Balochistan - mầm mống xung đột mới ở Nam Á

Thứ Tư, 24/01/2024, 20:40

Liên tiếp các đợt không kích của Iran (ngày 16/1) và Pakistan (ngày 17/1) nhằm vào các vị trí trong vùng Balochistan nằm ở 2 phía biên giới Pakistan và Iran đã làm dấy lên lo ngại nguy cơ phát sinh xung đột mới ở khu vực Nam Á. Cả Iran và Pakistan đều quy kết láng giềng của mình chứa chấp các nhóm khủng bố bên trong lãnh thổ mình thuộc vùng Balochistan, trong khi người Balochistan từ lâu nay cũng đấu tranh đòi độc lập, tách khỏi 2 nước Iran và Pakistan.

Lịch sử vùng đất bất ổn

Balochistan là vùng đất có bản sắc văn hóa và lịch sử riêng biệt. Vùng đất này nằm ở ngã ba biên giới, trùm lên lãnh thổ của ba quốc gia: Pakistan, Iran và Afghanistan. Vùng đất này lấy tên từ bộ tộc Baloch, những người bắt đầu sinh sống ở đây từ nhiều thế kỷ trước và từ lâu đã bị tranh giành và chia rẽ bởi những kẻ thống trị người Ba Tư và người Anh. Phần lớn nhất của vùng đất này là ở phía tây nam Pakistan, được sáp nhập vào năm 1948 sau khi Pakistan giành được độc lập. Mặc dù đây là tỉnh lớn nhất của Pakistan - chiếm 44% tổng diện tích đất liền - nhưng cảnh quan sa mạc khô cằn, là khu vực ít người sinh sống nhất và kinh tế kém phát triển nhất của đất nước và đã bị tàn phá bởi bất ổn, chiến tranh trong nhiều thập kỷ.

Balochistan - mầm mống xung đột mới ở Nam Á -0
Dân thường Balochistan phản đối bạo lực chiến tranh.

Balochistan có lịch sử chống chính phủ Pakistan kéo dài hàng chục năm, với các cuộc nổi dậy của các nhóm chiến binh đấu tranh cho một nhà nước Balochistan độc lập bắt đầu vào năm 1948, sau đó bị dập tắt và bùng lên trở lại vào những năm 1950, 1960, 1970 và đặc biệt là sau năm 2003. Người dân Balochistan từ lâu đã cảm thấy vùng đất của họ bị bỏ quên về mặt kinh tế và chính trị, làm dấy lên sự phẫn nộ đối với các thể chế cầm quyền.

Nhìn chung, kể từ khi Pakistan giành độc lập vào năm 1948 đến nay, vùng đất Balochistan đã trải qua 5 cuộc xung đột gắn liền với phong trào đấu tranh đòi độc lập của Balochistan. Cuộc xung đột hiện tại đã bắt đầu khởi xướng từ năm 2005 và kéo dài dai dẳng đến nay.

Để đối phó với cuộc nổi dậy của phiến quân, các lực lượng quân sự, bán quân sự và tình báo Pakistan đã tiến hành một cuộc đàn áp, chống nổi dậy đẫm máu và kéo dài tại Balochistan, với hàng chục nghìn người “mất tích”, bị tra tấn và sát hại mà không bị trừng phạt.

Cuộc nổi dậy đòi ly khai lên đến đỉnh điểm sau cái chết của nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa Akbar Bugti vào năm 2006. Tuy nhiên, kể từ năm 2013, sức mạnh và cường độ của cuộc nổi dậy giảm dần. Cuộc bầu cử năm 2013 dẫn đến sự hình thành liên minh giữa các đảng chính trị dân tộc chủ nghĩa thuộc sắc tộc Baloch và Pashtun và họ cai trị tỉnh này trong bốn năm tiếp theo. Những người sáng lập ra cuộc “cách mạng Baloch” đều đã chết và không có thế hệ kế thừa để tiếp nối họ. Một yếu tố khác hạn chế phạm vi nổi dậy của chủ nghĩa dân tộc Baloch là đấu đá nội bộ giữa các nhóm ly khai.

Phần lớn sự bất đồng dẫn đến đụng độ giữa các nhóm ly khai và tấn công các nhà lãnh đạo ủng hộ chính phủ cũng như các chính trị gia sẵn sàng tham gia bầu cử cũng góp phần làm giảm sức hấp dẫn của phe ly khai. Hiện tại, những thành phần ly khai đang tiếp tục đấu tranh với nhau. Các cuộc đụng độ giữa Quân đội Giải phóng Baloch (BLA) với Quân đội Baloch Thống nhất (UBA) luôn dẫn đến hàng chục người chết ở cả hai bên.

Hơn nữa, phe ly khai đang hao hụt dần lực lượng. Mặc dù chưa rõ sức mạnh chính xác của BLA, nhưng các nhà phân tích tin rằng BLA hiện chỉ có vài trăm chiến binh đóng quân ở vùng biên giới Balochistan của Afghanistan. Nhóm này là nhóm duy nhất tồn tại trong số các nhóm ly khai khác (UBA, BLF, BLUF và LeB) từng hoạt động trong khu vực.

Mầm mống xung đột mới

Cuộc nổi dậy của phiến quân cũng là nguyên nhân gây căng thẳng kéo dài giữa Pakistan và nước láng giềng Iran, hai bên cáo buộc lẫn nhau chứa chấp những kẻ khủng bố ly khai. Các cuộc tấn công xuyên biên giới đã giết chết hàng chục binh sĩ, cảnh sát và dân thường Iran trong 5 năm qua.

Đặc biệt, Iran đã cáo buộc Pakistan cho phép các chiến binh thuộc nhóm ly khai Sunni Jaish al-Adl (Quân đội Công lý) hoạt động tự do từ Balochistan và thực hiện các cuộc tấn công vào chính quyền Iran. Vào tháng 12/2023, 11 sĩ quan cảnh sát Iran đã thiệt mạng và một số người bị thương khi phiến quân Jaish al-Adl tấn công một đồn cảnh sát ở tỉnh Sistan và Balochistan của Iran. Gần đây nhất là vụ đánh bom tự sát do Isis-K, chi nhánh của IS ở Afghanistan thực hiện, đã giết chết 85 người Iran ở thành phố Kerman phía Đông Nam Iran vào ngày 3/1.

Phía Pakistan, vào năm 2023 có tổng cộng 10 binh sĩ và nhân viên an ninh Pakistan đã thiệt mạng trong ba cuộc tấn công riêng biệt ở Balochistan do các chiến binh được cho là hoạt động từ phía Iran thực hiện.

Ngày 16/1, Iran phát động đợt không kích vào một số vị trí ở tỉnh Balochistan của Pakistan. Cuộc tấn công đã phá hủy hai thành trì của nhóm chiến binh Sunni Jaish al-Adl ở khu vực Koh-e-Sabz thuộc tỉnh Balochistan của Pakistan. Các cuộc tấn công tên lửa là để trả đũa vụ đánh bom tự sát của Isis-K.

Iran tuyên bố rằng tình báo Israel đã hợp tác với Isis-K, nhưng phạm vi địa lý của phản ứng của Iran làm tăng thêm lo ngại về sự leo thang bạo lực hơn nữa trên toàn khu vực. Iran cho biết các cuộc tấn công nhằm vào những kẻ khủng bố không khác gì các hoạt động ám sát do Mỹ thực hiện trên khắp khu vực Trung Đông và châu Á. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho biết “không có vấn đề nào quan trọng hơn đối với Iran ngoài an ninh của nước này”. Ngoại trưởng Iran, Hossein Amir-Abdollahian, hiện đang ở Davos, Thụy Sĩ, tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Davos 2024), cho biết chính sự ủng hộ hoàn toàn của Washington dành cho Tel Aviv mới là “gốc rễ chính của tình trạng bất ổn trong khu vực”.

Để đáp trả đòn tấn công của Iran, ngay hôm sau (17/1), Pakistan đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào phiến quân ở tỉnh Sistan và Balochistsn của Iran. Bộ Ngoại giao Pakistan tuyên bố các cuộc tấn công được thực hiện do “thông tin tình báo đáng tin cậy về các hoạt động khủng bố quy mô lớn sắp xảy ra” do phe ly khai trú ẩn bên trong biên giới Iran thực hiện.

ISPR, cơ quan truyền thông của tình báo quân đội Pakistan, cho biết các cuộc tấn công được thực hiện bằng máy bay không người lái, và tên lửa, nhằm vào nơi ẩn náu của Quân đội Giải phóng Baloch và Mặt trận Cộng hòa Baloch, hai nhóm ly khai mà Pakistan cho rằng chịu trách nhiệm về hoạt động khủng bố đang diễn ra ở tỉnh Balochistan của Pakistan. ISPR cho biết: “Chúng tôi đã thận trọng tối đa”. Người dân ở các làng biên giới ở Iran lo sợ các cuộc tấn công trả đũa của Pakistan và nhiều người đã sơ tán khỏi nhà. Mười người trong một gia đình đã thiệt mạng trong các vụ tấn công, trong đó có sáu trẻ em, được cho là tất cả đều “không phải là công dân Iran”.

Cuộc tấn công trả đũa qua lại giữa Iran và Pakistan đã làm gia tăng lo ngại về sự bất ổn hơn nữa trên khắp khu vực Trung Đông và có thể lan sang Nam Á. Sự bất ổn càng gia tăng kể từ khi Mỹ và các đồng minh phương Tây bắt đầu tấn công lực lượng dân quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Ngay sau đó, lực lượng Houthi trả đũa bằng các đòn tấn công vào tàu chở hàng của Mỹ đi qua Biển Đỏ. Tình hình này vẫn đang tiếp tục diễn ra mà không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bộ Ngoại giao Pakistan đã cố gắng hạ thấp ý nghĩa khu vực của các cuộc tấn công, tuyên bố rằng Pakistan “hoàn toàn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Hồi giáo Iran” và rằng các cuộc tấn công nhằm mục đích theo đuổi an ninh và lợi ích quốc gia của Pakistan. Đồng thời lên án các cuộc tấn công hôm 16/1 là hành vi vi phạm “bất hợp pháp” đối với không phận Pakistan và đã cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng”.

Ngay sau đó, Pakistan đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran, triệu hồi đại sứ của họ ở Tehran và trục xuất đại sứ Iran ở Islamabad. Các cuộc tập trận hải quân chung giữa hai nước cũng bị hủy bỏ. Iran và Pakistan cáo buộc nhau chứa chấp những kẻ khủng bố ly khai ở hai bên biên giới, những kẻ đã thực hiện hàng chục vụ tấn công xuyên biên giới chết người nhằm vào binh lính, cảnh sát và dân thường.

Mặc dù trước đây Iran đã thực hiện hành động ở mức độ thấp chống lại Pakistan để đáp trả các cuộc tấn công của phiến quân, nhưng các cuộc tấn công hôm 16/1 có sức nặng bất thường và các vụ đánh bom trả đũa hôm 18/1 là lần đầu tiên Pakistan đáp trả bằng hành động quân sự đối với nước láng giềng. Các nguồn tin ở Islamabad cho biết quyết định này được đưa ra sau áp lực chính trị và quân sự nặng nề đòi giới lãnh đạo quân đội hàng đầu chống Tehran. Các nhà phân tích cho biết họ tin rằng các cuộc tấn công của Pakistan chỉ diễn ra một lần để chứng tỏ sức mạnh và khó có thể leo thang trừ khi Iran trả đũa một lần nữa.

Trong một tuyên bố hôm 18/1, Bộ Ngoại giao Iran cho biết Iran cam kết duy trì mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với Pakistan, nhưng kêu gọi quốc gia láng giềng ngăn chặn việc thành lập “căn cứ khủng bố” trên đất của mình.

Balochistan - mầm mống xung đột mới ở Nam Á -0
Tên lửa Iran phóng vào Balochistan trong lãnh thổ Pakistan.

Sự can thiệp từ bên ngoài

Trong suốt chiều dài lịch sử vùng đất Balochistan luôn luôn có sự can thiệp từ các quốc gia bên ngoài. Afghanistan - một trong 3 quốc gia có liên quan Balochistan, là quốc gia hậu thuẫn các thủ lĩnh ly khai cũng như các lãnh đạo tự trị Balochistan nhiều nhất. Ngay từ thập niên 1950, dưới thời Tổng thống Mohammed Daoud Khan, Afghanistan không chỉ cung cấp nơi trú ẩn mà còn hỗ trợ huấn luyện cho các lực lượng ly khai Balochistan. Chính vì việc này mà quan hệ giữa hai nước láng giềng Afghanistan và Pakistan căng thẳng trong thời gian dài. Năm 2010, Tổng thống Hamid Karzaai của Afghanistan đã tuyên bố cho phép Brahumdagh Bugti, thủ lĩnh phiến quân Baloch cư trú vô điều kiện, từ đó dẫn đến nhiều vụ đụng độ gây bất ổn khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan.

Ngoài Afghanistan còn có Ấn Độ, Iraq, Israel, Mỹ đã có sự dính líu nhất định trong các cuộc xung đột tại Balochistan, tùy theo mức độ, hình thức khác nhau.

Chính sách chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ các lực lượng ly khai ở tỉnh Balochistan của Pakistan, để ủng hộ “sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của Pakistan. Tuy nhiên, vào tháng 2/2010, Abdulmalek Rigi, một thủ lĩnh của nhóm phiến quân Jundullah bị Iran bắt giữ, đã khai nhận trên Đài truyền hình Iran rằng “Mỹ đã hứa cung cấp cho Jundullah thiết bị quân sự và một căn cứ ở Afghanistan, gần biên giới Iran để chiến đấu chống lại Iran”. Rigi không đề cập đến việc hỗ trợ chống lại Pakistan. Mỹ đã phủ nhận các mối liên hệ với Jundullah.

Vào cuối năm 2011, xung đột Balochistan đã trở thành tâm điểm của cuộc đối thoại về chiến lược Nam Á mới của Mỹ do một số nghị sĩ Mỹ đưa ra. Họ nói rằng họ thất vọng trước việc Pakistan bị cáo buộc tiếp tục hỗ trợ cho Taliban ở Afghanistan, điều mà họ cho rằng đã dẫn tới việc chiến tranh tiếp tục kéo dài ở Afghanistan. Mặc dù giải pháp thay thế này cho chính sách Af-Pak của Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã tạo ra một số sự quan tâm, “những người ủng hộ nó rõ ràng vẫn chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi”.

Vào những năm 1980, CIA, Cơ quan Tình báo Iraq, nhóm cực đoan người Sunni ở Pakistan Sipah-e-Sahaba Pakistan và Mujahedin e-Kalq đã hỗ trợ cuộc nổi dậy của bộ lạc Baloch chống lại Iran. Một bài báo tháng 2/2011 của chuyên gia Selig S. Harrison thuộc Trung tâm Chính sách Quốc tế đã kêu gọi hỗ trợ “các lực lượng chống Hồi giáo” dọc theo bờ biển phía nam Biển Arab, bao gồm cả “quân nổi dậy Baloch đấu tranh giành độc lập tách khỏi Pakistan”, như một biện pháp làm suy yếu “thế lực chống Mỹ đang nổi lên” ở Pakistan và ngăn chặn mọi sự liên minh giữa Islamabad và Bắc Kinh (Pakistan đã cho phép Trung Quốc tiếp cận căn cứ hải quân ở Gwadar).

An Châu
.
.