Ai đã gây ra sự cố của Nord Stream?
Vào hôm 29-9, hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 ở Biển Bắc đã xuất hiện lỗ rò rỉ thứ tư. Tuy châu Âu, Mỹ và Nga đều cho rằng đây là hành động cố ý “phá hoại” nhưng các bên điều tra vẫn chưa thể xác định được thủ phạm và động cơ. Các chuyên gia quốc tế đưa ra 6 giả thuyết khác nhau giải thích cho những vụ rò rỉ kỳ lạ này.
Từ hôm 26-9, mọi con mắt đổ dồn vào đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 - trọng tâm của nhiều cuộc tranh đấu chính trị từ vài tháng nay. Đường ống đi từ Nga đến Đức bằng cách dẫn xuyên qua lòng Biển Bắc, ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch giữa miền Nam Thụy Điển và Ba Lan. Các đường ống này vốn là con đường cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Vào ngày hôm đó, vùng biển này đã xảy ra nhiều vụ nổ dưới nước, theo sau đó là 3 sự cố rò rỉ bất thường: 2 lỗ ở phía Đan Mạch và 1 ở phía Thụy Điển. Lỗ rò rỉ thứ tư được phát hiện vào hôm 30-9.
Đan Mạch cho biết, vụ rò rỉ đã làm thâm hụt hơn nửa trữ lượng khí đốt đang ngưng đọng trong ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 - vốn đã ngừng hoạt động từ mùa hè.
Các bên liên quan đều đang cố gắng tìm hiểu nguồn gốc của sự cố này.
Trong ngày 29-9, Nga mở cuộc điều tra về “hành động khủng bố quốc tế”. Dù vậy, ai cũng chỉ tay vào nhau: Châu Âu và Mỹ thì đổ cho Nga, còn Nga thì chỉ tay sang Mỹ. Trong khi đó, Phần Lan nghi ngờ có một “đại diện cho chính phủ” đứng đằng sau loạt sự cố này. Để làm rõ tầm nhìn, các chuyên gia đưa ra 6 giả thuyết và động cơ của các tác nhân tiềm năng có liên quan.
Giả thuyết 1: Tai nạn
Giả thuyết này nhanh chóng bị loại trừ. Theo một chuyên gia về địa chính trị và năng lượng giấu tên: “Đây hoàn toàn không thể là tai nạn. Đường ống Nord Stream 2 là một đường ống hoàn toàn mới, còn Nord Stream 1 thì đã 10 năm tuổi nhưng vẫn còn khá mới. Loại thép dùng để xây dựng hai đường ống có độ dày đáng kể, thích nghi tốt với các điều kiện khắc nghiệt của Biển Bắc. Hàng loạt sự cố chỉ trong vài ngày là điều không tưởng. Được biết, người đưa nhận xét đã yêu cầu che giấu danh tính vì “tính nhạy cảm của thông tin”.
Giả thuyết 2: Hành động phá hoại đơn lẻ
Theo nhiều báo cáo tình báo của châu Âu và Nga, rất nhiều bên nghiêng về giả thuyết cố ý phá hoại. Nhưng, liệu đó là một hành động của một cá thể đơn lẻ hay của cả một quốc gia? Trên thực tế, cường độ của vụ nổ cho thấy sự tham gia của hơn một trăm kilogram chất nổ. Viện địa chấn Na Uy NORSAR - chuyên gia phát hiện động đất và các vụ nổ hạt nhân, đã ước tính rằng lần phát nổ thứ hai sử dụng 700 kg thuốc nổ. Do đó, với độ sâu lắp đặt tối thiểu là 70m, hoạt động này đòi hỏi kế hoạch tương đối phức tạp.
Câu hỏi đặt ra, theo chuyên gia địa chính trị, là làm thế nào để phá hoại được các đường ống dẫn khí đốt này và ai đã làm? Nếu đường ống nối Nga với Đức thì cả hai bên đều có thể nhồi chất nổ vào đường ống. Nhưng, làm sao mà một cá thể có thể bảo đảm các chất nổ sẽ được gửi từ Đức và phát nổ giữa lòng Biển Bắc. Trên thực tế, các chuyên gia tỏ thái độ rất ngạc nhiên về giả thuyết thủ phạm là cá thể độc lập. Theo họ, đây là điều không thể xảy ra vì sự cố này thể hiện tính tinh vi cao.
Giả thuyết 3: Nga ra tay?
Chính phủ một nước đã ra tay phá hoại là một giả thuyết phổ biến. Vào hôm 29-9, chính Điện Kremlin cho biết họ cũng nghi ngờ có “bàn tay” của một quốc gia nhưng họ không nêu tên cụ thể. Tuy nhiên, một số chuyên gia về quốc phòng cũng như phương Tây coi Nga là nghi phạm số 1. H.I. Sutton – nhà phân tích hải quân độc lập cho biết: “Hiện nay, hải quân Nga có hạm đội tàu ngầm do thám lớn nhất thế giới. Họ có trụ sở tại Bắc Cực. Như vậy, họ hoàn toàn có thể tấn công một đường ống dẫn dưới Biển Bắc”. Tương tự, theo một chuyên gia địa chính trị giấu tên, sự cố rò rỉ này cho phép Nga tiếp tục “biện minh cho việc cắt khí đốt vận chuyển qua đường ống Nord Stream 1”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng giả thuyết Nga là thủ phạm không mang tính thuyết phục vì những lý do sau: Nord Stream 1 và 2 đã ngừng hoạt động từ mùa hè; “Nga không được lợi từ sự cố rò rỉ”; những vụ nổ này gây “thiệt hại to lớn lên loại tài sản có giá trị đáng kể đối với Nga”. Ngoài ra, sự cố này sẽ khiến Nga càng mất uy tín về phương diện một nhà cung cấp khí đốt. Theo họ, thay vì phá hoại các đường ống dẫn khí đốt, Điện Kremlin chỉ cần cắt đứt hoạt động của bên sản xuất khí đốt - một giải pháp đơn giản và hiệu quả hơn nhiều. Giới chuyên gia nhận định, Nga không cần cho nổ tung đường ống dẫn khí đốt của mình chỉ để trả đũa châu Âu. Vì Nga nắm giữ chìa khóa mở luồng khí đốt qua Nord Stream. Nếu muốn “bỏ đói” châu Âu, Nga chỉ cần khóa đường ống lại.
Giả thuyết 4: Mỹ là thủ phạm?
Từ nhiều năm nay, Washington là một trong những trở ngại khó khăn nhất của đường ống dẫn khí Nord Stream.
Trên thực tế, trước khi nổ ra cuộc chiến Nga-Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã đe dọa sẽ “chấm dứt” Nord Stream nếu Moscow đưa quân đội vào Ukraine. Mặt khác, Nga cũng chất vấn Mỹ về vấn đề nhúng tay vào sự cố Nord Stream. Bà Maria Zakharova - Vụ trưởng Vụ Thông tin và Báo chí Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: “Tổng thống Mỹ có nghĩa vụ trả lời câu hỏi liệu Mỹ đã thực hiện lời đe dọa của mình hay không”.
Do đó, đối với các chuyên gia về địa chính trị và năng lượng, giả thuyết này mang tính khả thi. Họ giải thích: “Khi chúng ta xem xét ai hưởng lợi nhiều nhất từ sự cố này thì chắc chắn không phải Nga, chắc chắn càng không phải châu Âu vì sự cố này chỉ khiến nguồn cung khí đốt của họ càng thêm suy yếu. Vậy, đó là ai? Đó là các nhà sản xuất, cung cấp và xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) như Mỹ, Qatar, Australia, v.v... Chúng ta không thể nói trước được điều gì, nhưng nếu nhìn từ góc độ khách quan, họ chính là những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ sự cố này”.
Mặc dù coi đây là cơ hội lớn để EU chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt của Nga, song Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đồng thời phủ nhận Washington hay các nước thành viên NATO có hành động phá hoại này.
Giả thuyết 5: Chiến dịch bí mật và máy bay không người lái
Từ quan điểm phòng thủ và quân sự, lựa chọn sử dụng máy bay không người lái dưới nước là hợp lý. Thật vậy, giới chuyên gia cho biết: “Một máy bay không người lái có thể gài 100 kilogram thuốc nổ TNT vào một địa điểm cụ thể.
Đây không phải là công nghệ phức tạp, nhất là với địa điểm xảy ra vụ nổ vì Biển Bắc là vùng nước khá nông. Hơn nữa, sử dụng máy bay không người lái sẽ dễ hơn là huy động đặc nhiệm bơi lội vì cần tàu thuyền trên mặt nước để kéo họ lên”. Dù vậy, theo một nguồn tin quân sự của AFP, khu vực này “hoàn toàn phù hợp cho các tàu ngầm hạng trung”.
Do đó, không loại trừ khả năng có một hoạt động hải quân đặc biệt với sự phối hợp và được chuẩn bị. Chuyên gia địa chính trị giải thích như sau: “Không phải quốc gia nào cũng nắm quyền kiểm soát hoàn toàn được các tổ chức bí mật. Vì vậy, chúng ta không thể loại trừ khả năng thật sự có một phe bí ẩn tự phát từ Mỹ, Nga, v.v... Đây là sự việc có tiền lệ, vì vào năm 1985, tình báo Pháp cũng đã tổ chức chiến dịch đánh bom vào tàu Rainbow Warrior của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace).
Giả thuyết 6: Còn Ukraine thì sao?
Liệu Ukraine có thể là thủ phạm gây ra các sự cố rò rỉ, giữa tâm bão cuộc chiến tranh chống lại Nga? Các chuyên gia nhận định, đây cũng là mộtgiả thuyết. Tuy nhiên, Ukraine có rất ít phương tiện hậu cần tại Biển Bắc, nghĩa là lực lượng Ukraine không có mặt vào thời điểm đó. Một chuyên gia cho biết: “Tôi thấy, việc Ukraine nhắm mục tiêu phá hoại một phương tiện hậu cần chuyên cung cấp năng lượng cho đồng minh châu Âu có vẻ vô lý”.
Tuy thừa nhận rằng Liên minh châu Âu là một đồng minh kém quyền lực hơn Mỹ về mặt quân sự và tài chính, ông vẫn cho rằng: “Có lẽ Ukraine không cảm nhận rõ được tác động của một vụ rò rỉ khí đốt đến người tiêu dùng châu Âu chăng?”.
Mặt khác, kể từ khi xảy ra sự cố “phá hoại” Nord Stream 1 và 2, Na Uy – nhà cung cấp khí đốt chính ở châu Âu hiện nay, đã củng cố an ninh xung quanh các cơ sở hạ tầng dầu khí của mình vì lo sợ nguy cơ trở thành mục tiêu tiềm năng tiếp theo. Thể theo yêu cầu của Nga, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để làm rõ tình hình.
Ngày 2-10, bà Nancy Faeser - Bộ trưởng Nội vụ Đức thông báo, chính phủ sẽ thành lập một đội hợp tác điều tra cùng Đan Mạch và Thụy Điển để làm rõ chân tướng sự cố rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2.
Trong cuộc thảo luận giữa 3 vị thủ tướng các nước Đức - Đan Mạch - Thụy Điển, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, trong khuôn khổ pháp luật của EU, Đức sẽ “hỗ trợ hợp tác điều tra” với hai nước trên về các vụ nổ dưới nước - được cho là nguồn gốc của những lỗ rò rỉ trên thành ống dẫn khí đốt. Cơ cấu đội điều tra sẽ bao gồm những người có chuyên môn trong ngành “hải quân, cảnh sát và tình báo”. Bà Nancy Faeser khẳng định: “Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy đây là hành động phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ Đức cho biết, lực lượng an ninh toàn quốc đang giám sát các cơ sở hạ tầng năng lượng của Đức với “mức cảnh giác cực cao”, tuy rằng chưa có nguồn tin hay bằng chứng nào về khả năng tấn công lên khu vực sản xuất năng lượng Đức. Hơn nữa, bà cho biết cảnh sát Đức đang huy động lực lượng, phối hợp cùng các nuóc láng giềng để tuần tra khu vực Biển Bắc và biển Baltic.
Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 đã ngừng hoạt động từ cuối tháng 8-2022. Đây là cơ sở hạ tầng chiến lược để vận chuyển trực tiếp khí đốt của Nga đến Đức. Trong một báo cáo đệ trình lên Liên hợp quốc, Thụy Điển và Đan Mạch đã xem xét “tất cả các thông tin hiện có” và đưa ra nhận định: “Những vụ nổ này là hệ quả của một hành động có chủ ý”. Dù vậy, họ không nêu tên quốc gia nghi vấn.