Ai đứng sau cuộc biểu tình của tài xế xe tải ở Canada?

Thứ Năm, 17/02/2022, 11:35

Cuộc biểu tình phản đối của cánh tài xế xe tải chống lại quy định bắt buộc tiêm vaccine và các quy định khác của chính quyền để kiểm soát dịch COVID-19 đang tiếp diễn phức tạp. Ngày 14-2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã kích hoạt Đạo luật Tình trạng khẩn cấp trong nỗ lực dập tắt cuộc biểu tình.

Những kẻ gây rối

Phong trào biểu tình của các tài xế xe tải, có tên gọi là phong trào “Freedom Convoy 2022” bắt đầu nổ ra từ tháng 1-2022. Ban đầu chỉ vài trăm tài xế xe tải tổ chức các đoàn xe được gọi là “Đoàn xe tải tự do” (Freedom Truck Convoy). “Đoàn xe tải tự do” này di chuyển qua nhiều khu phố thủ đô Ottawa để biểu thị sự bất bình của mình với chính phủ. Có đoàn xe dừng trên đường phố gây cản trở lưu thông để biểu thị sự phản đối của mình đối với quy định bắt buộc tiêm vaccine của chính quyền tỉnh Onterio.

Cuộc biểu tình dần dần gia tăng số lượng tài xế tham gia. Nhiều người biểu tình chốt chặn kín phía trước tòa nhà nghị viện và dinh thủ tướng. Nhiều kẻ quá khích trong các đoàn xe biểu tình đã đập phá nhà cửa của người dân trong khi cảnh sát chỉ biết đứng nhìn, không can thiệp, khiến nhiều người dân thủ đô bức xúc.

Ai đứng sau cuộc biểu tình của tài xế xe tải ở Canada? -0
Đoàn xe Freedom Convoy ở thành phố Toronto.

Ngày 6-2, Thị trưởng thành phố Ottawa Jim Watson đã tuyên bố áp dụng tình trạng khẩn cấp tại thành phố này để đối phó tình trạng rối loạn an ninh, ách tắc giao thông sau khi hàng ngàn tài xế xe tải từ các nơi khác tiếp tục đổ về Ottawa để ủng hộ các tài xế tại chỗ và tham gia biểu tình, làm tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, biện pháp này xem ra chưa đủ để giải quyết dứt điểm tình trạng mất an ninh trật tự do cuộc biểu tình của các tài xế xe tải. Sau một tuần áp dụng tình trạng khẩn cấp tại Ottawa, các đoàn xe biểu tình bắt đầu lan ra nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Các tài xế biểu tình đã tập trung tại cầu Đại sứ (Ambassador Bridge) - cây cầu huyết mạch nối thành phố Windsor thuộc tỉnh Ontario của Canada với thành phố Detroit - kinh đô ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Mỹ.

Ngày 13-2, sau nhiều ngày “chỉ khoanh tay đứng nhìn”, Chính phủ Canada ra lệnh cho cảnh sát bắt đầu can thiệp để giải tán các đoàn xe tải tập trung tại cầu Đại sứ. Tạm thời an ninh trật tự trên cầu Đại sứ được giải quyết, cây cầu được lưu thông bình thường trở lại nhưng các tuyến đường nối vào cầu vẫn bị tắc nghẽn do các tài xế không chịu giải tán.

Lãnh đạo chính quyền tỉnh Ontario và Liên bang Canada đã bày tỏ sự bất bình đối với cuộc biểu tình của các tài xế xe tải, trong khi Thủ tướng Trudeau cho rằng những tài xế tham gia biểu tình thuộc thành phần quá khích và kêu gọi điều tra.

Ngày 14-2, Thủ tướng Trudeau bắt đầu kích hoạt Đạo luật Tình trạng khẩn cấp. Theo đó, chính quyền liên bang sẽ được trao quyền hạn rộng lớn hơn để mạnh tay xử lý các trường hợp quá khích tham gia biểu tình, gây rối. Đồng thời, chính quyền tỉnh Ontario cũng như nhiều tỉnh đã bắt đầu nới lỏng hoặc thu hồi các biện pháp, quy định kiểm soát dịch bệnh nhằm đáp ứng đòi hỏi của người dân. Đây được xem là một bước lùi đáng ngại của chính quyền địa phương Canada trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Nguy cơ “quốc tế hóa”

Cuộc biểu tình phản đối của các tài xế xe tải tưởng chừng là chuyện nội bộ của Canada nhưng đã nhanh chóng được “quốc tế hóa”. Các cuộc biểu tình có động cơ tương tự như ở Canada cũng đã diễn ra cùng thời điểm tại một số nước khác trên thế giới, như Pháp, Hà Lan, New Zealand. Bộ An ninh nội địa Mỹ đã phát cảnh báo các đoàn xe tải tương tự như ở Canada có lẽ cũng đang chuẩn bị hoạt động tại Mỹ.

Việc người dân biểu tình phản đối các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 không phải là mới ở các quốc gia phương Tây nhưng biểu tình quá khích, gây ra khủng hoảng về an ninh, trật tự xã hội kéo dài là điều đáng quan tâm. Chính phủ Canada đã đặt vấn đề có ảnh hưởng hoặc sự can thiệp nhất định từ nước ngoài, cụ thể là từ nước láng giềng Mỹ. Thành phần cực đoan tham gia các đoàn xe biểu tình không phải là ít, lên đến con số hàng ngàn. Có những người xịt sơn dòng chữ “Freedom Mandates” và “Trump 2024” lên thành xe của mình để thể hiện quan điểm ủng hộ chủ nghĩa dân tộc cực đoan và ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quan trọng hơn, các đoàn xe biểu tình Canada nhận được sự ủng hộ nhất định của một số chính khách thuộc đảng Cộng hòa Mỹ. Tổng Chưởng lý bang Texas Ken Paxon đã viết trên Twitter quan điểm ủng hộ người biểu tình. Thượng nghị sĩ Ted Cruz thì tuyên bố trên kênh truyền hình Fox News quan điểm chống lại việc chính quyền áp dụng các biện pháp phòng chống dịch ảnh hưởng đến quyền tự do của người dân.

Đáng quan tâm hơn cả là việc một số tổ chức vận động gây quỹ xã hội ở Mỹ đã quyên góp tài chính từ các thành viên ở Mỹ và Canada để ủng hộ người biểu tình ở Canada. Hai trang web gây quỹ đình đám ở Mỹ là GoFundMe và GiveSendGo đã quyên góp hàng triệu USD từ hàng ngàn thành viên ở Mỹ. Các trang web này lập hẳn những chuyên trang gây quỹ để vận động ủng hộ người biểu tình. Việc làm này đã bị chính quyền Canada lên án, cho rằng đây là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nước này.

Ngay lập tức, giới chính khách ở cả Mỹ và Canada đồng loạt lên tiếng yêu cầu điều tra hành động gây quỹ ủng hộ người biểu tình Canada của hai trang web nêu trên. Trước mắt, GoFundMe đã gỡ bỏ chuyên trang vận động gây quỹ và hoàn trả tiền đã quyên góp của các thành viên, đồng thời rút lại tuyên bố ủng hộ người biểu tình nhằm tránh những rắc rối vì can thiệp vào nội bộ của quốc gia khác.

An Châu (Tổng hợp)
.
.