Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong địa chiến lược nước lớn
Cấu trúc chính trị là một hiện tượng của thực tiễn chính trị thế giới. Một trong những cấu trúc địa chính trị phức tạp, mâu thuẫn và gây tranh cãi nhất là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Gần đây, thuật ngữ này càng trở nên thông dụng khi được nhiều chính trị gia cùng các nhà khoa học sử dụng và trở thành chủ đề trong nhiều cuộc tranh luận chính trị.
Trái ngược với những tuyên bố thường thấy, khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không phải là sáng kiến của Mỹ. Hóa ra thuật ngữ này đã có từ hơn 1,5 thế kỷ trước. Vì vậy, vào giữa thế kỷ 19, nhà bác học người Anh J. Logan đã đề xuất gọi quần đảo Malaysia là quần đảo Ấn Độ - Thái Bình Dương. Còn nhà khoa học, chuyên gia địa chính trị nổi tiếng người Đức Karl Haushofer đã đưa ra ý nghĩa địa chính trị cho thuật ngữ này.
Trong số các quốc gia đã đưa ra khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào lý luận chính trị của mình, có 2 quan điểm khác nhau cơ bản: Nếu Mỹ coi đó là một khuôn khổ địa lý cho hình thức an ninh của riêng mình, phục vụ cho chiến lược kiềm chế Trung Quốc, thì Ấn Độ coi đây là một khuôn khổ nền văn minh, cho phép họ khẳng định vai trò quan trọng của mình ở Tây Thái Bình Dương. Theo đó, quan điểm của các quốc gia này đối với vai trò của các bên tham gia khác cũng khác nhau. Nếu đối với Mỹ, Trung Quốc là đối thủ tranh đoạt quyền bá chủ thì đối với Ấn Độ, Trung Quốc là nước láng giềng cần phải phân chia phạm vi ảnh hưởng, đồng thời đảm bảo lợi ích của chính mình càng nhiều càng tốt.
Và hơn cả, điểm hội tụ quan trọng trong các phương pháp tiếp cận của các quốc gia liên quan trong việc này là vấn đề an ninh. Ấn Độ lo ngại về tranh chấp biên giới với Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền với một trong số các bang của họ - Arunachal Pradesh, được Bắc Kinh gọi là Nam Tây Tạng và coi là lãnh thổ của Trung Quốc bị thực dân Anh chiếm giữ trái phép trước đây - cũng như với một số vùng lãnh thổ biên giới.
Trong khi đó, New Delhi cho rằng Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép một phần lãnh thổ của Ấn Độ ở Aksai Chin. Nhật Bản cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Australia lo ngại trước sự bánh trướng về kinh tế và tương lai là chính trị - quân sự của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương. Về phần mình, Mỹ đang cố gắng duy trì vị thế bá chủ của mình, mà theo Washington là đang bị Trung Quốc tranh giành.
Mặt khác, lại cũng không thể đánh đồng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với nhóm Bộ Tứ (bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ). Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là điều kiện cần thiết cho hoạt động của Bộ Tứ, vạch ra khuôn khổ địa lý cho hoạt động của nhóm này tồn tại. Nhưng, Bộ Tứ lại không phải là điều kiện cho sự tồn tại của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Là một cấu trúc, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể được giải thích theo các cách khác nhau và có thể bao hàm nhiều tổ chức không chính thức tương tự.
Ở một mức độ nhất định, "trục" Pakistan - Trung Quốc cũng là một cấu trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có thể nhận thấy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Bộ Tứ đều có lợi cho Mỹ, cho phép Mỹ áp đặt tầm nhìn về khu vực này đối với các quốc gia quan tâm đến các dự án hội nhập khu vực lớn và lôi kéo họ tham gia các sáng kiến chống lại Trung Quốc.
Không giống như ở Bắc Cực, Nga không có lợi ích chính trị và kinh tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như các nước. Do vậy, phản ứng của Nga có thể dự đoán được và điều này cho phép các quốc gia khác lợi dụng điểm yếu này của Nga vì các mục đích khác nhau.
Việc không có lợi ích ở đây khiến Nga có thể hoạt động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tích cực nhất có thể, tăng cường sự hiện diện của mình trong một khu vực quan trọng về mặt chiến thuật và chiến lược đối với nước này và nếu cần thiết, họ có thể rời bỏ khu vực này như cách họ đến. Điều này rõ ràng là có liên quan tới việc triển khai sức mạnh biển ở Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương cũng như việc mở rộng các cơ quan đại diện ngoại giao của người Nga.
Cuối cùng, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cùng với Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương là bộ phận cấu thành của tổ hợp Đại Á - Âu thống nhất, đại diện cho vùng biển bờ phía Nam và phía Đông của lục địa Á - Âu. Trong lịch sử tuyến đường biển đi qua eo biển Malacca và Ấn Độ Dương đã bổ sung cho Con đường tơ lụa Á - Âu. Đồng thời, đặc trưng của lục địa Âu - Á không chỉ là một tuyến đường, mà là một cấu trúc mạng lưới các tuyến đường thương mại không chỉ trải rộng qua nhiều vĩ tuyến mà còn trải qua nhiều kinh tuyến.
Như vậy, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một phần của hệ thống kinh tế - văn hóa toàn cầu của Cựu thế giới, nơi sinh ra tất cả các nền văn minh tại thời điểm hiện tại. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Đại Á - Âu không phải là những khái niệm đối lập nhau mà là những khái niệm bổ trợ nhau và đóng vai trò rành mạch trong từng chiến lược địa chính trị khác nhau của từng nước lớn, tùy theo mối quan tâm của họ.