Ý đồ đốt kinh Koran làm cả nước Mỹ lo ngại

Thứ Ba, 14/09/2010, 23:35
Chỉ vài ngày trước lễ tưởng niệm vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001, tại Mỹ lại diễn ra một vụ bê bối chính trị - tôn giáo lớn với hậu quả được đánh giá là khó có thể lường trước. Tất cả được bắt đầu từ những lời tuyên bố của Terry Jones - một linh mục 58 tuổi theo đạo Tin Lành từ thị trấn Gainesville (bang Florida) - về cái gọi là “Ngày quốc tế đốt kinh Koran”!

Mục sư Terry Jones chỉ vài ngày trước lễ kỷ niệm sự kiện 11-9 đã bất ngờ tuyên bố: ông ta cùng một số con chiên sẽ tổ chức một buổi lễ đốt kinh Koran để tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ khủng bố 9 năm về trước. Theo giải thích của mục sư này, kinh Koran "đại diện cho cái ác", do nhiều nội dung trong đó thúc đẩy các tín đồ Hồi giáo có hành vi thù địch. Terry Jones còn kêu gọi tổ chức cái gọi là "Ngày quốc tế đốt kinh Koran" để kỷ niệm sự kiện bi thảm 11-9.

Cần nói thêm rằng, bản thân cộng đồng tín đồ Tin Lành do mục sư Jones đứng đầu từ trước đó đã triển khai một chiến dịch tuyên truyền chống đạo Hồi ngay trên Internet. Thông qua mạng toàn cầu, họ kêu gọi mọi người gửi cho mình các bản kinh Koran dùng để... đốt vào dịp 11-9. Những nhân vật này còn bàn bạc một cách công khai trên mạng về cách tổ chức đốt cuốn sách linh thiêng nhất của các tín đồ Hồi giáo làm sao cho "ấn tượng nhất".

Chưa hết, "sáng kiến" của mục sư Jones còn nhận được sự ủng hộ gián tiếp của Ron Ramsey, Phó thống đốc bang Tennesy. Chính trị gia này đã đề nghị chính quyền liên bang không cho phép người Hồi giáo có thể tự do cầu nguyện trên lãnh thổ nước Mỹ. Ramsey giải thích về ý kiến của mình với lý do, nước Mỹ đang bị đe dọa từ phía các tín đồ Hồi giáo - theo bản thân ông ta, đó không phải là một tôn giáo mà là một dạng giáo phái hay một phong cách sống.

Những phát biểu mang tính quá khích của ông Terry Jones ngay khi vừa xuất hiện trên Internet đã gây ra một làn sóng phản ứng rộng khắp trên toàn thế giới. Washington tất nhiên không thể ủng hộ cho "sáng kiến" của Jones. Ngoại trưởng Hillary Clinton gọi hành động trên là "bất kính và đáng sỉ nhục". Còn Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder có vẻ nhẹ nhàng hơn khi gọi dự định của Jones là "nguy hiểm và ngớ ngẩn".

"Đây không phải là cách hành xử của nước Mỹ. Hành vi trên không phù hợp với các nguyên tắc tự do và dung hòa tôn giáo" - đại diện Philip Crowley của Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng, một hành động kiểu như vậy luôn trái với các nguyên tắc của nước Mỹ.

Ngay như tướng David Petraeus, Tư lệnh lực lượng liên quân tại Afghanistan, cũng cảm thấy bất an: "Việc đốt kinh Koran có thể thúc đẩy hằn thù dân tộc, và chắc chắn sẽ được những kẻ cực đoan tại Afghanistan và trên khắp thế giới tận dụng" - viên tướng này tuyên bố.

Thảm họa ngày 11/9/2001.

Những phát biểu của Petraeus là hoàn toàn có cơ sở. Ngay từ hôm 7/9, đã diễn ra một loạt cuộc biểu tình chống lại kế hoạch của mục sư Jones tại nhiều nước Hồi giáo. Ngay như tại Kabul, dòng người biểu tình đã hô vang những khẩu hiệu như "Cái chết cho nước Mỹ!" và "Đạo Hồi muôn năm". Dù chưa chính thức được ghi nhận, nhưng làn sóng của những vụ tấn công nhằm vào lính Mỹ trong thời gian tới chắc chắn sẽ được bùng phát, nếu như kế hoạch của ông Jones không kịp thời được ngăn chặn.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen lên án rất gay gắt chuyện này vì ông biết rất rõ cái giá phải trả cho việc xúc phạm người Hồi giáo. Mới 5 năm trước, khi Rasmussen còn là Thủ tướng Đan Mạch, đất nước của ông đã từng phải lao đao vì vụ bê bối liên quan đến những bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Muhhamad. Rất nhiều người Hồi giáo trên khắp thế giới đã tràn xuống đường đốt cờ Đan Mạch, cũng như đập phá nhiều đại sứ quán của nước này.

Một vài quốc gia (như Iran) còn cho đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao của mình ở Copehaghen để bày tỏ sự phản đối. Nhưng với hành vi xúc phạm kinh Koran kiểu của Terry Jones, quy mô của những hành động phản ứng chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều, kèm theo những hậu quả không thể lường trước.

Tổng thư ký Liên đoàn Hồi giáo quốc tế Mohsen at-Turki đánh giá hành động của ông Terry Jones, "là một sự thể hiện hằn thù và càn rỡ tới mức đỉnh điểm, dẫn tới sự căm thù lẫn nhau giữa các cộng đồng trên thế giới". Ông Turki cho rằng, hành động tương tự như vậy không chỉ là sự xúc phạm đối với 1,5 tỉ tín đồ Hồi giáo, mà còn là sự vi phạm luật pháp quốc tế thô bạo nhất. Ngay như Hiệp hội Tin Lành quốc gia Mỹ (là nơi điều hành cộng đồng do mục sư Jones đứng đầu) cũng chỉ trích kế hoạch trên, cho rằng hành vi đốt kinh Koran là không thể chấp nhận.

Mục sư Terry Jones bên cạnh biển quảng cáo "Ngày quốc tế đốt kinh Koran".

Với kế hoạch trên, ông Jones còn được so sánh với... lực lượng Taliban, những kẻ 9 năm về trước đã cho phá hủy bức tượng Phật cổ khổng lồ với lý do "mâu thuẫn với các quy tắc của Hồi giáo". Khi đó, hành động của Taliban cũng bị cả thế giới lên án, kể cả Iran và nhiều thủ lĩnh Hồi giáo khác.

Theo các nhà quan sát, mục sư Jones đang khiến Washington lâm vào thế kẹt, cho dù ông hiểu rất rõ những nguy cơ bắt nguồn từ hành động trên. Tuy nhiên, trước sự phản đối của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ các tín đồ Hồi giáo, của Nhà Trắng, và để tránh xảy ra làn sóng bạo lực nhằm vào nước Mỹ, ông Terry Jones vừa tuyên bố dừng ý định đốt kinh Koran sau khi đạt được thỏa thuận với một nhóm tín đồ Hồi giáo về việc xây dựng trung tâm cầu nguyện của đạo Hồi tại New York

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.