Yemen: Ai đứng sau vụ tấn công sân bay Aden?
Theo báo cáo, ít nhất 26 người đã thiệt mạng và hơn 60 người bị thương trong cuộc tấn công vào sân bay ở thành phố Aden của Yemen. Mục tiêu của vụ tấn công thứ nhất được cho là nhằm vào một chiếc máy bay chở các thành viên của chính phủ mới thành lập.
Nhân chứng nghe thấy 3 tiếng nổ lớn và nhiều tiếng súng vào chiều 30-12 khi các thành viên của nội các Yemen vừa rời khỏi máy bay. Những đám khói cuồn cuộn từ tòa nhà ga đón khách. Các báo cáo ban đầu cho rằng các vụ nổ là do pháo kích hoặc tên lửa. Ngay sau vụ tấn công sân bay, một vụ nổ khác đã xảy ra gần cung điện Mashiq của thành phố, nơi các thành viên nội các được đưa đến lánh nạn sau vụ tấn công tại sân bay.
Vụ tấn công đánh dấu một khởi đầu nghiệt ngã cho chính phủ đoàn kết mới của Yemen vừa tuyên thệ nhậm chức vào hạ tuần tháng 12-2020 tại Saudi Arabia. Cuộc cải tổ được thiết kế để hàn gắn rạn nứt nguy hiểm giữa chính phủ được quốc tế công nhận do Tổng thống Abd Rabbu Mansour Hadi lãnh đạo và nhóm ly khai Hội đồng Chuyển tiếp miền Nam (STC), hiện đang kiểm soát Aden.
Hiện trường vụ tấn công tại sân bay Aden. |
Một số thường dân, nhà báo và quan chức chính phủ được cho là nằm trong số những người thiệt mạng. Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cho biết 3 nhân viên đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Tổng số thương vong dự kiến sẽ tăng lên. Thiệt hại đối với sân bay Aden có thể khiến Yemen chỉ còn một sân bay hoạt động đầy đủ cho 28 triệu người ở một đất nước bị phong tỏa. Naguib al-Awg, Bộ trưởng Truyền thông của Yemen, người có mặt trên máy bay của chính phủ, nói với hãng tin AP rằng ông nghe thấy 2 tiếng nổ và cho rằng đó là các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
“Sẽ là một thảm họa nếu máy bay bị đánh bom”, ông nói và nhấn mạnh rằng các thành viên chính phủ chính là mục tiêu của cuộc tấn công vì máy bay chở họ đã hạ cánh trước đó. Tất cả các thành viên nội các, bao gồm cả Thủ tướng Maeen Abdulmalik Saeed và Đại sứ Saudi Arabia Mohammed Said al-Jaber đã được chuyển an toàn đến Dinh Tổng thống của thủ đô lâm thời. Hiện chưa rõ bên tham chiến nào của Yemen, trong đó có Al-Qaeda, chịu trách nhiệm cho vụ tấn công.
Dư luận có vẻ đang nghi ngờ phiến quân Houthi đứng sau các vụ tấn công ở sân bay Aden và gần cung điện Mashiq. Năm ngoái, phiến quân Houthi đã bắn tên lửa vào một cuộc diễu hành quân sự ở Aden, giết chết hàng chục người trong một cuộc tấn công làm gia tăng căng thẳng giữa chính phủ và STC. Houthis cũng chịu trách nhiệm cho một cuộc tấn công tên lửa vào một khách sạn Aden vào năm 2015 nhằm vào Thủ tướng lúc bấy giờ Khaled Bahah và các thành viên trong chính phủ của ông. Kể từ khi nhóm phiến quân Houthi chiếm thủ đô Sana’a vào năm 2014, Chính phủ Yemen chủ yếu làm việc lưu vong ở Saudi Arabia.
Bộ trưởng Thông tin Moammer al-Eryani tuyên bố trong một bài đăng trên Twitter rằng Houthis đứng sau cuộc tấn công hôm 30-12, còn trong một bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Saeed gọi đây là một “hành động khủng bố hèn nhát” nhưng không đổ lỗi cho phiến quân. Tuy nhiên, một quan chức Houthi tên Muhammad al-Bukhaiti đã bác bỏ sự liên quan trách nhiệm của nhóm phiến quân này trong các bình luận đưa ra trên kênh truyền hình Al Jazeera. Cũng không loại trừ khả năng Al-Qaeda và IS là hung thủ các vụ tấn công.
Yemen đã lún sâu vào một cuộc nội chiến gay gắt trong 6 năm, trong đó lực lượng Houthis (do Iran hậu thuẫn) chống lại liên minh các quốc gia Arab do Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dẫn đầu và được Anh và Mỹ hỗ trợ. Cuộc xung đột đã khiến khoảng 112.000 người thiệt mạng và dẫn đến nạn đói lan rộng và dịch bệnh bùng phát, tạo ra điều mà Liên hợp quốc gọi là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Cuộc nội chiến đã diễn ra theo một chiều hướng mới vào năm 2017 sau khi thành lập STC được UAE ủng hộ bất chấp sự phản đối của các đối tác liên minh ở Riyadh. Các cuộc giao tranh giữa chính phủ và STC để kiểm soát miền Nam Yemen nói riêng đã đẩy Aden vào những đợt bạo lực khó lường và những nỗ lực phức tạp của Liên hợp quốc trong tiến trình hòa bình nói chung.
Lực lượng Houthi hiện đang kiểm soát thủ đô Sanaa và toàn bộ miền Bắc Yemen, ngoại trừ tỉnh Marib. Họ đã đụng độ với các lực lượng ủng hộ chính phủ do Saudi Arabia hậu thuẫn và trung thành với Tổng thống Hadi. Kể từ khi thành lập STC vào năm 2017 và sau đó là việc STC đánh chiếm Aden vào năm 2018, liên minh chống Houthi đã bị rạn nứt, với các cuộc đụng độ thường xuyên giữa lực lượng ủng hộ Hadi và lực lượng ly khai miền Nam do Mỹ và UAE hậu thuẫn. Al-Qaeda ở Bán đảo Arab (AQAP) và IS cũng tham gia vào cuộc nội chiến rối ren, thực hiện nhiều cuộc tấn công nhắm vào cả hai phe. Hiện AQAP đang kiểm soát các vùng lãnh thổ ở nội địa và dọc theo các dải bờ biển.
Nội các chia sẻ quyền lực mới của Yemen được công bố vào tháng 12 sau hơn một năm đàm phán do Saudi Arabia làm trung gian. Martin Griffiths, đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Yemen, chúc “nội các có sức mạnh đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn phía trước”. Ông nói: “Hành động bạo lực không thể chấp nhận được này là một lời nhắc nhở bi thảm về tầm quan trọng của việc khẩn cấp đưa Yemen trở lại con đường hướng tới hòa bình”.