Xung quanh chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Chiều 29/7, Tổng thống Erdogan đã có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau lễ đón chính thức.
Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Erdogan kêu gọi Trung Quốc đầu tư nhiều hơn nữa vào Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ hiện bị thâm hụt lớn trong trao đổi thương mại với Trung Quốc, trao đổi mậu dịch đã giảm sụt trong 6 tháng đầu năm 2015. Cán cân thương mại giữa hai nước nhìn chung đã giảm 17% trong năm ngoái, nhưng đang nghiêng về phía Trung Quốc.
Năm 2014, xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Trung Quốc tăng 11% trong khi nhập khẩu giảm 20%. Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách cân bằng lại cán cân thương mại với Trung Quốc thông qua các biện pháp như thu hút nhiều đầu tư và du lịch hơn từ Trung Quốc, tăng các dự án liên doanh giữa hai nước ở các nước thứ ba và tăng xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc là các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và là thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). Ngoài ra, Ankara đã gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), một sáng kiến của Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về đường sá, đập thủy điện và giao thông tại khu vực châu Á.
Bên cạnh đó, ông Erdogan cũng mong muốn cùng Trung Quốc kết thúc tiến trình đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa phòng không của Trung Quốc. Thương lượng từ năm 2013 nhưng đến giờ vẫn chưa đạt kết quả.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 29/7 tại Bắc Kinh. |
Năm 2013, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lúc ấy đã khiến các đồng minh NATO sửng sốt khi thông báo đã chọn loại tên lửa địa đối không tối tân do Trung Quốc chế tạo để trang bị cho quân đội của mình. Đây là một hợp đồng trị giá 3 tỉ euro, có ba tập đoàn đấu thầu: Tập đoàn cơ khí Trung Quốc CPMIEC, hai Tập đoàn Mỹ Raytheon và Lockheed Martin liên kết với nhau, và Tập đoàn Pháp-Ý Eurosam.
Quyết định này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ nơi các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO. Tất cả đều cho rằng tên lửa Trung Quốc không phù hợp với hệ thống vũ khí sử dụng trong toàn khối, trong lúc Tập đoàn Trung Quốc CPMIEC lại bị Mỹ trừng phạt về tội cung cấp vũ khí cho Syria và Iran đang bị cấm vận.
Cho tới nay, vụ mua bán tên lửa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc vẫn chưa đạt được tiến triển quan trọng dù Trung Quốc đã đưa ra điều kiện rất có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm hợp tác sản xuất với nước này, đáp ứng mong muốn xây dựng hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tầm xa của Thổ Nhĩ Kỳ.
Với chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Erdogan lần này, tờ Hoàn cầu của Trung Quốc ra ngày 28/7 dự báo Ankara và Bắc Kinh có thể chốt lại hợp đồng mua bán tên lửa vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, báo chí phương Tây lại cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua tên lửa của Trung Quốc chỉ là sách lược mà Thổ Nhĩ Kỳ đang áp dụng, để đòi thêm nhiều nhượng bộ từ phía phương Tây vào lúc đàm phán đang diễn ra. Theo Sinan Ulgen, thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách ngoại giao tại Istanbul, thì “không nên nghĩ là Thổ Nhĩ Kỳ đã dứt khoát chọn mua tên lửa của Trung Quốc. Mỹ và châu Âu vẫn còn trong cuộc đua”.
Nhà phân tích Nihat All Ozean, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tepav ở Ankara thì khẳng định là thực ra, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng đàm phán để có được một hợp đồng tốt nhất, không chỉ về thương mại, mà cả về chính trị.
Nhìn chung, giới quan sát đều cho rằng dù đem Trung Quốc ra làm con ngáo ộp, sau cùng thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ phải chọn tên lửa của phương Tây. Chuyên gia Sinan Ülgen tự hỏi: “Làm sao mà một hệ thống radar của NATO đặt tại Kurecik, miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ, lại có thể hoạt động hết công suất với một hệ thống tên lửa của Trung Quốc? Đây quả là một nghịch lý”.
Một số ý kiến khác còn cho rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác quân sự với Trung Quốc thì nguy cơ rò rỉ các bí mật quân sự của NATO cho Bắc Kinh là rất cao.
Người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ đốt cờ Trung Quốc hôm 5/7/2015. |
Một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Erdogan là cách Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Thổ Nhĩ Kỳ đã thường xuyên lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh. Cách nay không lâu, ngay đầu tháng 7 vừa qua, vào mùa chay Ramadan, Ankara đã triệu tập đại sứ Trung Quốc lên để phản đối việc Bắc Kinh giới hạn các sinh hoạt của người Duy Ngô Nhĩ vào mùa chay.
Nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc cũng đã diễn ra trong thời gian này. Thậm chí khi đó chính quyền Bắc Kinh còn phải cảnh báo công dân của mình không nên đến Thổ Nhĩ Kỳ thời gian này.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bật đèn xanh để đón tiếp 170 người Duy Ngô Nhĩ chạy khỏi Tân Cương qua ngã Thái Lan, làm Trung Quốc bất bình không ít. Ngay ông Erdogan trước đây, năm 2009, cũng đã từng lên tiếng tố cáo Bắc Kinh thực hiện một loại “diệt chủng” ở Tân Cương.
Số phận người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc là một vấn đề quan trọng đối với nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ, do cùng chia sẻ một nền văn hóa và tôn giáo chung.
Tờ báo Anh ngữ China Daily hôm 29/7 cảnh cáo là nếu xấu đi thêm, vấn đề người Duy Ngô Nhĩ sẽ phá hỏng quan hệ giữa Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.