Trước thềm thượng đỉnh Nga - Mỹ tháng 6

Thứ Hai, 31/05/2021, 10:17
Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào tháng 6, đây sẽ là một trong những hội nghị thượng đỉnh được quan tâm nhiều nhất trong năm. Nhưng, cũng có nhiều nghi ngờ về việc liệu cuộc gặp có thể đạt được bước tiến gì, nhất là trong bối cảnh quan hệ ngoại giao Washington - Moscow không mấy tốt đẹp.


Cơ hội hòa giải

Hãng Tass tối 25-5 đã dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin xác nhận việc Nga- Mỹ đạt đồng thuận về tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Joe Biden tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 16-6. Phía Nga cho hay, hai lãnh đạo sẽ thảo luận về tình trạng hiện tại và triển vọng tương lai của quan hệ hai nước, vấn đề ổn định chiến lược và các vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự quốc tế, bao gồm cả cuộc chiến chống COVID-19 và giải quyết các cuộc xung đột khác.

Nhà Trắng cũng xác nhận thông tin này và khẳng định Tổng thống Joe Biden sẽ thảo luận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin nhiều vấn đề cấp bách. Nếu tổ chức thành công, đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống và là một cơ hội giúp Nga thoát khỏi con đường bất đồng với Mỹ. Hồi tuần trước Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp người đồng cấp Nga tại Iceland và đầu tuần này, Nhà Trắng cũng đã cử Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan đến gặp Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev.

Ông Biden từng gặp Tổng thống Putin vào năm 2011 tại Moscow khi đang là Phó Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP

Trên thực tế, mối quan hệ Washington-Moscow đã trở nên căng thẳng kể từ khi ông Biden nhậm chức. Hồi tháng 3, Nhà Trắng áp lệnh trừng phạt đối với Nga vì vụ đầu độc và giam giữ thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny. Tháng 4, chính quyền Tổng thống Biden lại “đánh” Nga bằng một loạt hình phạt khác với cáo buộc Điện Kremlin can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 của Mỹ và tham gia vào cuộc tấn công mạng SolarWinds, tấn công hàng loạt cơ quan liên bang và công ty tư nhân Mỹ. Hệ quả là hơn 30 cá nhân và thực thể của Nga bị trừng phạt, 10 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất. Moscow cũng đáp trả bằng cách trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ và sẵn sàng đối đầu với Washington.

Song, theo các nhà phân tích, dù mối quan hệ Mỹ-Nga ngày càng trở nên đối nghịch, vẫn có một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng như: kiểm soát vũ khí hạt nhân, thỏa thuận hạt nhân Iran, CHDCND Triều Tiên và sự ổn định ở Afghanistan sau khi Mỹ và liên quân rút quân. “Hai quốc gia có thể làm hồi sinh Hiệp ước Bầu trời mở - một hiệp ước quốc tế cho phép các chuyến bay quan sát qua các cơ sở quân sự. Cả hai nước đã rút khỏi nó nhưng dường như sẵn sàng tìm cách khởi động lại”, hãng CNN viết.

Những nghi kị

Tuy nhiên, vẫn có nhiều nghi ngại về khả năng hai nước đạt được bước tiến mới trong quan hệ ngoại giao. Thậm chí, một số chính trị gia Mỹ còn cho rằng, không khí gặp gỡ có thể sẽ căng thẳng hơn bởi vụ bắt giữ nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny và việc Nga thể hiện sự ủng hộ với Belarus sau khi nước này buộc một chuyến bay thương mại phải chuyến hướng hạ cánh khẩn cấp ở Minsk hôm 23-5 để bắt giữ nhà báo đối lập Roman Protasevich. Thượng nghị sĩ Ben Sasse, thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ là một trong số những người không tán thành hội nghị thượng đỉnh Biden-Putin.

Một vấn đề khác cũng gây tranh cãi trong nội bộ chính quyền Washington chính là việc Nga hậu thuẫn cho quân ly khai ở miền Đông Ukraine trong suốt 7 năm qua. Gần đây, Moscow đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực biên giới Ukraine trong một thông điệp rõ ràng gửi tới Washington rằng Nga đứng bên cạnh lực lượng ly khai. Đồng thời, Moscow lại tuyên bố không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột mà Tổng thống Putin thường gọi là “cuộc khủng hoảng nội bộ Ukraine”.

Heather Conley, người đứng đầu chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho biết mục tiêu của Điện Kremlin tại hội nghị thượng đỉnh lần này là “nhắc nhở Washington rằng mối quan hệ của họ với Bắc Kinh ngày càng mạnh mẽ trừ khi một thỏa thuận mới với Mỹ có thể được tìm thấy”.

Rõ ràng, ở gần như mọi vấn đề quốc tế, luôn có một điểm xích mích giữa Moscow và Washington. Chẳng hạn như với vấn đề Belarus, Tổng thống Putin đã nói rõ, ông đang gắn bó với nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko bất chấp các cuộc biểu tình lan rộng vào năm ngoái sau bầu cử. Hồi tháng trước, cơ quan an ninh Nga còn bắt giữ 2 người Belarus âm mưu lật đổ chính quyền Minsk và sát hại ông Lukashenko. Sau đó, Tổng thống Lukashenko tuyên bố trên truyền hình Belarus rằng có sự tham gia của nước ngoài vào âm mưu này và “rất có thể đó là hành động của FBI, CIA”.

Tổng thống Biden và người đồng cấp Putin vừa có cuộc điện đàm hồi tháng 4. Ảnh: AP

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Biden hồi tháng 4, Tổng thống Putin cũng nêu ra những cáo buộc này. Chưa hết, Mỹ và Nga cũng đang ở hai phía đối lập trong cuộc nội chiến kéo dài ở Syria: Moscow ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad trong khi Washington ủng hộ các chiến binh người Kurd ở địa phương và lực lượng đối lập.

Đôi bên cùng có lợi

Giới quan sát nhận định, hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 tại Geneva được coi là một chiến thắng cho Moscow. “Các phương tiện truyền thông nhà nước Nga sẽ quay hội nghị thượng đỉnh Putin-Biden theo cách nhấn mạnh vị thế cường quốc của Nga và vai trò không thể thiếu của nước này trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Bất chấp nhiều điểm tranh cãi giữa Moscow và Washington, Điện Kremlin có thể sẽ khẳng định lại câu chuyện của mình về việc trở thành một người chơi quốc tế mang tính xây dựng trên toàn cầu nhưng thường bị phương Tây đối xử không công bằng”, Andrius Tursa, cố vấn Trung và Đông Âu tại Teneo Intelligence nói với hãng CNBC.

Ông cũng lưu ý rằng, Hội nghị thượng đỉnh sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Putin kể từ tháng 1-2020 và mang lại cho ông chủ Điện Kremlin “tầm nhìn cấp cao” trước thềm cuộc bầu cử Duma Quốc gia vào tháng 9.

Còn đối với Tổng thống Biden, cuộc gặp sẽ trở thành tâm điểm sau một loạt cuộc họp cấp cao ở ở châu Âu, G7 từ ngày 11 đến 13-6 ở Anh và Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bỉ vào ngày 14-6. Daragh McDowell - nhà phân tích chính về Nga tại Verisk Maplecroft chỉ rõ, hội nghị thượng đỉnh có lợi cho cả hai bên: “Tất nhiên, có một lợi ích chính trị trong nước cho ông Putin trong hội nghị thượng đỉnh về việc sử dụng hình ảnh để miêu tả Nga như một cường quốc ngang hàng với Mỹ. 

Và những lợi ích tương tự đó cũng áp dụng cho ông Biden, người sẽ phải thể hiện sự đối lập trong hành vi của mình với người tiền nhiệm là Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki hồi tháng 7-2018. Hành động này giúp Tổng thống Biden củng cố vị thế trong nước cũng như trấn an các đồng minh”.

Huyền Chi
.
.