ASEAN trước thách thức thay đổi địa chính trị
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang chứng kiến sự thay đổi địa chính trị với sự hồi sinh của quan hệ đối tác an ninh Bộ tứ và sự hình thành một quan hệ an ninh mới giữa 3 nước Australia, Anh, Mỹ (AUKUS). Các thay đổi này đặt ra những thách thức nào đối với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một vấn đề đáng quan tâm.
Các nước Đông Nam Á đã đi cả chặng đường dài lịch sử chứng kiến sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài. Nếu như một số nước từng là thuộc địa của đế quốc phương Tây thì toàn bộ khu vực này từng là một phần trong cuộc cạnh tranh lưỡng cực Mỹ và Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngày nay, Đông Nam Á vẫn thu hút mối quan tâm toàn cầu to lớn khi khu vực này chiếm vai trò trung tâm của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một khái niệm chiến lược vốn đóng vai trò cốt lõi trong chính sách đối ngoại của nhiều nước phương Tây, bao gồm Mỹ, Đức và Pháp.
Ngoài ra, Đông Nam Á là một trong những khu vực chứng kiến cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung diễn ra rõ ràng hơn cả. ASEAN trở thành chủ thể của cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc này.
Sự trỗi dậy của Bộ tứ
Với 2 hội nghị thượng đỉnh diễn ra chỉ trong vòng 1 năm, nhóm Bộ tứ đang bước vào giai đoạn “hồi sinh” mới dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Diễn biến về nhóm an ninh này chắc chắn không nằm ngoài sự dõi theo sát sao của ASEAN.
Sự hồi sinh của Bộ tứ có thể khiến tình hình chiến lược ở khu vực Đông Nam Á trở nên phức tạp hơn và có thể ảnh hưởng đến quan điểm và lập trường của ASEAN là một khu vực trung lập như đã tuyên bố trong khuôn khổ Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN). Được ký kết năm 1971 giữa lúc quan hệ giữa Mỹ và khối phương Đông leo thang căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh, ZOPFAN được xem là “kim chỉ nam” để các nước thành viên ASEAN quản lý quan hệ của mình với những cường quốc bên ngoài.
Mặc dù các nước thành viên Bộ tứ không đưa ra bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào đối với những khu vực tranh chấp ở Biển Đông song họ lại coi việc quan tâm đến tranh chấp như một vấn đề “thúc đẩy một trật tự khu vực tự do và cởi mở dựa trên quy tắc pháp trị, bắt nguồn từ luật lệ quốc tế, nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng cũng như đối phó với những mối đe dọa đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói riêng và ở những khu vực khác nói chung”.
Đây cũng chính là một phần của tuyên bố chung mà nhóm Bộ tứ đưa ra sau hội nghị trực tuyến đầu tiên diễn ra hôm 12-3-2021. Thông điệp của tuyên bố này gợi lên một viễn cảnh có thể xảy ra trong tương lai vốn tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đòi hỏi các nước thành viên ASEAN cần có những hành động thận trọng.
Ở một khía cạnh khác, vai trò trung tâm của ASEAN cũng có thể bị thách thức bởi Bộ tứ 2.0. Vai trò trung tâm của ASEAN được thể hiện rõ nét thông qua Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Được thành lập năm 1994, ARF đã tô đậm vai trò trung tâm của khối 10 nước này đối với vấn đề an ninh khu vực khi tạo ra một cơ chế đối thoại về những vấn đề an ninh-chính trị cho 26 nước tham gia, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc.
Một cơ chế đối thoại an ninh khác do nhóm Bộ tứ thiết lập và chỉ bao gồm 4 thành viên là những cường quốc bên ngoài khu vực có thể thay thế vai trò trung tâm của ARF trong trật tự an ninh khu vực. Nỗ lực của ASEAN nhằm thu hút tất cả thành viên ARF ngồi cùng bàn thảo luận về những quan ngại an ninh khu vực sẽ không còn dễ dàng như trước kia khi đối thoại an ninh Bộ tứ vươn lên đóng vai trò chủ đạo trong cấu trúc an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Viễn cảnh này có nguy cơ làm lu mờ cơ chế đối thoại an ninh ARF mà ASEAN đã duy trì trong 27 năm qua trên cơ sở “đối thoại và hợp tác, đưa ra quyết định dựa trên đồng thuận, không can thiệp, tiệm tiến, phù hợp với các bên tham gia”.
Bộ tứ khẳng định với ASEAN rằng nhóm này sẽ tôn trọng tính thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, trên cơ sở Tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà khối này đưa ra hồi năm 2019. Dù vậy, ASEAN vẫn cần tiến hành công tác đánh giá thường xuyên tuyên bố này của Bộ tứ. Lý do là căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng có thể làm thay đổi những kế hoạch ban đầu của Bộ tứ và một lần nữa có thể biến Đông Nam Á thành một đấu trường đầy rủi ro của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.
AUKUS: Phép thử cho sự đoàn kết nội khối
Các nước thành viên ASEAN đã có phản ứng khác nhau trước sự ra đời của AUKUS. Nếu như Indonesia và Malaysia cảnh báo nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân, thì Philippines ủng hộ liên minh này. Sự khác biệt về các chiến lược an ninh cũng như sự thừa nhận khác nhau về những “mối đe dọa an ninh” đã dẫn đến sự phản ứng khác nhau giữa các thành viên của khối. Mặc khác, ASEAN sẽ có thể “ngồi im một chỗ” khi lâu nay khối này luôn cam kết duy trì một khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân thông qua “kim chỉ nam” là Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) hẹp dự kiến diễn ra ngày 10-11-2021 theo hình thức trực tuyến sẽ là dịp để các nước thành viên thống nhất quan điểm về AUKUS. Đã có quan ngại cho rằng nếu không thống nhất được lập trường thì điều này có thể đe dọa tiến trình hội nhập chính trị và an ninh của khối nói chung và kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025.
Như vậy, sự hồi sinh và mở rộng những cơ chế hợp tác đa phương nói trên sẽ đặt ra những thách thức tiềm ẩn đối với chủ nghĩa đa phương lấy ngoại giao chính trị làm trọng tâm do ASEAN dẫn dắt trong khu vực. Những thách thức này sẽ lộ rõ hơn trong năm 2022 khi Campuchia đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh ký ức “câu chuyện buồn” về vai trò chủ tịch của nước này hồi năm 2012 vẫn còn nguyên vẹn.