Anh: Cơ hội cho Công đảng

Thứ Bảy, 29/06/2024, 08:08

Cuộc bầu cử ngày 4/7 ở Anh đang đến gần. Trong khi Công đảng được dư luận đánh giá có nhiều cơ hội giành lại quyền lực sau 14 năm, đảng Bảo thủ lại đang vướng bê bối với loạt quan chức bị điều tra về “cá độ ngày bầu cử”.

Vụ bê bối “cá độ ngày bầu cử”

Tờ Sunday Times hôm 27/6 đưa tin Ủy ban Cờ bạc đã thông báo cho Nick Mason, Giám đốc dữ liệu của đảng Bảo thủ, rằng ông ta là đối tượng của một cuộc điều tra về việc đặt cược vào thời điểm bầu cử. Đảng Bảo thủ xác nhận rằng ông Mason đã xin nghỉ phép. Ông này bị cáo buộc đã đặt hàng chục “kèo” cá cược trong một khoảng thời gian không xác định trước khi ông Sunak tuyên bố dự định tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 4/7. Theo tờ Sunday Times, mỗi lần đặt cược của ông Mason có giá trị dưới 100 bảng Anh, nhưng tổng số tiền thắng cược sẽ lên tới hàng nghìn bảng Anh. Sử dụng thông tin bí mật để đạt được lợi thế không công bằng khi cá cược có thể cấu thành tội hình sự.

Anh: Cơ hội cho Công đảng -0
Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer.

Ông Mason là quan chức mới nhất của đảng Bảo thủ bị điều tra vì liên quan đến vụ bê bối “cá độ ngày bầu cử”. Cuộc điều tra đã dẫn đến việc ít nhất 2 quan chức của đảng phải “nghỉ phép đột xuất” khi bị điều tra. Michael Gove, Bộ trưởng Nhà ở và Cộng đồng sắp mãn nhiệm, đã ví cuộc điều tra này với vụ bê bối Partygate từng khiến cựu Thủ tướng Boris Johnson phải từ chức.

Báo The Guardian tiết lộ vào tuần trước rằng các vụ cá cược do Craig Williams, trợ lý quốc hội thân cận nhất của Thủ tướng Rishi Sunak, là đối tượng điều tra của Ủy ban Cờ bạc vì cá cược rằng cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 7, 3 ngày trước khi ông Sunak thông báo tổ chức bầu cử sớm.

Cơ quan giám sát cũng đang kiểm tra các vụ cá cược được cho là do ông Tony Lee, Giám đốc chiến dịch của đảng Bảo thủ tổ chức. Ông Lee và vợ - bà Laura Saunders, ứng cử viên đảng Bảo thủ ở Bristol North West, hiện cũng đang “nghỉ phép đột xuất”. Một trong những sĩ quan cảnh sát bảo vệ của Thủ tướng Sunak cũng đã bị bắt vì nghi ngờ có hành vi sai trái trong cơ quan công quyền với cáo buộc tham gia cá cược.

Thủ tướng Sunak cho biết ông “vô cùng tức giận” về các cáo buộc cá cược và nói thêm: “Nếu bất kỳ ai bị phát hiện vi phạm các quy tắc, họ không chỉ phải đối mặt với hậu quả pháp lý mà tôi sẽ đảm bảo rằng họ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”.

Nhưng, bản thân Thủ tướng Sunak đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì không có hành động cứng rắn hơn đối với những người bị điều tra. Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer cho biết bất kỳ ai bị cáo buộc có hành vi tương tự trong cấp bậc của ông sẽ phải “ra đi”.

Ông Sunak phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về vụ bê bối cá cược đang nhấn chìm Westminster. Giới chức cấp cao của đảng Bảo thủ kêu gọi đình chỉ các ứng cử viên và quan chức trong khi chờ kết quả điều tra. Và, điều này đang khiến đảng Bảo thủ “thất thế” trước Công đảng ngay trước thềm cuộc bầu cử.

Anh: Cơ hội cho Công đảng -0
Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Cơ hội cho Công đảng?

Sự vấp ngã của đảng Bảo thủ tạo cơ hội cho Công đảng vùng lên để giành lại thế cầm quyền sau 14 năm. Có thể nói, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer chưa bao giờ đứng trước cơ hội tốt như hiện nay để “làm nên lịch sử”. Các thăm dò dư luận cho thấy Công đảng dẫn trước đảng Bảo thủ về mọi chỉ số. Kể từ thời ông Tony Blair, đây là thời điểm mà giới quan sát chú ý mạnh nhất vào sự khôi phục vai trò dẫn dắt của Công đảng. Người ta dự đoán ông Keir Starmer rất có thể sẽ trở thành Thủ tướng Anh vào ngày 18/7 tới.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu Công đảng sẽ đưa nước Anh quay trở lại với Liên minh châu Âu hay không? Câu trả lời là “Không”. Theo Bộ trưởng “bóng tối” về thương mại Jonathan Reynolds, Công đảng muốn có sự ổn định trong mối quan hệ của Anh với châu Âu hơn là cố gắng tìm kiếm tăng trưởng kinh tế nhanh chóng bằng cách tái gia nhập thị trường chung hoặc liên minh hải quan của EU. Phát biểu tại Hội nghị Phòng Thương mại Anh (BCC) hôm 27/6, ông Reynolds thừa nhận rằng Brexit “rất khó khăn đối với các doanh nghiệp” vì nó đã dựng lên các rào cản thương mại, nhưng cho biết việc quay mở lại sẽ càng khiến tình hình tồi tệ hơn. Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến ngày bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử, ông Reynolds nhấn mạnh sự ổn định về chính sách và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nhà kinh tế cho biết hy vọng phát triển nền kinh tế của Công đảng có thể gặp khó khăn nếu không cải thiện khả năng tiếp cận thương mại của EU. Nhưng, ông Reynolds lập luận rằng việc quay trở lại cuộc tranh luận sôi nổi về Brexit sẽ có hại về mặt kinh tế vì các doanh nghiệp sẽ hạn chế đầu tư hơn nữa.

Một trong các thách thức đối với ông Starmer là việc xây dựng lại các mối liên kết và tình bạn đã tan vỡ do việc nước Anh rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Các vấn đề thống trị phần lớn nền chính trị Anh trong gần một thập kỷ - việc Anh rời khỏi EU, giải quyết các vấn đề và cách khắc phục thiệt hại sau đó gần như không xuất hiện trong chiến dịch tranh cử hiện tại.

Thực tế là Brexit đã chia rẽ cả các đảng chính và những người ủng hộ họ. Người Anh cũng không gặt hái được lợi ích từ chiến dịch rời bỏ đã hứa hẹn cho nền kinh tế và kiểm soát nhập cư. Từ đó các nhà lãnh đạo của các đảng chính ở Anh đã cho rằng về mặt tranh cử, nhắc lại một chủ đề gây chia rẽ như thế sẽ là sai lầm.

Nhà lãnh đạo Công đảng Starmer khẳng định ông sẽ không tìm cách tái gia nhập thị trường chung hoặc liên minh hải quan của EU. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng ông sẽ gặp khó khăn để tối đa hóa tăng trưởng - ưu tiên số 1 của ông - và phục hồi xuất khẩu của Anh nếu không tiếp cận tốt hơn với thị trường châu Âu. Việc triển khai chính sách đối ngoại tế nhị nhưng quan trọng nhất này như thế nào sẽ là một thách thức lớn đối với “Thủ tướng Starmer”.

An Châu (Tổng hợp)
.
.