Vụ máy bay A320 rơi tại Pháp: Mạng người quá mong manh!

Thứ Bảy, 28/03/2015, 08:35
Vụ rơi máy bay Airbus A320 của Hãng Hàng không Germanwings sáng ngày 24/3 ở vùng núi Alpes của Pháp, đang nghiêng về một nguyên nhân rất khó lý giải: Cơ phó phá máy bay! Vụ việc hy hữu trong lịch sử hàng không này đang đặt ra nhiều vấn đề cho cả các hãng hàng không lẫn các công ty chế tạo máy bay.

Tại cuộc họp báo ngày 25/3, Trưởng công tố Tòa án thành phố Marseille của Pháp là Brice Robin cho biết, sau khi giải mã một phần hộp đen chiếc máy bay Airbus A320 gặp nạn, các nhà điều tra đã tạm thời rút ra kết luận là cơ phó của chiếc máy bay này đã cố tình bấm vào nút hạ độ cao, một hành động có thể được xem như là nhằm phá hủy máy bay.

Giải mã những âm thanh trong buồng lái chiếc Airbus A320, các nhà điều tra đã dựng lại những phút cuối cùng trên chiếc máy bay gặp nạn như sau: cơ trưởng và cơ phó có một cuộc trao đổi bình thường. Sau đó, khi viên cơ trưởng chuẩn bị cho máy bay đáp xuống Dusseldorf (Đức), thì cơ phó đã tỏ ra căng thẳng, trả lời bằng những câu nhát gừng.

Tiếp sau đó, có tiếng một chiếc ghế bị đẩy và viên cơ trưởng yêu cầu cơ phó kiểm soát thay, bởi vì có thể là ông cần dùng nhà vệ sinh. Khi cơ trưởng trở lại buồng lái thì cửa bị khóa và cơ phó không mở cửa.

Người này cũng không đáp lại những lời kêu gọi từ tháp kiểm soát không lưu ở Marseille. Nhưng có tiếng thở trong suốt thời gian máy bay hạ cánh (điều này chứng tỏ cơ phó vẫn còn sống chứ không phải bị nghi là đứng tim hay ngất xỉu mà không mở được cửa cho cơ trưởng).

Cuối cùng có một tiếng động mạnh kèm theo tiếng thét của cơ trưởng, dường như người này tìm cách phá cửa để vào buồng lái ngăn không cho cơ phó lao máy bay xuống.

Cảnh sát Đức lục soát căn hộ trong tòa nhà nơi cơ phó Andreas Lubitz  sống ở Duesseldorf, Đức, ngày 26/3.

Ông Robin cho biết có thể cơ phó đã cố tình “tăng tốc giảm độ cao” của máy bay, cho máy bay bay với tốc độ 700 km/h và đâm vào rặng núi hẻo lánh ở miền Đông Nam nước Pháp. Toàn bộ 150 người trên máy bay đã thiệt mạng.

Do sự việc diễn ra quá nhanh, các nạn nhân chỉ nhận ra tình huống đối mặt với tử thần và la hét sợ hãi vào phút cuối trước khi máy bay đâm vào núi.

Theo các nhà điều tra, bên trong khoang lái không lắp camera giám sát, các thông tin chỉ do hai hộp đen ghi lại dưới dạng âm thanh nên rất khó xác định chính xác điều gì đã xảy ra bên trong buồng lái với tay cơ phó.

Hiện mọi công tác điều tra đang tập trung vào cơ phó người Đức tên là Andreas Lubitz, 28 tuổi. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Robin nói: “Việc máy bay xuống thấp chỉ có thể được thực hiện một cách có chủ đích. Trong mọi tình huống, đó là một việc cố ý”.

Ông nói thêm rằng “không có dấu hiệu cho thấy đây là một vụ khủng bố, nhưng chúng tôi sẽ xem xét tình cảnh của người này”.

Năm 1999, một máy bay của Hãng EgyptAir đã rơi trên đường bay từ New York đến Cairo trong những tình huống ghê rợn tương tự.

Một báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ kết luận rằng, nguyên do là “cơ phó tìm cách điều khiển các nút kiểm soát máy bay”, nhưng đã không dùng từ “tự tử”.

Chiều 26/3, Cảnh sát Đức đã tiến hành khám xét căn hộ tại thành phố Duesseldorf của cơ phó điều khiển chiếc máy bay Airbus A320.

Theo điều tra, viên phi công này đến từ thị trấn Montabaur, bang Rheinland-Pfalz của Đức. Nhưng anh ta đã sống nhiều năm tại thành phố Duesseldorf, thủ phủ bang Norhrhein-Westfalen và bắt đầu làm việc tại Germanwings từ năm 2013.

Mặc dù thời gian gần đây, Andreas Lubitz đã bỏ không tham gia nhiều lớp huấn luyện bay nhưng khi kiểm tra vẫn đạt yêu cầu, ngoài ra hồ sơ các chuyến bay viên phi công này từng thực hiện không có bất kỳ sai sót hay vấn đề gì.

Cho tới lúc này, Cảnh sát và Cơ quan công tố Đức cho biết, Andreas Lubitz không nằm trong bất kỳ danh sách tình nghi khủng bố nào cũng như chưa có bằng chứng cho thấy phi công này có liên hệ với các tổ chức khủng bố.

Andreas Lubitz, cơ phó chiếc Airbus A320 của hãng Germanwings.

Người đứng đầu Lufthansa, công ty mẹ của Hãng Hàng không Germanwings, cho biết hãng chưa xác định được nguyên nhân nào dẫn đến hành động của cơ phó, song nhấn mạnh hoàn toàn tin tưởng vào các phi công, xem họ là “những phi công tốt nhất thế giới” và những gì đã xảy ra là vô cùng đáng tiếc. Máy bay đã rơi mà không phát đi bất kỳ tín hiệu cảnh báo nào.

Hãng Lufthansa cho biết, hiện giờ họ xem vụ này là một tai nạn. Các nạn nhân là người của ít nhất 18 nước khác nhau, trong đó có 72 người Đức và ít nhất 35 người Tây Ban Nha.

Hiện mọi tranh cãi về những gì đã diễn ra trong buồng lái chiếc Airbus A320 đang diễn ra sôi nổi trên các mặt báo quốc tế. Nhiều chuyên gia hàng không Pháp ủng hộ giả thuyết tự tử.

Họ chỉ ra rằng, viên phi công ở lại buồng lái chắc chắn phải cố tình khóa cửa không cho phi công còn lại vào trong. Viên phi công đã rời khỏi buồng lái sẽ có một mã số đặc biệt cho phép người này trở lại buồng lái. Cách duy nhất để ngăn cản việc này là viên phi công còn lại phải nhấn núi “từ chối” trên bảng điều khiển.

Nicolas Redier, một phi công Pháp dày dạn kinh nghiệm cho biết: “Khi nhập mã quay trở lại buồng lái, viên phi công ngồi trước bảng điều khiển có 30 giây để nhấn nút từ chối để ngăn không cho cửa mở”. Nếu người này bị bệnh đột ngột, cửa buồng lái sẽ tự động mở, ông cho biết. Nếu phi công bên ngoài quên mã, một thành viên khác của phi hành đoàn sẽ có mã chủ.

Một phi công của Hãng Air France đưa ra một tình huống khác: “Cơ trưởng rời buồng lái để đi vệ sinh. Tại thời điểm đó, áp suất cabin của máy bay đột ngột giảm mạnh khiến phi công ngồi trước bảng điều khiển bị ngất, đồng thời làm hỏng và kẹt cửa buồng lái”.

Tuy nhiên, giả thuyết này không giải thích được vì sao chiếc máy bay lại được điều khiển một cách từ từ, nhẹ nhàng và có kiểm soát khi hạ độ cao cho tới khi đâm vào núi.

Nhiều học sinh đến nhà thờ dự lễ tưởng niệm bạn học sau vụ rơi máy bay.

Như vậy đến giờ này nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn máy bay Airbus A320 vẫn chưa rõ ràng. Đó là một vụ tự tử hay khủng bố tự sát? Do Andreas Lubitz chưa bị phát hiện có liên quan tới khủng bố nên khả năng người này bị khủng bố mua chuộc để tấn công tự sát không chắc chắn. Vậy thì đây là một vụ tự tử?

Trưởng công tố Robin không chịu gọi hành động của cơ phó là tự tử. Ông nói: “Tôi không gọi đó là tự tử khi quý vị có 150 người sau lưng quý vị”. Ngoài ra, còn một nghi vấn khác là liệu đã đủ thông tin chứng minh cơ trưởng đã rời khỏi buồng lái?

Vụ tai nạn chiếc máy bay Airbus A320 của Hãng Hàng không Germanwings đang đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất là rồi đây các hãng chế tạo máy bay sẽ thiết kế cửa buồng lái sao cho hợp lý hơn.

Kể từ sau loạt không tặc khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ, cửa buồng lái máy bay được bọc thép, người ở ngoài không thể thâm nhập. Buồng lái có trang bị hệ thống kiểm soát qua video. Chỉ có người ở bên trong mới có thể mở được cánh cửa bọc thép đó sau khi đã nhận diện người muốn vào buồng lái.

Thứ hai là công tác kiểm tra tình trạng “tâm thần” của các phi công. Về nguyên tắc hiện nay, cơ trưởng và cơ phó trên một chuyến bay hiếm khi quen biết nhau vì họ sẽ được đổi luân phiên liên tục. Theo lý giải của các hãng hàng không, điều này để tránh tình trạng “thân quen, châm chước”.

Cụ thể là trong trường hợp bình thường, cơ phó có nhiệm vụ ghi chép lại những gì trong buồng lái, kiểm tra sự chính xác và minh mẫn của cơ trưởng khi điều khiển máy bay. Nếu hai người quen biết nhau thì họ sẽ có chiều hướng là “tán chuyện” với nhau hơn là bảo đảm an toàn cho chuyến bay.

Nguyên nhân rơi máy bay thì có rất nhiều: lỗi kỹ thuật động cơ, thời tiết xấu, khủng bố... Những nguyên nhân này có thể là do khách quan nhưng nguy cơ do chính các phi công đem lại thì cần phải xem xét lại. Hàng trăm sinh mạng trên mỗi chuyến bay không thể phó mặc vào sự bất thường của những người cầm lái.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.