Về chuyến công du châu Á của Tổng thống Donald Trump
Khó thể đoán trước được những điều gì sẽ xảy ra, nhưng thuận lợi nhất lúc này có lẽ là ông Trump nên tận dụng cơ hội để thuyết phục rằng Mỹ sẽ vẫn can dự tích cực vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như chứng minh sự lãnh đạo của Mỹ trong một loạt vấn đề kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng phu nhân Melania Trump tại Nhật Bản. |
Châu Á đối với các lợi ích của Mỹ
Chuyến công du 5 nước châu Á đầy tham vọng kéo dài 12 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra trong bối cảnh nhiều nước đang băn khoăn và hoài nghi trước cam kết của Washington rằng Mỹ vẫn là một cường quốc tích cực trong khu vực.
Những lo ngại trên càng trở nên trầm trọng hơn khi xét đến những yếu tố như: Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu; Nước Mỹ đang nghi ngờ liệu có đáng để ông Trump phung phí thời gian khi tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á hay không; Cách tiếp cận của Washington trong quan hệ với các nước, trong đó có Trung Quốc và cuối cùng là những nỗ lực đồng thời của Bắc Kinh nhằm khẳng định vị thế của họ với vai trò là trung tâm của các sáng kiến quan trọng trong khu vực.
Trước những nhìn nhận cho rằng Mỹ đang rút khỏi các sáng kiến khu vực trong khi Trung Quốc đang nỗ lực trở thành một quốc gia thay thế ổn định và đáng tin cậy, vấn đề đặt ra là liệu khu vực này sẽ tự tổ chức như thế nào trong tương lai? Liệu Mỹ có tiếp tục ấn định chương trình nghị sự để phát triển một khu vực châu Á - Thái Bình Dương đa dạng và hội nhập hay không? Hay khu vực này sẽ quay ngược trở lại như trước để hướng tới một cộng đồng Đông Á mang tính thứ bậc nhiều hơn với Trung Quốc là nước đứng đầu?
Chuyến công du châu Á lần này của ông Trump sẽ làm giảm bớt những quan ngại về khả năng rút lui của Mỹ, hoặc sẽ làm gia tăng mối lo âu về sự thay đổi quyền lực đang ngày càng được đẩy nhanh trong khu vực.
Tổng thống Donald Trump bước lên chuyên cơ khởi hành chuyến công du 12 ngày tới châu Á. |
Ông Trump có cơ hội rất lớn để đáp ứng mọi kỳ vọng và dập tắt các mối quan ngại của khu vực bằng cách tuyên bố Mỹ quyết tâm duy trì các cam kết liên minh, đảm bảo với các đồng minh và đối tác rằng lợi ích của họ sẽ được tính đến trong cách tiếp cận của nước Mỹ trước những thách thức của khu vực. Chẳng hạn như vấn đề Triều Tiên, nhấn mạnh tầm nhìn tích cực của mình liên quan đến sự vận hành của khu vực. Làm rõ mối quan hệ mà ông đang tìm kiếm với Trung Quốc. Đồng thời đưa ra những bằng chứng rõ ràng về cách thức mà Mỹ đang chuẩn bị để hợp tác với khu vực với mục đích “khai thông năng lực” của các dân tộc.
Giới phân tích cho rằng nếu những thông điệp chủ yếu trong chuyến công du châu Á lần này của ông Trump mang tính phòng thủ - ngăn chặn các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, làm chậm lại tiến trình trỗi dậy của Trung Quốc, đảo ngược các mối quan hệ thương mại không công bằng giữa Mỹ và các nước trong khu vực - ông Trump sẽ khiến các đối tác khu vực cảm thấy ít có lý do để ủng hộ Washington.
Thay vào đó, hầu hết các nhà lãnh đạo châu Á đều muốn chứng kiến ông Trump đưa ra lập trường rõ ràng về việc ủng hộ các quy tắc quốc tế và những giá trị chung, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ hữu hình để thúc đẩy hội nhập và tăng trưởng kinh tế hơn nữa cho khu vực. Đây cũng là công thức mà Mỹ đã từng giúp củng cố sự ổn định của khu vực và thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế của châu Á trong nhiều thập kỷ.
Những câu chuyện nhạt nhẽo về sức mạnh của Mỹ sẽ không có tác dụng. Không có quốc gia nào tỏ ý nghi ngờ việc Mỹ có sức mạnh lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng điều quan trọng là Mỹ phải chứng minh được rằng Washington thấu hiểu nguyện vọng của khu vực và cam kết hợp tác với các nước trong khu vực nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân của họ.
Nếu ông Trump lựa chọn thực hiện theo cách đơn giản, chỉ thiên về những hành động mang tính tượng trưng nhằm phô trương sức mạnh của Mỹ chứ ít có thực chất thì chắc chắn các nước sẽ có xu hướng cảnh báo Mỹ rằng Washington có khả năng thua cuộc trong ván cờ dài hạn ở châu Á. Do tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Á đối với các lợi ích chiến lược toàn cầu của Mỹ, đó sẽ là một kết quả mà Washington không thể chấp nhận.
Mặt khác, nếu ông Trump nắm bắt cơ hội trong chuyến đi này để chứng minh rằng Washington công nhận tầm quan trọng của châu Á đối với các lợi ích của Mỹ, hiểu được các vấn đề đang gây hứng khởi cho người dân trong khu vực và sẵn sàng hợp tác một cách nghiêm túc với các đối tác nhằm hỗ trợ sự ổn định và thịnh vượng thì chuyến thăm chắc chắn sẽ giúp tạo lập cho Mỹ chỗ đứng vững chắc hơn ở khu vực này.
Tổng thống Donald Trump và bà Melania đến thăm Hawaii. |
Thách thức mới bên bờ Thái Bình Dương
Với việc lần lượt ghé thăm Hawaii - tiền đồn quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương; tới Nhật Bản và Hàn Quốc - hai quốc gia đồng minh Đông Bắc Á; ghé thăm chính thức Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi đến Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 và Philippines để mừng sự kiện 50 năm thành lập khối ASEAN và 40 năm hợp tác Hoa Kỳ - ASEAN, chuyến công du châu Á dài 12 ngày của Tổng thống Donald Trump như một lời bảo đảm sự can dự nghiêm túc của Washington với khu vực.
Nói như vậy không có nghĩa là ông Donald Trump sẽ tránh được những thách thức mới đang chờ đợi ở khu vực Thái Bình Dương. Chuyến công du này một lần nữa được coi là phép thử đối với các kỹ năng đàm phán và ngoại giao của ông chủ Nhà Trắng.
Cụ thể trên lĩnh vực kinh tế, ông Trump làm thế nào để có thể ngăn chặn đà ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực khi ông đã rút Mỹ khỏi TPP, một trong những biện pháp chủ đạo trong chính sách “xoay trục sang châu Á” của người tiền nhiệm Barack Obama? Đối với Bắc Kinh, Mỹ rút khỏi TPP có vẻ như là một món “lộc trời cho”.
Có một điều chắc chắn, tại Trung Quốc, Tổng thống Mỹ sẽ được đón tiếp long trọng và nồng hậu, nhưng ông sẽ khó mà nhận được sự nhượng bộ nào từ Bắc Kinh. Giờ đây, mọi chú ý sẽ được tập trung vào bài diễn văn của Tổng thống Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, trình bày tầm nhìn của ông về “một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng”.
Đối với hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, nhiều người đặt câu hỏi liệu rằng Tổng thống Trump có trấn an được hai đồng minh Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc trước mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên hay không? Chưa có lúc nào lòng tin vào nguyên thủ Mỹ sụt giảm thê thảm như vậy. Người dân hai nước cảm thấy bất an về tính khí thất thường và những phát ngôn dựa nhiều theo cảm hứng từ nhà lãnh đạo quốc gia đồng minh lớn của họ.
Theo giới phân tích, mặc dù tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc và Nhật Bản chắc chắn sẽ hoan nghênh Tổng thống Trump tái khẳng định việc phản đối phổ biến vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên, song chưa đến mức họ ủng hộ việc Mỹ sẽ sử dụng vũ lực quân sự đơn phương. Xuống phía dưới, Bắc Kinh sẽ muốn lưu ý ông Trump rằng sẽ phải đối xử với Trung Quốc như một cường quốc bình đẳng và cùng nhau giải quyết vấn đề Triều Tiên một cách hòa bình cũng như những khác biệt trong vấn đề kinh tế giữa hai nước.
Những người ủng hộ ông Trump. |
Tại Đông Nam Á, các nước khu vực muốn thấy Tổng thống Trump ủng hộ quyền tự chủ, vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề an ninh cũng như hội nhập kinh tế khu vực. Việc ông Trump đưa ra quyết định vào phút cuối cùng - ở lại Manila và tham dự Hội nghị EAS - là một quyết định được hoan nghênh. Bởi theo nhận định, hội nghị này quy tụ không chỉ có 10 nước thành viên ASEAN mà còn bao gồm các đồng minh và đối tác của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand cũng như Trung Quốc và Nga.
Lâu nay, các đồng minh và đối tác của Mỹ vẫn hy vọng EAS sẽ trở thành diễn đàn hàng đầu của các nhà lãnh đạo thế giới, giải quyết những thách thức an ninh bằng cách liên kết thể chế đa phương ASEAN mở rộng, chẳng hạn như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Mỹ liên tục tuyên bố nước này là một cường quốc Thái Bình Dương, trong khi Trung Quốc khẳng định Mỹ là cường quốc bên ngoài khu vực. Nếu Mỹ không tham dự Hội nghị EAS rõ ràng sẽ là cơ hội tốt để Trung Quốc thế chỗ và có thể dẫn dắt EAS.
Tổng thống Mỹ đã thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng liệu ông có thể dành toàn tâm toàn ý cho chuyến công du châu Á này hay không, vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ? Cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đã có những tiến triển bất ngờ. 3 cựu cố vấn của Tổng thống Trump bị khởi tố với các tội danh âm mưu chống Mỹ, rửa tiền, khai gian, không khai báo tài khoản ở nước ngoài và nói dối các nhà điều tra FBI hòng che giấu các mối liên hệ với các nhà trung gian Nga.
Nói tóm lại, chưa có một chuyến công du châu Á nào của một nguyên thủ Mỹ lại gây hồi hộp như lúc này. Châu Á chờ đón Tổng thống Donald Trump trong trạng thái rất đa chiều. Ngược lại, ông Donald Trump đến với châu Á mà có vẻ như “lòng dạ bất an”. Và có lẽ, những dòng cập nhật trên mạng xã hội từ sáng sớm của người đứng đầu Nhà Trắng vẫn luôn phải khiến người ta giật mình thon thót, mừng rỡ hoặc lo âu?