Ukraine: Ném đá có động ao bèo?

Thứ Hai, 06/02/2017, 15:55
Tính hình chiến sự tại miền Đông Ukraine bỗng bùng phát trở lại khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Liệu đây có phải phép thử của chính quyền Kiev đối với thái độ của tân chính quyền Donald Trump về vấn đề Ukraine?

Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đúng vào lúc Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump nhậm chức (ngày 20-1-2017), tình hình bạo lực tại miền Đông Ukraine bùng phát dữ dội. Từ ngày 31-1, quân đội Chính phủ Ukraine đã thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào các vị trí tại khu vực Donbass.

Cụ thể, từ 10 giờ sáng 31-1, 2 trung đội của Lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 36 và nhóm chiến binh “Cánh hữu” Ukraine cùng 3 xe BMP đã tiến hành cuộc đột kích vào tuyến phòng ngự lực lượng dân quân Donetsk trên hướng Mariupol gần làng Kominternovo. Để chuẩn bị cuộc tấn công, Kiev đã sử dụng pháo binh hạng nặng, bắn phá dữ dội chiến tuyến và khu dân thuộc nước Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng.

Xe tăng xuất hiện trên đường phố Avdiyivka, khu vực miền Đông Ukraine.

Cuộc giao tranh giữa 2 bên diễn ra quyết liệt trên hướng Mariupol. Lực lượng dân quân Donetsk đã đánh bật nhiều đợt tấn công của quân đội Ukraine gây ra nhiều tổn thất về sinh lực, buộc Kiev phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Theo thống kê của truyền thông địa phương, có 14 binh sĩ Ukraine và chiến binh “cánh hữu” thiệt mạng, hàng chục binh sĩ khác bị thương sau cuộc tấn công về phía Mariupol.

Sau cuộc tấn công đầu tiên thất bại, từ 14 giờ 30 ngày 31-1, chính quyền Kiev tiếp tục dùng pháo hạng nặng, súng cối và pháo phản lực pháo kích vào chiến tuyến của lực lượng dân quân Donetsk tại các khu dân cư Donetsk, Makiyivka, Yasinovataya, Kominternovo. Theo đó, một trung đội lính thủy đánh bộ Ukraine với sự yểm trợ của 2 xe bộ binh chiến đấu BMP đã tấn công ồ ạt vào khu vực làng Kominternovo.

Tuy nhiên, kế hoạch quân sự lần này của Kiev tiếp tục thất bại trước hỏa lực phản kích của lực lượng dân quân Donetsk. Cuộc giao tranh đã khiến 7 binh sĩ Ukraine thiệt mạng, hơn chục người khác bị thương. Theo thông tin của Phòng Tham mưu chiến thuật Donetsk, trong mấy ngày xung đột giữa 2 bên tại khu vực xung quanh Mariupol, đã có khoảng 93 quân nhân Ukraine thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương.

Ngày 1-2, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Igor Pavlovsky thừa nhận quân đội nước này đang thực hiện cuộc tấn công tại Donbass. "Hôm nay, cho dù thế nào đi nữa, từng mét một, từng bước một, lúc có cơ hội, các chàng trai dũng cảm của chúng ta đã tiến lên phía trước", ông Pavlovsky nói khi đề cập đến tình hình ở Avdeevka.

Chính phủ Ukraine đã yêu cầu người dân Avdeevka sơ tán để tránh một thảm họa nhân đạo không những vì hiểm nguy giao tranh mà cả vì điện, nước trong khu vực đã bị cắt trong bối cảnh giá rét, nhiệt độ có lúc xuống tới -20 độ C. Tính đến 8 giờ sáng 1-2 (giờ Ukraine) đã có 12.000 người sơ tán khỏi Avdeevka.

Sau một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 31-1, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước việc chiến sự bùng lên trở lại tại khu vực thị trấn Avdeevka, ở ngay cửa ngõ phía bắc của thành phố Donetsk. Hội đồng Bảo an đã kêu gọi hai bên chấm dứt ngay lập tức các cuộc xung đột. Trong khi đó, phía Nga đã cáo buộc chính quyền Ukraine làm tình hình bạo lực tại khu vực miền Đông Ukraine leo thang.

Một tay súng quân ly khai giao tranh ở Donbass.

Phát biểu tại diễn đàn thương mại Arab-Nga tại Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất vào hôm 1-2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, chính quyền Ukraine làm tình trạng bạo lực leo thang thời gian gần đây tại khu vực miền Đông nước này. Ông Lavrov đã cáo buộc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko không thực hiện nghiêm chỉnh hiệp định giữa 2 bên nhằm ngăn chặn chiến sự, đồng thời cho rằng lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea là không hợp pháp.

Chính quyền tại Ukraine khiến tình hình tại nước này bế tắc, những hành động khiêu khích của chính quyền Kiev vừa xảy ra đã xác nhận điều đó. Nhiều phương tiện truyền thông, trong đó có cả những hãng tin của Đức cũng thừa nhận rằng, Tổng thống Poroshenko đã khiến tình hình leo thang.

Cũng trong ngày 31-1, Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố: "Cuộc giao tranh những ngày qua xung quanh Avdeevka, liên quan đến những vũ khí hạng nặng và dẫn đến số lượng thương vong đáng kể, là sự vi phạm rõ ràng lệnh ngừng bắn theo thỏa thuận Minsk. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động bạo lực. Tuân thủ đầy đủ lệnh ngừng bắn là một bước quan trọng hướng đến việc thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk, vốn được xem là nền tảng cho hòa bình và giải pháp chấp nhận được cho cuộc xung đột".

Lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng cảnh báo rằng, lệnh cấm vận đối với Nga sẽ không được dỡ bỏ chừng nào còn tái diễn tình trạng bạo lực tại miền Đông Ukraine.

Trước nguy cơ căng thẳng tiếp tục leo thang tại khu vực giới tuyến ở Donbass, Bộ Ngoại giao Pháp đã chỉ trích gay gắt giao tranh bùng phát tại Donbass, kêu gọi các bên nhanh chóng ngừng bắn theo thỏa thuận hòa bình Minsk. Về phần mình, Liên minh châu Âu cũng ra thông cáo, cho rằng các cuộc giao tranh dữ dội xung quanh khu vực thị trấn Avdeevka trong những ngày qua là một sự vi phạm trắng trợn Nghị định thư Minsk 2015 - lệnh ngừng bắn được đàm phán với sự giúp đỡ của các nhà lãnh đạo Đức và Pháp, được soạn để bao gồm việc triệt thoái các loại vũ khí hạng nặng ra khỏi các vùng tiền tuyến.

Trong khi đó, cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã kêu gọi Nga sử dụng ảnh hưởng của mình đối với lực lượng thân Nga ở miền Đông Ukraine để chấm dứt bạo lực ở khu vực này. “Chúng tôi kêu gọi thực hiện trở lại ngay lập tức lệnh ngừng bắn và rút toàn bộ vũ khí hạng nặng bị cấm theo thỏa thuận hòa bình Minsk.

Các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) phải được đảm bảo quyền được tiếp cận và an toàn trong khu vực. Điều này phải bao gồm biên giới của Nga với Ukraine. Chúng tôi kêu gọi Nga dùng ảnh hưởng của mình giúp chấm dứt bạo lực trong khi tất cả các bên xung đột ở Ukraine phải thực hiện đầy đủ các cam kết theo hiệp định Minsk”, ông Stoltenberg nói.

Bất chấp những lời kêu gọi kể trên, theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, lực lượng Chính phủ Ukraine và phe đòi độc lập hôm 1-2 là ngày thứ tư liên tiếp tiếp tục tấn công lẫn nhau bằng súng cối và súng phóng lựu. Ngày 1-2, Nhóm tiếp xúc ba bên về Ukraine đã họp tại thủ đô Minsk của Belarus về tình hình giao tranh leo thang gay gắt trong những vài ngày vừa qua.

Người phát ngôn đại diện cho Kiev tại Nhóm tiếp xúc, bà Darya Olipher cho biết, cuộc họp trực tuyến theo dự định của Nhóm vào ngày 31-1 đã không được thực hiện do vắng mặt đại diện của một số vùng thuộc hai tỉnh Donetsk và Lugansk ở Ukraine cũng như đại diện Nga.

Ngày 2-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Chính phủ Ukraine là thủ phạm châm ngòi cho cuộc giao tranh ở miền Đông nước này, đồng thời cho rằng, đây là chiêu trò nhằm giành được sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp với Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Budapest, Tổng thống Nga Putin nói: “Tôi nghĩ rằng, giới lãnh đạo hiện nay của Ukraine không sẵn sàng thực thi thỏa thuận Minsk và đang kiếm cớ để không thực hiện thỏa thuận này. Tôi thực sự hy vọng Ukraine và những quốc gia quan tâm đến việc giải quyết cuộc xung đột thông qua các biện pháp chính trị sẽ không để tình hình ở miền Đông Ukraine diễn biến theo kịch bản tồi tệ nhất, mà ngược lại nên sử dụng quyền hạn để thực thi các điều khoản của thỏa thuận Minsk”.

Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, nói: “Chúng tôi lấy làm tiếc rằng do kết quả của vụ tấn công này... thương vong đã xảy ra ở cả hai phía. Những hành động gây hấn như vậy, vốn được các lực lượng vũ trang của Ukraine hậu thuẫn, hủy hoại các mục tiêu và nhiệm vụ thực hiện thỏa thuận Minsk. Những căng thẳng gần đây cho thấy sự cần thiết của việc nối lại đối thoại Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine”.

Về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này đã bày tỏ lo ngại và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, tiếp tục duy trì hòa bình tại các vị trí các bên ký kết thỏa thuận.

Cuộc giao tranh tại miền Đông Ukraine bùng nổ chỉ vài ngày sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm chính thức đầu tiên với người đồng cấp Nga Putin. Đặc biệt Ukraine lại là một trong những chủ đề chính được đề cập trong cuộc điện đàm giữa nhà lãnh đạo 2 quốc gia.

Cư dân địa phương xếp hàng nhận lương thực và viện trợ nhân đạo ở Avdeevka, miền đông Ukraine, ngày 1-2-2017.

Tờ Washington Post nhận định, đợt giao tranh giữa quân đội Ukraine và lực lượng Donetsk có thể là một phép thử sớm với khả năng quản lý quan hệ với Nga của Tổng thống Trump.

Hôm 22-1 vừa qua, Tổng thống Poroshenko đanh thép tuyên bố: Ukraine sẽ không từ bỏ khu vực miền Đông, đồng thời cho biết Kiev sẽ chuyển sang thực thi các nội dung chính trị theo thỏa thuận Minsk để giải quyết tình hình ở miền Đông mà không chờ đảm bảo an ninh hoàn toàn tại vùng này.

Ngày 23-1, Tổng thống Poroshenko đã ra sắc lệnh lập không phận quân sự mới tại hai Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền Đông nước này. Vùng không phận mới có tên gọi “Phương Đông,” rộng 22,2 km vuông, tính từ đường biên giới ngoài của vùng biển Azov cho đến điểm gần nhất tại biên giới trên bộ với Nga. Không phận trên lãnh thổ một số vùng ở miền Đông không chịu sự kiểm soát của chính quyền Kiev nằm trong vùng không phận quân sự “Phương Đông” sẽ thuộc khu vực trách nhiệm của Bộ Chỉ huy không quân “Phương Đông”. Trước đây, không phận Ukraine chia thành ba khu vực quân sự là “Phương Nam”, “Trung tâm”, “Phương Tây” và một khu vực không quân. Lãnh thổ đất liền của Ukraine được chia thành bốn vùng bộ binh và một khu vực bộ binh.

Một số vùng ở hai tỉnh Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine đã tiến hành đòi độc lập kể từ năm 2014 và lập nên hai nước CHND tự xưng. Kể từ đó, tại khu vực này thường xuyên xảy ra giao tranh giữa các lực lượng đòi độc lập và quân đội chính quy Ukraine. Theo số liệu thống kê, kể từ khi xung đột bùng phát ở miền Đông Ukraine hồi tháng 4-2014 đến nay, có khoảng 10.000 người đã thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Thực tế, thời gian vừa qua, Chính phủ Ukraine đã phát đi nhiều tín hiệu bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ tốt đẹp với ông Trump và Chính phủ Mỹ mới. Chính quyền Kiev hy vọng Washington sẽ duy trì hỗ trợ quân sự cũng như các khoản viện trợ về tài chính cho nước này.

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, Tổng thống Poroshenko bày tỏ thái độ tự tin trong việc tiếp tục hợp tác hiệu quả với Mỹ và hy vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ quốc gia của mình.

Trước đó, ông Poroshenko cũng cho biết, trong cuộc đàm thoại với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, hai bên đã thống nhất về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ukraine tới Washington ngay sau lễ nhậm chức của người đứng đầu mới của Mỹ. Ông Poroshenko cũng bày tỏ, sau cuộc đàm thoại với ông Trump, ông rất hy vọng rằng các cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ trong tương lai sẽ mang lại kết quả tốt đẹp.

Chính phủ Ukraine rất mong đợi thiết lập quan hệ tốt đẹp với ông Trump và Chính phủ Mỹ mới, hy vọng Mỹ sẽ duy trì hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Một số quan chức Ukraine nói đến khả năng sẽ có cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng 2 này. Dù thế, quan hệ và sự ủng hộ của Mỹ với Ukraine có thể sẽ không được tốt đẹp như dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama khi Tổng thống Trump tuyên bố muốn cải thiện quan hệ với Nga.

Rõ ràng vào thời điểm này, khi mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ấm lên, các dấu hiệu tan băng giữa 2 quốc gia vốn duy trì từ thời Tổng thống Obama đang hình thành ngày càng cụ thể hơn thì việc Ukraine lo lắng là điều không tránh khỏi. Việc đốt nóng Donetsk hay Donbass vào thời điểm này, chính quyền Kiev dường như đang muốn lôi kéo thêm sự chú ý của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như thể hiện lập trường cứng rắn của mình trong vấn đề Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 2-2, tờ The Wall Street Journal đã đăng tải các thông tin cho rằng giới lãnh đạo NATO đã quyết định hoãn vô thời hạn các cuộc đàm phán với Ukraine về vấn đề sử dụng hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) ở Romania để tránh gây các phản ứng quyết liệt từ phía Nga. Trước đó một ngày, Tổng thống Ukraine Poroshenko thông báo dự định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa Ukraine gia nhập vào NATO.

M.T. - M.Q. (tổng hợp)
.
.