Afghanistan một năm sau ngày Mỹ rút quân

Thứ Hai, 10/10/2022, 09:44

Ngày 15/8/2021, Taliban tiến quân thần tốc, nhanh chóng chiếm được Kabul, giành lại chính quyền sau 20 năm và thay đổi màu cờ của Afghanistan. Trong bối cảnh tình hình thay đổi đột ngột, Mỹ vội vàng rút quân, bỏ lại các căn cứ trống rỗng. Thời điểm hỗn loạn tại thủ đô Kabul đã ghi dấu ấn trong lịch sử.

Một năm sau, thế giới lại đang hướng sự quan tâm đến “trái tim châu Á”. Sau một năm lên nắm quyền, chính quyền Taliban 2.0 đã xây dựng lại Afghanistan như thế nào?

An ninh, an toàn hơn nhưng phụ nữ vẫn bị phân biệt

Cảm nhận trực quan nhất của đa số người dân Afghanistan là đất nước an toàn và ổn định hơn. Cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai cho biết: “Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc, ổn định và an toàn hơn khi các trận chiến và xung đột quy mô lớn chấm dứt”. Javed, đến từ tỉnh Helmand ở miền Tây Afghanistan, cũng nói rằng an ninh đã được cải thiện đáng kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền.

Afghanistan một năm sau ngày Mỹ rút quân -0
Một năm Taliban nắm quyền, đất nước Afghanistan có nhiều thay đổi.

Không còn các cuộc giao tranh, nhiều tay súng Taliban cũng buông vũ khí và trở lại trường học. AFP cho biết hàng trăm chiến binh Taliban đã đổi vũ khí lấy sách vở và trở lại trường học. Một số người đăng ký các khóa học tiếng Anh và tin học.

Tuy nhiên, trái ngược với cảm giác an toàn thì đời sống vật chất của nhiều người dân vẫn khó khăn. Javed phàn nàn rằng vật giá đã tăng mạnh và nhiều người ở Afghanistan lo lắng về vấn đề cơm ăn áo mặc. Theo số liệu của Liên hợp quốc, dự tính nền kinh tế Afghanistan suy giảm khoảng 30% đến 40% kể từ khi Taliban tiếp quản chính quyền. Hơn một nửa trong khoảng 38 triệu người Afghanistan vẫn sống dưới mức nghèo khổ và gần 20 triệu người phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.

Cảm nhận của phụ nữ Afghanistan về những thay đổi trong một năm qua còn phức tạp hơn. Fatima, sống ở tỉnh Herat thuộc miền Tây Afghanistan, cho biết tình hình an ninh thực sự đã được cải thiện trong một năm qua nhưng các trường học vẫn không nhận nữ sinh và phụ nữ cũng thiếu các cơ hội việc làm. Từ sau khi Taliban quay trở lại, các bé gái đã bị cấm học ở các trường trung học.

Do Taliban áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với các hoạt động xã hội của phụ nữ, nên số liệu cho thấy mức độ tham gia lao động sản xuất của phụ nữ Afghanistan đã giảm. Trong giai đoạn 1998-2019, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động tăng từ 15% lên 22%. Năm 2021, con số đó lại giảm xuống còn 15%.

Mặc dù còn nhiều bất cập và cả những hà khắc nhưng nhiều người cho rằng việc Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan đã mang lại cho người dân nước này cơ hội nắm giữ vận mệnh của chính mình lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ. Đây là sự khác biệt rõ rệt so với việc bị các cường quốc nước ngoài thống trị trong vài thập kỷ qua ở Afghanistan.

Những thách thức phía trước

Ngày 15/8/2022, trong lễ kỷ niệm ngày chiến thắng, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Amir Khan Mutaki cho biết Afghanistan muốn xây dựng quan hệ tích cực, tốt đẹp với tất cả các nước trên thế giới và cam kết giải quyết những thách thức còn tồn tại ở Afghanistan. Giới phân tích cho rằng mặc dù chính phủ lâm thời của Afghanistan về tổng thể đã đạt được sự ổn định, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề lớn cần giải quyết để đảm bảo sự vận hành bền vững của đất nước.

Về mặt chính trị, chính phủ lâm thời đã nắm quyền được một năm và có lẽ đã có những cân nhắc để tránh rủi ro hoặc thử nghiệm các biện pháp quản trị, nhưng điều này cũng chứng tỏ đội ngũ lãnh đạo vẫn phải đối mặt với những vấn đề mang tính cơ cấu hoặc liên quan đến những bất đồng giữa các phe phái nội bộ nên vẫn đang trong quá trình cân bằng.

Không được cộng đồng quốc tế công nhận có nghĩa là cách thức và phương tiện để Taliban cải thiện nền kinh tế bị hạn chế nghiêm trọng, bao gồm cả việc không thể thu hút đầu tư nước ngoài và nhận viện trợ quốc tế. Nguyên nhân chủ yếu khiến Taliban vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận là vì những cam kết mà chính phủ lâm thời thực hiện chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.

Về an ninh, Taliban cần phải đối phó với mối đe dọa từ các tổ chức cực đoan, lực lượng khủng bố và lực lượng chống đối. Những tổ chức như Nhà nước Hồi giáo Khorasan hay Taliban Pakistan vẫn là những mối đe dọa an ninh tiềm ẩn. Ngoài ra, một số mặt trận kháng chiến vẫn đang hoạt động ở nhiều khu vực và có xu hướng tập hợp lại thành nhóm cũng đang gây áp lực đối với chính quyền Taliban hiện tại.

Hướng tới tương lai

So với lịch sử hàng nghìn năm của đất nước  Afghanistan, một năm có thể được coi là một khoảng thời gian ngắn và những thất bại hay thành công nhất thời cũng chưa thể đánh giá được xu thế phát triển của một đất nước.

Nhìn về tương lai của Afghanistan, các nhà phân tích cho rằng xét đến các yếu tố bất lợi như điều kiện tự nhiên vốn có và nền tảng kinh tế yếu kém, có thể nói trong ngắn hạn Afghanistan khó có thể đảo ngược được tình hình. Trong tương lai, Afghanistan cũng sẽ cần những điều kiện nhất định để tiến tới con đường phát triển hiện đại - bên trong là một tổ chức chính quyền văn minh, thống nhất và đoàn kết, bên ngoài là sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng quốc tế - chứ không phải tình trạng như hiện tại khi một số nước lớn ở phương Tây chủ yếu chỉ lợi dụng và can thiệp vào nội bộ đất nước Afghanistan vì mục đích riêng của mình.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, một năm cầm quyền của Taliban đã chứng minh rằng trong nhiều thập kỷ qua, mặc dù có lúc nổi bật, có lúc bị lấn át, song Afghanistan vẫn đã sản sinh ra một chính quyền hướng tới độc lập, tự chủ, không bị các thế lực bên ngoài kiểm soát và có thể kiểm soát đất nước. Điều này mang tới hy vọng rằng Afghanistan có thể trở lại con đường ổn định và phát triển. Tuy nhiên, từ mong muốn đến hiện thực vẫn còn là một đoạn đường đầy chông gai phía trước. Cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ và dẫn dắt Afghanistan, thay vì thờ ơ và bài xích, vì đó vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi. Có lẽ đã đến lúc phải thay đổi cách nghĩ: Taliban chính là Afghanistan!

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.