Xung đột Palestine - Israel mất phương hướng

Thứ Hai, 26/02/2018, 10:50
Cuộc xung đột Palestine - Israel đang rơi vào trạng mất phương hướng khi bản thân chính quyền 2 nước không thể ngồi vào bàn đàm phán, các nước bảo trợ chính cũng mỗi nước một “phách”, cộng đồng quốc tế thì liên tiếp họp, kêu gọi và lên án... Trong khi những thường dân vô tội bị chết vì xung đột ngày càng nhiều.

Các vụ tấn công liên tiếp

Sáng ngày 19-2-2018, máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công vào các mục tiêu của Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza nhằm đáp trả vụ một tên lửa phóng từ Palestine rơi xuống miền Nam Israel.

Trước đó, ngày 17-2, Israel cũng đã tiến hành không kích nhằm vào 18 mục tiêu của Hamas mà nước này cho là khủng bố tại Dải Gaza. Mọi việc bắt đầu ở bên bức tường rào an ninh ngăn chia lãnh thổ Israel với Dải Gaza. Các binh sĩ Israel phát hiện một lá cờ của Palestine mà họ cho là khả nghi. Khi họ đến gần để tiến hành kiểm tra, một thiết bị cài bẫy đã phát nổ.

Ngay lập tức Israel có hành động đáp trả. Không quân và xe tăng của Israel tấn công nhiều vị trí và cơ sở quân sự của Hamas dù phe này vẫn chưa lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc ở biên giới. Phía Palestine cho biết có 2 thường dân Palestine thiệt mạng do trúng đạn của binh lính Israel.

Vụ tấn công này xảy ra vào lúc điều kiện sinh sống của 2 triệu người dân Palestine trên Dải Gaza bị áp chế dưới vòng vây ngặt nghèo của Israel không ngừng xuống cấp, đến mức mà Tổng Tư lệnh quân đội Israel, tướng Gady Eisenkot phải cảnh báo trong những ngày gần đây về tình hình nhân đạo trong vùng bị chiếm đóng.

Theo ông, khu vực này rất có thể sẽ kích động Hamas khiêu khích các vụ đối đầu mới. Thế nhưng,  dự báo này, được Liên Hiệp Quốc (LHQ) chia sẻ, đã bị Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Avigdor Lieberman bác bỏ. Ông cho rằng không hề có khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza.

Trên bình diện quốc tế, tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đã bế tắc từ năm 2014 lại càng trở nên khó khăn sau quyết định của Tổng thống Trump hồi tháng 12-2017, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cho rằng quy chế của thành phố này sẽ được định đoạt trong các cuộc đàm phán hòa bình. Kể từ sau thời điểm đó, ít nhất 24 người Palestine và 2 người Israel đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ.

Người dân Palestine và cộng đồng quốc tế cho rằng quyết định của Mỹ đã hủy hoại các nỗ lực ngoại giao trong nhiều năm qua, khi phủ nhận yêu cầu của họ về việc công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai. Sau cộng đồng quốc tế, lần lượt 14 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ lên tiếng phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một thường dân Palestine bị thương sau vụ không kích do quân đội Israel tiến hành tại Dải Gaza ngày 17-2.

Thường dân vô tội phải chịu mất mát

Về phần mình, kể từ sau quyết định của Mỹ, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vẫn từ chối mọi cuộc tiếp xúc với chính quyền của Tổng thống Trump cũng như không chấp nhập hợp tác với Mỹ trên cương vị là một nhà trung gian hòa giải.

Chính quyền Palestine đang tìm kiếm cơ chế quốc tế đa phương bảo trợ cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine sau khi tiến trình này bị đóng băng từ năm 2014. Ngày 12-2-2018, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột Trung Đông. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định đã cùng Tổng thống Trump trao đổi về cuộc xung đột Israel-Palestine và thừa nhận tình hình thực tế vẫn rất xa với mong muốn của hai bên.

Tổng thống Putin nhấn mạnh việc nắm được quan điểm riêng của Palestine là điều rất quan trọng để có thể đưa ra cách tiếp cận chung cho cuộc xung đột hiện nay. Ông Putin khẳng định luôn ủng hộ người dân Palestine. Chuyến đi Nga lần này của Tổng thống Abbas nhằm tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo Nga đối với vấn đề Jerusalem sau khi Mỹ công nhận nơi này là thủ đô của Israel. Chuyến thăm diễn ra chỉ 2 tuần sau chuyến thăm Nga của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Theo giới quan sát, chuyến thăm của Tổng thống Abbas là nỗ lực để củng cố quan hệ với Nga - một đồng minh kiên định của Palestine, và nhằm ngăn chặn việc Thủ tướng Israel Netanyahu “dẫn” Moskva đi chệch hướng trong nỗ lực cải thiện quan hệ Nga-Israel.

Về phần mình, ngoài những hành động ăn miếng trả miếng bằng bạo lực, chính quyền Israel hồi đầu tháng 1-2018 một lần nữa kêu gọi giải thể cơ quan của LHQ giúp người tị nạn Palestine UNRWA, với lý do tổ chức này “chống Israel”. Israel đồng thời kêu gọi quốc tế ngưng giúp người tị nạn Palestine.

Từ trước đến nay, những nước ủng hộ quan điểm của Palestine rất nhiều trong khi phe của Israel chỉ gồm Mỹ và một số nước Vùng Vịnh khác. Tuy nhiên, những phản ứng lên án của LHQ và thậm chí của Hội đồng Bảo an LHQ không có mấy tác động đối với hành động của Israel khi nước này được Mỹ chống lưng. Mỗi tuyên bố ủng hộ bên này hoặc bên kia của các nước đều có những tính toán riêng và thường liên quan tới những lợi ích chính trị trong nước của họ.

Việc Tổng thống Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là một ví dụ. Những tổ chức Do Thái trong chính trường Mỹ từ lâu đóng một vai trò lớn trong việc xác định quan điểm của chính quyền Mỹ đối với vấn đề Israel-Palestine.

Bản thân Palestine cũng có những khó khăn nội tại giữa phong trào Hamas và Fatah. Những mâu thuẫn giữa 2 phe phái này cũng là một lý do khiến cuộc đối đầu Palestine-Israel thêm kéo dài. Đó là chưa kể Iran, kẻ thù “không đội trời chung” với Israel lại luôn tìm cách chi phối tình hình Palestine để đối phó với Israel.

Khi cộng đồng quốc tế chưa có quy chế hay áp lực nào có thể buộc các bên ngừng leo thang xung đột bạo lực bằng những hành động ăn miếng trả miếng thì người thiệt thòi nhất chính là những thường dân vô tội. Cuộc xung đột Israel-Palestines đang rơi vào tình trạng mất phương hướng nên các vụ đụng độ bạo lực lại càng dễ dàng diễn ra và số thường dân thiệt mạng sẽ càng tăng.

M.T. (tổng hợp)
.
.