An ninh, an toàn phát triển hoạt động thương mại điện tử

Thứ Tư, 22/01/2025, 09:36

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có phát biểu chỉ đạo được dư luận đặc biệt chú ý tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, tổ chức sáng 15/1, tại Hà Nội. Theo đó, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí Thư Tô Lâm ghi nhận, chúc mừng và biểu dương cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam về những nỗ lực không ngừng và những thành tựu đã đạt được. 

Tuy nhiên, Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng, với tất cả sự thẳng thắn, cầu thị và lắng nghe, chúng ta thấy vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số quốc gia. 

“Tôi được báo cáo là Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử. Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa?... Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là "ngộ nhận", là "tự huyễn hoặc", là "tự ru mình" không” - Tổng Bí thư bày tỏ.

An ninh, an toàn phát triển hoạt động thương mại điện tử  -0
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, ngày 15/1/2025.

Công nghệ số có nội hàm rất rộng. Nhân thời sự về những phát biểu tâm huyết và sâu sắc của Tổng Bí Thư, nhiều người liên tưởng đến lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) - một trong những vấn đề rất “nóng” vừa qua được nhiều đại biểu Quốc hội bàn thảo trên diễn đàn nghị trường.
TMĐT là một lĩnh vực trong quá trình chuyển đổi số, là hoạt động kinh doanh sản phẩm hay dịch vụ diễn ra trên sàn giao dịch trực tuyến. Tại đó, các công ty TMĐT có nhiệm vụ tạo ra sản phẩm, dịch vụ hoặc đơn giản chỉ cần xây dựng shop và phần mềm. Các công ty khác sẽ giúp sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và phân phối sản phẩm của họ tới khách hàng. Đây được coi là quá trình áp dụng công nghệ mới để thay đổi mô hình kinh doanh từ doanh nghiệp truyền thống (có mặt bằng, có cửa hàng nhà đất) sang doanh nghiệp số (giao dịch trực tuyến). 

TMĐT có thể nói là lĩnh vực mới mẻ ở nước ta, nhưng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và người dân. Những năm từ 2001 đến 2010 là thập kỷ hình thành TMĐT ở nước ta và hạ tầng cơ bản cho các ứng dụng TMĐT đã cơ bản được hoàn thiện nhanh chóng. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ đã tận dụng ưu điểm của TMĐT để phát triển các kênh bán hàng trực tuyến, tiên phong là các hãng hàng không, công ty du lịch, khách sạn...

Theo báo cáo của Bộ Công thương về TMĐT năm 2013 thì 42% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã xây dựng website, trong đó 89% có chức năng giới thiệu sản phẩm và 38% có chức năng đặt hàng trực tuyến với giá trị mua hàng trực tuyến của một người ước đạt khoảng 120 USD/năm, chủ yếu là các mặt hàng như thời trang, mĩ phẩm, đồ công nghệ và điện tử, đồ gia dụng vé máy bay...
Chỉ 10 năm sau, tức năm 2023, Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội TMĐT Việt Nam ước tính tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam đã đạt 25 tỉ USD, trong đó quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỉ USD. Trên các sàn TMĐT, nông sản có khoảng 5,2 triệu hộ nông dân mở cửa hàng... 

Thông tin tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề ''Phát triển TMĐT - Cơ hội, động lực và thách thức'', do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ngày 14/8/2024, cũng cho biết tính đến hết năm 2023, lĩnh vực TMĐT đã đóng góp khoảng 15-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia, đã đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực. Bộ Công thương cũng cho biết năm 2024, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam vượt mốc 25 tỉ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023.

Theo dự đoán của Google, Temasek và Bain & Company, TMĐT của Việt Nam tới năm 2025 có thể sẽ đạt quy mô thị trường khoảng 29 tỉ USD, tăng trưởng 34%, mức cao nhất trong khu vực. Như vậy, sự phát triển nhanh chóng của TMĐT Việt Nam trong thời gian qua là một thực tiễn sinh động và không thể phủ nhận, thực tế đã đóng góp lớn vào phát triển kinh tế. 

An ninh, an toàn phát triển hoạt động thương mại điện tử  -0
Công an TP Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện 20 tấn mĩ phẩm, kem đánh răng đã hết hạn sử dụng, có dấu hiệu tẩy, in, dập hạn sử dụng mới.

Dạo cuối năm 2024, thông tin về hoạt động rầm rộ của sàn TMĐT xuyên biên giới Temu đã “nóng” cả trên diễn đàn kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, khi đề cập đến lĩnh vực an ninh TMĐT. Nhiều đại biểu Quốc hội đặt thẳng câu hỏi vì sao Temu chưa đăng ký vẫn được hoạt động. Trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý không ngăn chặn ngay mà chỉ khuyến cáo người dùng về rủi ro, không nên mua hàng trên các sàn TMĐT chưa đăng ký như trường hợp này. 

Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) - cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước về lĩnh vực TMĐT sau đó đã lý giải theo Điều 67a của Nghị định 85 về TMĐT, không phải tất cả các sàn TMĐT xuyên biên giới đều thuộc phạm vi điều chỉnh, mà chỉ những thương nhân, tổ chức có website đáp ứng các điều kiện nhất định, chẳng hạn như: có tên miền Việt Nam; hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm. 
Đó là lý do các sàn TMĐT xuyên biên giới có thể hoạt động mà không cần đăng ký, nếu họ chưa đáp ứng các tiêu chí trên, tuy nhiên vẫn công khai cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng theo quy định của nước sở tại và pháp luật quốc tế liên quan.

Sau đó, Bộ Công thương cho biết cần có thời gian để làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng này để họ hiểu rõ hơn về các trách nhiệm pháp lý của họ tại Việt Nam, đồng thời làm rõ các kế hoạch tuân thủ quy định trong tương lai. 

Theo đó, các nền tảng cần khẩn trương nộp hồ sơ ngay khi bắt đầu cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam hoặc ngay khi đáp ứng các điều kiện xác định là đang hoạt động tại Việt Nam. Nếu quá thời hạn mà vẫn chưa hoàn tất hồ sơ, Bộ Công thương có thể áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt bằng cách phối hợp Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, chặn truy cập từ Việt Nam đối với các nền tảng này, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia.

Tuy nhiên, sau câu chuyện mang tên Temu, nhiều chuyên gia về TMĐT lẫn cơ quan chức năng đã đồng loạt chỉ ra rằng hoạt động TMĐT ở nước ta không chỉ đang có “lỗ hổng” về chuyện quản lý, cấp phép hoạt động, mà còn phát sinh nhiều vấn đề không kém rắc rối khác nữa, đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ... Cùng đó là những chồng lấn pháp lý khiến lĩnh vực này đang trở nên khó kiểm soát và chưa đem lại hiệu quả như mong đợi.

Lực lượng quản lý thị trường của Hà Nội phối hợp Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) sau rất nhiều thời gian theo dõi hàng hóa đăng bán trên các nền tảng TMĐT (TikTok Shop), giữa năm 2024 đã phát hiện tại địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế (số 4, Kho Lăng, quốc lộ 2, thôn Đoài, xã Phù Lỗ, Sóc Sơn) có khoảng 3.000 chiếc máy tính bảng, điện thoại di động các loại và thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo, mĩ phẩm... do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ. 

Sau vụ này, trả lời báo chí, ông Dương Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng công khai trên nền tảng TMĐT ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng và đang có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ. Việc giám sát, thẩm tra, xác minh của lực lượng quản lý thị trường cũng gặp nhiều trở ngại khi các đối tượng thay đổi phương thức kinh doanh từ cửa hàng truyền thống chuyển sang bán hàng trên môi trường TMĐT.

Theo ông Dương Mạnh Hùng, trên các trang TMĐT, tài khoản trên sàn TMĐT thường sử dụng các hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hiệu giá rẻ. Sau khi người tiêu dùng đồng ý mua thì tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt (chuyển khoản, sử dụng thanh toán QR) hoặc dịch vụ giao nhận, vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách hàng nhưng thực tế hàng hóa bán là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng.

Các đối tượng cũng thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm. 

An ninh, an toàn phát triển hoạt động thương mại điện tử  -0
Đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số.

Khó khăn rất lớn trong việc phát hiện và xử lý tình trạng này, được ông Hùng nói rõ thêm là các giao dịch, thanh toán đều “ảo”, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Chưa kể, việc xử lý càng khó khăn khi hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể. Trên các trang web bán hàng hoặc qua mạng xã hội thường không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có điện thoại để giao dịch. Khi có khách hỏi mua hàng thì sẽ hỏi địa chỉ để giao nhận hàng hóa, thanh toán tại nhà.

Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định ngay rằng những thực tiễn về hoạt động TMĐT cũng như khó khăn của cơ quan chức năng mà ông Dương Mạnh Hùng nêu ra không phải là vấn đề riêng của Hà Nội, mà là đối với tất cả các địa phương trong cả nước. Điều này rất cần lưu ý khi đề cập đến việc quản lý hoạt động TMĐT ở tầm vĩ mô. 

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ đã quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024) đã bổ sung nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch TMĐT và trên không gian mạng. Cụ thể, luật mới đã bổ sung một chương về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, trong đó có các quy định riêng về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng và các chủ thể có liên quan nói trên.

Cuối tháng 11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện nêu rõ Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho các sàn TMĐT. Mục tiêu là bảo đảm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều được xác thực danh tính khi tham gia cung cấp, trao đổi hàng hóa trên các sàn TMĐT, tránh thất thu thuế và các hành vi gian lận khác.

Theo Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về TMĐT để định danh người bán trên sàn thông qua VneID.

Những thông tin nói trên đang cho doanh nghiệp và người dân niềm tin trong  quản lý hoạt động TMĐT, để TMĐT thực sự trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển kinh tế.

Mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp

“Qua các báo cáo và đánh giá, tôi rất vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ số của Việt Nam thời gian qua. Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỉ USD vào năm 2024, tăng 35,7% so với năm 2019, minh chứng cho sự tăng trưởng bền vững của ngành và khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ số trong nền kinh tế quốc gia.

 Sự phát triển này không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0”.

(Trích lời của Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp
công nghệ số Việt Nam lần thứ VI)

Lương Duy Cường
.
.