Trung Quốc phá giá đồng tiền: Xôi hỏng bỏng không

Thứ Hai, 24/08/2015, 10:00
Bất chấp những cố gắng của chính quyền Trung Quốc trong việc đưa giá trị đồng nhân dân tệ sát hơn với thực tế nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn quyết định cần thêm 9 tháng nữa, cho đến tháng 9/2016, mới xem xét rổ tiền tệ quốc tế có thêm đồng tiền của Trung Quốc hay không.

Từ ngày 11 đến 13/8/2015, chính quyền Trung Quốc đã 3 lần phá giá đồng nhân dân tệ so với đồng đôla Mỹ, tổng cộng giảm 4,6%. Giải thích về quyết định này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) nói rằng, đây là đợt điều chỉnh mà thị trường đã chờ đợi từ lâu và động thái này sẽ giúp tỉ giá phản ánh cung cầu thực đúng hơn, do giá USD đã tăng mạnh trong thời gian qua.

Theo PBoC, đây là một bước đi trong công cuộc cải cách cơ chế tỉ giá của Trung Quốc, nhằm cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc quyết định tỉ giá, từ đó dần bỏ việc can thiệp của nhà nước.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc - một trong những đồng tiền được kiểm soát chặt chẽ nhất trên thế giới - đã bị tổn thương trước những yếu kém của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Adarsh Sinha - chiến lược gia thuộc bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Bank of America Merril Lynch - nhận định: “Chúng tôi dự báo nhân dân tệ sẽ giảm giá từ 5-10% trong năm tới, mặc dù đồng tiền này vẫn còn khá ổn định trong những tháng tiếp theo”.

Theo Financial Times biện pháp tiền tệ của Trung Quốc gần đây là do tình hình phát triển kinh tế đang chậm lại. Tăng trưởng cả năm chỉ được 7%, mức thấp nhất kể từ 6 năm, xuất khẩu xuống 8,3% hồi tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, quá tệ đối với dự đoán 1,5%. Trước hết, đồng tiền yếu có thể giúp xuất khẩu của Trung Quốc có sức cạnh tranh hơn.

Tom Orlik, chuyên gia kinh tế trưởng châu Á của Bloomberg Intelligence, nhận định, đồng nhân dân tệ giảm giá 1% (tính trên tỉ giá thực) sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu lên thêm 1 điểm phần trăm với độ trễ là 3 tháng.

Theo CNN, cải cách tiền tệ theo định hướng thị trường còn là đòn bẩy hỗ trợ chiến dịch đưa đồng nhân dân tệ vào nhóm những ngoại tệ mạnh mà IMF dùng để định giá tài sản dự trữ. Tờ New York Times cho rằng động thái của Trung Quốc được đánh giá là một mũi tên trúng 2 đích, vừa thúc đẩy kinh tế trong nước, duy trì tăng trưởng và việc làm, vừa tăng quyền lực cho đồng nhân dân tệ để củng cố vai trò toàn cầu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, những nỗ lực trên của Trung Quốc dường như trở thành công cốc vì ngày 19/8, Hội đồng quản trị IMF quyết định, thành phần trong rổ tiền tệ quốc tế hiện nay được giữ nguyên cho đến tháng 9/2016. Hội đồng quản trị IMF cứ 5 năm lại họp một lần để quyết định thành phần trong rổ tiền tệ. Những đồng tiền được chọn vào rổ tiền tệ SDR (Special Drawing Rights) có tầm quan trọng vì là nguồn dự trữ được quốc tế công nhận. IMF mỗi lần dành tín dụng cho những nền kinh tế đang gặp khó khăn như Hy Lạp đều tính toán bằng SDR, hiện nay gồm 4 đồng tiền mạnh là đôla Mỹ, euro, bảng Anh và đồng yen Nhật.

Hội đồng quản trị IMF, đại diện cho 188 quốc gia thành viên, sẽ họp lại vào tháng 11/2015 để xem xét khả năng bổ sung đồng nhân dân tệ vào SDR. Thông cáo của Hội đồng Quản trị IMF không nêu ra đồng nhân dân tệ, cho biết: “Thời hạn này sẽ giúp những người sử dụng SDR có đủ thời gian để chuẩn bị”.

Trung Quốc xem ra được chút an ủi khi Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nói rằng việc bổ sung đồng nhân dân tệ vào SDR chỉ là vấn đề thời gian.

Trong khi đó, tác động của hành động phá giá đồng tiền 3 lần liên tiếp đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc lại hết sức nặng nề. Mới nhất, ngày 18-8, sàn giao dịch Thượng Hải lại bị mất 6% điểm. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ 3 tuần qua. Còn chỉ số Hang Seng tại Hông Công cũng giảm 1,22%, đóng cửa ở mức 23,525 điểm.

Tâm trạng lo ngại vẫn ám ảnh giới đầu tư sau khi Trung Quốc phá giá đồng tiền và xuất hiện dấu hiệu kinh tế tăng trưởng chậm lại bất chấp việc PBoC thông báo “bơm” thêm tiền. PBoC ngày 18/8 đã bơm thêm vào thị trường tiền tệ nước này 120 tỉ nhân dân tệ, tương đương 18 tỉ USD nhằm ngăn chặn việc các dòng vốn rời khỏi Trung Quốc trong bối cảnh nhân dân tệ đã liên tục rớt giá hồi tuần trước. Đây là đợt bơm tiền lớn nhất mà PBoC thực hiện kể từ hồi cuối tháng 1/2014 và nó được thực hiện theo hình thức mua lại có kỳ hạn.

Nguyên nhân của động thái trên được cho là do việc đồng nhân dân tệ liên tục mất giá và kinh tế tăng trưởng chậm thời gian qua đã khiến dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc ngày càng nhiều; giới chức nước này lo ngại điều này sẽ đẩy lãi suất cơ bản tăng cao trong tương lai.

Bên cạnh đó, nhiều khả năng PBoC sẽ bán thêm ngoại tệ trong quỹ dự trữ của nước này nhằm ổn định tỉ giá đồng nhân dân tệ. Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng, Bắc Kinh sẽ cần phải áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn để giữ lại dòng vốn như cắt giảm yêu cầu dự trữ của các ngân hàng.

Về hậu quả đối với bên ngoài, việc hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua so với USD gây tác động đến toàn thế giới. Theo tờ Le Figaro (Pháp), kinh tế Trung Quốc chậm dần sẽ khiến nhu cầu về nguyên liệu giảm đi, nhập khẩu Trung Quốc giảm khiến đầu tư thay đổi, cũng như quy trình sản xuất quốc tế.

Kinh tế Trung Quốc hạ cánh nhẹ nhàng thì các nước phát triển cũng như trỗi dậy có thể rút tỉa được lợi, nhưng nếu hạ cánh thô bạo thì sẽ gây suy thoái toàn cầu, các đối tác yếu của Trung Quốc sẽ bị đè bẹp và chính quyền Trung Quốc vốn đặt lên hàng đầu sự ổn định có thể bị ảnh hưởng.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.