Tuyên bố làm giàu plutonium của Bình Nhưỡng: Đã đến lúc phải chơi bài ngửa!

Thứ Năm, 12/11/2009, 08:30
Hãng thông tấn KCNA của CHDCND Triều Tiên mới đây đã công khai tuyên bố, họ đã hoàn tất việc làm giàu plutonium đủ ở mức có thể chế tạo các đầu đạn hạt nhân mới. Tuyên bố cứng rắn và mang tính đe dọa của Bình Nhưỡng về kế hoạch mở rộng sức mạnh hạt nhân lần này lại nhận được phản ứng khá kiềm chế của Washington. Bộ Ngoại giao Mỹ không chỉ có thái độ tránh chỉ trích CHDCND Triều Tiên, mà còn tuyên bố về khả năng sẵn sàng đàm phán với họ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chiến thuật "nắn gân" của Bình Nhưỡng để đòi được đàm phán trực tiếp với Washington về cơ bản đã đạt được mục đích. Quan điểm của các nước liên quan trong vòng đàm phán 6 bên cũng tỏ ra ủng hộ cho giải pháp này vì theo họ: đã đến lúc hai bên phải "chơi bài ngửa"...

Thông tin chính thức về việc CHDCND Triều Tiên đạt được thành công tiếp theo trong việc tăng cường tiềm lực hạt nhân được Hãng tin KCNA chính thức thông báo vào hôm 3/11: "Chúng tôi đã hoàn tất việc xử lý 8.000 thanh nhiên liệu vào tháng 8 năm nay và đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình sản xuất plutonium làm vũ khí". Việc tăng cường thêm lượng plutonium làm giàu được phía CHDCND Triều Tiên giải thích bằng sự cần thiết phải "áp dụng các biện pháp củng cố những phương tiện quốc phòng để đáp lại mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng và sự khiêu khích quân sự của các thế lực thù địch".

Không phải ngẫu nhiên, thành công của các nhà khoa học hạt nhân CHDCND Triều Tiên được thông báo chỉ một ngày ngay sau tuyên bố của đại diện Bộ Ngoại giao nước này kêu gọi bắt đầu đàm phán trực tiếp giữa Bình Nhưỡng và Washington. "Chúng tôi đi đến kết luận rằng, CHDCND Triều Tiên và Mỹ cần phải ngồi vào bàn đàm phán và tìm ra một giải pháp hợp lý, cho phép khôi phục lại các cuộc đàm phán đa phương, trong đó có cả đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên" - trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao có đoạn viết.

Phía CHDCND Triều Tiên không quên cảnh báo, nếu như Mỹ từ chối đối thoại trực tiếp, Bình Nhưỡng "sẽ tự đi theo con đường của mình", đồng nghĩa với việc sẽ tiếp tục quá trình làm giàu plutonium chừng nào Washington không chịu ngồi vào bàn đàm phán.

Theo các nhà quan sát, quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã trải qua một chặng đường quá dài, khiến các bên tham gia đều tỏ ra "mệt mỏi" và muốn nhanh chóng hạ màn. Được khởi động từ năm 2003, các cuộc đàm phán 6 bên - với sự tham gia của các quan chức ngoại giao của Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật và CHDCND Triều Tiên - đã chính thức bị ngắt quãng vào tháng 12 năm ngoái. Bình Nhưỡng khi đó đã từ chối tiếp tục đối thoại, khi bày tỏ sự phản đối về gói điều kiện đưa ra với họ để xóa bỏ chương trình hạt nhân.

Tiếp đó, đến tháng 4 vừa qua, CHDCND Triều Tiên cho khôi phục lại hoạt động của lò phản ứng tại Yongbyon, từng đóng cửa để đáp ứng thỏa thuận cung cấp cho Bình Nhưỡng 1 triệu tấn dầu mazut. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn tiếp tục có những động thái "gây sức ép" bằng cách tổ chức một vụ thử hạt nhân mới vào tháng 5, buộc Hội đồng Bảo an phải thông qua một nghị quyết mới vào ngày 12/6 nhằm siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên. 

Phản ứng của chính quyền Obama trước thông báo về những "thành tựu mới" của các nhà khoa học hạt nhân CHDCND Triều Tiên đã tỏ ra kiềm chế một cách bất ngờ. Sau khi nhắc nhở, "việc CHDCND Triều Tiên chế tạo một đợt plutonium để làm vũ khí mới là trái với các cam kết trước đó, đồng thời vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ", đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ Ian Kelly đã vội nói thêm rằng: "Tôi không muốn nói là chúng tôi lên án họ. Tôi chỉ muốn nói rằng, họ cần phải triển khai các biện pháp nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên". Quan trọng hơn cả, ông Kelly đã tỏ ý rằng, Nhà Trắng đã sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng, cho dù "hiện vẫn chưa quyết định về địa điểm và thời gian tiến hành".

Nhưng theo nguồn tin từ tạp chí Foreign Policy của Mỹ hôm 3/11, các quan chức Mỹ và CHDCND Triều Tiên về cơ bản đã nhất trí sẽ tham gia đàm phán song phương hai vòng, trước khi Bình Nhưỡng chấp nhận quay trở lại với vòng đàm phán 6 bên. Cụ thể theo tạp chí này, thỏa thuận trên thật ra đã đạt được trong cuộc gặp giữa các quan chức đại diện ngoại giao hai nước vào tháng trước tại New YorkSan Diego.

Ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, đây là một nước cờ cao của Bình Nhưỡng để bắt buộc Washington phải nhanh chóng đưa ra quyết định. Từ trước đó, giới lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã tỏ rõ sự không hài lòng trước việc, chính quyền Obama trong vài tháng gần đây đã quá tập trung vào vấn đề hạt nhân của Iran dẫn tới "sao nhãng" chuyện của chính họ.

Với "đòn nắn gân" về tuyên bố sản xuất được thêm một lượng plutonium làm vũ khí, Bình Nhưỡng về cơ bản đã đạt được mục đích cụ thể của mình - đó là thúc đẩy chính quyền Obama phải tham gia đối thoại trực tiếp. Những phản ứng vừa qua của Washington đã cho thấy, mục tiêu này sẽ nhanh chóng đạt được trong thời gian tới.

Một số khác lại cho rằng, những động thái mới nhất của Bình Nhưỡng thực ra là một đòn kiểu "mũi tên bắn trúng hai đích". Một mặt, họ bắt buộc Washington phải nhanh chóng đưa ra quyết định đối thoại, mặt khác cũng nhân tiện tăng cường tiềm lực hạt nhân của mình để tạo thêm đối trọng trên bàn đàm phán. 

Liên quan đến những động thái mới trên giữa Washington và Bình Nhưỡng, đại diện các nước tham gia vào vòng đàm phán 6 bên về cơ bản đều bày tỏ thái độ ủng hộ. Đại diện Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, đã đến lúc Mỹ và CHDCND Triều Tiên phải ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp. Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ, cho dù quốc gia này từ trước luôn có xu hướng không muốn Mỹ có vai trò ảnh hưởng quá lớn trong đàm phán 6 bên. Khi tất cả các bên tham gia đều đã tỏ ra quá mệt mỏi, đây có lẽ giai đoạn thích hợp nhất để Washington và Bình Nhưỡng phải chơi bài ngửa nếu như muốn nhanh chóng giải quyết được vấn đề

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.