Xu hướng chính đảng châu Âu “thân Nga”

Thứ Hai, 04/12/2017, 14:53
Giới chính khách thân Nga, thân Tổng thống Putin đang là một xu hướng ở phương Tây. Không chỉ có Mỹ đang ồn ào xung quanh các mối quan hệ của giới chính khách nước này với Moscow, mà cả châu Âu, từ hữu khuynh cho đến tả khuynh, cũng đang bắt đầu râm ran câu chuyện.

Đây cũng là vấn đề gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Âu-Mỹ, với một bên ủng hộ quan điểm và các chính sách của nước Nga, ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin, và một bên kia thì phản đối, xem đó như một cái sai cần đả phá.

Trong một báo cáo mới vừa công bố, tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương của châu Âu đã tổng hợp một cách khái quát mức độ thành công của nước Nga trong việc gây ảnh hưởng lên hệ thống chính trị của châu lục này. Hội đồng Đại Tây Dương tin rằng, ảnh hưởng của nước Nga được thể hiện mạnh nhất ở Italy, với hai đảng phái chính trị là Liên đoàn Phương Bắc và Phong trào Năm Sao (M5S) cùng chịu ảnh hưởng và có quan điểm ủng hộ Điện Kremlin.

M5S hiện đang là chính đảng dẫn đầu trong các cuộc thăm dò cử tri. Sự ủng hộ của nhiều thành phần cử tri khác nhau cũng là do M5S có những chính sách, chủ trương, đường lối rất đa dạng, vừa là dân túy, chống lại truyền thống lỗi thời, chống toàn cầu hóa, bảo vệ môi trường.

Được thành lập vào tháng 10-2009 bởi danh hài Beppe Grillo, chỉ 4 năm sau, tại cuộc bầu cử Quốc hội năm 2013, M5S đã trở thành đảng có số phiếu bầu vào Hạ viện cao nhất, chiếm 109 trên 630 ghế, nhưng lại không thể nắm quyền thành lập chính phủ do đảng này không chịu liên kết với các đảng khác để hình thành đảng liên minh, từ đó không đạt đủ số ghế đa số theo luật định. Hiện nay, tuy dẫn đầu sự ủng hộ của cử tri, nhưng M5S khó có thể trở thành đảng lãnh đạo Italy do chính sách “không liên kết”.

Theo đánh giá của giới phân tích, sự ủng hộ của đông đảo cử tri đã khiến M5S trở thành một đồng minh quan trọng của nước Nga tại Italy. Các quan điểm, chính sách thân Điện Kremlin, cổ xúy cho quan hệ gần gũi với nước Nga của M5S thường xuyên được thể hiện trong các bài phát biểu của đảng này.

Trong khi đó, trong dư luận còn xuất hiện những lời cáo buộc đảng này hợp tác với Moscow nhằm mục tiêu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 3-2018. Tuy nhiên, lãnh đạo M5S Luigi Di Maio đã bác bỏ cáo buộc cho rằng M5S hưởng lợi từ chiến dịch “thông tin giả” của Moscow.

Trong khi đó, ở Hy Lạp, đảng cánh tả Syriza thậm chí còn thân Nga hơn M5S. Điểm đáng chú ý là Syriza hiện đang nắm quyền lãnh đạo đất nước Hy Lạp, Thủ tướng là ông Alexis Tsipras, năm nay 43 tuổi, là một cựu đảng viên cộng sản. Khác với các chính đảng Italy, Syriza của Hy Lạp liên hệ với nước Nga xuất phát từ truyền thống chính trị thời kỳ trước năm 1991.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras có quan hệ rất gần gũi với Tổng thống Nga Putin.

Từ khi mới ra đời, Syriza đã thiết lập mối quan hệ sâu rộng với Chính phủ Nga, nhất là giai đoạn từ khi khủng hoảng nợ bùng phát (năm 2008), Hy Lạp trở thành con nợ thường xuyên mâu thuẫn với chủ nợ là Liên minh châu Âu (EU).

Mặc dù lãnh đạo đảng liên tục bác bỏ luận điệu cho rằng Syriza tạo quan hệ gần gũi với nước Nga nhằm hy vọng được Nga tài trợ cứu nợ, nhưng không thể phủ nhận một điều rằng hầu hết đường lối chính trị của Syriza đều giống với nước Nga.

Giới phân tích chính trị phương Tây cho rằng mức độ ảnh hưởng của nước Nga đối với Hy Lạp không chỉ gói gọn ở mối quan hệ với đảng Syriza, mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực xã hội, trong đó đáng chú ý là các tỉ phú Nga hiện đang nắm cổ phần trong nhiều cơ quan báo chí, truyền thông của Hy Lạp.

Trong lĩnh vực dầu khí, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đang nắm phần lớn cổ phần trong nhiều công ty năng lượng Hy Lạp. Đặc biệt nhất là lãnh đạo Hy Lạp vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Putin.

Không chỉ các đảng phái cánh tả, chính trị hữu khuynh cũng tìm thấy ở các đường lối, chính sách của nước Nga nhiều điểm tương đồng với quan điểm, chủ trương của mình. Như đảng AfD của Đức hay đảng Mặt trận Dân tộc (FN) của Pháp chẳng hạn. Ngay sau khi giành kết quả thắng lợi to lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang ở Đức hồi tháng 9-2017, lãnh đạo AfD đã ra tuyên bố đặt vấn đề xây dựng quan hệ gần gũi với nước Nga làm ưu tiên hàng đầu.

Từ trước đó, AfD đã có thái độ thân thiện với nước Nga, liên tục ra tuyên bố xem việc xây dựng quan hệ gần gũi với nước Nga có nhiều lợi ích hơn. Giới chức phương Tây cáo buộc nước Nga đã hỗ trợ đảng AfD bằng một chiến dịch thông tin tuyên truyền rầm rộ trong đợt bầu cử Quốc hội Đức vừa qua.

Trong khi đó ở Pháp, đảng FN của bà Marine Le Pen từ lâu đã có quan điểm thân Nga và hiện tại vẫn duy trì mối quan hệ nhiều mặt với nước Nga. Marine Le Pen chỉ vay tiền các ngân hàng Nga chứ không vay tiền ở các tổ chức tín dụng châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cáo buộc nước Nga đã trực tiếp hỗ trợ bà Le Pen trong kỳ bầu cử vừa rồi, với việc truyền thông nhà nước Nga công khai phát đi thông điệp ủng hộ bà Le Pen.

Ở Anh, Thủ tướng Theresa May vừa lên tiếng cáo buộc nước Nga đang tuyên truyền “thông tin giả” nhằm gây chia rẽ trong các hệ thống chính trị phương Tây. Bà May đặc biệt nhấn mạnh đến ảnh hưởng bởi hoạt động tuyên truyền của nước Nga trong tiến trình trưng cầu dân ý Brexit vào năm ngoái, trong đó đa số cử tri Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit.

Chính vì thế mà Chính phủ Anh đang muốn kiểm tra xem có phải nước Nga đã tác động để cho ra kết quả như thế hay không. Điều quan trọng là ở Anh hiện nay có một đảng chính trị lớn, đảng Độc lập Anh (UKIP), công khai ủng hộ nước Nga và Tổng thống Putin. Cựu Chủ tịch UKIP Nigel Farage hiện vẫn duy trì quan điểm thân Nga, ủng hộ ông Putin.

Vài giờ sau tuyên bố của Thủ tướng Anh May, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cũng lên tiếng về mức độ ảnh hưởng khá rõ nét của nước Nga trong vụ Catalonia vừa rồi. Chiến dịch thông tin tuyên truyền của Nga rõ ràng đã mang lại những hiệu quả cụ thể, làm thay đổi quan điểm một số chính đảng ở phương Tây. Ở Tây Ban Nha, đảng cánh tả Podamos đang được xem là rất thân Nga. Vì thế, cuộc chiến thông tin tuyên truyền giữa Nga và phương Tây sẽ còn tiếp diễn.

An Châu (tổng hợp)
.
.