Tương lai nào cho cuộc đối đầu Mỹ - Trung?
“Chúng tôi đã chỉ đạo đóng cửa Tổng lãnh sự quán của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở Houston để bảo vệ tài sản trí tuệ của người Mỹ và các thông tin cá nhân của người Mỹ”,
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus giải thích. Để đáp trả, Trung Quốc đang xúc tiến đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.
Bên ngoài Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, Trung Quốc. |
Từ kinh tế đến ngoại giao
Mỹ hiện duy trì 5 lãnh sự quán ở Trung Quốc đại lục, gồm Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô, Vũ Hán, Thẩm Dương và một Tổng lãnh sự quán cho Hong Kong và Macau. Nguồn tin của South China Morning Post khẳng định Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên là lựa chọn hàng đầu của Trung Quốc để hành động trả đũa và sẽ khiến căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.
Trước đó ngày 20-7, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đã đưa 11 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách bị trừng phạt vì bị cho là liên quan các vi phạm nhân quyền. Trong số 11 công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt, 9 công ty bị cáo buộc có liên quan tới việc cưỡng ép lao động, phần lớn là các công ty dệt. Ngoài ra hai công ty Xinjiang Silk Road và Beijing Liuhe bị phạt vì “đã tiến hành những phân tích gen được sử dụng để tiếp tục đàn áp người Duy Ngô Nhĩ”, theo thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ.
Đây là nhóm công ty thứ ba tại Trung Quốc bị Mỹ liệt vào danh sách đen sau hai đợt trước với 37 thực thể bị Washington công bố trừng phạt vì liên quan cáo buộc chiến dịch đàn áp tại Tân Cương. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa bình luận về sự việc.
Hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích Chính phủ Mỹ vì trừng phạt công ty của họ. Khi đó Bắc Kinh cho rằng Washington đã vi phạm những thông lệ cơ bản trong quan hệ quốc tế và can thiệp vào các vấn đề nội bộ Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ mọi cáo buộc nói họ làm sai, cho biết người Duy Ngô Nhĩ đang tham gia các trung tâm đào tạo nghề chứ không phải bị bắt giam hay lao động khổ sai như Mỹ và một số nước cáo buộc.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu đại sứ Mỹ Terry Branstad để phản đối về Đạo luật tự trị Hong Kong được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua trước đó. Đạo luật tự trị Hong Kong được ông Trump ký thông qua ngày 14-7, trước đó đã được Quốc hội Mỹ thông qua hôm 25-6, bắt buộc Chính phủ Mỹ trừng phạt các cá nhân, tập thể có liên quan đến việc Trung Quốc kìm hãm quyền tự trị của Hong Kong.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. |
“Điều này sẽ chấm dứt việc đối xử ưu đãi thương mại mà Hong Kong đã hưởng trong những năm qua - không có đặc quyền, không có đối xử đặc biệt về kinh tế và không xuất khẩu công nghệ nhạy cảm. Hong Kong bây giờ sẽ được đối xử giống với Trung Quốc”, ông Trump nói sau khi ký thông qua luật.
“Đây là một sự can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cũng như các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế. Để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, Trung Quốc sẽ có phản ứng cần thiết đối với các hành động sai trái của Mỹ, bao gồm trừng phạt các cá nhân và thực thể Mỹ”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết. “Trung Quốc sẽ thực hiện những đáp trả cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, cũng như áp trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức Mỹ liên quan”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Cùng lúc, Washington tiếp tục gây sức ép trong vấn đề Huawei và các ứng dụng của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Washington sẽ hạn chế thị thực đối với các nhân viên của công ty công nghệ Huawei và các công ty khác của Trung Quốc nếu có dính líu đến “lạm dụng nhân quyền”.
Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cũng cho biết chính quyền ông Trump hiện đang đánh giá nguy cơ về an ninh quốc gia của các ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc như TikTok, WeChat và dự kiến sẽ có hành động để giải quyết vấn đề “trong vài tuần”.
Những động thái mới
Không chỉ thế, Mỹ còn đang kêu gọi hình thành liên minh đối phó với Trung Quốc. Trước tiên là với Anh, sau đó có thể còn các đồng minh khác nữa. Trong chuyển công du nước Anh vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công khai chủ ý tập hợp đồng minh và đối tác, liên thủ và liên kết lại xung quanh Mỹ thành một liên minh thực thụ cùng đối phó Trung Quốc trên mọi phương diện.
Qua đó có thể thấy Mỹ hiện không những chỉ tiếp tục đẩy mạnh cuộc cạnh tranh chiến lược riêng với Trung Quốc mà còn tìm cách biến cuộc chơi riêng này của Mỹ với Trung Quốc thành cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện của tất cả các đồng minh và đối tác của Mỹ với Trung Quốc.
Hiện nay, Anh đã cùng Mỹ đối đầu với Trung Quốc trên các vấn đề Hong Kong, Huawei hay đại dịch COVID-19. Giờ đây, London tiếp tục thách thức Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhật báo The Times ngày 14-7 tiết lộ giới quân sự Anh đang chuẩn bị kế hoạch vào đầu năm 2021 lần đầu tiên điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sang tận Viễn Đông, tham gia các cuộc tập trận với một số đồng minh, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và kể cả với Úc hay Canada.
Hình ảnh được cho là trong cuộc tập trận của Trung Quốc ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. |
Báo The Times cho rằng, Biển Đông cũng nằm trong chương trình hoạt động của hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth. Liên quan đến một đồng minh khác của Mỹ, ngày 23-7, nhật báo Anh The Guardian cho biết tàu chiến Úc đã chạm trán tàu hải quân Trung Quốc khi di chuyển tại Biển Đông, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao đang căng thẳng giữa hai nước. Vụ việc xảy ra hồi tuần trước nhưng đã bị Canberra cố giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của sự cố.
Trước đó, các giới chức hải quân Mỹ thông tin về cuộc tập trận của hải quân Mỹ với hải quân Ấn Độ diễn ra ngày 20-7, tại khu vực gần quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ, giáp với phía Bắc eo biển Malacca, tuyến đường giao thông hàng hải chiến lược nối liền Ấn Độ Dương với Biển Đông. Song song với cuộc tập trận này, hải quân Mỹ cùng hải quân Nhật và Úc tập trận tại vùng biển Philippines. Theo Bộ Quốc phòng Úc, cuộc tập trận kết thúc ngày 23-7.
Cũng trong thời gian này, báo South China Morning Post (SCMP) đưa tin ngày 21-7 không quân Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật và đưa các tiêm kích tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Đây là lần thứ hai Trung Quốc tập trận tại Hoàng Sa trong tháng 7-2020. Đáng chú ý, Đài Phát thanh quốc gia Trung Quốc tường thuật rằng “hơn 3.000 tên lửa đã được bắn về phía các mục tiêu đang hoạt động trên biển”.
Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định cuộc tập trận nói trên của Trung Quốc chỉ là một hành động “đáp trả”. Tờ báo này dẫn lời một chuyên gia quân sự ẩn danh cho biết, “nếu Mỹ tiếp tục khiêu khích tại Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ không có lựa chọn nào khác là tập trận nhiều hơn, triển khai nhiều chiến đấu cơ, chiến hạm tại Biển Đông hơn và có thể sẽ áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)” tại khu vực này.
Điều mà Hoàn Cầu Thời Báo không nhắc đến là việc Mỹ và các đồng minh, tổ chức loạt tập trận nói trên diễn ra chỉ ít ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố khẳng định lập trường chính thức của Washington, ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực La Haye, bác bỏ hầu hết các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Quan điểm chính thức của Washington được nhiều quốc gia Đông Nam Á tán đồng, khiến lập trường chống lại phán quyết của Tòa án La Haye, ỷ mạnh át yếu, bành trướng tại Biển Đông, của Bắc Kinh thêm bị cô lập.
Nhìn trước những căng thẳng
Ngày 23-7, trang web của Thượng viện Mỹ cho biết các nghị sĩ Mỹ đã trình dự luật ngăn “bá quyền” Trung Quốc. Dự luật, với tên viết tắt STRATEGIC sẽ tăng cường mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh khu vực trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ và thúc đẩy những sáng kiến khác về kinh tế, địa chính trị để kiềm chế Trung Quốc. Khả năng cao dự luật này sẽ được thông qua dễ dàng tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ trước khi đưa ra thảo luận trước toàn Thượng viện. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, thượng nghị sĩ Jim Risch là một trong 4 nghị sĩ công khai bảo trợ dự luật.
Các thượng nghị sĩ Cộng hòa khác đứng sau dự luật là Mitt Romney, Cory Gardner và Todd Young. Ông Risch nhấn mạnh đây là dự luật sẽ tạo sức mạnh toàn diện và dài hơi cho Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Ông kêu gọi thúc đẩy sự hợp tác lưỡng đảng vì mục tiêu chung là các hành vi xấu của Bắc Kinh gây hại cho Washington. “Mục tiêu của Trung Quốc đầu tiên là trở thành bá quyền ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sử dụng vị trí thống trị đó làm bàn đạp cho tham vọng trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới”, một đoạn trong dự luật cáo buộc.
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan cùng các chiến hạm Nhật Bản và Úc diễn tập trên biển Philippines ngày 21-7. |
Về phần mình, trong cuộc điện đàm mới đây với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Mỹ một mực theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết”, đẩy chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa đơn phương và hành vi bắt nạt đến giới hạn. Đó không phải điều mà một cường quốc nên làm”. Ông Vương Nghị cáo buộc thêm: “Mỹ đang đổ trách nhiệm cho người khác, dùng đại dịch để làm mất uy tín của các quốc gia khác và đổ lỗi cho người khác. Mỹ không dừng lại trước bất cứ điều gì, thậm chí tạo ra các điểm nóng và đối đầu trong quan hệ quốc tế. Họ đã mất lý trí, đạo đức và uy tín”.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc thậm chí cáo buộc Mỹ “đang hồi sinh chủ nghĩa McCarthy và tâm lý Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời, cố tình kích động sự đối đầu về ý thức hệ, vi phạm luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế”.
Ở một góc độ nào đó, những đòn tấn công dồn dập của Washington nhắm vào Trung Quốc được cho là phục vụ mục đích tái tranh cử của đương kim tổng thống và đánh lạc hướng công luận Mỹ về cách xử lý đại dịch COVID-19 và những hệ quả kinh tế-xã hội. Liệu tình hình có khả quan hơn sau cuộc bầu cử tháng 11? Giáo sư quan hệ đối ngoại Shi Yinhong, trường Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhận định với AP rằng cơ hội “đối thoại nghiêm túc” có khả năng mở ra nhưng “tình hình chung sẽ không thay đổi”. Còn hiện tại ông vẫn chưa thấy được một chiến lược khả quan nào mà hai nước có thể chấp nhận để xoa dịu căng thẳng.
Thực vậy, mối quan hệ Trung-Mỹ đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao song phương năm 1979. Nguyên nhân quyết định có lẽ là do chiến lược trỗi dậy được chính quyền Bắc Kinh thực hiện một cách hung hăng hơn khiến nhiều nước lo ngại. Liên minh châu Âu đã “thức tỉnh” khi vẫn coi Trung Quốc là một đối tác nhưng cũng là một đối thủ. Còn Mỹ chắc sẽ không dễ dàng để Trung Quốc trở thành “mối đe dọa chiến lược” và vươn lên vị trí cường quốc số 1.