Australia: Sự trở lại ngoạn mục của Công đảng

Thứ Sáu, 27/05/2022, 16:00

Việc Chủ tịch Công đảng Australia Anthony Albanese giành chiến thắng, nắm giữ vị trí lãnh đạo đất nước, đồng thời đưa Công đảng quay trở lại nắm quyền sau 9 năm ở phía đối lập sẽ trở thành một trong những sự kiện đáng chú ý nhất ở quốc gia này, cả về hành trình đi lên nắm quyền lực của cá nhân ông Albanese và cả bối cảnh đất nước Australia giúp ông giành chiến thắng.

Ông Anthony Albanese đã chính thức nhậm chức vào ngày 23-5, ngay sau khi Công đảng do ông lãnh đạo giành chiến thắng ngoạn mục trước liên minh cầm quyền bao gồm các đảng phái tự do và đảng bảo thủ của Thủ tướng Scott Morrision trong cuộc bầu cử trước đó. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Albanese cùng tân Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong bay sang Tokyo (Nhật Bản) để tham dự hội nghị nhóm QUAD (gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản), tại đó ông sẽ có cuộc hội đàm đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Australia: Sự trở lại  ngoạn mục của Công đảng -0
Tân Thủ tướng Australia Albanese lên đường sang Nhật Bản họp nhóm QUAD.

Bất kỳ ai quan tâm đến chính trị Australia hẳn sẽ biết đến câu chuyện khá đặc biệt về đời tư lẫn chính trị của ông Albanese. Xuất thân là một cậu bé sống với người mẹ đơn thân bằng tiền trợ cấp tàn tật trong nhà ở công cộng tại khu ngoại ô Camperdown, Sydney, Albo (tên gọi thân mật của ông) không biết mặt cha, chỉ nghe nói rằng cha ông đã chết trong một tai nạn xe cộ. Khi trưởng thành, mẹ ông mới cho biết rằng cha ông còn sống và hiện đang ở Italy cùng gia đình mới. Lúc đó ông Albanese không muốn tìm gặp cha mình, nhưng vài năm sau khi mẹ qua đời (2001), ông đã suy nghĩ lại và tìm gặp cha và 2 người em cùng cha khác mẹ.

Năm nay 59 tuổi, ông Albanese là một chính khách kỳ cựu của Công đảng, giữ nhiều vị trí lãnh đạo trong Công đảng suốt sự nghiệp chính trị của mình, và đã có 26 năm làm nghị sĩ trong quốc hội liên bang Australia. Ông tham gia hoạt động chính trị từ khi còn học đại học, theo quan điểm thiên tả, là một nhà hoạt động sinh viên, thuộc cánh tả của Công đảng, nổi tiếng bởi câu nói “thích chiến đấu với đảng Bảo thủ”.

Ông Albanese thăng tiến trong Công đảng dưới thời các nhà lãnh đạo Kim Beazley và Simon Crean vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, trước khi trở thành Bộ trưởng Giao thông và Cơ sở hạ tầng sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2007 của ông Kevin Rudd. Ông Albanese cũng giữ vị trí lãnh đạo quan trọng của hạ viện, điều hành luật pháp của chính phủ và đàm phán với những nghị sĩ đối lập trong thời gian quốc hội bị treo năm 2010 dưới thời bà Julia Gillard làm thủ tướng.

Trong thời gian Australia chuyển đổi lãnh đạo liên tục từ ông Rudd sang bà Gillard rồi trở lại ông Rudd làm thủ tướng, ông Albanese là một nhân tố quan trọng. Sau khi tuyên bố không thể ủng hộ Gillard, ông kêu gọi Công đảng đoàn kết lại và chấm dứt tình trạng chia rẽ nội bộ. Trong chính phủ thứ hai của ông Rudd, ông Albanese trở thành cấp phó lãnh đạo Công đảng và là phó thủ tướng. Đó chỉ là một nhiệm kỳ ngắn ngủi trước khi Công đảng thất bại trong trong cuộc bầu cử năm 2013. Sau thất bại của Công đảng, ông tiếp tục nổi lên, nhận được sự ủng hộ rất cao của các đảng viên bình dân nhưng vẫn chưa đủ sức đánh bại người lãnh đạo đảng lúc đó là ông Bill Shorten. Sau đó, với việc Shorten dẫn dắt Công đảng thất bại trong hai kỳ bầu cử liên tiếp (2016, 2019), ông Albanese đã trở thành phương án thay thế ông Shorten. Thế là ông Ablanese lại ra tay lần nữa vào năm 2019 và giành được vị trí lãnh đạo đảng.

Ngay sau khi nắm ghế lãnh đạo, ông Albanese cải tổ chiến lược của đảng, loại bỏ những sai lầm của các chiến dịch trước đó và đặt ra chương trình nghị sự để trở thành một nhà lãnh đạo đối lập hòa giải và hợp tác hơn.

Trong đại dịch COVID-19, phong trào phản đối chính phủ lan rộng trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc ông Albanese nỗ lực để tránh sự đối kháng và chống đối không cần thiết đã khiến ông bị các đồng nghiệp và giới truyền thông chỉ trích. Tuy nhiên, ông Albanese vẫn không dao động, tự tin với niềm tin của mình rằng người Australia đã “mệt mỏi do xung đột”. Với tính kỷ luật cao được các ứng cử viên tuân thủ triệt để, Công đảng đã nhắm từng mục tiêu nhỏ, giành chiến thắng trên từng vị trí để góp lại thành chiến thắng chung.

Cam kết đầu tiên mà ông Albanese đưa ra trong bài phát biểu chiến thắng vào tối 21-5 là ông sẽ tìm kiếm một cuộc trưng cầu dân ý để thay đổi Hiến pháp Australia để duy trì tiếng nói của người bản địa (Indeginous) trước quốc hội.

Bà Linda Burney, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề bản địa sắp tới của Công đảng, người phụ nữ Wiradjuri, cho biết cuộc cải cách sẽ “thay đổi bộ mặt của đất nước này” và giúp Australia “trưởng thành hơn” với tư cách là một quốc gia.

Chính sách nổi bật nhất của tân Thủ tướng Australia sẽ là vấn đề biến đổi khí hậu. Mục tiêu cắt giảm khí thải được điều chỉnh không quá tham vọng nhưng cũng không thấp hơn mong đợi của đa số cử tri khi ông Albanee đưa ra chiến lược tranh cử đã giúp Công đảng giành chiến thắng quyết định trước liên minh 2 đảng Liberal và National. Chính sách này sẽ tiếp tục được ông Albanese hiện thực hóa khi chính phủ của ông chính thức đi vào hoạt động sau chuyến công du Nhật Bản.

Tại cuộc họp báo ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Albanese cho rằng chính sách đối ngoại của chính phủ của ông sẽ thay đổi trong môt số vấn đề toàn cầu như: biến đổi khí hậu, các quan hệ hữu nghị và các liên minh. Trong đó, quan hệ xấu đi trong thời gian gần đây giữa Australia và Trung Quốc được ông Albanese thông tin rằng sẽ tiếp tục “khó khăn”. Ông Albanese phát đi tín hiệu rằng chính phủ của ông sẽ có cách tiếp cận “ít tích cực” hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc để theo đuổi lợi ích quốc gia của Australia. “Chính Trung Quốc đã thay đổi chứ không phải Australia và Australia nên luôn bảo vệ các giá trị của mình, chính phủ do tôi lãnh đạo sẽ làm như vậy” - ông Albanese nhấn mạnh.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.