Vị thế của Nga sau khi Mỹ “xé bỏ” Thỏa thuận hạt nhân Iran

Thứ Tư, 30/05/2018, 11:35
Chỉ trong vài ngày, Tổng thống Nga V.Putin đã tiếp đón 3 nguyên thủ các cường quốc khu vực và thế giới: Ấn Độ, Nhật Bản và Pháp. Những sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Mỹ vừa tuyên bố đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, đang được báo chí đặc biệt đi sâu phân tích.

Cuộc hội kiến lần đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ với Tổng thống Nga kể từ khi ông Putin nhậm chức

Ngày 21-5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Nga và có cuộc gặp không chính thức với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Với New Delhi, cuộc gặp lãnh đạo Nga có ý nghĩa đặc biệt. Ấn Độ và Nga phải xác định lại nhiều quan hệ hợp tác truyền thống, trong bối cảnh cục diện địa chính trị quốc tế đang biến đổi nhanh chóng. New Delhi, một mặt, ngày càng được coi là đối tác chiến lược trụ cột của Mỹ, nhưng mặt khác, lại có nguy cơ bị Washington trừng phạt nặng nề, do tiếp tục mua vũ khí của Nga, bị coi là đối thủ hàng đầu của Mỹ.

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Ấn Độ hội kiến với nguyên thủ Nga, kể từ khi ông Putin nhậm chức. Chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ diễn ra trong ngày. Theo báo chí Ấn Độ, tổ chức các cuộc gặp không chính thức với một số đối tác là phong cách ngoại giao mới đây của Thủ tướng Modi. Hồi cuối tháng trước, ông Modi cũng đã có một cuộc gặp không chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Cuộc gặp của Thủ tướng Modi với Tổng thống Nga diễn ra trong bối cảnh những thay đổi mang tính nền tảng của môi trường chính trị quốc tế đang ngày càng khiến Ấn Độ và Nga, hai quốc gia vốn gắn bó lâu đời, xa nhau hơn.

Thủ tướng Ấn Độ Modi gặp Tổng thống Nga Putin tại Sochi ngày 21-5.

Chuyên gia chính trị quốc tế Harsh Pant, trong bài viết “Modi goes to Sotchi”, đăng tải trên trang mạng của Observer Researcher Foundation ít ngày trước chuyến công du của Thủ tướng Modi đến Nga, ghi nhận: Ấn Độ vốn có quan hệ đồng minh lâu đời với Nga nhưng mối quan hệ truyền thống này hiện đứng trước áp lực phải thay đổi, do các thực tế địa-chính trị đang biến đổi mau chóng.

Trong lúc New Delhi và Moskva, về mặt chính thức, vẫn tuyên bố hợp tác chặt chẽ, nhưng những khác biệt giữa đôi bên “đang liên tục xuất hiện với một nhịp độ đáng ngại”. Những khác biệt đó liên qua tới việc Nga ngày càng có xu hướng xích lại gần với Pakistan, quốc gia láng giềng và cũng là đối thủ của New Delhi. Kế đến là vấn đề Trung Quốc.

Trong chuyến công du New Delhi tháng 2-2018, Ngoại trưởng Nga Sergueil Lavrov công khai hối thúc Ấn Độ tham gia vào sáng kiến Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh. Về lập trường đối kháng của New Delhi đối với hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (một bộ phận chính của dự án Con đường tơ lụa mới tại Nam Á), do các vấn đề chủ quyền, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh với Ấn Độ là không nên để toàn bộ các cơ hội hợp tác còn lại trong dự án này phụ thuộc vào việc giải quyết một số “bất đồng về chính trị”.

Một vấn đề quan trọng khác mà Ngoại trưởng Nga tỏ ra bất bình với New Delhi là việc Ấn Độ tham gia vào “Bộ tứ” Ấn Độ - Thái Bình Dương, do Mỹ đứng đầu, mà Ấn Độ tham gia cùng với Nhật Bản và Úc. Theo ông Lavrov, không thể để cho “kiến trúc an ninh khu vực lâu dài tại vùng châu Á - Thái Bình Dương” bị phụ thuộc vào quyết định của một khối như vậy.

Đổi mới quan hệ tay ba với Nga và Trung Quốc là một vấn đề chủ yếu trong chính sách quốc tế hiện nay của Ấn Độ. Tại vùng Ấn Độ Dương, New Delhi đang đứng trước tình trạng bị Trung Quốc lấn sâu vào các khu vực ảnh hưởng truyền thống. Tại Nam Á, Bắc Kinh siết chặt quan hệ với Pakistan và đe dọa vùng biên giới phía tây bắc của Ấn Độ.

Các chuyển động về ngoại giao đang diễn ra, vào lúc Nga có thể tìm kiếm các hợp tác với Trung Quốc trong thế đối đầu với phương Tây, nhưng đây lại hoàn toàn không phải là hướng đi của New Delhi, vốn vẫn coi phương Tây là đồng minh.

Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Nga Putin tại St. Petersburg, Nga, ngày 25-5.

Theo chuyên gia Harsh Pant, đây là thời điểm mà New Delhi cần xem xét lại quan hệ truyền thống lâu đời với Moskva, vốn chủ yếu dựa trên hợp tác quốc phòng, trong khi đó mặt kinh tế lại bị coi nhẹ. Giờ là lúc Ấn Độ và Nga cần có “các đối thoại thẳng thắn” về thực trạng quan hệ song phương. Nếu chỉ dựa trên các tình cảm vốn có, New Delhi và Moskva sẽ không thể đối mặt được với “các thách thức mới” của đời sống chính trị thế giới đang trong giai đoạn thay đổi sâu sắc.

Theo báo chí Ấn Độ, vấn đề ưu tiên hàng đầu của cuộc gặp Sochi ngày 21-5 là tác động kinh tế với Ấn Độ và Nga sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, tình hình tại Afghanistan và Syria, nguy cơ khủng bố, cũng như các vấn đề liên quan đến Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Khối BRICS, mà hai nước là thành viên.

Mở rộng hợp tác về hạt nhân dân sự, hợp tác về tuyến đường giao thông quốc tế Bắc Nam (INSTC) từ Ấn Độ đến châu Âu qua Nga và khu vực Trung Á, đặc biệt là vấn đề mua bán vũ khí, trong bối cảnh Mỹ ra luật trừng phạt các công ty có hợp đồng quân sự lớn với Nga, cũng là những nội dung chính của chương trình nghị sự giữa nguyên thủ hai nước.

Báo Ấn Độ bình luận “ám ảnh trừng phạt Mỹ đè nặng lên cuộc hội kiến không chính thức của Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin”. Trong một thông điệp trên Twitter cuối tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ cho biết ông “tin tưởng là cuộc đối thoại với Tổng thống Putin cho phép củng cố quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt” với Nga, đồng thời khẳng định quyết tâm hóa giải các trở ngại từ Mỹ.

Macron-Putin, cuộc gặp để châu Âu và Nga xích lại gần nhau

Tìm kiếm sự ủng hộ của Nga với vấn đề hạt nhân Iran và đặc biệt khẳng định những lợi ích kinh tế của Pháp tại Nga trước các đòn trừng phạt của Mỹ cũng là nội dung chính của chuyến thăm Moskva của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24-5. Tháp tùng Tổng thống Emmanuel Macron là hàng trăm doanh nghiệp Pháp.

Tại Saint-Petersburg, khoảng 50 hiệp định và hợp đồng đã được ký kết giữa Paris và Moskva, trong đó có dự án của Tập đoàn dầu khí Total của Pháp khai thác khí hóa lỏng ở Bắc Nga bất chấp các trừng phạt của Mỹ. Theo đó, tập đoàn dầu khí Pháp sẽ đầu tư hơn 2 tỷ euro với đối tác Nga Novatek để tham gia dự án khai thác khí thiên nhiên hóa lỏng ở bán đảo Yamal, miền Bắc Cực Nga, nơi có trữ lượng rất dồi dào.

Đối với Chủ tịch, Tổng Giám đốc Total Patrick Pouyanné, đây là một dự án khổng lồ và đầy hứa hẹn: “Novatek là một công ty hoạt động rất hiệu quả, đã đạt thành công lớn ở Yamal. Chúng tôi sẽ làm ăn lâu dài với họ”.

Lãnh đạo Total khẳng định là các biện pháp trừng phạt không ngăn cản ông đầu tư vào dự án khai thác dầu khí ở bán đảo Yamal. Nhưng ông Pouyanné không che giấu vẻ bực bội khi thấy những biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đe dọa đến các đầu tư của Total ở Nga.

Ông nói: “Tổng thống Macron và Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng những gì đang diễn ra với Iran buộc toàn thể các quốc gia trên thế giới phải suy nghĩ là nên làm thế nào để mọi nước có thể sống chung với nhau. Tôi nghĩ rằng thế giới không thể cứ tiếp tục là một thế giới chỉ toàn các trừng phạt. Chúng ta không thể điều hành thế giới bởi những trừng phạt do một quốc gia quyết định một cách đơn phương”.

Đối với lãnh đạo Total, Nga là một quốc gia mà doanh nghiệp Pháp vẫn còn có thể đầu tư, khác với Iran, nơi mà tập đoàn dầu khí Pháp đã phải rút đi do các biện pháp trừng phạt mà Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị tái lập.

Chuyến thăm Nga của ông Macron chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Pháp muốn bảo vệ bằng mọi giá. Nga cũng đã ủng hộ việc duy trì thỏa thuận này. Để chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào lợi ích của các nước châu Âu tại Iran, tại thượng đỉnh Sofia ngày 17-5, toàn bộ thành viên Liên minh châu Âu đã nhất trí thông qua những biện pháp cụ thể đầu tiên để hỗ trợ các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Iran nhằm đối phó với lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ.

“Luật ngăn chặn trừng phạt 1996” (blocking status), một trong số những biện pháp này, đã được Ủy Ban châu Âu kích hoạt ngay sáng 18-5-2018. Công cụ pháp lý này được một cựu quan chức Ủy ban châu Âu so sánh như một “vũ khí nguyên tử” bởi tính chất răn đe của nó. Luật này cho phép EU cấm mọi công dân tuân thủ các biện pháp hành chính, lập pháp và tư pháp của nước ngoài, trước tiên là bù đắp thiệt hại cho các doanh nghiệp vì lệnh cấm vận.

Thủ tướng Nhật Bản Abe và Tổng thống Nga Putin tại Điện Kremlin ngày 26-5.

Sau đó, Bruxelles sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để yêu cầu Mỹ bồi thường thiệt hại gây ra cho Liên minh châu Âu. Cơ chế chống trừng phạt này được EU lập ra năm 1996, trong bối cảnh tương tự như hiện nay, tức là vào thời điểm đó, châu Âu tìm cách lách lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào Cuba. Nhưng trên thực tế, cơ chế này chưa bao giờ được áp dụng vì Bruxelles đạt được một thỏa thuận với Washington.

Với báo chí Pháp, đây là lần thứ 3 Tổng thống Pháp Macron gặp ông Putin vừa tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 4. Nhật báo le Figaro chạy tựa lớn trang nhất: “Macron-Putin, cuộc gặp để châu Âu và Nga xích lại gần nhau”. Không chỉ đơn thuần chuyện xích lại gần nhau trong quan hệ của châu Âu với Nga mà còn nhiều hồ sơ quốc tế gai góc khác như Ukraina, Iran, Syria.

Tờ Le Monde của Pháp nhận định: “Cả 3 sân chơi này, nước Nga đã chiếm được vai trò không tranh cãi được. Cả 3 hồ sơ trên từ 5 năm nay đã từng là đòn bẩy cho Moskva trong chiến lược dài hơi “Phục hưng sự hùng cường của nước Nga”.

Vẫn theo tờ báo, Nga nhìn nhận tầm quan trọng trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Pháp vì Moskva vẫn luôn coi ông Macron như là một “đại diện của tập thể phương Tây” trong khi mà Thủ tướng Đức Angela Merkel thì đang suy yếu về chính trị, Thủ tướng Anh Theresa May thì đang sa lầy trong Brexit và Donald Trump thì luôn là người đơn phương hành động theo ý mình.

Tổng thống Putin và Thủ tướng Nhật Bản hy vọng vấn đề quần đảo Kuril sớm được giải quyết

Ngày 26-5, Tổng thống Nga có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Điện Kremlin về một “thỏa thuận hòa bình” giữa hai nước, chưa bao giờ được ký kết do bất đồng về quần đảo Kuril. Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Điều quan trọng là tiếp tục kiên nhẫn tìm ra một giải pháp thỏa mãn được cả lợi ích của Nga và Nhật Bản, đồng thời được người dân hai nước chấp nhận”.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản cho rằng giải quyết tranh chấp có từ hơn 70 năm nay là vấn đề khó khăn nhưng ông tỏ ra hy vọng sớm chấm dứt được vấn đề này. Kể từ khi Thế chiến II chấm dứt, Tokyo và Moskva chưa ký hiệp định hòa bình vì tranh chấp ở quần đảo Kuril, thuộc vùng Sakhalin của Nga nhưng Nhật Bản đòi chủ quyền. Hai nước đã thực hiện rất nhiều dự án nhằm cải thiện hợp tác song phương về quần đảo đang bị tranh chấp.

Trong dịp này, Tổng thống Putin khẳng định sẽ tạo điều kiện cho công dân Nhật thăm quần đảo Kuril. Tổng thống Nga đánh giá cao cơ hội đàm phán chi tiết về quan hệ song phương và hợp tác chính trị với Thủ tướng Nhật Bản tại Kremlin.

Nếu như trong mấy năm qua, uy tín của Nga trên trường quốc tế đặc biệt được biết đến qua sự can thiệp quân sự của nước này tại Trung Đông thì nay đường lối dân túy cực đoan của chính quyền Donald Trump lại đang vô tình giúp Nga có thêm được những đồng minh của Mỹ mà không phải tốn chút công sức nào. Việc các cường quốc khu vực và thế giới tìm đến Nga cũng là muốn bảo vệ lợi ích của họ nhưng điều đó cho thấy vị thế của Nga giờ đã khác.

Các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ vì thế trong thời gian tới khó phát huy tác dụng kìm hãm nước Nga và sẽ càng khó khăn hơn khi mà mới đây Tổng thống Putin xác định trong nhiệm kỳ thứ 4 này ông sẽ biến nước Nga thành cường quốc kinh tế thứ 5 thế giới.

M.T. (tổng hợp)
.
.