Vì sao ông Trump muốn Iran sớm trở lại bàn đàm phán?
Lồng vào lời đề nghị này, ông Trump ra điều kiện Tehran có thể có được những “điều khoản tốt hơn” nếu chấp thuận đàm phán trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm nay.
Lời đề nghị có phần “bất ngờ” này của Tổng thống Trump được viết ra trên Twitter nhân dịp ông chào mừng sự kiện Iran vừa trả tự do cho cựu binh hải quân Mỹ Michael R. White. “Cảm ơn Iran. Đừng đợi đến sau kỳ bầu cử Mỹ để làm nên thỏa thuận lớn. Tôi sẽ thắng cử. Các bạn sẽ có được thỏa thuận tốt hơn ngay bây giờ!” - ông Trump viết trên Twitter.
Dư luận ngay lập tức đặt câu hỏi: Tại sao ông Trump, người vừa có những động thái rất căng thẳng với Iran, lại đưa ra lời mời có vẻ “ngọt ngào” đến vậy? Phải chăng Mỹ đang thay đổi lợi ích quốc gia trong vấn đề hạt nhân của Iran? Và tại sao Iran cần phải quay lại đàm phán hạt nhân trước kỳ bầu cử Mỹ? Brian Hook - đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran - trả lời khéo: Vấn đề đó nên để cho Nhà Trắng giải thích thì hơn.
Nhưng Tehran đã tỏ thái độ rất hờ hững với đề nghị của ông Trump, nếu không nói là bác bỏ thẳng thừng. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đáp lời đề nghị của ông Trump trên Twitter: “Khi ông lên nắm quyền, chúng tôi đã có một thỏa thuận. Các cố vấn của ông đã khuyên ông từ bỏ nó. Bây giờ tùy ông quyết định khi nào thì sửa chữa nó”.
Hesameddin Ashena, một cố vấn cao cấp của Tổng thống Iran Hassan Rouhani phản hồi còn gay gắt hơn, cho rằng ông Trump nên đưa ra những ưu đãi nhiều hơn cả thời ông Barack Obama thì may ra Tehran chấp nhận.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tỏ ra không mặn mà với đề nghị của ông Donald Trump. |
Khi Tổng thống Mỹ Trump quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5-2018, ông cho rằng thỏa thuận đó là một “điều khủng khiếp”, là sự “thất bại” của các cường quốc thế giới. Ngoại trưởng Mike Pompeo và một số quan chức diều hâu khác cũng từng rêu rao rằng sự kết hợp của việc leo thang cấm vận, bao vây, cô lập về ngoại giao và đe dọa tấn công quân sự sẽ “buộc Chính phủ Iran phải đi đến bàn đàm phán”, theo cách mà Mỹ muốn. Tuy nhiên, cho đến nay, những tính toán chiến lược kiểu Mỹ ấy đã thất bại.
Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) sau chuyến thanh sát về chương trình hạt nhân của Iran sắp được công bố đã chứng minh điều ngược lại rằng, Iran vốn đã không tin tưởng vào sự bảo đảm an toàn sau khi ông Trump rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân, cho nên họ đang thực hiện điều mà họ từng nhiều lần tuyên bố trên truyền thông quốc tế, đó là tái khởi động việc làm giàu uranium mức độ thấp để sẵn sàng tạo nguồn nhiên liệu cần cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân khi cần thiết.
IAEA không đưa ra chính xác lượng uranium Iran đang làm giàu là nhiều hay ít nhưng khẳng định rằng Iran chưa vi phạm cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân 2015. Việc làm giàu uranium chỉ là một phản ứng đối với việc ông Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân và được duy trì ở mức độ thấp nhằm duy trì sức ép đối với ông Trump để đáp trả chính sách cấm vận, tạo thế để đưa ra các điều kiện trong đàm phán với Mỹ, nếu có.
Quay trở lại với câu hỏi tại sao ông Trump lại đưa ra lời mời có vẻ “ngọt ngào” với Iran đến vậy? Giới phân tích cho rằng, bây giờ chính người Iran đang nắm trong tay thế chủ động của cuộc chơi chứ không phải Mỹ. Thái độ hờ hững, bất cần của các quan chức Iran cho thấy một sự thay đổi lớn. Tehran gần đây đã tỏ rõ quan điểm muốn hạ nhiệt trong quan hệ căng thẳng với Washington, vì thế họ đã chịu đàm phán và trả tự do cho cựu binh hải quân White, đồng thời giảm các cuộc tấn công của các lực lượng dân quân ở Iraq nhắm vào lực lượng Mỹ.
Nhưng, có thể sự tính toán đã thay đổi. Tổng thống Trump dường như đang rơi vào thế “kèo dưới” so với đối thủ Joe Biden bên đảng Dân chủ (ông Biden vừa được đảng Dân chủ chọn làm ứng cử viên chính thức ra tranh cử với ông Trump vào tháng 11 tới), đang phải vật lộn để đuổi theo ông Biden. Ông Biden lại chính là người đã tham gia đàm phàn Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Tehran có thể tính toán rằng nếu ông Biden giành chiến thắng và lên nắm quyền, mọi chuyện sẽ lại thay đổi trở về như cũ.
Nhà phân tích Henry Rome tại nhóm nghiên cứu Eurasia Group cho rằng quan điểm của người Iran là không lợi dụng việc ông Trump đang gặp khó khăn để đàm phán nhằm tìm kiếm ưu thế với ông. Thỏa thuận trong điều kiện như thế là không bền vững. Do đó Tehran đang muốn chờ xem chuyện gì xảy ra vào tháng 11 tới rồi mới quyết định về việc đàm phán hay không đàm phán và đàm phán với điều kiện như thế nào.
Ông Rome cũng chỉ ra rằng, lời đề nghị “ngọt ngào” của ông Trump đối với Iran chẳng qua chỉ nhằm dụng ý muốn Tehran giúp ông giành điểm với việc đàm phán hạt nhân thành công trước bầu cử, từ đó có thể giúp ông cải thiện đáng kể điểm số và giành chiến thắng như tính toán. Trong trường hợp này, Tehran không đời nào chấp nhận lời đề nghị.
Suốt nhiệm kỳ qua, ông Trump đã gieo bao sóng gió cho Iran bằng chính sách “nước Mỹ trên hết”, thay đổi hoàn toàn những gì người tiền nhiệm của mình đã xây dựng với Iran, áp đặt trở lại chính sách trừng phạt nặng nề hơn trước khiến kinh tế - xã hội Iran gặp nhiều khó khăn. Cho nên Tehran muốn thấy ông Biden giành chiến thắng và sẽ quay trở lại với những thỏa thuận đã đạt được cách đây 5 năm.