương và điều này càng có ý nghĩa với Đức, quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani lên tiếng cảnh báo các dự án cải tạo lấn biển ở Biển Đông đang có nguy cơ gây rối loạn trong khu vực, đồng thời kêu gọi các quốc gia, trong đó có Trung Quốc hành xử có trách nhiệm. “Nếu chúng ta để bất kỳ hành động phi pháp nào xảy ra mà không có sự giám sát, trật tự sẽ nhanh chóng biến thành rối loạn, hòa bình và ổn định sẽ bị hủy hoại”, ông Nakatami cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật cũng đề xuất những gì mà ông gọi là “Sáng kiến Đối thoại Shangri-La” - gồm 3 biện pháp để củng cố an toàn, an ninh hàng hải và hàng không trong khu vực, trong đó có việc các thành viên ASEAN đồng giám sát vùng trời. Kết luận bài phát biểu của mình, ông Nakatani nói là tại diễn đàn này người Trung Quốc đã nghe được những quan điểm của các quốc gia khác, và họ nên có hành động để những quốc gia khác tin tưởng, từ đó mới giữ được sự ổn định và hòa bình của khu vực.

Chính sách tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ cũng là cân bằng ảnh hưởng kinh tế

Những động thái của Mỹ quanh vấn đề Biển Đông thời gian gần đây cho thấy chính sách tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương càng trở nên quan trọng trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ tại khu vực này.

Ảnh vệ tinh chụp một trong số các rạn san hô, bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) đang bị Trung Quốc cải tạo phi pháp.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được đánh giá là hai trụ cột của Học thuyết Obama nhằm duy trì vai trò dẫn dắt của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. Ở châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ từng có ý định sử dụng Diễn đàn Hợp tác kinh tế (APEC) để phát huy ảnh hưởng kinh tế đối với khu vực.

Tuy nhiên, do sự phát triển và ảnh hưởng của nhiều nền kinh tế trong khu vực, trước hết là của Trung Quốc nên vai trò của Mỹ ngày càng mờ nhạt. Vì thế Mỹ phải tìm cách thức khác để định hình lại chính sách thương mại đối với khu vực châu Á – Thái Bình dương. Theo đó, Mỹ đưa ra sáng kiến tham gia đàm phán TPP vào năm 2008.

Với bước đi này, chính quyền của Tổng thống Barack Obama hy vọng TPP sẽ cải thiện các mối quan hệ thương mại xuyên Thái Bình Dương, đặt nền móng cho một chương trình tự do thương mại do Mỹ dẫn dắt. Theo các chuyên gia kinh tế, thỏa thuận về TPP nếu đạt được sẽ là một thắng lợi lớn đối với Mỹ trong cuộc “chiến kinh tế” đang diễn ra ở châu Á – Thái Bình Dương.

Với diện tích khoảng 3,5 triệu km², cùng hàng nghìn hòn đảo, giàu tài nguyên, lại án ngữ tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, hàng năm chiếm khoảng 50% lượng vận tải biển trên toàn cầu, vì thế Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược của nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Ấn Độ và Liên minh châu Âu, và đó cũng là nguyên nhân cạnh tranh ảnh hưởng lợi ích gay gắt giữa các nước lớn.

Do không phải là một bên trong các tranh chấp chủ quyền ở khu vực, nên Washington đang dừng lại ở việc tuyên bố về lợi ích cốt lõi của Mỹ trong việc duy trì an ninh, an toàn tự do hàng hải trên biển Đông và nhấn mạnh ủng hộ giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở khu vực này dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Tuy nhiên, xuất phát  từ chiến lược toàn cầu và chiến lược châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ không chấp nhận bất kỳ sự thay đổi hiện trạng nào ở Biển Đông. Mỹ từng khẳng định dù không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở đây, nhưng sẽ phản dối mọi hành động đe dọa đến tự do hàng hải trên Biển Đông. Giới phân tích cho rằng, trong thời gian tới, vấn đề ngoại giao xoay quanh những căng thẳng ở Biển Đông sẽ trở thành hoạt động chủ đạo của giới chức Mỹ.

Về an ninh quân sự, hẳn nhiều người còn nhớ trước chuyến công du châu Á đầu tiên của ông Cater cũng đã khẳng định giai đoạn tiếp theo trong chiến lược tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, theo đó Washington sẽ điều chỉnh sự bố phòng lực lượng ở châu Á – Thái Bình Dương với sự hiện diện 60% lực lượng hải quân, đảm bảo để các lực lượng này có thể tiếp cận gần hơn với tuyến vận tải biển ở khu vực.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc tuyên bố: “Đích thân tôi cam kết theo đuổi giai đoạn tiếp theo của chính sách tái cân bằng này, bởi nó cho phép chúng tôi can dự sâu hơn và đa dạng hơn với khu vực”. Bước đầu tiên trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho các phương tiện quân sự tương lai, đặc biệt phù hợp với môi trường an ninh năng động và phức tạp của châu Á – Thái Bình Dương. Trang bị máy bay tàng hình tầm xa, tên lửa hành trình chống hạm tầm xa tân tiến, hay năng lực tái thiết các đường băng nhanh chóng… là một số ví dụ mà ông Carter nói rằng có thể giúp các lực lượng của Mỹ sống sót trong những tình huống khủng hoảng”. Ngoài ra, phát triển các loại hình chiến tranh không gian, chiến tranh điện tử hay một số dạng bất ngờ khác cũng nằm trong kế hoạch của Lầu Năm Góc.

Trên cơ sở hệ thống đồng minh hiện có, Mỹ đã và đang thúc đẩy mô hình “trục bánh xe và nan hoa” liên kết các liên minh và đối tác lại với nhau tạo ra thực lực tốt hơn trong việc xử lý các thách thức chung. Để thực hiện mô hình này, Mỹ đã và đang hỗ trợ các đối tác và đồng minh khu vực phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả hơn, phối hợp và hợp tác trong việc các lĩnh vực quan trọng, như an ninh hàng hải và khai thác nguồn nguyên liệu tự nhiên.

Ngoài ra, Mỹ còn có nhiều bước đi nhằm tăng cường sự can dự vào các thể chế khu vực, theo đuổi một loạt sáng kiến hợp tác với các thể chế đa phương châu Á, tham gia hợp tác trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo, khắc phục thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, như vụ tìm kiếm máy bay mất tích tại Malaysia.

Có thể thấy, việc Washington chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chỉ là hệ quả lô-gích của việc Mỹ quyết rút khỏi hai “bãi lầy” Iraq và Afghanistan, chính sách “tái cân bằng” khu vực nhiều lợi ích này ngày càng quan trọng đối với tương lai nước Mỹ.

Mộc Thạch - Bảo Trân (tổng hợp)
.
.