Venezuela: Khi các lợi ích đan xen
Viện trợ của Nga và tính toán của Mỹ
Trong khi Chính phủ Venezuela có vẻ đang ngày càng bất an trước dịch COVID-19 và việc thiếu nhiên liệu trầm trọng trong nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa lại xuất hiện như một “phao cứu sinh” quan trọng.
Khi Mỹ thúc đẩy sự thay đổi chính trị ở Venezuela, công ty dầu mỏ thuộc sở hữu nhà nước Rosneft của Nga đã giúp Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro “lách luật” trừng phạt của Mỹ bằng cách xuất khẩu tới 70% dầu mỏ của nước này thông qua các công ty con. Khi Rosneft thông báo rời khỏi Venezuela vài tuần trước, các quan chức Mỹ đã nhanh chóng tuyên bố họ vừa giành được một chiến thắng cho chiến dịch trừng phạt của nước này.
Tuy nhiên, “vũ điệu chiến thắng” có vẻ được đưa ra quá sớm. Mặc dù các lệnh trừng phạt của Mỹ đã chia tách Rosneft khỏi Venezuela, sự ra đi của công ty dầu mỏ này không đồng nghĩa với việc Nga sẽ từ bỏ ông Maduro. Đó chỉ là một mong muốn nhằm né tránh các lệnh trừng phạt tiếp theo của Mỹ trong bối cảnh suy thoái kinh tế khi thị trường dầu mỏ đã chạm đáy. Thay vào đó, Rosneft thoái vốn bằng cách bán các tài sản của Venezuela cho không ai khác ngoài Chính phủ Nga.
Việc chuyển giao tài sản của Rosneft ở Venezuela sang Zarubezhneft, công ty dầu mỏ mới của Nga, cho phép Rosneft tránh được các lệnh trừng phạt tiếp theo của Mỹ, vốn là một phần trong danh sách trừng phạt mở rộng hơn của phương Tây đối với Moscow.
Tính toán của Moscow là củng cố chỗ đứng của Nga ở Tây bán cầu và hồi sinh một “Rosneft khác” ở Venezuela. Tuy nhiên, để đảm bảo cơ hội tốt nhất cho việc nối lại hoạt động một cách suôn sẻ khi điều kiện thị trường cho phép, các nhân viên Rosneft có kinh nghiệm ở Venezuela đã được biệt phái đến Zarubezhneft.
Chính trường Venezuela vẫn chìm trong khủng hoảng. |
Rõ ràng, Nga vẫn chưa hề giảm thiểu những cam kết của họ với chế độ Maduro. Ngay cả các biện pháp trừng phạt hiệu quả nhất cũng khó có thể thuyết phục ông Putin từ bỏ vai trò của Nga trong việc định hình tương lai của Venezuela. Tổng thống Putin đã thể hiện một cam kết lâu dài đối với ngành công nghiệp dầu mỏ này. Đó có lẽ là cách tốt nhất để đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ Tổng thống Maduro.
Về phần mình, Washington đang liên tục có những động thái nhằm làm khuấy đảo tình hình chính trường Venezuela. Chỉ chưa đầy 3 ngày sau thất bại của “chiến dịch Gedeón” - âm mưu thâm nhập của một nhóm lính đánh thuê vào lãnh thổ Venezuela ngày 3-5 để bắt cóc Tổng thống Maduro, Washington đã chỉ định James Broward Story làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Mỹ tại Venezuela.
Ông Story vốn là Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Mỹ bị đóng cửa tại Caracas và thực hiện nhiệm vụ của mình tại văn phòng ở Bogota, nơi nhà ngoại giao này duy trì liên hệ chặt chẽ với các nhóm đối lập cấp tiến của Venezuela. Liệu một bản án tù giam dành cho 2 lính đánh thuê người Mỹ có trở thành cái cớ để chính quyền ông Trump khởi xướng một hành động trực tiếp chống Venezuela?
Với con số nạn nhân tử vong do COVID-19 tại Mỹ đang tiến gần đến mức 100.000 người, có thể, Washington cũng cần một sự kiện để đánh lạc hướng dư luận, khả năng này đang dễ trở thành thực tế hơn bao giờ hết.
“Sự nhiệt tình” của Trung Quốc
Không chỉ Nga, Mỹ mà Trung Quốc cũng đang can dự vào Venezuela theo một cách rất riêng - “ngoại giao khẩu trang” nhưng xem ra chính sách này tỏ ra không có nhiều tác dụng.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 lan rộng, Trung Quốc đã quyên góp vật tư và thiết bị y tế cho nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Các nhà phân tích gọi đây là chính sách “ngoại giao khẩu trang”. Quốc gia đầu tiên tại Mỹ Latinh được tiếp nhận đội ngũ nhân viên y tế của Trung Quốc vào cuối tháng 3 vừa qua là Venezuela.
Một cuộc thăm dò do Quốc hội nước này thực hiện cho thấy 88% các bệnh viện tại Venezuela thiếu hụt các loại thuốc cơ bản và 79% bệnh viện thiếu các thiết bị phẫu thuật. Cuộc thăm dò cũng cho thấy tất cả các phòng thí nghiệm trong nước đều không có đủ thuốc thử cần thiết phục vụ cho việc nghiên cứu, 53% phòng mổ không hoạt động và 79% bệnh viện không có nguồn cung cấp nước đều đặn.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang thực hiện công tác quyên góp cho Venezuela, thông qua Chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro cũng là nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng tại nước này bùng phát. Chính quyền ông Maduro đã khiến sự trù phú về dầu mỏ lớn nhất trong lịch sử nước này trở nên uổng phí và không thể quản lý được khoảng vay trị giá 65 tỷ USD từ Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc tìm cách tăng cường ảnh hưởng về địa chính trị, củng cố quan hệ kinh tế và thương mại, tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nâng cao hình ảnh của họ trên trường quốc tế. Là một công cụ “quyền lực mềm” mới, do đó, chính sách “ngoại giao khẩu trang” là phương tiện để Trung Quốc gia tăng sự hiện diện trong lĩnh vực chính trị-xã hội tại Venezuela.
Chính phủ Trung Quốc không bàn luận quá công khai nhưng từ lâu họ đã hiểu rõ về nhà nước Venezuela. Năm 2016, Bắc Kinh đã cử một phái đoàn đến Caracas để truyền đạt mối quan ngại về vấn đề an ninh và số tiền nước này còn nợ Trung Quốc.
Một số quốc gia Mỹ Latinh công nhận lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaidó là tổng thống lâm thời của nước này và là nguyên thủ quốc gia hợp pháp. Do đó, lập trường và hành động của Trung Quốc ở đó sẽ ảnh hưởng đến cách khu vực này nhìn nhận về Trung Quốc trong ngắn hạn và trung hạn, bởi cuộc khủng hoảng ở Venezuela đã lan ra ngoài phạm vi biên giới.
Nếu Venezuela trở thành “điểm nóng” dịch bệnh trong khu vực, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng ngăn chặn virus và dập tắt đại dịch của các quốc gia láng giềng với những hậu quả khôn lường. Và trong bối cảnh Tổng thống Maduro đang nỗ lực củng cố quyền lực cũng như tình hình tại Venezuela ngày càng nghiêm trọng, bất kỳ quốc gia nào mạnh dạn “đầu tư” vào đây cũng sẽ có nhiều rủi ro, vì vậy, chính sách “ngoại giao khẩu trang” cũng khó tiến xa.