Xung quanh việc Mỹ triển khai Lực lượng Vệ binh quốc gia tới biên giới Mexico
Tổng thống Mỹ hạ quyết tâm phải chặn bằng được dòng người nhập cư bất hợp pháp, các băng đảng tội phạm ma túy... tới từ phía Tây Nam nước Mỹ, nơi có biên giới với Mexico, cho dù phải hy hinh cả những lợi ích thương mại lớn lao. Những hố ngăn, bức tường mà nước Mỹ tạo ra đã đốt cháy giấc mơ Mỹ của nhiều người nhập cư. Căng thẳng với Mexico có thể sẽ bùng lên.
Tinh nhuệ... cũng chỉ để gác biên giới
Báo chí Mỹ dẫn lời ông Trump tuyên bố: “Nước Mỹ vẫn sẽ canh gác biên giới bằng quân đội cho đến khi nào việc xây dựng bức tường hoàn tất và an ninh được giữ vững. Chúng tôi không thể để người ta chạy đến đất nước mình một cách bất hợp pháp, biến mất, và không bao giờ phải xuất hiện trước tòa”.
Tuyên bố này của Tổng thống Mỹ như một lần nữa nhấn mạnh hơn quyết tâm chỉnh đốn và tăng cường kiểm soát tình hình nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Ông Trump cũng nhấn mạnh rằng, ông muốn huy động cả lực lượng quân đội vào việc đảm bảo tình hình biên giới cho đến khi bức tường “đầy hứa hẹn” của ông được xây dựng xong.
Lực lượng bảo vệ biên giới của Mỹ ngăn chặn dòng người di cư tại khu vực biên giới Mỹ-Mexico. Ảnh: Politico. |
Việc triển khai quân đội ở biên giới là động thái không bình thường nhưng không phải là bước đi chưa có tiền lệ. Các cựu Tổng thống Barack Obama và George Bush từng triển khai Lực lượng Vệ binh quốc gia ở biên giới để giúp ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp.
Và để khẳng định quyết tâm của Tổng thống Mỹ, trong thông báo tại Nhà trắng, Bộ trưởng An ninh Nội địa Nielsen cho hay: "Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Nội địa đã được chỉ thị phối hợp với các thống đốc bang để triển khai Lực lượng Vệ binh quốc gia tới biên giới phía Tây Nam, với nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng tuần tra biên giới".
Gần đây, chính quyền Donald Trump đã tăng cường chi tiêu cho việc tuần tra biên giới và tăng cường đàn áp người nhập cư không có giấy tờ trong nước. Tổng thống Trump thậm chí còn cảnh báo sẽ rút khỏi Thỏa thuận tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) nếu Mexico không có các biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp này.
Mexico đã phản ứng gay gắt sau khi Mỹ triển khai Lực lượng Vệ binh quốc gia tới biên giới, Thượng viện Mexico đã ra nghị quyết chỉ trích quyết định trên, đồng thời hối thúc chính phủ nước này chấm dứt hợp tác với Washington trong vấn đề nhập cư và an ninh.
Các nhà lập pháp Mexico cho rằng quyết định của Tổng thống Trump là một sự xúc phạm đối với Mexico. Mexico sẽ ngừng hợp tác với phía Mỹ trong các lĩnh vực nhập cư và phòng chống tội phạm có tổ chức cho đến khi ông chủ Nhà Trắng thay đổi thái độ.
Trước đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray Caso thông báo chính phủ nước này đã đề nghị Mỹ làm rõ tuyên bố của Tổng thống Trump về việc triển khai quân đội tại biên giới phía Nam với Mexico. Theo Ngoại trưởng Videgaray, Mexico sẽ đưa ra quan điểm về vấn đề này dựa trên giải thích từ phía Mỹ và luôn bảo vệ chủ quyền cũng như lợi ích quốc gia
Ông Videgaray nhấn mạnh, chính sách di cư của Mexico được thực hiện theo chủ quyền và pháp luật, chứ không phải từ các áp lực hoặc đe dọa bên ngoài. Ngoại trưởng Luis Videgaray nêu rõ, quan hệ song phương sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu việc triển khai Lực lượng Vệ binh quốc gia biến thành hành vi quân sự hóa khu vực biên giới.
Nước Mỹ ngại những con số “chết chóc”
Một số tờ báo của Mỹ tiết lộ, sở dĩ Tổng thống Mỹ phải điều Lực lượng Vệ binh quốc gia tinh nhuệ tới canh giữ biên giới cũng có nguyên do khi nhìn vào những con số “chết chóc” từ Mexico. Năm 2017 đã trở thành năm "chết chóc" nhất đối với Mexico trong một thập kỷ qua, khi các băng đảng ma túy lớn ở nước này đấu đá nhau để giành quyền kiểm soát các thị trường béo bở và các tuyến đường buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép.
Trong 11 tháng năm 2017, có tới hơn 23.100 vụ giết người, con số hằng năm cao nhất kể từ năm 1997 khi Chính phủ Mexico bắt đầu lưu trữ hồ sơ về tình trạng tội phạm này. Đa số các vụ giết người (khoảng 54%) xảy ra tập trung ở 8 bang, trong đó bang Guerrero ở miền Nam là bang có tỷ lệ cao nhất.
Lực lượng Vệ binh quốc gia và khí tài hiện đại đã được điều đến khu vực biên giới Mỹ-Mexico. Ảnh: NBC News. |
Khi chính quyền Mexico thi hành pháp luật trong cuộc chiến xóa sổ các băng đảng ma túy lớn, những băng nhóm này đã phân tán thành nhiều nhóm tội phạm có tổ chức nhỏ hơn và bắt đầu lan rộng ra khắp cả nước. Nếu trước đây chỉ có miền Bắc Mexico là điểm nóng của các tội phạm liên quan đến buôn lậu ma túy, thì hiện nay, bạo lực đã lan rộng hơn.
Theo số liệu công bố hằng tháng của Bộ Nội vụ nước này, trong năm 2017, khoảng 20 bang ở các vùng khác nhau trên cả nước đã chứng kiến số vụ giết người nhiều hơn so với năm 2016, cụ thể là trên 20.550 vụ. Chính phủ thừa nhận tình trạng tội phạm gia tăng là kết quả của các cuộc chiến tranh giành quyền lực trong nội bộ các băng đảng ma túy sau khi các thủ lĩnh của họ bị cơ quan luật pháp bắt giữ. Nhưng theo một chuyên gia, chính quyền vẫn chưa có chiến lược để giải quyết tình hình vốn đã thay đổi nhiều so với trước.
Cố vấn an ninh công cộng Arturo Arango nêu rõ: "Các nhà chức trách đã tập trung vào chống tội phạm có tổ chức một cách không hiệu quả. Họ đã cố gắng theo đuổi một chính sách sai lầm khi phá vỡ các băng đảng ma túy lớn".
Một thập kỷ trước, khi tổng thống lúc đó là Felipe Calderon kêu gọi quân đội tiến hành cuộc chiến chống ma túy, cảnh sát đã biết về sự tồn tại của 6 băng đảng ma túy lớn. Trong khi hiện nay, theo Bộ Nội vụ Mexico cho biết, có hàng chục nhóm tội phạm nhỏ đã tham gia trồng hoặc sản xuất ma túy.
Theo Cố vấn Arango, chiến lược chống ma túy của Mexico thiếu các biện pháp hữu hiệu để thu giữ số tiền buôn lậu ma túy và ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép vũ khí từ Mỹ, một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng bạo lực gia tăng.
Có lẽ chỉ riêng những con số về tội phạm không thôi đã khiến nước Mỹ và Tổng thống Trump e ngại như thế nào, đặc biệt tại các điểm nóng ở khu vực biên giới Mỹ - Mexico.
Cơn “ác mộng” đối với Mexico
Với lý do quyết tâm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, Chính quyền Tổng thống Trump ngày càng thể hiện sự cứng rắn của mình khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ sử dụng quân đội để bảo vệ biên giới giữa nước này và Mexico.
Phát biểu với báo giới trước khi ký lệnh điều động Lực lượng Vệ binh quốc gia tới biên giới, ngày 3-4 sau khi làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cùng một số quan chức khác, Tổng thống Trump nhấn mạnh đây là một bước tiến lớn.
Ông Trump đang gia tăng áp lực để cải tổ chính sách nhập cư sau khi ông thất bại trong việc thuyết phục Quốc hội Mỹ cấp 25 tỷ USD ngân sách để xây dựng bức tường biên giới với Mexico. Trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố “đóng cửa” với thỏa thuận bảo vệ người nhập cư bất hợp pháp đến Mỹ khi còn nhỏ (được gọi là chương trình DACA), yêu cầu Mexico phải tăng cường nỗ lực ngăn chặn các hoạt động xâm nhập bất hợp pháp vào Mỹ và lên tiếng cảnh báo về một đoàn người từ khu vực Trung Mỹ đang hướng tới biên giới của Mỹ như là lễ hội “caravan”.
Lực lượng Vệ binh quốc gia bắt đầu làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới theo lệnh của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: RT. |
Ông cũng cảnh báo sẽ rút khỏi thỏa thuận NAFTA nếu Mexico không tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn dòng người nhập cư vào Mỹ một cách bất hợp pháp.
Việc điều động quân đội rõ ràng cũng có liên quan tới những căng thẳng trước đó khi Mexico không chấp nhận trả chi phí xây dựng, đồng thời tuyên bố kiên trì theo đuổi 5 nguyên tắc và 10 mục tiêu trong quan hệ với Mỹ mà Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đưa ra, trong đó có nhiều nội dung liên quan tới vấn đề di/nhập cư, gồm: mọi quá trình trục xuất người nhập cư Mexico phải được tiến hành theo trật tự và phối hợp giữa hai bên; Chính phủ Mỹ phải cam kết hành động có trách nhiệm ngăn chặn việc buôn bán trái phép vũ khí, ma túy và rửa tiền; bảo vệ nguồn đầu tư đổ vào Mexico và cùng hành động vì một đường biên giới chung hợp tác, gắn kết và không chia rẽ...
Kể từ khi nhậm chức Tổng thống thống Mỹ ngày 20-1-2017, Tổng thống Trump đã từng bước hiện thực hóa cam kết tranh cử về việc xây bức tường biên giới dọc chiều dài biên giới chung với Mexico, đe dọa các nhà đầu tư và thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Trên trang mạng DW, nhà kinh tế Luis de la Calle từng là Trưởng đoàn đàm phán NAFTA của Mexico đánh giá “đây là lần đầu tiên có một tổng thống công khai chống Mexico ở Nhà Trắng. Điều này còn tồi tệ hơn so với một thảm họa thiên nhiên. Ông Trump đã gây bất đồng và làm lung lay nền tảng của mối quan hệ song phương”.
Tổng thống Trump “cổ súy” cho chủ nghĩa bảo hộ với việc lên án NAFTA làm mất cân bằng thương mại quốc tế của Mỹ. Trong khi đó, theo ý kiến của Carlos Heredia, chuyên gia về chính sách Mỹ thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Giảng dạy Mexico (CIDE) ông Trump đã làm thụt lùi quan hệ song phương với Mexico một cách nghiêm trọng và gây ra một cuộc khủng hoảng không chỉ giữa 2 chính phủ mà còn giữa người dân Mexico trong xã hội.
Cho đến nay, Mexico chưa tìm ra công thức nào để đối phó với nước láng giềng phía Bắc. Theo ông Luis de la Calle và ông Carlos Heredia, thay vì ám ảnh bởi ông Trump, Mexico nên khắc phục điểm yếu của họ để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ bằng cách tăng cường cải cách cơ cấu và đa dạng hóa thị trường thương mại. Trong lĩnh vực di cư và an ninh, Mexico cần hợp tác chặt chẽ hơn với các nước Trung Mỹ, chứ không phải tiếp tục theo mô hình của cuộc chiến chống ma túy bị Mỹ áp đặt.
Tờ "Washington Post" mới đây đăng bài phân tích về quan hệ Mỹ-Mexico của ông Arturo Sarukhan, Đại sứ Mexico tại Mỹ từ năm 2007-2013, trong đó cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ với Mexico đang ở trong tình trạng gần như sụp đổ do đề xuất của Washington về việc xây bức tường ở biên giới giữa hai nước, đàm phán lại NAFTA. Ông Sarukhan cũng khẳng định rằng sẽ không có bên nào được lợi từ sự xuống dốc quan hệ này.
Chỉ sau một tuần làm việc của Tổng thống Trump, quan hệ song phương Mỹ-Mexico đã rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Cách tiếp cận của Tổng thống Trump "theo cách của tôi hoặc không có gì cả" đối với Mexico đã gây nguy hại cho mối quan hệ cùng có lợi giữa hai bên và bắt đầu rạn nứt về mặt ngoại giao.
Các học giả Mexico nhân định, Mexico không phải là kẻ thù của Mỹ. Tổng thống Trump mặc dù có thái độ không tích cực đối với Mexico, nhưng ông cũng không thể nhấn nút xóa bỏ và phớt lờ một quốc gia ngay cạnh biên giới với Mỹ. Tất nhiên, Mexico không phải là cường quốc quân sự và không sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng không thể đe dọa hay thách thức các lợi ích cốt lõi của Mỹ, nhưng không phải Mexico không có sức mạnh.
Việc Mỹ-Mexico thúc đẩy hợp tác tình báo và chống khủng bố sau vụ tấn công 11-9 chứng tỏ Mỹ cần phải thúc đẩy nhận thức về những lĩnh vực chung giữa các nước Bắc Mỹ và cũng chứng tỏ rằng chỉ có sự ủng hộ của Washington, quan hệ đối tác giữa hai nước láng giềng mới có thể tiếp tục đẩy mạnh trên cơ sở thịnh vượng chung và an ninh chung.