An ninh quốc gia và chiến tranh thông tin mới
Hầu như tất cả các quốc gia trong thế kỷ 21 này đang phải đối phó với sự biến động kép của tình trạng phân mảnh trong trật tự quốc tế và không gian thông tin. Giữa những can thiệp của nước ngoài và “những phần tử khủng bố trong nước”, làm thế nào để các quốc gia có thể ưu tiên giải quyết các mối đe dọa đa chiều này?
Những thách thức thông tin của thời đại kỹ thuật số vừa có tính toàn cầu hóa, vừa có tính mục tiêu. Chúng trùng khớp với những vấn đề địa chính trị và được đánh dấu bằng những câu chuyện đối kháng phản ánh sự khao khát ngày càng rõ rệt đối với các quốc gia Nam bán cầu. Chúng cũng trùng lặp với những vấn đề xã hội thường gây chia rẽ, cho dù là vấn đề về bầu cử, y tế công cộng hay liên quan đến biến đổi khí hậu. Các vấn đề này là đặc trưng của sự phân cực dư luận ngày càng tăng, được cấu trúc bởi các hình thức chủ nghĩa cộng đồng khác nhau, cho dù là sắc tộc, tôn giáo, giới tính...
Trong bối cảnh này, các nền dân chủ đa nguyên, vốn khuyến khích quyền tự do đi lại và tự do tư tưởng của con người, coi quyền tự do ngôn luận như một nguyên tắc nền tảng của mô hình chính trị, lại đặc biệt dễ bị tổn thương, bởi chính điều đó lẽ ra có thể tạo thuận lợi cho sức hấp dẫn của các nền dân chủ phương Tây trong vấn đề ý thức hệ trước đây. Trong bối cảnh không gian thông tin toàn cầu bị chia cắt này, các công cụ, các tác nhân và các cuộc đấu tranh ngày càng bất cân xứng, các chiến lược ứng phó và cầm cự đang trở nên không đồng bộ.
Trong không gian kỹ thuật số toàn cầu hóa, các mối đe dọa này nói chung vừa riêng biệt, lại vừa kết nối với nhau. Chúng hoạt động như các hệ sinh thái có khả năng giao tiếp lẫn nhau. Khái niệm “hệ sinh thái tuyên truyền”, đặc biệt được Trung tâm gắn kết toàn cầu (GEC) của Bộ Ngoại giao Mỹ vận dụng, đề cập đến một tập hợp phức tạp các nguồn lực và cơ chế được sử dụng để truyền bá thông tin một cách có hệ thống và thường có chủ ý các thông tin, các hệ tư tưởng hoặc các câu chuyện cụ thể nhằm mục đích tác động ảnh hưởng đến dư luận, thao túng nhận thức của công chúng hoặc phục vụ lợi ích cụ thể. Các hệ sinh thái này bao gồm nhiều chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước, các nền tảng, cơ quan truyền thông, các tổ chức và cá nhân hợp tác hoặc hành động theo cách phối hợp để phát tán những thông điệp tuyên truyền. Chúng có thể bao gồm các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát, các nhóm chính trị, những kẻ “đùa cợt” trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông thay thế, các chiến dịch thông tin sai lệch trực tuyến, các chiến dịch vận động hành lang...
Hệ sinh thái tuyên truyền của thời đại kỹ thuật số thường khai thác các kỹ thuật thuyết phục, thao túng tâm lý, bóp méo thông tin, phổ biến có chọn lọc thông tin và những diễn ngôn có định hướng để tác động đến nhận thức, niềm tin và hành vi của các cá nhân. Chúng có thể được sử dụng cho các mục đích chính trị, kinh tế, quân sự hoặc các mục đích khác. Việc truyền bá thông tin sai lệch và tạo ra bầu không khí rối ren là một phần không thể thiếu trong những nỗ lực tuyên truyền này nhằm đạt được mục tiêu cụ thể. Để giám sát và hiểu rõ các hệ sinh thái tuyên truyền, chống lại thông tin sai lệch và thúc đẩy tính minh bạch trong không gian công cộng, sẽ phải thực hiện các chiến lược ứng phó ở những quy mô khác nhau: quốc gia, châu lục, quốc tế, dân sự hoặc quân sự. Các cuộc tấn công thông tin mà đặc trưng là tốc độ khuếch đại ngày càng trở nên tinh vi theo sự phát triển của công nghệ được coi là đột phá, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI).
Các quốc gia đã phản ứng trước các mối đe dọa thao túng thông tin bằng cách cố gắng xóa bỏ sự ngăn cách giữa các cơ quan chuyên trách của họ và có một cách tiếp cận tổng thể hơn. Họ đã thành lập các ủy ban hoặc mạng lưới để phối hợp những nỗ lực trong các lĩnh vực quốc phòng, ngoại giao, văn hóa, giáo dục và tư pháp. Một số quốc gia đã phân bổ ngân sách đặc thù và thành lập các nhóm được đào tạo để chống thao túng thông tin.
Để làm sáng tỏ các trường hợp có dấu hiệu can thiệp, các nước đã tiến hành điều tra công khai, từ đó nâng cao nhận thức của người dân. Nhiều quốc gia đã thông qua đạo luật chống thao túng thông tin. Năm 2018, Đức đã thông qua một đạo luật bắt buộc các nền tảng kỹ thuật số phải nhanh chóng xóa các thông tin “rõ ràng bất hợp pháp”. Cũng trong năm 2018, Pháp thông qua đạo luật chống việc thao túng thông tin trong giai đoạn bầu cử. Các quốc gia khác cũng đã xem xét những dự luật tương tự.
Các quốc gia cũng thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về các mối nguy hiểm của việc thao túng thông tin. Điều này bao gồm việc đào tạo công chức và các đảng chính trị, lập ra các trang web chuyên dụng, phân phát tài liệu giới thiệu, lồng ghép giáo dục vào các phương tiện truyền thông trong các chương trình học đường, hỗ trợ tài chính và nghiên cứu, thiết lập cơ chế cho phép công chúng phản ánh những thông tin sai sự thật.
Liên quan đến quy định đối với truyền thông, một số quốc gia đã phải minh bạch hóa các mối quan hệ tài chính của truyền thông với nước ngoài. Ví dụ, Mỹ có một đạo luật từ những năm 1930 bắt buộc các thực thể được nước ngoài tài trợ phải làm như vậy. Ngược lại, các quốc gia khác đã chọn cách cấm một số cơ quan truyền thông hoặc tăng cường quyền lực của các cơ quan quản lý truyền thông.
Những mức độ phản ứng khác nhau về pháp lý, chính trị hoặc văn hóa đối với các mối đe dọa thông tin mới và mức độ ứng phó đã cho thấy những khả năng chống chọi không đồng đều. Đặc biệt, một số quốc gia dân chủ đã phát triển bộ máy bảo vệ thông tin của họ bằng cách khuyến khích quân sự hóa các biện pháp đối phó và có quan điểm chủ động tấn công trong lĩnh vực tác chiến thông tin hoặc chiến tranh thông tin.