“Ván cờ” Syria dần ngã ngũ

Thứ Ba, 08/06/2021, 08:12
Sau khi ông Bashar al-Assad giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 26-5, Qatar vẫn chưa muốn bình thường hóa quan hệ với Damascus. Syria vẫn có thể trông chờ vào sự hỗ trợ của một số quốc gia Arab nhưng sự hỗ trợ thực sự đến từ các đồng minh truyền thống là Iran và Nga, nay lại có thêm sự xuất hiện của Trung Quốc.


“Syria đã thắng cuộc chiến chống khủng bố và nổi loạn. Tổng thống Bashar al-Assad vẫn đang nắm quyền và một số nước tiếp tục làm mọi cách để gây hại cho chúng tôi”, một thành viên của đảng Baath, lực lượng chính trị chính ở Syria, bình luận.

Chiến thắng của ông Bashar al-Assad chắc chắn không chỉ là niềm vui với tất cả. Liên minh châu Âu, thông qua đại diện ngoại giao, Joseph Borrel, tuyên bố rằng “các cuộc bầu cử tổng thống ở Syria không tự do cũng không hợp pháp, chúng sẽ không góp phần giải quyết xung đột cũng như dẫn đến bình thường hóa quan hệ của cộng đồng quốc tế với chính quyền Damascus hiện nay”. Tệ hơn nữa, Hội đồng châu Âu đã thông báo gia hạn kể từ ngày 1-6-2021, các lệnh trừng phạt đối với Cộng hòa Syria, được áp dụng từ năm 2011.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Syria Bashar al-Assad.

Nhưng, bất chấp chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống, có vẻ như tất cả không phải là chiến thắng với ông Bashar al-Assad. Những ánh mắt nghi ngại vẫn còn đó. Chẳng hạn, tiểu vương quốc Qatar nhỏ bé nhắc lại rằng Syria còn lâu mới đạt được sự đồng thuận trong khu vực.

“Cho đến nay, chúng tôi thấy không có khả năng nào trong tương lai cho một giải pháp chính trị được người dân Syria chấp nhận [...] cách tiếp cận và ứng xử [của chính quyền Damas] không thay đổi”, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Qatar, Sheikh Mohammed ben Abdulrahman Al-Thani tuyên bố ngày 28-5 trên kênh truyền hình Al Araby của Anh.

Ông nói thêm: “Không có động lực nào để chúng tôi thiết lập lại quan hệ với chế độ Syria vào lúc này. Nói cách khác, Doha dường như chưa sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Damascus.

Vẫn còn phải xem liệu tiểu vương quốc này có theo chân một quốc gia khác gần đây đã xích lại gần với chính quyền Syria hay không. Bởi vì Damascus vẫn có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của khu vực: sau khi chọn theo phe đối lập Syria, giờ đây Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã mở lại đại sứ quán của họ tại Damascus.

Theo các nhà quan sát thì “Qatar cuối cùng sẽ thừa nhận sai lầm của mình”. “Qatar là nhà tài trợ chính cho các chiến binh thánh chiến ở Idlib. Họ tài trợ cho tổ chức Anh em Hồi giáo, cũng như một số phong trào Hồi giáo để giữ quyền kiểm soát tình hình Syria. Nhưng, sớm hay muộn, Idlib sẽ được chính phủ Damascus lấy lại”, Đài Truyền hình Syria dẫn lời một chuyên gia quân sự giấu tên cho biết.

Hezbollah chúc mừng ông Bashar al-Assad

Tuy nhiên, Damascus có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của các nước khác trong khu vực. Bất chấp việc bị trục xuất khỏi Liên đoàn Arab sau khi chiến tranh bùng nổ vào năm 2011, một số quốc gia Arab đã không ngần ngại chúc mừng Tổng thống Bashar al-Assad khi ông giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ tư. Chẳng hạn, Tổng thống Lebanon Michel Aoun đã viết trong một bức thư gửi đến Damascus vào ngày 29-5: “Tôi nhân cơ hội này nhấn mạnh chiều sâu của mối quan hệ lịch sử giữa hai nước và nguyện vọng của tôi là phát triển quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực phục vụ lợi ích tối cao của các dân tộc chúng ta”.

Một đồng minh trung thành của Chính phủ Syria, đại diện của tổ chức Hezbollah cũng gửi lời chúc mừng đến Tổng thống Syria. Giống như Sultan Hatham của Oman, quốc gia duy nhất ở Vùng Vịnh chưa bao giờ cắt đứt quan hệ với Damascus. Giới quan sát nhận định rằng sự hỗ trợ từ các nước Arab khá nhút nhát với kết quả bầu cử ở Syria: “Có một loại quan niệm thiện ác xung quanh các cuộc bầu cử ở Syria. Tất cả các quốc gia Arab từ chối công nhận cuộc bầu cử một phần là phụ thuộc vào lợi ích của Mỹ trong khu vực. Những nước khác thì biết rằng Syria có vai trò ở Trung Đông”, chuyên gia quân sự giấu tên nói.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad vừa đắc cử nhiệm kỳ thứ tư.

Tuy nhiên, trong nội bộ đảng Baath, người ta không mất hy vọng: “Các nước láng giềng Arab của chúng tôi đang dần bắt đầu thay đổi quan điểm của họ về Syria”, một thành viên đảng Baath nhận định khi đề cập đến Saudi Arabia ở đây. Giám đốc Cơ quan tình báo Arab Saudi đã khôn khéo tới Damascus vào ngày 3-5 vừa qua để thảo luận về khả năng có thể mở lại Đại sứ quán Saudi Arabia. Tuy nhiên, sự ủng hộ mạnh mẽ nhất dành cho Syria không đến từ thế giới Arab.

Trung Quốc sẵn sàng tái thiết Syria?

Hai đồng minh nhà nước chính của Damascus là Nga và Iran đã nhanh chóng công nhận kết quả bầu cử. Trong một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao, Moscow cho biết họ coi cuộc bầu cử “là một việc làm hợp hiến pháp của Cộng hòa Arab Syria và là một bước quan trọng nhằm tăng cường sự ổn định nội bộ của nước này”. Về phần mình, Tehran mô tả “việc tổ chức thành công cuộc bầu cử và sự tham gia đông đảo của người dân Syria” là “một bước quan trọng trong việc thiết lập hòa bình”.

Sau khi giúp ông Bashar al-Assad về mặt quân sự giành lại một phần lãnh thổ của mình, Iran và Nga đang cố gắng giúp Syria hòa hợp dân tộc. “Nếu không có họ, Syria sẽ không còn tồn tại. Chúng ta có thể tin tưởng vào các đồng minh truyền thống của mình. Họ đã chứng minh điều đó kể từ khi bắt đầu xung đột. Họ đã mất người, đầu tư tiền bạc để Syria không rơi vào tay các chiến binh thánh chiến. Vì điều đó, chúng tôi vĩnh viễn biết ơn họ”, thành viên đảng Baath nhấn mạnh.

Kín đáo hơn, vai trò của Trung Quốc vẫn là điều đáng nói. Trong chuyến công du tới Moscow vào năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ với Syria: “Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào quá trình tái thiết Syria với khả năng của mình”. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng chúc mừng chiến thắng của ông Bashar al-Assad.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian ngày 28-5 thông báo “Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ Syria trong việc bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước này”. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là sự ủng hộ của Venezuela, Cuba và CHDCND Triều Tiên - “trục phản đối chủ nghĩa đế quốc Mỹ”. “Syria đang kết tinh một mạng lưới liên minh không đồng nhất chống lại lợi ích của Washington”, thành viên đảng Baath kết luận.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.