Venezuela vẫn bất ổn
Từ hơn một tháng qua, Venezuela đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình của phe đối lập để phản đối lạm phát và tình trạng thiếu thốn hàng hóa trong nước. Một năm sau khi Tổng thống Hugo Chavez qua đời, vì sao "cuộc cách mạng Chavez" lại ảm đạm như thế?
Ba thực trạng mà Venezuela đang phải đối mặt là tình trạng mất an ninh, lạm phát và thiếu thốn hàng hóa đã làm trì trệ các nỗ lực của Tổng thống Nicolas Maduro 1 năm sau khi ông Hugo Chavez qua đời. Những khó khăn đó là nguyên nhân của các cuộc biểu tình đang làm xáo động đất nước này kể từ đầu tháng 2. Từ những cuộc biểu tình của sinh viên tại bang Tachira sau khi một nữ sinh viên bị cưỡng bức, tiếp thêm là lời kêu gọi xuống đường của phe đối lập. Họ đã dựa vào tâm trạng bức xúc của dân chúng do tình hình kinh tế xuống dốc và tình trạng mất an ninh: trung bình mỗi ngày xảy ra đến 65 vụ giết người là tỉ lệ cao nhất trên thế giới.
Sự mạnh tay trong phản ứng của nhân viên công lực đã góp phần làm phong trào phản kháng bùng lên mạnh thêm. Bạo lực đã làm chết 18 người. Trong 6 ngày vừa qua, sự căng thẳng đã giảm bớt nhờ lễ hội Carnaval, nhưng giới sinh viên và phe đối lập đang lên kế hoạch tổ chức biểu tình tại nhiều thành phố vào ngày 12/3.
"Cuộc cách mạng Chavez" bị chao đảo dữ dội do cuộc khủng hoảng này. Đất nước Venezuela đang chịu lạm phát nặng nề (56,2% từ năm 2013) và thiếu thốn hàng hóa thiết yếu (đường, sữa, bột mì, dầu ăn).
"Các bà mẹ khó tìm được bột mì để làm bánh bột nhồi arepa, món ăn cơ bản" - nhà nghiên cứu Adeline Joffres cho biết. Người dân cũng ý thức được rằng, thời trước cũng không khắc nghiệt như thế với tất cả mọi người.
Dòng người chờ đợi trước một siêu thị tại San Cristobal. |
Nằm trên những mỏ dầu lớn nhất thế giới, Venezuela đang chịu hội chứng mà các nhà kinh tế gọi là "căn bệnh Hà Lan". Tỉ giá tăng cao do xuất khẩu dầu hỏa làm hại đến tính cạnh tranh của khu vực công nghiệp dẫn đến sự phi công nghiệp hóa trên cả nước. Venezuela lệ thuộc vào 85% lượng dầu để nhập ngoại tệ. Nhưng ngay cả nguồn lợi này cũng đang gặp khó khăn: sự thiếu đầu tư và thiếu thốn cán bộ - từ khi 18.000 người bị sa thải sau những cuộc đình công năm 2002-2003 - đã làm sụt giảm 1/5 sản lượng dầu trong vòng 10 năm.
Chính phủ lên án những xí nghiệp lớn đã lợi dụng tình hình để đầu cơ. Việc thiết lập sự kiểm soát tỉ giá hối đoái vào năm 2003 đã làm lợi cho chợ đen trong khi đồng tiền quốc gia (bolivar) không ngừng mất giá. Trong khi tỉ giá chính thức là 6,3 bolivar đổi 1 USD, tại chợ đen 1 USD đổi được 70 bolivar từ khi ông Nicolas Maduro lên nắm quyền. Để lấp các khó khăn đó, chính quyền đã gia tăng các biện pháp vì nhân dân. Những biện pháp này giúp giảm bớt khoảng cách giàu nghèo nhưng đồng thời lại làm tê liệt nền kinh tế.
Khi còn 3 tuần nữa là đến kỳ bầu cử hội đồng thị chính vào tháng 11/2013, Tổng thống Maduro đã phái quân đội đến kiểm soát chuỗi xí nghiệp sản xuất đồ điện gia dụng Daka, mà theo chính quyền là đã mua hàng hóa bằng ngoại tệ rồi bán lại theo tỉ giá chợ đen. Chuỗi xí nghiệp này đã buộc phải bán các tivi màn hình phẳng và những thiết bị điện tử với giá rẻ. Biện pháp này dẫn đến hệ quả là làm nhiều công ty vừa và nhỏ phá sản, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thốn hàng hóa.
Từ đó các thành đạt xã hội trong những năm đầu của chính sách Chavez (giáo dục và y tế miễn phí, lương tối thiểu, chế độ cho người về hưu, giảm bớt bất bình đẳng) đã bị gặm nhấm bởi sự xuống dốc của nền kinh tế. Tổng thống Nicolas Maduro đã dự tính thực hiện một số cải cách, chẳng hạn như bãi bỏ trợ giá cho xăng dầu. Nhưng ông đã thối lui vì e rằng sẽ làm mất một phần nền móng. Tổng thống áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với phe đối lập: các biện pháp gò bó đối với giới truyền thông, phê chuẩn một đạo luật cho phép Tổng thống ra luật bằng sắc lệnh, huy động đến dân quân…
Rào chắn ngổn ngang trong thành phố San Cristobal. |
Tình trạng căng thẳng sẽ đi đến đâu? Sự thất bại của cánh hữu trong kỳ bầu cử hội đồng thị chính vào tháng 12/2013 đã củng cố thêm sức mạnh cho cánh hữu cực đoan. Leopoldo Lopez và Maria Corina Machado đã vượt lên trước Henrique Capriles, lãnh tụ cánh hữu ôn hòa đã thất bại trước Nicolas Maduro trong kỳ bầu cử Tổng thống hồi tháng 4/2013.
Trong khi Henrique Capriles tuân thủ tính hợp pháp của cuộc bầu cử, Leopoldo Lopez và Maria Corina Machado lại muốn Tổng thống phải từ nhiệm. Đa số phe đối lập đã bác bỏ đề nghị đối thoại của Tổng thống Maduro ngày 26/2 vừa qua vì cho rằng Tổng thống chỉ tìm cách hoãn binh.
Liệu Tổng thống Maduro có phương cách gì để vượt qua không? "Ông ấy đang có một dự luật giảm bớt tội phạm bằng việc kiểm soát vũ khí và quy định sự lưu thông của các tay môtô về đêm, nhưng các biện pháp đó phải cần thời gian để có tác dụng. Nếu ông ấy tìm được sự thỏa hiệp với khu vực tư nhân để vực dậy nền kinh tế, ông có thể hy vọng sẽ bịt miệng được phe đối lập. Và những cuộc biểu tình có thể sẽ suy yếu giống như lúc phản đối kết quả bầu cử" - Adeline Joffres nhận định.
"San Cristobal là trung tâm từ đó mọi sự đã bùng nổ và sẽ không kết thúc" - nữ sinh viên Liscar Depablos cho biết. Gần như khắp nơi là những rào chắn bằng sắt, những thân cây hay máy giặt chắn ngang nhiều con đường trong thành phố. Nhưng không phải chỉ có sinh viên đứng sau các rào chắn mà cả những bác sĩ, luật sư, tiểu thương, công chức nghỉ hưu cũng có mặt để phản đối chính phủ. Họ biểu tình vì:
- Đã quá chán nản về những dòng người dài dặc chờ đợi trong siêu thị, nơi mà các loại hàng hóa căn bản vẫn thiếu thốn nghiêm trọng.
- Mệt mỏi trong nỗi sợ hãi các nhóm vũ trang không rõ lai lịch đi trên đường phố về đêm và đe dọa những người biểu tình.
- Bực tức với những sự đàn áp và bắt bớ sinh viên bởi lực lượng Vệ binh quốc gia.
- Mục tiêu của họ là được Tổng thống Maduro lắng nghe.
Lúc đầu các rào chắn tại San Cristobal có mục đích chặn đứng bước tiến của cảnh sát chống bạo động và xe bọc thép. Nhưng nhiều người dân trong thành phố 260.000 dân này giờ đây chặn các ngả đường để ngăn ngừa những kẻ chạy môtô về đêm, nổ súng và cướp bóc. Mỗi rào chắn được giữ bởi 6 đến 20 thanh niên bịt mặt, trang bị ná, gạch đá và súng bắn pháo.
Thế nhưng cũng vì thế mà thành phố bị thiệt thòi và hàng hóa càng thiếu thốn hơn. Rất ít cửa hiệu còn mở cửa và một số tiểu thương bộc lộ nỗi bất bình khi thấy nhiều xe tải chở hàng phải đi nơi khác do các rào chắn ngáng đường. "Họ đang làm hại thành phố. Chúng tôi không còn hàng hóa, tất cả đều đắt hơn" - một chủ cửa hiệu bực dọc nói.