Vì sao COVID-19 không ngừng lan rộng?
- Trung Quốc tuyên bố vượt đỉnh dịch COVID-19
- Sờ vào micro lúc họp báo, vận động viên bóng rổ dương tính với COVID-19
- Cảnh báo 6 nguy cơ cao trong lây nhiễm COVID-19
Những điểm nóng bên ngoài Trung Quốc
Thống kê mới nhất (sáng 10/3) cho thấy số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn thế giới hiện vượt 114.000 ca, hơn 4.000 người chết, trong đó Trung Quốc đại lục có 80.779 ca, 3.136 ca tử vong. Hiện dịch bệnh đã xuất hiện tại 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Âu, Trung Đông, Đông Bắc Á đang là các điểm nóng dịch bệnh.
Tính đến hết ngày 9/3, Italy ghi nhận tăng thêm 1.747 ca, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 9.172, trong đó có 463 ca tử vong. Mặc dù nước này đã phong tỏa vùng Lombardy cũng như 11 tỉnh vùng Emilia-Romagna, Veneto, Piedmont và Marche từ nhiều ngày qua nhưng khả năng ngăn dịch bệnh lây lan rất thấp, do đó số ca nhiễm vẫn tăng chóng mặt.
Sau Italy, Iran là tâm dịch lớn thứ ba thế giới với 7.161 ca nhiễm, 237 ca tử vong. Đặc biệt nghiêm trọng là Iran đã ghi nhận nhiều trường hợp các chính khách, quan chức nhà nước bị nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó ít nhất 3 người đã tử vong. Tâm dịch thứ tư là Hàn Quốc ghi nhận 7.478 ca nhiễm, 53 ca tử vong. 4 tâm dịch này chiếm trên 90% số ca nhiễm và tử vong toàn thế giới.
Khoa điều trị Covid-19 tại tỉnh Qom, tâm dịch của Iran. |
Ngoài ra, các quốc gia khác như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha,… cũng ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng. Ngày 9/3, Síp là quốc gia cuối cùng của EU ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2. Tại Mỹ, số ca nhiễm bệnh cũng đã vượt 600 ca, với hơn 26 ca tử vong, bệnh lây lan tại 30 bang, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là 2 bang California và Washington.
Cho đến nay, các biện pháp ngăn dịch lây lan được hầu hết các quốc gia châu Âu và Mỹ áp dụng vẫn là khuyến cáo, hướng dẫn người dân phòng dịch cơ bản, như đeo khẩu trang, vệ sinh sạch sẽ, rửa tay với xà phòng sau khi chạm vào bề mặt nơi công cộng, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, không tiếp xúc gần với người nghi nhiễm, cách ly người đến từ vùng dịch bệnh, hạn chế tụ tập đông người,…
Bên cạnh đó, mỗi quốc gia cũng có kế hoạch riêng để ứng phó với dịch bệnh. Tại Pháp, một kế hoạch chống dịch với nhiều cấp độ đã được ban hành. Hiện tại, Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha đang áp dụng kịch bản chống dịch mức độ 2, theo đó tại các khu vực có dịch nặng nhất áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly, cấm tụ tập, nhóm họp trong không gian kín từ 5.000 người trở lên, đóng cửa các trường học, khu vui chơi giải trí,…
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố đất nước ông đã bước vào cuộc chiến chống virus COVID-19.
Italy được cho là đang áp dụng các biện pháp chống dịch như Trung Quốc đã áp dụng khi dịch bệnh đang ở đỉnh điểm. Theo phóng viên The Guardian, tối muộn ngày 9/3, khi số ca nhiễm mới cũng như tử vong tăng mạnh, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã thông báo áp dụng lệnh phong tỏa mở rộng ra toàn quốc đến tháng 4/2020.
Tính đến ngày 9/3, Italy đã thực hiện cách ly theo dõi, điều trị hơn 16 triệu người. Hiện nhiều trường học tại các vùng phong tỏa đã đóng cửa, các sự kiện thể thao, giải trí, thời trang đều đã bị hủy hoặc dời lịch.
Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng lên ngành thời trang Italy. Còn ở khắp châu Âu, các giải bóng đá quốc gia, châu lục cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc thi đấu không có khán giả do áp dụng các biện pháp ngăn dịch lây lan. Các khuyến cáo hạn chế đi du lịch, đi máy bay đến các vùng có dịch, hạn chế tham gia các sự kiện đông người,… đã được phát ra tại nhiều quốc gia.
Vì sao dịch tăng nhanh ở châu Âu, Mỹ?
Theo giới nghiên cứu, virus COVID-19 lây lan nhanh giữa người với người thông qua các bọt khí, bọt nước bắn ra trong lúc giao tiếp, khi ho, hắt hơi. Tuy rằng virus này không bay lơ lửng trong không khí, không lan xa và có xu hướng chìm xuống đất ở cự ly gần, nhưng người ta không biết được chúng có thể tồn tại bao lâu trong môi trường bên ngoài, trên các bề mặt vật thể tiếp xúc như tay nắm cửa, thanh vịn cầu thang,…
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ cho biết, virus COVID-19 nhân bản rất chậm so với các chủng virus khác, khiến chúng nằm im trong cơ thể người từ 2 đến 24 ngày. Do đó, người bị nhiễm virus không có triệu chứng nhiễm bệnh.
Ngay cả khi phát bệnh, một số bệnh nhân cũng không có triệu chứng rõ ràng, có người không ho; có đến trên 30% người bệnh không sốt, cho nên hệ thống kiểm soát dịch bệnh khó phát hiện người mang mầm bệnh. Đây là một trong những khó khăn trong khâu kiểm soát khiến dịch bệnh lây lan nhanh.
Thái độ và tư thế sẵn sàng ứng phó dịch bệnh là quan trọng nhất, nhưng điều này lại đang là cái thiếu đáng lo ngại tại nhiều quốc gia đang là tâm dịch. Còn nhớ, khi dịch bùng phát mạnh tại Vũ Hán và sau đó lan ra cả nước, Trung Quốc đã mạnh tay phong tỏa từng ổ dịch và tiến tới phong tỏa cả nước khi dịch lan ra khắp 31 tỉnh. Khi đó, phương Tây và nhiều nước khác đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc là quá "dã man", là "không tôn trọng con người".
Các nước đã gây áp lực lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vì đã "chiều ý" Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 khi WHO đánh giá cao giải pháp dập dịch của nước này.
Tuy nhiên, nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam, đã áp dụng biện pháp chủ động phòng dịch ngay từ đầu như Trung Quốc nên đã kiểm soát tốt dịch bệnh ngay cả khi dịch bệnh chưa bùng phát. Đến nay, Trung Quốc đã chính thức tuyên bố kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, số ca nhiễm mới cũng như tử vong của nước này hiện rất thấp so với nhiều nước (17 và 19 ca).
Trước khi Italy áp dụng biện pháp chống dịch triệt để như Trung Quốc, việc phong tỏa vùng tâm dịch được áp dụng nhưng các biện pháp chống dịch được cho là chưa đủ mạnh. Chẳng hạn, khi dịch bùng phát ở Italy, các lệnh hạn chế đi đến vùng dịch được áp dụng, nhưng không phải là việc cấm triệt để.
Lệnh phong tỏa biên giới cũng không được áp dụng, nghĩa là việc đi lại giữa các quốc gia vẫn bình thường, không có sự kiểm soát nghiêm ngặt. Các Bộ trưởng Y tế EU cho rằng việc phong tỏa biên giới sẽ là biện pháp "gây mất cân đối và không hiệu quả".
Chính điều này đã tạo điều kiện cho những người đã mang trong mình virus COVID-19 nhưng chưa phát bệnh, hoặc đã phát bệnh nhưng triệu chứng không rõ ràng dễ dàng đi đến nhiều nơi ở châu Âu, tham gia nhiều sự kiện, tiếp xúc nhiều người làm lây lan virus rộng rãi hơn.
Tại Hàn Quốc, việc áp dụng biện pháp cách ly, xét nhiệm để phát hiện bệnh còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức, thái độ của người dân đối với dịch bệnh còn rất hạn chế. Đặc biệt, tình trạng các giáo phái thường xuyên tụ tập đông người để thực hiện các nghi lễ tôn giáo bất chấp các khuyến cáo của ngành y tế là nguyên nhân lớn nhất làm cho dịch bệnh lây lan nhanh. Vừa qua, cơ quan y tế ở thành phố Daegu đã buộc phải đột kích để cưỡng chế xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với giáo chủ giáo phái Tân Thiên Địa.
Trong khi đó tại Mỹ, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây lan như cách ly, phong tỏa cũng không được chú trọng mạnh mẽ ngay tại các tâm dịch như San Francisco (bang California) và Seattle (bang Washington).
Cơ quan y tế chủ yếu kêu gọi người dân khi có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở thì gọi điện hoặc trực tiếp đến cơ sở y tế, bác sĩ riêng để kiểm tra, rồi tự cách ly tại nhà.
Phản ứng của ngành chức năng liên bang như Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) được xem là chậm chạp và thiếu kiên quyết dẫn đến việc thiếu hụt thiết bị xét nghiệm (bộ kit) virus SARS-CoV-2 và một số xét nghiệm cho kết quả thiếu chính xác gây hoang mang, mất niềm tin trong dân chúng. Hiện tại, năng lực xét nghiệm của Mỹ chỉ đủ đáp ứng khoảng 3.600 ca, trong khi tại Hàn Quốc và châu Âu khả năng xét nghiệm lên đến hàng ngàn ca mỗi ngày.
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho rằng Mỹ cần cung cấp khoảng 1 triệu bộ kit xét nhiệm SARS-CoV-2 ngay trong tuần này, nhưng việc thực hiện công tác xét nghiệm để đáp ứng tình huống dịch bệnh lan rộng theo dự báo (1 triệu ca) lại là câu chuyện khác, "như hiện tại thì rất khó đáp ứng" - FDA khuyến cáo.