Venezuela khủng hoảng toàn diện

Thứ Tư, 21/12/2016, 16:40
Những khó khăn về kinh tế đã kéo Venezuela vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị và xã hội trong suốt hơn 2 năm qua. Những biện pháp cải tổ kinh tế mới nhất của Tổng thống Nicolas Maduro vẫn không cứu vãn được tình hình, trong khi phe đối lập được sự hỗ trợ của các thế lực thù địch không ngừng chống phá.

Bạo loạn đã diễn ra tại nhiều thành phố ở Venezuela vào tuần qua do liên quan tới chính sách cải cách kinh tế của đương kim Tổng thống Maduro. Hãng tin Reuters hôm 18-12 cho biết, Tổng thống Maduro đã hoãn việc thu hồi đồng 100 Bolivar cho tới 2-1-2017 sau khi xảy ra bạo loạn trong 2 ngày liên tiếp. Trong các cuộc biểu tình và cướp phá sau quyết định dừng lưu thông đồng tiền mệnh giá lớn nhất nước này, lực lượng an ninh đã bắt giữ hơn 300 người. Có ít nhất 3 người chết trong các cuộc bạo động mới này.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia ngày 19-12, ông Maduro cho biết trong số những người bị bắt giữ có các thủ lĩnh và thành viên của 2 đảng đối lập là đảng Ý chí nhân dân và đảng Công lý trên hết. Ông cáo buộc những người này nghe theo sự xúi giục của Mỹ để gây ra tình trạng hỗn loạn. Quyết định hoãn đổi tiền khiến tình trạng hỗn loạn ở Venezuela tạm lắng xuống, nhưng vẫn có tin về những vụ cướp bóc hàng hóa ở Ciudad Bolivar, một địa phương thuộc miền nam Venezuela, vào ngày cuối tuần qua.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 11-12 tuyên bố đổi tiền.

Quyết định rút đồng tiền mệnh giá lớn nhất khỏi lưu thông trong tuần này của Tổng thống Maduro là để chuẩn bị cho việc phát hành tiền mới. Theo Reuters, trong một bài phát biểu kéo dài hàng giờ đồng hồ trên kênh truyền hình nhà nước hôm 12-12, ông Maduro thông báo sẽ dừng lưu thông đồng 100 Bolivar của Venezuela, đồng tiền mệnh giá lớn nhất của nước này hiện nay, hiện tương đương 2 cent Mỹ nếu tính theo tỷ giá “chợ đen”.

Ông Maduro thông báo đồng 100 Bolivar sẽ được rút khỏi lưu thông từ ngày thứ 20-12 và người dân sẽ có 10 ngày để đổi tiền tại Ngân hàng Trung ương. Ông Maduro nói rằng việc đổi tiền là cần thiết nhằm chống lại tình trạng buôn lậu tờ 100 Bolivar tại biên giới nước này với Colombia.

Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Venezuela, trong tháng 11-2016, có hơn 6 tỷ đồng Bolivar trong lưu thông ở Venezuela, chiếm 48% tổng số tiền giấy và tiền xu trong lưu thông ở nước này. Theo kế hoạch, vào ngày 21-12, cơ quan chức năng Venezuela sẽ bắt đầu đưa 6 đồng tiền giấy mới và 3 đồng xu mới vào lưu thông, trong đó đồng lớn nhất có mệnh giá 20.000 Bolivar, tương đương chưa đầy 5 USD theo tỷ giá “chợ đen”.

Venezuela không công bố số liệu lạm phát chính thức, nhưng theo công ty tư vấn kinh tế Ecoanalitica, tốc độ lạm phát ở nước này trong năm nay là 500%. Trước đây, ông Maduro từng nói rằng các nhóm tội phạm có tổ chức tại biên giới Colombia - Venezuela đã gom mua đồng Bolivar và mua hàng hóa được trợ giá ở Venezuela rồi mang sang Colombia bán, thu những khoản lợi nhuận lớn. Trước khi tiến hành đổi tiền, chính quyền Venezuela đã hai lần ra lệnh đóng cửa biên giới với Colombia và Brazil nhằm đối phó với các băng nhóm tội phạm đến từ biên giới các nước này.

Tuy nhiên, đúng như dự báo, động thái đổi tiền đã làm căng thẳng thêm tình trạng khan hiếm tiền mặt ở Venezuela. Do đồng tiền mất giá nghiêm trọng, việc thanh toán một hóa đơn đi siêu thị ở Venezuela nếu không dùng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng thường phải mất một balô tiền mặt. Trong những tháng gần đây, tiền mặt ở Venezuela ngày càng khan hiếm. Nhiều máy quẹt thẻ tín dụng thậm chí còn bị hỏng, khiến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng thêm phần khốn đốn. Các biện pháp kiểm soát tiền tệ ngặt nghèo từ năm 2003 của Venezuela neo buộc tỷ giá đồng Bolivar vào đồng USD.

Do việc đổi tiền bị hoãn, ngày 18-12, Tổng thống Maduro đã cáo buộc Chính phủ Mỹ phá hoại công tác phát hành các đồng tiền mới của nước này, trong đó có việc cản trở hoạt động vận chuyển tiền. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Maduro khẳng định nước này đã in xong tiền và sẵn sàng đưa vào lưu hành các đồng tiền mệnh giá mới, đồng thời nhấn mạnh trong hai tuần qua, Venezuela không thể thuê được máy bay để vận chuyển số tiền mới về nước.

Theo ông Maduro, nước này đã thuê một số máy bay của châu Âu để vận chuyển tiền, tuy nhiên sau đó Bộ Tài chính Mỹ đã gọi điện để gây sức ép bắt các hãng này hủy hợp đồng. Một máy bay đang trên đường tới Venezuela đã thay đổi lịch trình bay và Venezuela có đầy đủ bằng chứng về sự việc này.

Biểu tình bạo loạn ở nhiều thành phố của Venezuela trong tuần qua do chính phủ đổi tiền.

Những biện pháp chữa cháy nền kinh tế Venezuela, vốn chìm trong khủng hoảng gần 3 năm qua, của chính quyền Maduro đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của phe đối lập, cho rằng làm như vậy chẳng có ý nghĩa gì về mặt kinh tế. Theo phe đối lập, chẳng cách nào có thể đổi hết được số tờ 100 Bolivar trong lưu thông trong khoảng thời gian mà tổng thống đưa ra.

Những người phản đối cho rằng đổi tiền là một bằng chứng nữa cho thấy chính sách kinh tế thảm họa ở Venezuela, quốc gia đang oằn mình dưới siêu lạm phát và khan hiếm các loại hàng hóa cơ bản. Theo công ty thăm dò dư luận Datanalisis, tỷ lệ ủng hộ ông Maduro đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy, dưới 20%.

Về chính trị, ngày 15-12 vừa qua, Tòa án Tối cao Venezuela (TSJ) đã bác bỏ quyết định của Quốc hội nước này về việc xét xử trách nhiệm chính trị đối với Tổng thống Maduro vì để xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế trầm trọng hiện nay. Thông cáo của TSJ cho hay quyết định xét xử Tổng thống Maduro mà cơ quan lập pháp nước này, do phe đối lập chiếm đa số, đưa ra là hành động vi hiến, hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Trước đó, ngày 13-12, Quốc hội Venezuela đã thông qua tuyên bố khẳng định Tổng thống Maduro phải chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng hiện nay; đồng thời yêu cầu luận tội người đứng đầu nhà nước cũng như hối thúc ông Maduro từ chức để tổ chức tổng tuyển cử sớm.

Nhằm bảo vệ Hiến pháp và Tổng thống Maduro trước các âm mưu phế truất của phe đối lập, TSJ cũng đã yêu cầu Quốc hội Venezuela ngừng ngay các phiên họp mở đường cho phiên tòa chính trị chống lại nhà lãnh đạo nước này. TSJ cho rằng đây là hành động vi hiến.

Nhằm tìm giải pháp cho tình hình căng thẳng hiện nay tại quốc gia Nam Mỹ này, Chính phủ của Tổng thống Maduro và liên minh Bàn đoàn kết dân chủ (MUD) đối lập đã khởi động vòng đàm phán đầu tiên vào ngày 12-11 vừa qua và tiếp tục vòng đàm phán thứ hai vào 2 tuần sau đó. Phe đối lập đặt điều kiện phải tổ chức trưng cầu ý dân nhằm bãi nhiệm Tổng thống Maduro hoặc tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, trả tự do cho các nhân vật đối lập, tôn trọng quyền của cơ quan lập pháp.

Tuy nhiên, Tổng thống Maduro nhiều lần bác bỏ mọi yêu cầu liên quan tới tổ chức trưng cầu ý dân hay một cuộc tổng tuyển cử sớm, khẳng định rằng vấn đề này không được hiến pháp quy định.

Những căng thẳng về kinh tế, chính trị và xã hội tại Venezuela trong thời gian dài đã khiến cộng động quốc tế lo ngại. Mới đây, Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố khuyến khích các nỗ lực thương lượng giải quyết khủng hoảng chính trị Venezuela mà các nước trong khu vực đang xúc tiến. Các nước Mỹ Latinh như Chile, Uruguay, Argentina cũng tuyên bố ủng hộ Venezuela đối thoại chính trị. Về phần mình, Mỹ có thái độ thận trọng sau khi Venezuela cáo buộc mình xúi giục bất ổn và muốn lật đổ Tổng thống Maduro.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ủng hộ nỗ lực giải quyết khủng hoảng chính trị Venezuela bằng đối thoại do Nam Phi bảo trợ và do cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero làm trung gian. Bản thân mình, cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero bi quan đối thoại giữa Venezuela và phe đối lập sẽ rất khó khăn và không có gì bảo đảm thành công. Trong khi Tổng thống Maduro hy vọng đối thoại sẽ thuyết phục phe đối lập từ bỏ chống đối chính phủ thì phe đối lập phải khăng khăng ưu tiên hàng đầu của cuộc đối thoại phải là tổ chức bầu cử mới ở Venezuela.

Phe đối lập cáo buộc chính quyền Maduro điều hành yếu kém khiến quốc gia giàu dầu mỏ này rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ hiện nay. Thủ lĩnh đối lập Capriles nhắc lại: “Cuộc khủng hoảng trong hai năm qua đã trở nên tồi tệ, quốc gia này đang bị hủy hoại và chết dần... Trong những tuần sắp tới, tình hình thiếu hụt này sẽ làm trầm trọng hơn nữa...”.

Trong hầu hết những lần giải thích trước người dân về tình hình đất nước, Tổng thống Maduro cho rằng đất nước Venezuela đang phải đối mặt với một âm mưu gây bất ổn định nghiêm trọng và nguy hiểm nhất ở khu vực trong một thời gian dài vừa qua, bắt đầu bằng cuộc tấn công nhắm vào nữ Tổng thống Brazil vừa bị truất phế Dilma Rousseff, cũng là một đại diện của cánh tả.

Cũng theo ông Maduro, đây không phải là lần đầu “bàn tay nước ngoài” can dự vào chính trị Nam Mỹ nói chung và Venezuela nói riêng. Ông nói năm 2002, cố Tổng thống Chavez từng là mục tiêu của một âm mưu đảo chính; năm 2003 là cuộc đình công của giới chủ nhân trong lĩnh vực dầu mỏ.

Tổng thống Maduro nhấn mạnh: “Đế quốc đang ra sức khôi phục tầm ảnh hưởng đã bị mất trong thập niên trước do sự thắng cử của các đảng cánh tả và trung tả. Đế quốc muốn biến châu Mỹ của chúng ta trở lại thành sân sau của mình, muốn giành lại ảnh hưởng chiến lược hầu nắm lấy tài nguyên thiên nhiên của chúng ta, và trên bình diện quốc tế, muốn qua đó quấy phá Trung Quốc, Nga, phá hoại khối BRICS - liên minh quy tụ Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi”.

Đồng tiền Venezuela mất giá khiến người dân phải cân tiền khi giao dịch.

Theo ông Maduro, nay đến lượt Caracas gánh chịu một âm mưu lật đổ, với sự trợ giúp của một thế lực truyền thông quốc tế nhằm loại bỏ đảng Xã hội thống nhất cầm quyền bằng cách dựng lên những màn bạo động.

Ông Maduro tố cáo làn sóng bạo lực ở Venezuela thời gian qua được chỉ huy bởi các lực lượng quốc gia, và bởi Washington, CIA (Cục Tình báo trung ương Mỹ), các cơ quan đế quốc dưới dạng các tổ chức phi chính phủ, USAID (Cơ quan viện trợ phát triển Mỹ), NED (Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ), các băng đảng ma túy, bọn phát xít Colombia...”.

Theo ông Maduro, Mỹ đã không ngừng hỗ trợ truyền tin cho các nhóm vũ trang và để gây nhiễu hầu khiến cả bộ máy kinh tế của Venezuela trở nên vô dụng. Ông cũng cho rằng tình hình kinh tế là vô cùng đáng báo động, do giới chủ ở Venezuela nay đang giở lại những chiêu thức cũ mà những người đồng nghiệp Chile của họ từng sử dụng để lật đổ tổng thống Allende vào năm 1972, tức phong tỏa nền kinh tế, qua đó làm tê liệt đất nước.

Tuy nhiên, nếu chỉ đổ tại cho các thế lực thù địch dẫn đến tình hình Venezuela như hiện nay xem ra không mấy thuyết phục. Theo báo LHumanité của Pháp, đã đến lúc các nhà cầm quyền ở Caracas cần thiết phải thực hiện “chủ nghĩa thực dụng kinh tế”, bỏ những lý luận trống rỗng, các chính sách kinh tế vĩ mô cứ phải được lên kế hoạch, và nêu bật nhu cầu sinh hoạt dân chủ, tập thể và phê phán trong đảng, nhằm chỉnh lại góc nhắm của đảng cầm quyền.

Trước đây, cố Tổng thống Hugo Chavez đã đứng ra bảo trợ cho các chương trình phúc lợi xã hội dành cho những người nghèo đói nhất trong xã hội và điều hàng nghìn binh sĩ thuộc các lực lượng vũ trang nước này tham gia vào việc tu sửa đường sá, cầu cống, bệnh viện, cải thiện cơ sở hạ tầng, cung cấp chăm sóc y tế và vaccine miễn phí cũng như bán thực phẩm với giá rất thấp cho người dân. Nguồn tài chính cho các chương trình phúc lợi nói trên của ông Chavez chủ yếu đến từ nguồn dầu mỏ phong phú của Venezuela.

Các chương trình phúc lợi này đã giúp ông Chavez liên tục chiến thắng trong các cuộc bầu cử tiếp theo và nắm quyền tổng thống trong suốt 15 năm trước khi bất ngờ qua đời vì căn bệnh ung thư năm 2013.

Người kế nhiệm và cũng chính là học trò của ông Chavez, Tổng thống đương nhiệm Maduro không có được “sự cuốn hút và sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng” như người thầy của mình. Mọi chuyện càng tệ hơn đối với ông Maduro khi giá dầu mỏ thế giới “tuột dốc không phanh” phá vỡ mọi nền tảng mà ông Chavez gây dựng trong gần một thập kỷ rưỡi và khiến nền kinh tế và xã hội nước này “rơi thẳng xuống địa ngục”.

Nhưng có phải những năm tháng Chavez chỉ toàn màu hồng, hay đơn giản là giá dầu cao khi đó khiến cho Venezuela tránh được những rắc rối hiện giờ, khi giá cả tài nguyên mà họ dồi dào nhất này đang tụt dốc không phanh? Theo tạp chí The Atlantic, kinh tế Venezuela đã gặp vấn đề từ trước khủng hoảng giá dầu, vào lúc dầu còn bán được với giá 100 USD/ thùng: bánh mì và giấy vệ sinh đã khan hiếm từ thời đó.

Tờ báo viết: “Chính phủ tùy tiện ném tiền của nhà nước vào các khoản đầu tư ngu ngốc; hoạch định những chính sách phi lý như kiểm soát giá cả và tiền tệ; nạn tham nhũng tràn lan trong giới quan chức vô trách nhiệm và cánh hẩu của họ... Kiểm soát giá cả từ thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đến cả tã, giấy vệ sinh! Mục đích bề nổi là để kiểm soát lạm phát và giữ giá hàng hóa phải chăng cho người nghèo, nhưng bất cứ ai với một vốn liếng kinh tế học cơ bản cũng có thể thấy trước hậu quả: khi giá cả được đặt dưới giá thành sản xuất, người bán hàng làm sao đủ khả năng giữ cho các kệ hàng tiếp tục được lấp đầy? Kiềm chế giá cả bằng biện pháp hành chính chỉ là tạo ra một ảo ảnh và hàng hóa thì biến mất”.

Tờ báo kết luận, các chính sách dân túy ở Venezuela đã nuôi dưỡng nguy cơ lạm phát: “Chính phủ hầu như cho không xăng dầu. Hậu quả là chính phủ thiếu ngân quỹ, phải in tiền thêm để chi tiêu”.

Theo nhiều nhà phân tích nhận định, tình hình tại Venezuela sẽ có nhiều diễn biến khó lường trong thời gian tới khi phe đối lập đang nỗ lực xúc tiến việc bãi nhiệm ông Maduro.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.