Anh - EU tái định hình hợp tác chiến lược hậu Brexit
Sau nhiều năm rạn nứt bởi Brexit, mối quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang cho thấy những tín hiệu “tan băng” đầy triển vọng. Giữa bối cảnh chiến sự tại Ukraine tiếp tục căng thẳng và cấu trúc an ninh châu Âu đối mặt với nhiều thách thức, Vương quốc Anh đang chủ trì cuộc họp cấp cao với các Ngoại trưởng EU, mở đường cho một thỏa thuận quốc phòng - an ninh lịch sử.
Dự kiến được công bố trong Hội nghị Thượng đỉnh ngày 19/5, thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ định hình lại vai trò của Anh trong hệ thống an ninh châu Âu hậu Brexit.
Mở đường cho bước ngoặt chiến lược
Kể từ khi chính thức rời Liên minh châu Âu vào năm 2020, nước Anh đã trải qua giai đoạn điều chỉnh đầy khó khăn về chính sách đối ngoại và an ninh. Mối quan hệ với EU, vốn từng là trụ cột trong chiến lược toàn cầu của London đã suy giảm rõ rệt, đặc biệt trong các cơ chế quốc phòng tập thể như Chính sách An ninh và Quốc phòng chung (CSDP). Tuy nhiên, những diễn biến mới cho thấy một “làn gió mới” đang thổi qua các hành lang ngoại giao châu Âu.

Ngày 12/5, Ngoại trưởng Anh David Lammy chủ trì cuộc họp với các Ngoại trưởng đến từ các nước chủ chốt của EU gồm Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Ba Lan nhằm thảo luận các bước đi tiếp theo trong hỗ trợ Ukraine và tăng cường hợp tác quốc phòng khu vực. Hội nghị được xem là bước chuẩn bị quan trọng trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Anh - EU dự kiến diễn ra vào ngày 19/5 tới tại London dưới sự chủ trì của Thủ tướng Anh Keir Starmer.
Tại cuộc họp, một trong những trọng tâm được các bên đặc biệt quan tâm là khả năng hình thành một khuôn khổ hợp tác quốc phòng mới giữa Anh và EU - dấu mốc được kỳ vọng sẽ tái gắn kết chiến lược sâu sắc nhất giữa hai bên kể từ sau Brexit. Theo dự thảo hiệp ước đang được thảo luận, binh sĩ Anh có thể sẽ lần đầu tiên kể từ năm 2020 được triển khai trong các nhiệm vụ thuộc Chính sách An ninh và Quốc phòng chung của EU.
Phát biểu trước báo giới, ông Lammy nhấn mạnh: “Chúng ta đang đối mặt với thời khắc mang tính bước ngoặt có một không hai đối với an ninh tập thể của toàn châu Âu. Thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày hôm nay không chỉ là tương lai của Ukraine, mà còn là sự tồn vong của châu lục trước các mối đe dọa chiến lược kéo dài”.
Không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, cuộc họp ngày 12/5 được xem là bước đi thực chất nhằm khởi động một giai đoạn hợp tác mới giữa Anh và EU trong lĩnh vực quốc phòng. Ngoài phiên họp toàn thể, ông Lammy cũng có các cuộc gặp song phương với đại diện của nhiều nước EU nhằm bàn bạc chi tiết các điều khoản hợp tác, từ chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện quân sự, cho tới khả năng Anh tham gia các cơ chế hoạch định chính sách quốc phòng chung của khối.
Giới quan sát nhận định, kết quả hội nghị lần này sẽ đặt nền móng cho thỏa thuận quốc phòng toàn diện dự kiến được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Anh - EU. Thỏa thuận không chỉ có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh địa chính trị hiện tại, mà còn là bước đi quan trọng nhằm hàn gắn những rạn nứt kéo dài gần một thập kỷ giữa hai bờ eo biển Manche hậu Brexit.
Chất xúc tác cho liên kết an ninh mới
Yếu tố then chốt thúc đẩy sự xích lại gần nhau giữa Anh và EU chính là tình hình chiến sự tại Ukraine. Trong bối cảnh Moscow gia tăng hoạt động quân sự tại khu vực Donbas và miền Nam Ukraine, phương Tây đang chịu sức ép phối hợp hành động ở cấp cao nhất để duy trì hỗ trợ quân sự và ngăn chặn nguy cơ lan rộng xung đột.
Ngày 10/5, các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, Ba Lan và Anh đã hội kiến Tổng thống Ukraine Zelensky tại Kiev để thể hiện sự ủng hộ chung trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi Nga đồng ý ngừng bắn 30 ngày với Ukraine. Mục tiêu của chuyến công du là thể hiện sự ủng hộ đối với đề xuất hồi tháng 3 của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc ngừng bắn ngay lập tức 30 ngày để tạo điều kiện cho đàm phán hòa bình.
Song song với hành động ngoại giao, Chính phủ Anh cũng tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các thực thể và cá nhân hỗ trợ cuộc xâm lược của Nga. Đây được coi là bước đi thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của chính phủ Thủ tướng Keir Starmer trong việc tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn với Điện Kremlin.
Ngoài Ukraine, hai bên cũng thảo luận các chủ đề an ninh then chốt khác như ứng phó với hoạt động gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Âu, chống khủng bố xuyên quốc gia và củng cố năng lực phòng thủ mạng. Những chủ đề này cho thấy, Anh - EU không chỉ tìm kiếm sự gắn kết trong chiến thuật ngắn hạn, mà còn hướng tới thiết lập nền tảng hợp tác chiến lược lâu dài.
Thỏa thuận quốc phòng giữa Anh và EU, nếu đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 19/5 tới, sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai bên. Đó không chỉ là hành động mang tính biểu tượng nhằm “gỡ gạc” khoảng trống hậu Brexit, mà còn là phản ứng thực tiễn trước các mối đe dọa hiện hữu.
Về mặt chiến lược, bước tiến này làm rõ một thực tế: dù Anh đã rời khỏi EU về mặt thể chế, nhưng quốc gia này vẫn là một phần không thể tách rời trong cấu trúc an ninh chung của châu Âu. Về chính trị, động thái của chính quyền Thủ tướng Starmer còn là nỗ lực tái định hình vai trò toàn cầu của Anh - một quốc gia không còn là “cầu nối” giữa EU và Mỹ, nhưng có thể là “trụ cột độc lập” trong cấu trúc an ninh châu Âu mở rộng.
Tuy nhiên, những bước đi tiếp theo cần được triển khai thận trọng nhằm tránh làm sâu sắc thêm các vết nứt trong nội bộ EU, đồng thời đảm bảo rằng mọi hình thức hợp tác đều dựa trên nguyên tắc lợi ích tương hỗ và tôn trọng sự độc lập trong chính sách của mỗi bên.