Vụ bạo hành trẻ em ở TP Biên Hòa: bài học đau lòng của các phụ huynh

Thứ Tư, 23/01/2008, 09:00
Ngay sau khi lên sóng những đoạn phim dài gần 4 phút về các cảnh bạo hành trẻ em đã diễn ra ngay tại TP Biên Hòa của Đài Truyền hình, nhiều phụ huynh gửi con tại điểm giữ trẻ tư nhân do bà Hoa làm chủ mới sực tỉnh người khi nhớ lại những vết bầm tím, trầy xước trên thân thể con mình lúc đón về.

Liên tiếp trong thời gian gần đây, hàng loạt vụ bạo hành trẻ em đã gióng lên hổi chuông khẩn thiết trong cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ quyền lợi hoặc ít ra bảo vệ cho các em tránh khỏi những xâm hại về thân thể lẫn tinh thần vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Giữa tuần này, một vụ bạo hành trẻ em đã diễn ra ngay tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) cách trụ sở các cơ quan  Ủy ban Dân số và Trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ chưa đầy 100m, đã khiến dư luận rất phẫn nộ. Đặc biệt là khi Đài PT-TH Đồng Nai cho lên sóng những đoạn phim dài gần 4 phút về các cảnh bạo hành này, sau đó, Đài Truyền hình Việt Nam đã cho phát lại.

Đằng sau những thước phim gây phẫn nộ

Đoạn phim do các phóng viên Đài PT-TH Đồng Nai thực hiện ghi lại cảnh tượng vào giờ ăn trưa tại điểm giữ trẻ tư nhân 2/1 Võ Thị Sáu,  phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa. Một người phụ nữ có tướng rất phốp pháp, vừa cho các cháu ăn cháo vừa dùng các vật dụng như thước, lược... với sự “giúp sức” của hai thanh niên một nam, một nữ đánh liên tiếp vào mặt các bé từ 14 tháng tuổi đến 5 tuổi, gây phẫn nộ hàng triệu khán giả xem truyền hình trên toàn quốc.

“Bảo mẫu” của điểm giữ trẻ tư này tên Quảng Thị Kim Hoa (40 tuổi), thường gọi là Huệ. Điểm giữ trẻ của Hoa được thành lập vào năm 2004. Đó là căn phòng nhỏ chưa đến 10m2, được ngăn ra từ căn nhà mà bà Lê Thị Bê (mẹ của Quảng Thị Kim Hoa) cho vợ chồng Hoa ở.

Một lãnh đạo của Ban Thời sự, Đài PT - TH Đồng Nai cho biết: cách đây ít lâu, đường dây nóng của Đài có nhận được thư phản ánh của khán giả giấu tên gửi đến tố cáo về hành vi bạo hành trẻ em tại điểm giữ trẻ tư nhân số 2/1 Võ Thị Sáu, phường Quyết Thắng.

Nhận thấy đây là thông tin có thể đánh động được dư luận, lãnh đạo ban đã chỉ đạo phóng viên nhanh chóng thu thập tư liệu về vụ việc này.

Sau hơn một tháng điều tra, các phóng viên Ban Thời sự đã nắm được gần như là hoàn chỉnh về các hành vi bạo hành của Quảng Thị Kim Hoa.

Tuy nhiên, điều khó khăn là phải làm sao tìm được vị trí thích hợp để đặt máy quay và ghi âm được những cảnh bạo hành này. Vì nếu chỉ đơn thuần là phản ánh, thì hiệu quả sẽ không được như mong muốn.

Bằng các nghiệp vụ riêng, các phóng viên ban đã chọn được địa điểm đặt vừa vặn chiếc máy quay để thu được cả hình lẫn tiếng. Và trong bản tin thời sự của Đài PT-TH Đồng Nai lẫn Đài Truyền hình Việt Nam vào đêm 15/1/2008 những cảnh tượng kinh hoàng về vụ bạo hành này đã được phát đi.

Ngay sau đó, Đài Truyền hình Việt Nam đã quyết định thưởng nóng các phóng viên này và Ban Thi đua khen thưởng tỉnh Đồng Nai cũng chuẩn bị khen thưởng đột xuất Ban Thời sự Đài PT-TH tỉnh.

15h ngày 15/1/2008, Đội CSĐT tội phạm về TTXH TP Biên Hòa đã nhận được đơn tố cáo về điểm giữ trẻ của bà Hoa. Ngay khi Đài Truyền hình Việt Nam phát đoạn phim bạo hành trẻ em thì các chiến sĩ công an TP Biên Hòa đã tiến hành thu giữ các vật dụng mà Hoa dùng để đánh các em.

Và đến chiều 16/1, CSĐT Công an TP Biên Hòa đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp Quảng Thị Kim Hoa về hành vi “Hành hạ người khác” theo điều 110 Bộ Luật Hình sự.

Áp giải đối tượng Quảng Thị Kim Hoa ra xe để đưa về phòng tạm giam.
Bước đầu khai nhận tại Công an TP Biên Hòa, Quảng Thị Kim Hoa cho biết có tất cả 7 cháu được phụ huynh gửi tại đây. Nhưng Hoa nói các cháu này đều là bà con của Hoa, chứ không có người ngoài. Các cháu được Hoa giữ khoảng 10 tiếng mỗi ngày, từ 7h cho đến 19h thì được bố mẹ đón về.

Do các cháu biếng ăn và “lì”, nên Hoa phải dùng biện pháp mạnh để “các cháu có thể ăn no hơn”. Hơn thế, Hoa còn nói một số phụ huynh khuyến khích Hoa nên đánh các cháu khi các cháu ăn chậm (!?). 

Thông tin từ một đồng nghiệp của chúng tôi cung cấp thì điều đáng nói hơn cả là trước khi sự việc này được phát trên sóng truyền hình, một vài hộ dân bức xúc về tình trạng bạo hành đối với trẻ em của bà Hoa nên đã gọi điện thoại phản ánh đến Phòng Giáo dục Biên Hòa.

Ngày 13/11/2007, Phòng Giáo dục Biên Hòa đã phối kết hợp với UBND phường Quyết Thắng thành lập đoàn kiểm tra đột xuất điểm giữ trẻ tư nhân của bà Hoa.

Tại đây, đoàn đã phát hiện nhiều sai phạm như: hành lang của điểm giữ trẻ chỉ rộng khoảng 1,5m chưa đạt yêu cầu; nhận giữ trẻ nhưng không xuất trình được giấy phép đăng ký; bà Hoa không có chuyên môn sư phạm về nuôi dạy trẻ...

Tuy nhiên, do không có các chứng cứ về hành vi bạo hành trẻ em của bà Hoa nên đoàn kiểm tra chỉ có thể yêu cầu bà thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về trang bị cơ sở vật chất, phương pháp giáo dục cũng như chăm sóc trẻ.

Đồng thời, Phòng Giáo dục Biên Hòa cũng đã đề nghị UBND phường Quyết Thắng tiếp tục theo dõi cơ sở giữ trẻ tư nhân này vì Nghị định 49/2005/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục do địa phương thực hiện.

Sau đó, UBND phường Quyết Thắng cũng đã vài lần cử cán bộ đến xem xét điểm giữ trẻ của bà Hoa, nhưng vẫn không phát hiện được các hành vi bạo hành của bà đối với các cháu đang được bà trông nom, nên không thể xử lý.

Một khoảng thời gian sau, thì dường như UBND phường Quyết Thắng đã hoàn toàn quên lãng cơ sở giữ trẻ tư nhân này và các cháu lại tiếp tục bị hành hạ.

Bà Lê Thị Bê, mẹ của Quảng Thị Kim Hoa nói khi Đài Truyền hình Việt Nam phát cảnh con bà đang đánh các cháu trong giờ ăn, bà rất đau lòng. Đáng tiếc là bà đã không biết sự việc này, nếu biết bà đã cầu cứu các cơ quan chức năng có biện pháp can thiệp.

Bài học đau lòng của các phụ huynh

Ngay sau bản tin của Đài Truyền hình, nhiều phụ huynh gửi con tại điểm giữ trẻ tư nhân do bà Hoa làm chủ mới sực tỉnh người khi nhớ lại những vết bầm tím, trầy xước trên thân thể con mình lúc đón về.

Trước đây, mỗi khi phụ huynh thắc mắc về những vết bầm tím hay trầy xước trên người các bé, Quảng Thị Kim Hoa đều nói là do các cháu hiếu động nên khi giỡn với bạn đã bị ngã hoặc bạn đùa mạnh tay nên gây bầm tím thân thể. Nghe bà Hoa nói vậy, phụ huynh các bé đều tin lời. Cha mẹ các cháu có biết đâu mỗi ngày con mình phải chịu đựng cảnh tát tai, giật tóc, mắng nhiếc...

Anh Nguyễn Thanh Hoàng, bố cháu Nguyễn Hoàng Thanh Vi 4 tuổi) cho biết là anh cũng đã nghe phản ánh về việc bà Hoa đánh các cháu vào giờ ăn, nhưng anh không dám tin là sự thật.

Các vật dụng mà Quảng Thị Kim Hoa đã sử dụng để hành hạ các cháu vào mỗi bữa ăn.
Tương tự trường hợp của anh Đoàn Ngọc Sang, bố cháu Đoàn Ngọc Ẩn (3 tuổi). Tin tưởng vào mối quan hệ bạn bè nên anh Ẩn đã gửi con cho bà Hoa chăm sóc. Anh có biết đâu mối quan hệ bạn bè giữa anh và bà Hoa chẳng là gì khi ngay cả cháu ruột mình, bà Hoa cũng hành hạ không thương tiếc.

Chị Quảng Thị Kim Ngà là cháu ruột của bà Hoa, do phải phụ việc trong quán cơm gần đó, chồng lại đi làm phụ hồ tại TP HCM nên gửi cả 3 con của mình là Nguyễn Anh Hào, Nguyễn Anh Kiệt và Nguyễn Thị Huyền Trang từ 2 đến 5 tuổi cho bà Hoa giữ giúp.

Vậy là cứ vào giờ cơm, các cháu lại bị chính người bà của mình dùng thước đánh liên tiếp vào mặt. Hỏi cháu Trang rằng bà Hoa đánh cháu như thế nào?. Cháu đáp: “Dùng thước đánh vào mặt”. Hỏi tiếp: "Có đau không?". Cháu trả lời: “Đau lắm!”.

Xót xa hơn cả là trường hợp của cháu Huỳnh Thị Mỹ Duyên (3 tuổi) là con của chị Nguyễn Thanh Vân. Cháu Duyên được mẹ đưa đến Đội CSĐT tội phạm về TTXH vào sáng 17/1 để nhờ các chiến sĩ đưa đi kiểm tra sức khỏe tại Trung tâm Pháp y Đồng Nai.

Biên bản của Trung tâm ghi nhận, cháu bị sưng nề đỉnh đầu phải, sây sát gò má 1,5x1,5cm, xuất huyết góc ngoài kết mạc phải, bầm tím đầu vai phải 2x1,5cm... Trên thân thể cháu có rất nhiều vết bầm mà nguyên nhân rất có thể là do bị cấu véo.

Hỏi Duyên là cô Hoa đánh con ra sao? Duyên dùng hết sức tát vào mặt mình. Sau đó, một tay tát vào mặt, tay kia cầm tóc giật ngược ra phía sau. Nhìn những cảnh đau lòng ấy, chúng tôi thật sự phẫn nộ.

Mẹ Duyên (tức chị Nguyễn Thanh Vân) làm bạn với Hoa gần 20 năm. Chị nói chị và bà Hoa chơi với nhau rất thân. Trước đây, chị Vân cư ngụ tại TP HCM. Sau đó, chị chuyển về TP Biên Hòa mướn nhà ở và mưu sinh bằng nghề may. Bản thân chị bị bướu độc ở cổ, bác sĩ từng chẩn đoán chị không thể có con. May mắn là năm 2005 chị sinh được bé Duyên, nên cưng lắm.

Nhưng do phải làm quần quật để mưu sinh, nhất là lại vào dịp cuối năm khách hàng đặt may đồ nhiều, chị nghe lời Quảng Thị Kim Hoa bảo rằng: “Cứ gửi con mày tao chăm sóc cho, để rảnh tay mà làm việc”, nên chị đã gửi bé Duyên cho Hoa chăm sóc vào tháng 12/2007.

Ngay những ngày gửi con đầu tiên, chị đã phát hiện bé liên tục bị bầm tím thân thể và có những biểu hiện khác thường như khóc thét về đêm, hay cáu gắt... Nhưng chị vẫn tin tưởng vào tình bạn lâu năm của mình với Hoa.

Ngay cả khi Đại úy Châu Văn Sang, người phụ trách điều tra hành vi bạo hành của bà Hoa, hỏi chị có yêu cầu bồi thường gì cho cháu Duyên hay không? Chị vẫn một mực trả lời rằng mình không yêu cầu bà Hoa bồi thường gì cả.

Chẳng là xem tivi thấy con mình bị hành hạ (cháu Duyên chính là cháu bé bị Hoa túm tóc giật ngược về sau và úp cả tô cháo vào mặt trong đoạn băng đã phát sóng – PV) dã man quá, nên chị không thể cầm lòng được nên mới đến nhờ công an điều tra can thiệp giúp.

Còn mẹ của cháu Phan Thành Đạt (14 tháng tuổi), cháu bé bị Hoa dùng thước đánh liên tiếp vào mặt và khóc thét, là chị Võ Mỹ Phụng, ngụ tại phường Quang Vinh, TP Biên Hòa chỉ biết ôm con và khóc. Trên mặt Đạt vẫn còn những vết tích của các lần bà Hoa muốn “cho các cháu ăn no thêm”.

Khi Quảng Thị Kim Hoa bị bắt, Đội CSĐT tội phạm về TTXH Biên Hòa đã nhận được thêm nhiều đơn thư tố giác về hành vi dã man của bà gây ra với các cháu.

Vậy là sau các vụ bạo hành trẻ em liên tiếp đã bị phát hiện và các cơ quan truyền thông đã đưa tin như: Hà Nội có em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở dùng nhục hình, đánh đập nhiều năm; TP HCM có em Hồ Thị Bông (9 tuổi, ngụ Q.2) bị mẹ nuôi bắt đi ăn xin.

Một lần, Bông không kiếm đủ số tiền quy định đã bị mẹ nuôi đổ nước sôi lên người làm em bị bỏng nặng. Cũng bằng tuổi với Bông, em Nguyễn Hữu Lợi (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) do ăn hết thức ăn không để phần cho buổi chiều đã bị mẹ nuôi dùng búa và roi đánh liên tiếp vào thân thể, kể cả vào đầu... thì những ngày đầu năm 2008 này, dư luận lại phải chứng kiến cảnh các cháu bé bị hành hạ.

Những vết thương trên thân thể các em có thể sẽ  lành lặn theo năm tháng, nhưng vết thương tinh thần trong những bữa cơm đáng sợ kia có "lành" hay không? Đã đến lúc các cơ quan chức năng cũng như toàn xã hội cần có những hành động thiết thực để bảo vệ quyền lợi cho các em, chứ không phải chỉ dừng lại ở những lời nói hoặc các hội thảo, hội nghị về quyền trẻ em. Xin đừng để các em phải tiếp tục chịu đựng sự xâm hại của những người lớn vô cảm (?!)

Kinh Luân
.
.