Trung Quốc rà soát hàng nghìn nhà máy hóa chất

Chủ Nhật, 06/09/2015, 15:40
Sau loạt vụ nổ nhà máy hóa chất, đặc biệt là vụ nổ kinh hoàng tại kho hóa chất ở cảng Thiên Tân, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu rà soát lại gần 1.000 nhà máy nhằm củng cố độ an toàn hoặc di dời chúng ra xa khu vực dân cư.

Hôm 30/8 vừa qua, Bộ trưởng Công nghiệp Trung Quốc Miêu Vĩ cho biết, chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp liên quan đã bắt đầu xây dựng kế hoạch củng cố, di dời các nhà máy hóa chất có nguy cơ cháy nổ, gây ô nhiễm môi trường, và đang trình kế hoạch lên Trung ương. Đồng thời, các địa phương và doanh nghiệp khẩn trương triển khai kế hoạch trong một động thái tích cực thể hiện trách nhiệm trước các nguy cơ cháy nổ nhà máy, kho chứa hóa chất sau vụ nổ Thiên Tân.

Việc rà soát để củng cố, di dời các nhà máy, kho chứa hóa chất độc hại được cho là biện pháp cấp bách khả thi nhất mà cơ quan chức năng Trung Quốc phải thực hiện ngay nhằm phòng ngừa những tai nạn gây tổn thất lớn tiếp tục xảy ra.

Theo thông tin từ báo chí Trung Quốc, 3 ngày sau vụ nổ lớn nhất ở khu công nghiệp thuộc thành phố cảng Thiên Tân, tại ngay chính nơi xảy ra vụ nổ tiếp tục có thêm 7 vụ nổ nhỏ nữa vào ngày 15/8. Tổng số thương vong được công bố chưa đầy đủ của vụ nổ Thiên Tân là hơn 200 người chết và mất tích, hơn 700 người bị thương.

Cảnh hoang tàn sau vụ nổ ở Thiên Tân.

Trong khi dư luận Trung Quốc vẫn chưa hết bàng hoàng vì vụ nổ này thì tại nhiều địa phương khác ở Trung Quốc tiếp tục xảy ra những vụ nổ nhà máy, như vụ nổ tại một nhà máy thép ở thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, xảy ra chưa đầy 24 giờ sau vụ nổ Thiên Tân; ngày 23/8, nhà máy hóa chất Nhuận Hưng tại thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông phát nổ và bốc cháy làm 1 người chết, 9 người bị thương; hơn 1 tuần sau, ngày 31/8, một vụ nổ nhà máy hóa chất khác xảy ra tại thành phố Đông Dinh, cũng thuộc tỉnh Sơn Đông, làm 1 người chết, nhà máy bị cháy rụi.

Vụ nổ lớn ở Thiên Tân kèm theo hàng loạt vụ nổ nhỏ khác đã khiến cho dư luận quan tâm chú ý đến thực trạng các cơ sở công nghiệp, nhà máy thiếu an toàn, nguy cơ cháy nổ cao đang rất phổ biến. Theo cơ quan thống kê Trung Quốc, mỗi năm ở Trung Quốc có đến hơn 100.000 vụ tai nạn lao động, trong đó có hàng ngàn vụ cháy nổ lớn nhỏ, gây thương vong cho khoảng 68.000 người/năm.

Đáng quan tâm là đã xảy ra nhiều vụ nổ nghiêm trọng làm chết hàng chục đến hàng trăm người mỗi vụ, như vụ nổ nhà máy sản xuất phụ tùng xe ôtô ở thành phố Côn Sơn, tỉnh Giang Tô vào tháng 8/2014 làm chết 72 người; rồi vụ nổ ống dẫn dầu trước đó ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, làm chết 62 người, và nghiêm trọng hơn cả là vụ nổ nhà máy chế biến gia cầm ở thành phố Đức Huệ, tỉnh Cát Lâm, làm chết 119 người vào tháng 6/2013.

Những yếu kém trong quản lý là nguyên do để các sai phạm trong hoạt động của các công ty, nhà máy liên tục diễn ra. Trong vụ nổ ở Thiên Tân, sai phạm nghiêm trọng đã xảy ra ở Công ty Kho vận Quốc tế Nhuệ Hải. Cho đến trước khi tai họa xảy ra, Nhuệ Hải được biết đến như một địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu vận chuyển vật tư, hóa chất độc hại cho đối tác ở nước ngoài. Đây là ngành kinh doanh béo bở của riêng các doanh nghiệp quốc doanh.

Năm 2014, trước tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn, cháy nổ tại nơi làm việc và các nhà máy, kho xưởng, Cục Quản lý An toàn lao động Trung Quốc đã nâng mức phạt tiền đối với các công ty vi phạm các quy định nhà nước. Nhưng mức phạt ấy cũng chẳng ăn thua gì đối với các doanh nghiệp. Một chủ doanh nghiệp từng nhiều lần vi phạm các quy định về an toàn lao động và không đảm bảo an toàn kho, xưởng chỉ bị phạt không quá 20.000 nhân dân tệ (khoảng 3.136 USD).

Cháy nổ tại nhà máy chế biến gia cầm thành phố Đức Huệ, tỉnh Cát Lâm, tháng 6/2013.

Theo Cơ quan điều tra, vào đêm xảy ra vụ cháy nổ, có khoảng 3.000 tấn hóa chất độc hại đã được lưu trữ trong kho của Công ty Nhuệ Hải, trong đó có khoảng 700 tấn xyanua natri – loại chất cực độc và 1.300 tấn phân bón nitrat - gấp hơn 500 lần liều lượng sử dụng trong quả bom đánh sập tòa chung cư ở Oklahoma (Mỹ) năm 1995 – khoảng 500 tấn chất nổ magnesium và thuốc nitrat dùng để tẩy sạch kim loại. Ngoài ra còn có lượng không xác định chất dễ cháy cácbua canxi, loại dùng làm pháo hoa trang trí, hydrosunphua natri cực độc dùng trong khai thác quặng mỏ, có thể dễ dàng chuyển thành dạng khí và bốc cháy. Đây là lý do vì sao kho hóa chất Thiên Tân phát nổ rồi bùng cháy và nổ liên tục khi lính cứu hỏa đến dập lửa.

Còn có dư luận cho rằng, năm ngoái, kho của Công ty Nhuệ Hải từng chứa đến 4.261 tấn hóa chất độc hại mà không xin giấy phép của cơ quan chức năng nhưng không ai phát hiện vì không có kiểm tra hoặc nếu có thì cũng được cho qua do các mối quan hệ bí mật.

Theo các chuyên gia, việc chứa một lượng lớn hóa chất độc hại như thế tại một địa điểm sẽ rất nguy hiểm, bởi vì nguy cơ xảy ra phản ứng hóa học gây nổ là rất cao và tổn thất do hỏa hoạn là vô cùng lớn.

Các quy định của Trung Quốc yêu cầu hóa chất độc hại được lưu giữ ở những nơi thông thoáng, tránh ánh nắng mặt trời, xa đường dây điện và các nguồn nhiệt. Nhưng tại công ty Nhuệ Hải, các kho được xây dựng không đúng chuẩn, sơ sài và trang bị cũ kỹ, lạc hậu. Mặt khác, hóa chất cũng phải được lưu trữ riêng rẽ và ở khoảng cách an toàn để giảm nguy cơ gây ra phản ứng. Nhưng Công ty Nhuệ Hải không làm như thế.

Quy định của nhà nước không cho phép công ty mở rộng thêm mặt bằng kho chứa hóa chất độc hại, vì thế để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, công ty này đã tận dụng mặt bằng hiện có bằng cách lèn các thùng chứa các hóa chất nguy hiểm khác nhau sát vào nhau. Những sai phạm chết người này hầu như đã được cơ quan chức năng bỏ qua khi đến kiểm tra công ty, gần đây nhất là trong đợt kiểm tra tháng 6/2014, cơ quan chức năng đã không kiểm tra chặt chẽ, bỏ qua nhiều sai sót của Công ty Nhuệ Hải dẫn đến tai họa ngày 12/8.

Nổ ở nhà máy hóa chất tỉnh Sơn Đông ngày 23/8 vừa qua.

Những nguy cơ cháy nổ kho chứa hóa chất độc hại do sai sót của các doanh nghiệp và sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng đã từng được các nhà chuyên môn Trung Quốc lên tiếng cảnh báo. Chẳng hạn, giáo sư Thiệu Triều Phùng thuộc Đại học Nam Giai ở Thiên Tân, một chuyên gia về an toàn hóa chất, người đã có nhiều ý tưởng về an toàn độc hại và chống ô nhiễm nguồn nước, từ năm 2011 đã từng đưa ra cảnh báo về nguy cơ tai nạn tại khu công nghiệp Tân Hải, Thiên Tân.

Trong một báo cáo năm 2013, giáo sư Thiệu tiếp tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ tai nạn nổ hóa chất tại khu công nghiệp Tân Hải (nơi có kho hóa chất của Công ty Nhuệ Hải), trong đó ông nêu rõ nguy cơ lên đỉnh điểm vào năm 2015. Ngoài giáo sư Thiệu còn có nhiều chuyên gia khác trong ngành cũng liên tục cảnh báo nguy cơ. Tuy nhiên, những cảnh báo của các chuyên gia ấy đã bị bỏ qua một cách khó hiểu.

Calisto Radithipa, một nhà buôn hóa chất từng nhiều lần vận chuyển hóa chất độc hại sang Zimbabwe qua kho ngoại quan Công ty Nhuệ Hải nhận xét một cách ngắn gọn: “Rốt cuộc thì lợi nhuận là trên hết”. Vâng, lợi nhuận là cái đích cao nhất của hoạt động kinh doanh trong thế giới tư bản. Vì lợi nhuận mà người ta sẵn sàng phớt lờ nhiều thứ, trong đó có vấn đề đạo đức trong kinh doanh, kể cả những quy định nghiêm ngặt của nhà nước về an toàn, chống cháy nổ.

Vấn đề tham nhũng, móc ngoặc, quan hệ ngầm giữa quan chức chính trị với doanh nghiệp cũng đang được đặt ra và được xem là vấn đề khó giải quyết ở Trung Quốc. Trong trường hợp Công ty Nhuệ Hải, người ta nghi ngờ có sự che chở, ô dù của cơ quan chức năng quản lý để Công ty này liên tục sai phạm trong thời gian dài cho đến khi xảy ra tai nạn.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.