APEC 2022: Rộng mở, kết nối và cân bằng

Chủ Nhật, 20/11/2022, 22:01

Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sẽ được tổ chức vào ngày 18 và 19 /11/2022 tại Thái Lan trong bối cảnh căng thẳng chưa từng có trên trường quốc tế do cuộc đối đầu giữa Nga – NATO, sự leo thang ở eo biển Đài Loan và bất ổn gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

Chủ đề của sự kiện năm nay là “Rộng mở, kết nối và cân bằng”. Các mục tiêu chính của hội nghị gồm: Mở ra cơ hội mới trong thương mại và đầu tư cho toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương; tăng cường kết nối các quốc gia và nền kinh tế trong tất cả các lĩnh vực; cũng như đóng góp vào sự cân bằng trong các khía cạnh khác nhau để hoàn thành mục tiêu chung về phát triển bền vững. Kinh tế carbon thấp sẽ là tâm điểm chú ý trong sự kiện này, cùng với đó là việc thực hiện các đổi mới sáng tạo một cách tự do và công bằng và tăng cường quan hệ nội bộ khu vực. Một trong những ý tưởng chính là trao quyền tự chủ lớn hơn cho các bên tham gia kinh tế khi đối mặt với những phức tạp trong quan hệ giữa các nước.

APEC 2022: Rộng mở, kết nối và cân bằng -0
Một hoạt động trù bị cho APEC 2022 được tổ chức tại Chiang Mai, Thái Lan cuối tháng 8/2022.

Vào thời điểm thành lập (1989), APEC không có đối thủ. Tuy nhiên, hiện nay, diễn đàn này chỉ là một phần của mạng lưới cấu trúc và tổ chức đã xuất hiện trong khu vực kể từ đó. Các chức năng và mục tiêu tương tự như APEC cũng được nêu trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) của Mỹ. Tuy nhiên, APEC vẫn chưa mất đi tầm quan trọng của nó. Việc tuân thủ nguyên tắc chủ nghĩa khu vực mở, trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa đang lan rộng, được cho là có khả năng ngăn chặn sự thống trị của các nhóm khu vực khép kín. Việc APEC tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và tăng khả năng hoạt động của giới doanh nhân dường như cũng là một lợi thế.

APEC 2020 tại Malaysiađã thông qua một tài liệu chính sách mới là Tầm nhìn Putrajaya 2040, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng kinh tế, gồm thương mại và đầu tư, đổi mới và số hóa, cũng như tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm. Năm 2021, New Zealand đã phê chuẩn Kế hoạch Hành động Aotearoa để thực hiện Tầm nhìn Putrajaya. Phục hồi kinh tế sau đại dịch, tự do hóa hơn nữa các hoạt động thương mại và đầu tư, kết nối khu vực mạnh mẽ hơn, đảm bảo sự di chuyển an toàn cho các cá nhân, phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế tuần hoàn sinh học, kiểm soát biến đổi khí hậu là một số ưu tiên chính của APEC trong và sau năm 2022.

Tuy nhiên, bất chấp tính hợp lý và nhất quán của các ưu tiên, trong tương lai gần, APEC khó có khả năng làmcơ sở cho sự hội nhập Thái Bình Dương quy mô lớn sau này. Trong khu vực, APEC vẫn thường được coi là một “dự án phương Tây” để thúc đẩy mối quan hệ xuyên Thái Bình Dương cùng với môhình kinh tế tự do ở Đông Á,với đối trọng chính là Trung Quốc. Vì thế, hiển nhiênTrung Quốc và một số quốcgia khác trong khu vực không có xu hướng cho rằng diễn đàn này mang tính phổ quát, cũng khó mà tán thành tất cả các nguyên tắc hoạt động của nó. Hơn nữa, ngay cả Mỹ cũng đã nhấn mạnh các dạng thức liên chính phủ toàn diện hơn, chẳng hạn như TPP ban đầu (nhưng rồi chính Mỹ lại rút ra và giờ đây được thay thế bằng CPTPP) và IPEF mới được đề xuất, thay vì cấu trúc cồng kềnh với 21 nền kinh tế, như một phần trong việc tái cân bằng chính sách Thái Bình Dương.

Với tư cách là một thành viên, năm 2012, Nga đã đưa ra chương trình nghị sự xácđịnh hoạt động của diễn đàn trong nhiều năm sau đó. Thứ nhất là tự do hóa thương mại và đầu tư, hội nhập kinh tế khu vực, với trọng tâm là cải thiện môi trường hành chính và dỡ bỏ rào cản đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thứ hai là tăng cường cơ chế an ninh lương thực, bao gồm việc hình thành các thị trường bền vững, nông nghiệp sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của các nhóm người dễ bị tổn thương và duy trì hệ sinh thái một cách có trách nhiệm. Thứ ba là phát triển vận tải, hậu cần và chuỗi cung ứng đáng tin cậy, bao gồm việc loại bỏ các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng ứng phó khẩn cấp và bảo vệ cơ sở hạ tầng giao thông khỏi các cuộc tấn công khủng bố. Cuối cùng là tương tác chuyên sâu để đảm bảo tăng cường đổi mới sáng tạo, cụ thể là đầu tư vào công nghệ cao, tương tác xuyên biên giới giữa các trung tâm công nghệ và vượt qua “khoảng cách kỹ thuật số”.

Dạng thức quan hệ đối tác phi chính phủ đặc biệt phù hợp với thời đại ngày nay, khi xét tới các hạn chế về tài chính, giao thông và các lĩnh vực khác do phương Tây đặt ra. Tháng 5/2022, Hội nghị Bộ trưởng APEC đã được tổ chức tại Bangkok. Do đại diện của Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand và Mỹ có động thái phản ứng với Nga nên đã không có tuyên bố chung nào được thông qua. Tuy nhiên, 23 trong số 24 nội dung đã được thống nhất, đã khẳng định khả năng của APEC trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế quốc tế.

Trong một môi trường thương mại và đầu tư khó khăn như hiện nay, việc tập trung xây dựng mối quan hệ đối tác linh hoạt với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ngoài các thỏa thuận liên chính phủ thông thường là phù hợp với một nước như Nga. Trong khi đó, Bangkok, vốn có thể tận dụng vai trò trung tâm và trung gian, có khả năng sẽ đáp ứng tất cả các bên liên quan. Với việc Mỹ đảm nhận chức Chủ tịch APEC vào năm 2023 thì bây giờ chính là thời điểm tốt nhất để thiết lập các hình thức hợp tác đầy hứa hẹn để làm tiền đề vượt qua những khúc mắc trong tương lai.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.