Căng thẳng từ vụ "9 xe bọc thép của Singapore bị Trung Quốc thu giữ"

Thứ Hai, 12/12/2016, 14:25
Bộ Quốc phòng Singapore (MINDEF) mới đây ra thông báo cho biết, 9 xe bọc thép cùng các thiết bị liên quan đã bị hải quan Hồng Công (Trung Quốc) thu giữ tại cảng Kwai Chung, Hồng Công.

MINDEF cho biết, 9 xe bọc thép này thuộc sở hữu của lực lượng vũ trang Singapore (SAF), dùng cho các hoạt động huấn luyện ở nước ngoài, đang trên đường vận chuyển từ Cao Hùng (Đài Loan) về Singapore thì bị thu giữ tại Hồng Công. Trong thông báo, MINDEF cho biết đã cung cấp các giấy tờ cần thiết cho phía Hồng Công và mong Hồng Công sớm cho phép lô hàng này tiếp tục hành trình trở về Singapore.

MINDEF cũng cho hay các thiết bị quân sự của Singapore sau khi trải qua quá trình huấn luyện tại nước ngoài thường được đưa về bằng các phương tiện vận chuyển thương mại. Trước đó, truyền thông Singapore trích dẫn nguồn tin từ trang mạng SCMP cho biết, 9 xe bọc thép mã hiệu Terrex đã bị giữ lại tại Hồng Công do nhiều khả năng có sự nhầm lẫn trong lúc bốc dỡ container.

Theo phía Singapore, quân đội nước này đã ký hợp đồng riêng với Công ty vận tải biển APL để xử lý lô hàng. Thêm vào đó, không có đạn dược hoặc thiết bị nhạy cảm trong 9 xe bọc thép. Do Bắc Kinh phụ trách các vấn đề ngoại giao của Hồng Công nên có khả năng Singapore sẽ phải thỏa thuận với Bộ Ngoại giao Trung Quốc để đảm bảo lô hàng được chuyển về nước.

Ông Bernard Loo, chuyên gia an ninh tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nhìn nhận một số sơ suất hành chính có thể đã dẫn đến vụ tạm giữ và quan chức Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội này để gửi thêm tín hiệu quan ngại đến Singapore. “Theo mối quan hệ hiện nay giữa Singapore và Trung Quốc, đây là cơ hội cho Bắc Kinh gây thêm áp lực với Singapore” - ông Bernard Loo nói.

Singapore bình tĩnh, Bắc Kinh hung hăng

Trong bối cảnh truyền thông Trung Quốc thể hiện sự giận dữ, Singapore đang tìm cách tránh căng thẳng với Trung Quốc sau vụ bắt giữ 9 xe bọc thép. Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng khá mạnh sau vụ Hồng Công bắt giữ xe bọc thép của Singapore. Bắc Kinh từ lâu phản đối bất cứ nước nào duy trì quan hệ quân sự với Đài Loan - hòn đảo họ cho là vùng lãnh thổ của Trung Quốc. 

Trong bình luận chính thức đầu tiên về vụ việc, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho rằng đó không phải là “một sự cố chiến lược”. “Tôi sẽ không phản ứng thái quá… Vụ này là một nhắc nhở về việc hành xư ãphải nghiêm túc, cẩn thận và theo luật pháp” - ông Balakrishnan “đấu dịu”.

Thiếu tướng Jin Yinan đòi cứng rắn với Singapore.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore vốn đã có phần căng thẳng trong thời gian gần đây, chủ yếu liên quan đến tranh chấp Biển Đông do Bắc Kinh nghi ngờ Singapore đứng về phía Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo đã gửi công hàm phản đối đến Singapore về vụ vận chuyển xe bọc thép và yêu cầu Singapore tuân thủ pháp luật của đặc khu Hồng Công.

Singapore và Đài Loan duy trì quan hệ quân sự bắt đầu từ thập niên 1970. Đài Loan cũng là nơi cung cấp cơ sở huấn luyện cho lục quân Singapore. Một số lượng binh sĩ Singapore được đưa đến hòn đảo này để tham gia các cuộc tập trận huấn luyện hàng năm. Các cuộc huấn luyện quân sự đã giảm dần, nhưng Singapore nhiều khả năng không chấm dứt hẳn hoạt động này ở Đài Loan. Bắc Kinh “tha thứ” một cách miễn cưỡng cho thỏa thuận này khi họ thiết lập quan hệ ngoại giao với Singapore vào thập niên 1990.

Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc kịch liệt lên án vụ việc và cho rằng số xe bọc thép của Singapore nên bị “nấu chảy”. Tờ báo cho rằng Singapore đã không cân nhắc nghiêm túc quan điểm của Trung Quốc về cách quan hệ với Đài Loan. “Cách tốt nhất xử lý mấy cái xe bọc thép là gửi chúng đến nhà máy để nấu chảy” - tờ Hoàn cầu viết theo giọng điệu hung hăng.

Trung Quốc đòi trừng phạt

Thời báo Hoa nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, phát biểu trên đài phát thanh quốc gia Trung Quốc mới đây, Thiếu tướng Jin Yinan cho rằng Bắc Kinh nên áp đặt các lệnh trừng phạt và trả đũa Singapore để buộc nước này “trả giá vì làm tổn hại nghiêm trọng các lợi ích của Trung Quốc”.

Xe bọc thép của Singapore bị Hồng Công thu giữ.

Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh hai nước lời qua tiếng lại quanh một bài viết của tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) trong đó nói rằng Singapore muốn đưa nội dung ủng hộ lập trường của Philippines đối với phiên tòa phân xử quốc tế về các tranh chấp Biển Đông vào tuyên bố của Hội nghị cấp cao phong trào không liên kết lần thứ 17 (NAM 17), tổ chức ở Venezuela. 

Đại sứ Singapore tại Trung Quốc - ông Stanley Loh đã bác điều này.  Ông Jin, giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, đã “đổ thêm dầu vào lửa” khi cáo buộc Singapore có vai trò tích cực trong việc biến tranh chấp Biển Đông thành vấn đề quốc tế trong những năm gần đây. Ông này nói Singapore đã cố vấn cho Washington về vấn đề này và khuấy động các xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, theo một cuộc phỏng vấn với Đài Phát thanh quốc gia Trung Quốc.

“Việc Trung Quốc đáp trả Singapore là không thể tránh được, và không chỉ trên mặt trận công luận” -  ông Jin nói - Singapore đã đi quá xa, chúng ta phải làm gì đó, trả đũa hoặc cấm vận. Chúng ta phải bày tỏ sự không hài lòng”.

Ông Jin sau đó xác nhận với SCMP về cuộc phỏng vấn và việc chỉ trích Singapore, nhưng từ chối nói chi tiết các biện pháp mà Trung Quốc có thể thực hiện để trừng phạt đảo quốc sư tử. Ông Jin từng là đại diện của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh khu vực thường niên tổ chức ở Singapore, trong 2 năm qua. 

Trong cuộc phỏng vấn, ông Jin đã đưa ra vài ví dụ mà ông nói là cho thấy Singapore đã tham gia vào việc leo thang vấn đề Biển Đông thành vấn đề quốc tế, làm tổn hại các lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Ông nói, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã dành cả bài phát biểu kéo dài 1 giờ tại Đối thoại Shangri-La hồi năm ngoái về vấn đề này. “Tên đầy đủ của Đối thoại Shangri-La là gì? Đó có phải là Thượng đỉnh An ninh châu Á? Có nhiều chủ đề về an ninh châu Á... Nhưng tất cả các vấn đề đã bị phớt lờ và trọng tâm chỉ là tranh chấp Biển Đông. Ai thiết lập chủ đề chính đó?”, ông Jin nói.

Theo ông Jin, chính phủ Singapore, bên phối hợp tổ chức diễn đàn cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Anh, đóng vai trò chính trong việc đưa các tranh chấp thành vấn đề chính của Đối thoại Shangri-La. Ông Jin còn lớn tiếng chỉ trích cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, nói rằng ông Diệu đã đưa lời khuyên cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, khiến Washington xoay trục về phía châu Á.

Thậm chí tướng Jin nói  “Chúng tôi hiểu Singapore phải tồn tại giữa các nước lớn. Nhưng giờ đây Singapore không tìm cách cân bằng giữa các nước mà lại chơi với nước lớn này để chống nước khác... Điều này là đùa với lửa”. Trong cuộc phỏng vấn, ông Jin đã chỉ ra giá trị chiến lược của căn cứ hải quân Changi của Singapore đối với quân đội Mỹ, nói rằng đó là lý do vì sao Mỹ gọi Singapore là “mỏ neo thứ 3” của hải quân Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau Nhật Bản và Australia.

Ông Jin đặt câu hỏi rằng liệu Singapore có còn trung lập giữa Trung Quốc và Mỹ. Bằng việc mở căn cứ, Singapore đang trợ giúp Mỹ thiết lập sự hiện diện tại một khu vực có vai trò quan trọng đối với việc nhập khẩu dầu thô của Mỹ.

Các nguồn tin ngoại giao khu vực cho biết, giới chức Trung Quốc đặc biệt lo ngại việc Singapore cho phép Mỹ tăng cường triển khai máy bay giám sát P-8 Poseidon tại nước này. Máy bay P-8 Poseidon được trang bị các cảm biến khác nhau có thể nhắm mục tiêu vào hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam. Căng thẳng Singapore - Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của báo chí hai nước, cũng như báo chí Mỹ. Cho tới nay, căng thẳng này chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Singapore nguy cơ lộ bí mật quân sự

Các nhà ngoại giao khu vực cho rằng các quan chức quân sự Trung Quốc có thể sẽ âm thầm kiểm tra xe bọc thép và các thiết bị khác. Cũng có nhận định cho rằng Singapore phải tìm mọi cách hạ nhiệt căng thẳng trong vụ bị "tạm giữ" xe bọc thép để lấy hàng về càng nhanh càng tốt nhằm tránh bị khai thác bí mật quân sự. Bộ Quốc phòng Singapore cho hay một nhóm binh sĩ Singapore cũng đến Hồng Công để đảm bảo sự an toàn của các thiết bị quân sự.

Hình ảnh mẫu AV-81 mà quân đội Singapore đang sử dụng.

Tờ South China Morning Post của Hong Kong còn dẫn lời chuyên gia quan sát quân sự Antony Wong Dong cho rằng, vụ 9 xe bọc thép của quân đội Singapore bị tạm giữ ở Hồng Công có thể mang tới cơ hội cho Trung Quốc để tiếp cận các bí mật về mẫu vũ khí này. Terrex là loại xe thiết giáp 8 bánh mới nhất của Singapore, được bộ binh SAF sử dụng.

Theo đánh giá, mẫu AV-81 là loại xe bọc thép hiện đại nhất mà quân đội Singapore đang sở hữu. Chuyên gia Antony Wong Dong nhận định: "Tôi tin chắc rằng các chuyên gia tới từ Nhà máy 617 của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc ở Bao Đầu tại Nội Mông và Viện nghiên cứu phương tiện phương Bắc của Trung Quốc tại Bắc Kinh đã kiểm tra 9 xe bọc thép AV-81 của Singapore tại Hồng Công".

Nhà máy 617 là đơn vị sản xuất xe tăng lớn nhất tại Trung Quốc, trong khi Viện nghiên cứu trên là đơn vị phụ trách phát triển và cải tiến các mẫu xe tăng của quân đội Trung Quốc. Bên cạnh đó nhiều chuyên gia nghiên cứu quân sự còn lo ngại, rất có thể tình báo Hoa Nam sẽ nhân cơ hội này để tìm hiểu sâu về loại xe bọc thép chủ đạo này, và rất có thể Singapore sẽ bị lộ thông số hệ thống điện tử trên xe. Ra mắt vào 2004, đi vào phục vụ chính thức năm 2006, những chiếc xe bọc thép Terrex là niềm tự hào của nền công nghiệp quốc phòng của đảo quốc sư tử.

So với các dòng xe hàng đầu thế giới, Terrex không hề kém cạnh, thậm chí phiên bản Terrex 2 mới ra mắt gần đây còn được đánh giá là một trong năm dòng xe bọc thép đứng đầu thế giới. Làm nhiệm vụ chở quân, Terrex chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ, bao gồm súng phóng lựu, hoặc đại liên M2HB cỡ nòng 12,7mm. Xe có thể mang theo 12 binh sĩ với trang bị đầy đủ. Nhờ trang bị động cơ công suất 400 mã lực giúp xe đạt vận tốc 105km/h và tầm hoạt động lên tới 800km.

Văn Nguyễn-D.T. (tổng hợp)
.
.