Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng

Chủ Nhật, 02/02/2020, 13:45
Nhiều nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh ở Việt Nam và trên thế giới đều nhận thấy một đặc điểm nổi bật, khác biệt hơn, sâu sắc hơn những nhà lãnh đạo khác cùng thời đại là Người luôn chú trọng đến vấn đề đạo đức, từ đạo đức của cá nhân, của người cách mạng, đến đạo đức của người lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người đặt ra tiêu chuẩn đạo đức, vừa là một tấm gương thực hành đạo đức chân chính và chuẩn mực.

Tư tưởng và hành động của Người về đạo đức cách mạng là nhất quán, không thay đổi từ những bài giảng đầu tiên về tư cách người cách mạng cho đến những lời cuối gửi lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Người luôn nhấn mạnh đến cái gốc đạo đức của người cán bộ, đảng viên bởi: “Có đạo đức cách mạng thì mới hi sinh tận tụy với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng”.

Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc mở đầu cuốn “Đường Kách mệnh” bằng tư cách một người cách mạng: “Tự mình phải cần kiệm, vị công vong tư, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững”. Sau khi giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn với các đồng chí trong chính quyền rằng: “Ta có thể nói Chính phủ là công bộc của dân. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.

Tháng 2-1947, khi quân dân ta vừa bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyên nhủ cán bộ: “Đối với đồng chí mình thân ái với nhau nhưng không che đậy những điều dở, không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau, không nên ghen ghét đố kị và khinh kẻ không bằng mình”.

Giữa bom đạn của địch ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn miệt mài hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” bàn về đạo đức cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi mít-tinh của nhân dân Thủ đô chào mừng Đảng, Chính phủ trở về Hà Nội (1-1955).

Năm 1949, khi quân dân ta chuẩn bị vào giai đoạn tổng phản công, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; Đất có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc; Người có bốn đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”.

Sau khi cuộc kháng chiến 9 năm thắng lợi, đầu năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý những công bộc của dân rằng: “Phải cố gắng thực hiện cho kỳ được: cần-kiệm-liêm-chính, chí công vô tư”. Người còn viết bài “Đạo đức cách mạng” phê phán những suy nghĩ, hành động lệch lạc của một số cán bộ đảng viên khi cho rằng làm cách mạng cốt là để có địa vị, được hưởng thụ, từ đó kiêu ngạo, trưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, xa rời Đảng và nhân dân, vì vậy: “Đảng ta từ trên đến dưới phải chú trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng, tăng cường tinh thần cảnh giác, mở rộng tự phê bình và phê bình” và: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa”.

Tháng 11-1958, Đảng ta chủ trương thực hiện cải tạo XHCN, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng” khẳng định: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Và đạo đức cách mạng là phải: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”.

Nhân kỷ niệm Đảng ta 39 tuổi, ngày 26-1-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi ý nội dung cho Ban Tuyên huấn Trung ương chuẩn bị một bài báo về đạo đức cách mạng. Người cho đánh máy bản thảo và chuyển tới từng đồng chí trong Bộ Chính trị xem, góp ý kiến. Các đồng chí trong Bộ Chính trị đều góp ý và Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa, chọn bản thảo của đồng chí Trường Chinh vì có nhiều ý thiết thực.

Ngày 30-1-1969, Trưởng ban Tuyên huấn Tố Hữu đề nghị: “Thưa Bác, cán bộ Đảng ta nói chung là tốt, chỉ có một số ít thoái hóa biến chất. Bác đặt đầu đề như vậy thì mạnh quá! Xin phép được đưa vế “Nâng cao đạo đức cách mạng lên trước”, vế “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ra sau”. Chủ tịch Hồ Chí Minh quay sang hỏi đồng chí thư ký, đồng chí Vũ Kỳ cũng tán thành ý kiến đó.

Người bèn phân tích: “Các chú nói có lý nhưng chưa hợp lý. Bác muốn hỏi điều này: Gia đình các chú tiết kiệm mua sắm được bộ bàn ghế, giường tủ mới. Vậy trước khi kê vào phòng, các chú có khênh đồ cũ ra và quét dọn sạch sẽ hay cứ để rác rưởi bẩn thỉu mà kê bộ bàn ghế, giường tủ mới vào?”.

Hai đồng chí còn đang lúng túng chưa biết trả lời ra sao thì Người đã nói tiếp: “Vì các chú là đa số. Bác đồng ý nhượng bộ, đổi lại đầu đề là: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân nhưng ở trong bài dứt khoát phải để nguyên ý: Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.

Bài viết đăng Báo Nhân dân số 5409 ra ngày 3-2-1969, ký bút danh T.L đã nghiêm khắc phê phán những đảng viên đạo đức thấp kém: “Việc gì cũng nghĩ đến mình trước hết. Họ không lo mình vì mọi người mà chỉ muốn mọi người vì mình. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Cũng do cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì một phiên họp của Hội đồng Chính phủ tại Tuyên Quang sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7-1954).

Và bài báo kêu gọi: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Mấy tháng sau, từ ngày 10 đến 19 tháng 5, khi sửa lại lần cuối cùng bản “Di chúc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhắc lại: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất, với phương pháp đặc trưng là ưu tiên dùng Đức trị trước Pháp trị. Tư tưởng Hồ Chí Minh mang đậm tính chất truyền thống và yếu tố mới mẻ của thời đại, được kết hợp và nâng cao trong thực tiễn của Cách mạng Việt Nam. Đạo đức Hồ Chí Minh mang tính nhân văn cao cả, là đạo đức của chủ nghĩa tập thể, vì tập thể, do tập thể và kiên quyết loại bỏ chủ nghĩa cá nhân.

Đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là lý thuyết mà là đạo đức hành động, bởi chỉ có kết quả thực hành cụ thể của mỗi con người mới là mục tiêu của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và chính cả cuộc đời Người là một tấm gương sáng ngời về tu dưỡng đạo đức cách mạng, đó là đạo đức nền tảng của con người Việt Nam cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân ta và bạn bè thế giới tôn kính, yêu mến, vinh danh.

Hơn 50 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Lịch sử cho thấy sau những thắng lợi, thành công, kỳ tích của Đảng và dân tộc, không ít cán bộ đảng viên đã trở nên thoái hóa biến chất, tham ô, lãng phí, bè cánh... khiến cho nền tảng đạo đức xã hội xuống cấp nhanh chóng. Vì vậy, Đảng ta đã đề ra các giải pháp chỉnh đốn, củng cố năng lực lãnh đạo của Đảng và tư cách đạo đức của đảng viên.

Đây là: “Việc đấu tranh với kẻ địch ở trong người, trong nội bộ, trong tinh thần là một khó khăn, đau xót”, tuy nhiên với tinh thần chân chính cách mạng, đổi mới và phát triển, Đảng ta đã nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, kiên quyết xử lý những cá nhân, tập thể có hành động làm mất uy tín của Đảng và làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã thẳng thắn chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện về suy thoái tư tưởng đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ và đưa ra 4 nhóm giải pháp để chỉnh đốn Đảng, trong đó có 10 yêu cầu về chính trị, tư tưởng, phê bình và tự phê bình; 6 yêu cầu về cơ chế chính sách; 8 yêu cầu về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; 5 yêu cầu về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội.

Đồng thời, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về nhận thức và hành động trong Đảng, trong toàn hệ thống chính trị và xã hội.

Những kết quả đã và đang thu được trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05-CT cho đến nay đã tạo ra động lực phát triển mới trong Đảng, làm cho nhân dân phấn khởi tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, cho chúng ta thấy rõ giá trị thực tiễn của tư tưởng: cán bộ đảng viên phải lấy đạo đức làm gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và qua đó càng thấm thía hơn lời dạy của Người để thực hành trong cuộc sống: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Đỗ Hoàng Linh – Phó Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Đ.H.L.
.
.