Anh gia nhập CPTPP và ảnh hưởng với châu Á
Tờ The Straits Times đưa ra nhận định rằng với việc Anh tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khối thương mại tự do mở rộng này giờ đây sẽ phải đối mặt với sự phức tạp là cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc) đều xin trở thành thành viên của khối.
Khẳng định lại vị thế
Thông thường, bất kỳ chuyển động nào trong các thỏa thuận mở cửa thị trường, chẳng hạn như các thỏa thuận thương mại – thường có xu hướng “đóng băng” vào những thời điểm tốt nhất – đều được hoan nghênh. Do đó, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP vào tháng 4 vừa qua là một cột mốc quan trọng, đặc biệt đây là lần mở rộng đầu tiên của khối thương mại tự do này kể từ khi thành lập với tư cách là một tổ chức gồm 11 quốc gia vào năm 2018. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kết hợp của CPTPP ước tính tăng từ 11.700 tỷ USD lên 14.800 tỷ USD cùng với việc bổ sung thành viên thứ 12.
Nền kinh tế Anh có thể đang gặp khó khăn và khó có thể thoát khỏi suy thoái kỹ thuật vào năm 2023. Tuy nhiên, Anh luôn là một quốc gia thương mại hùng mạnh, và ở châu Âu chỉ có GDP của Đức là lớn hơn. Trong CPTPP, Anh chỉ đứng sau Nhật Bản về quy mô. Vì vậy, việc nước này gia nhập CPTPP có ý nghĩa nhất định.
Việc CPTPP, ban đầu được cơ cấu xung quanh các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, sẽ được chào đón ở một quốc gia Đại Tây Dương cũng nên được coi là điều tích cực, khi các nền kinh tế quan trọng hơn giờ đây có thể bị cám dỗ cân nhắc gia nhập một khi nhóm này được coi là tổ chức xuyên Thái Bình Dương. Việc Anh háo hức gia nhập CTPTT phần lớn là do kết quả của việc rời khỏi Liên minh châu Âu - Brexit. Nền kinh tế Anh đã phải hứng chịu hậu quả từ việc này, và quốc gia này giờ đây đang khẩn trương tìm cách xây dựng các mối quan hệ thương mại và đầu tư vượt ra ngoài châu Âu để cứu vãn triển vọng duy trì mức tăng trưởng trên 2%.
Theo Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh, việc gia nhập CPTPP sẽ cho phép các doanh nghiệp của Anh tiếp cận phi thuế quan với hơn 99% hàng hóa được xuất khẩu sang một thị trường gồm hơn 500 triệu khách hàng. Tuy nhiên, Anh đã có các thỏa thuận thương mại mạnh mẽ với ít nhất 7 trong số 11 nước thành viên của CPTPP. Vì vậy, lợi thế cận biên mà nước này nhận được từ tư cách thành viên CPTPP là tương đối ít. Trong vòng 15 năm, người ta ước tính rằng việc gia nhập sẽ làm tăng GDP của Anh lên chưa đến 1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, lợi ích thực sự đối với Anh là gấp đôi.
Thứ nhất, nó xoa dịu cái tôi quốc gia vì Anh có thể hướng tới những người anh em ở lục địa mà họ đã từ bỏ trong nỗ lực cho thấy rằng họ vẫn có bạn bè và được công nhận về tính thích đáng trên toàn thế giới. Quan trọng hơn, Anh có được tiếng nói lớn hơn ở khu vực đang phát triển nhanh hiện nay được gọi là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Quả thật, địa chính trị của châu Á có thể trở nên phức tạp hơn với sự thành công của Anh trên con đường tiến tới CPTPP, đặc biệt là sự chú ý giờ đây phải chuyển sang các bên đang đăng ký gia nhập khác. Cả Đại lục và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã gửi hồ sơ xin gia nhập chỉ vài tháng sau khi Anh đăng ký tham gia.
Bàn cờ địa chính trị
Giờ đây, khi 11 quốc gia thành viên CPTPP đã nhất trí để Anh tham gia thì không có lý do gì để trì hoãn xem xét 2 đơn xin gia nhập vốn đang trong quá trình triển khai, đặc biệt là nếu họ đã bày tỏ sẵn sàng tham gia với các thỏa thuận chất lượng cao. Vấn đề là tình hình địa chính trị của khu vực, với cốt lõi là vấn đề Đài Loan, đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều bởi những hành động can thiệp. Mỹ và Nhật Bản đang phối hợp với nhau chặt chẽ hơn bao giờ hết, và Australia cũng ngày càng trở thành một phần của “bức tranh toàn cảnh” này.
Mặc dù Chính quyền Biden hiện tại đã loại bỏ mọi cơ hội Mỹ tham gia trở lại sau quyết định của Chính quyền Donald Trump từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP, nhưng rõ ràng Washington vẫn để mắt đến nhóm này và sẽ tìm cách tác động đến các quyết định của nhóm từ bên ngoài. Còn Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott, xuất hiện trước một ủy ban của Quốc hội Australia thảo luận về phản ứng của Canberra đối với việc xin gia nhập của Anh, đã lưu ý rằng việc Anh trở thành thành viên của nhóm này sẽ có nghĩa là “các quốc gia trong Liên minh Ngũ nhãn đang có quan hệ đối tác kinh tế cũng như an ninh” khác. Do đó, ngoài Australia và Canada, vốn đều là đồng minh hiệp ước, sự tham gia của Anh mang lại cho Mỹ sự ủy nhiệm thứ ba trong CPTPP. Và mục tiêu, không gì khác, là “ngăn chặn” Trung Quốc.
CPTPP nhìn chung vận hành theo cơ chế đồng thuận. Trung Quốc tham gia CPTPP, bất kể nền kinh tế nước này có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với khu vực và thế giới, thì cũng sẽ gây khó khăn cho một số thành viên hiện tại vì một hoặc một vài lý do khác. Ngoài Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc), thì còn có Ecuador, Costa Rica và Uruguay cũng đã xin gia nhập CPTPP.