Tư duy Chiến tranh lạnh đang hâm nóng mối bất hòa Mỹ – Iran
Ngay lập tức Iran đã thông qua chương trình tăng chi phí phát triển tên lửa và thề đáp trả.
Né cơ hội để tìm kiếm leo thang
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donal Trump hôm 18-7 cho rằng Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân nhưng thể hiện sự thiếu tinh thần của thỏa thuận và Mỹ sẽ tìm cách để tăng cường điều đó. "Mỹ vẫn quan ngại sâu sắc về các hoạt động ác ý của Iran ở khắp Trung Đông, làm suy giảm ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực", Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
Theo Chính phủ Mỹ, Iran đang ủng hộ các lực lượng Hezbollah ở Lebanon, phong trào Hamas ở Palestin, chính quyền Syria và nhóm phiến quân Hồi giáo người Houthi ở Yemen.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran trong cuộc diễu binh gần đây. Ảnh: NetNews. |
Phía Mỹ cho rằng, cho dù Iran đã tôn trọng Kế hoạch hành động chung toàn diện, thỏa thuận hạt nhân mà quốc gia này đạt được với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng Đức) hồi năm 2015, song Iran vẫn "chưa hoàn toàn" thể hiện thiện chí ngăn chặn vũ khí hạt nhân và do đó Mỹ sẽ tìm cách để gia tăng sức ép.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các biện pháp trừng phạt này sẽ được áp đặt đối với 18 cá nhân và thực thể của Iran bị coi là ủng hộ chương trình tên lửa đạn đạo và có quan hệ chặt chẽ với Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thông qua việc phát triển máy bay không người lái và thiết bị quân sự, sản xuất, bảo trì tàu thuyền, thu mua những thiết bị điện.
Một số còn bị trừng phạt do "dàn xếp các vụ trộm cắp các chương trình phần mềm của Mỹ và phương Tây", bán cho Iran. 18 cá nhân và thực thể này sẽ bị phong tỏa mọi tài sản tại Mỹ và người dân Mỹ cũng sẽ không được phép giao dịch với các đối tượng trên.
Nhận xét về việc này, Trita Parsi - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Iran-Mỹ cho rằng, dù ông Trump khi còn là ứng cử viên tổng thống đã đe dọa sẽ phá bỏ thỏa thuận hạt nhân, song chính quyền của ông đã buộc phải tránh có những hành động đơn phương quyết liệt như vậy. Tuy nhiên, bản thân ông Trump dường như vẫn rất muốn hủy bỏ thỏa thuận này.
Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Iran-Mỹ, người vốn muốn tìm cách cải thiện quan hệ giữa Washington và Tehran, nhận xét rằng chính quyền Trump “đã cố ý tạo nên một môi trường bất ổn bằng cách liên tục đặt nghi ngờ về giá trị pháp lý” của bản thỏa thuận, “muốn ngụ ý rằng Mỹ có thể từ bỏ thỏa thuận này và rằng có thể sẽ tìm cách để thay đổi chế độ ở Iran”.
Tướng Amir Ali Hajizadeh, người đứng đầu chương trình phát triển tên lửa và máy bay của quân đội Iran. Ảnh: The Iran Project. |
Ông Parsi cho rằng thay vì “theo đuổi đối thoại với Tehran nhằm giải quyết những tranh cãi còn tồn tại, như mọi đồng minh châu Âu vẫn làm, chính quyền D.Trump lại chọn cách leo thang căng thẳng và né tránh những cơ hội có thể dẫn tới sự hiểu biết lẫn nhau”.
Chính sách "hai mặt" của Mỹ và khối đoàn kết Iran
Ngày 19-7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran sẽ "đáp trả thích đáng" những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, song Iran vẫn tiếp tục thực hiện cam kết về thỏa thuận hạt nhân mà quốc gia này đạt được với nhóm P5+1 hồi năm 2015. Tổng thống Rouhani cáo buộc chính quyền Washington thực hiện chính sách "hai mặt", thể hiện rõ qua việc chính quyền Mỹ đã gửi thông báo chính thức tới Quốc hội nước này xác nhận Iran đã tôn trọng thỏa thuận hạt nhân mà quốc gia này đạt được với nhóm P5+1, nhưng lại tiếp tục tìm kiếm những biện pháp trừng phạt mới với nhiều lý do nhằm đi ngược lại tinh thần của thỏa thuận.
Phát biểu trong cuộc họp nội các Iran, Tổng thống Rouhani nêu rõ: "Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ luôn thực hiện những cam kết quốc tế. Tuy nhiên, nếu Mỹ muốn thúc đẩy những biện pháp trừng phạt mới dưới bất kỳ lý do nào, Iran sẽ đáp trả một cách thích đáng".
Trước đó, Chính phủ Iran cũng nhiều lần nhấn mạnh không có ý định theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói: “Trong phát biểu tại Tòa án Công lý quốc tế năm 1996, tôi cũng từng nói rằng, bất kỳ hành vi sử dụng vũ khí hạt nhân nào đều là bất hợp pháp, bởi nó vi phạm những nguyên tắc cơ bản nhất của luật nhân đạo quốc tế. Và đây cũng là lập trường của Iran”.
Trong khi đó, Tướng Amir Ali Hajizadeh, người đứng đầu chương trình phát triển tên lửa và máy bay của quân đội Iran cho biết “Mỹ muốn làm suy yếu khả năng và sức mạnh của chính quyền Iran. Chúng tôi đề xuất có các hành động trả đũa thích đáng”.
Quốc hội Iran cũng đã bỏ phiếu nhằm tăng khẩn cấp ngân sách cho chương trình tên lửa cũng như IRGC nhằm đối phó với Mỹ tại khu vực. Theo trang web Mizan Online, đa số các nghị sĩ Iran đã thông qua kiến nghị dành ưu tiên cho dự luật "đối đầu với các hành động khủng bố và phiêu lưu của Mỹ tại khu vực". Dự luật mới này cho phép chính phủ phân bổ thêm 260 triệu USD cho các lực lượng vũ trang hỗn hợp nhằm "phát triển chương trình tên lửa", và một khoản ngân quỹ tương tự cho lực lượng Quds, cánh vũ trang hoạt động tại nước ngoài của IRGC.
Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani khẳng định bản kiến nghị phát đi một thông điệp rõ ràng đối với Mỹ rằng Quốc hội nước này "sẽ vận dụng mọi khả năng để chống lại Mỹ".
Trước đó, phát biểu với kênh truyền hình Telegram, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Gahram Ghasemi nói: "Iran chỉ trích dã tâm của chính quyền Mỹ với ý đồ làm hạn chế những kết quả tích cực trong cam kết của thỏa thuận JCPOA của Iran với các cường quốc thế giới, bằng cách bổ sung các cá nhân vào danh sách trừng phạt đặc quyền ngoại giao mang tính đơn phương và bất hợp pháp".
Một loại tên lửa mới của I-ran. Ảnh: PressTV. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh “Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ tiếp tục chương trình tên lửa với sức mạnh và uy quyền dựa trên các kế hoạch vạch sẵn”.
Một chỉ huy cao cấp thuộc Vệ binh Cách mạng Iran ngày 17-7 cảnh cáo nếu Mỹ chỉ định lực lượng này là một tổ chức khủng bố và áp đặt chế tài mới thì lực lượng Mỹ trong khu vực sẽ lãnh hậu quả tai hại. Liệt kê Vệ binh Cách mạng Iran vào danh sách những tổ chức khủng bố và áp đặt những chế tài tương tự là rủi ro lớn cho Hoa Kỳ, cho các căn cứ và lực lượng Mỹ đồn trú trong vùng, Sepah News (trang web chính thức của Vệ binh Cách mạng) dẫn lời Thiếu tướng Mohammad Baqeri, Tham mưu trưởng quân đội Iran tuyên bố. Tướng Baqeri còn nói rằng, chương trình tên lửa của Iran là cách để Iran phòng vệ, và sẽ không bao giờ dùng để thương thuyết.
Vạch xuất phát mới?
Nhìn lại lịch sử mối quan hệ Mỹ - Iran, năm 1979, Mỹ đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran kể từ sau vụ nhóm sinh viên Iran đột kích và bắt cóc 52 nhà ngoại giao Mỹ làm con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran. Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran càng trở nên xấu đi khi cuộc chiến tranh Iraq nổ ra năm 1990 và 1991.
Đặc biệt, vấn đề mâu thuẫn nhất giữa Mỹ và Iran trong quá khứ chính là chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran. Trong khi Iran cho rằng họ làm giàu uranium chỉ để phục vụ mục đích hòa bình nhưng Mỹ và các đồng minh nghi ngờ Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân.
Năm 1996, Đạo luật trừng phạt Iran (ISA) được thông qua lần đầu để trừng phạt các đối tượng đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng Iran và răn đe việc Tehran theo đuổi tham vọng hạt nhân. Kể từ tháng 11-2011, sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố một báo cáo quan trọng về chương trình hạt nhân của Iran, thì Iran và Nhóm P5+1 đã tiến hành nhiều vòng đàm phán, song không mang lại kết quả.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã nhiều lần áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn chống Iran, kèm theo đòi hỏi nước này phải từ bỏ chương trình làm giàu urani, trong khi Iran luôn khăng khăng bảo vệ quyền sở hữu công nghệ hạt nhân "vì mục đích hòa bình", trong đó có cả quyền làm giàu urani.
Kể từ khi tổng thống theo đường lối ôn hòa Hassan Rouhani lên nắm quyền vào tháng 8-2013, ông đã chủ trương theo đuổi mục tiêu đạt được một thỏa thuận cuối cùng về hạt nhân Iran nhằm đưa Iran thoát khỏi lệnh cấm vận kinh tế mà Mỹ và phương Tây áp đặt trong nhiều thập kỷ qua. Thêm vào đó, sự thay đổi của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cách tiếp cận vấn đề hạt nhân của Iran cũng đã giúp cho các nỗ lực đàm phán giữa các nước phương Tây và Iran đạt được nhiều tiến triển.
Tiến trình đàm phán kéo dài 13 năm đã kết thúc đáng mừng khi tháng 7-2015, Iran và Nhóm P5+1 đạt được một thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên JCPOA. Theo thỏa thuận, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ, EU và LHQ áp đặt đối với Iran được dỡ bỏ, đổi lại Iran chấp nhận hạn chế chương trình phát triển hạt nhân.
Sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện, các lệnh trừng phạt Iran đã chính thức được gỡ bỏ vào tháng 1-2016. Tuy gỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến vấn đề hạt nhân, nhưng Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt liên quan trực tiếp tới chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran.
Không những thế, động thái gần đây của chính quyền Mỹ đang làm dấy lên những hoài nghi về số phận của thỏa thuận hạt nhân khi Tổng thống Donald Trump không ít lần công kích thỏa thuận quốc tế quan trọng này, gọi đây là "thỏa thuận tồi tệ nhất chưa từng có".
Tháng 4 vừa qua, Washington cũng đã thông báo sẽ tiến hành đánh giá lại liệu việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Iran có phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ hay không.
Trong khi đó, Iran từng cảnh báo nếu chính quyền mới của Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử này, mọi thứ sẽ trở lại "điểm xuất phát mới".
Một vụ thử vũ khí của I-ran. Ảnh: Ynetnews. |
Mới đây, ngày 12-7, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo cho rằng Iran tiếp tục gia tăng tầm ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông, đồng thời cáo buộc Iran là quốc gia tài trợ chủ nghĩa khủng bố. Ông Pompeo tuyên bố sự lan truyền tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực có thể trở thành thách thức lớn nhất cho chính sách Trung Đông của Mỹ trong dài hạn. Tehran đã bác bỏ những cáo buộc tài trợ chủ nghĩa khủng bố mà Mỹ đưa ra.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ tiếp tục trừng phạt Iran cho thấy quan hệ hai nước đang đứng trước vòng xoáy mới. Và khi ông Trump xem xét, ông nên lưu ý rằng một cách tiếp cận quyết liệt hơn sẽ mang lại những rủi ro nghiêm trọng, nhất là đặt Tehran và Washington vào con đường dẫn tới đối đầu mà sẽ thổi bùng hơn nữa ngọn lửa các cuộc xung đột ở một trong những khu vực bất ổn nhất thế giới.
Trang tin National Interest (Mỹ) mới đây có bài phân tích của tác giả Paul R. Pillar, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Đại học Georgetown và Trung tâm Chính sách Đối ngoại thuộc Viện Brookings (Mỹ) cho rằng, chính quyền của Tổng thống D.Trump nên có bước đi cẩn thận với Iran. Tại sao?
Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ thừa nhận có lập trường đối đầu công khai với Iran. Lập trường đó sẽ trở thành chính sách như thế nào phụ thuộc vào 2 vấn đề chính. Thứ nhất là Trump sẽ xử lý thỏa thuận hạt nhân mà người tiền nhiệm của ông, Barack Obama, đạt được với Iran năm 2015 như thế nào. Thứ hai là mức độ mà chính quyền Trump sẽ nỗ lực để làm suy yếu vị thế của Iran ở Trung Đông.
Ví dụ như Mỹ có thể làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ các đồng minh khu vực của mình, như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), về quân sự và tài chính để nhằm vào các nhóm được Iran hậu thuẫn trong khu vực như Hezbollah và Houthi của Yemen. Nếu chỉ thực hiện một mình, những bước đi này sẽ giúp Mỹ tránh được một cuộc đối đầu trực tiếp với Iran trong ngắn hạn.
Nhưng họ cũng sẽ có cơ hứng chịu một loạt đòn đáp miếng trả miếng mà có thể khóa Iran và Mỹ vào trong một chu kỳ leo thang, như đã xảy ra ở Iraq trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, khi mà lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn thường xuyên tấn công quân đội Mỹ.
Có thể thấy rõ, ông Trump đã một lần nữa đặt Iran vào trung tâm của việc bố trí lực lượng của một cuộc chiến theo cách thức từ thời Chiến tranh lạnh.